Tính cách con người nhìn dưới góc độ tâm lý – Một kinh nghiệm cá nhân

0
3080

Nguyễn Công Lai

Tâm lí con người là một tổ hợp phức tạp, hình thành, phát triển và hoàn thiện theo thời gian. Trong bài viết này, tôi xin được chia sẻ một vài cảm nghiệm về tính tình của bản thân diễn ra trong đời sống thường ngày. Đồng thời, đi tìm những nguyên nhân của nó và nói lên kinh nghiệm của bản thân trong việc rèn luyện và ổn định tính tình của mình.

I. TÍNH TÌNH VÀ NHỮNG BIỂU HIỆN

  1. Tính tình là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, “tính” là những đặc điểm tâm lí riêng ổn định của mỗi người, thường biểu hiện trong thái độ, hành vi, cử chỉ. Ví dụ: Tính nóng, tính chịu khó, tính mền dẻo… Còn tính tình, tính cách, tính khí đều có nghĩa như nhau. Chúng có nghĩa là tổng thể nói chung những đặc điểm tâm lí ổn định trong cách xử sự của một người, biểu hiện thái độ của người đó trong những hoàn cảnh điển hình.[1]

Còn theo tâm lí học, tính tình được xem là một nhóm các yếu tố di truyền căn bản của mỗi cá nhân. Ở đây, các nhà tâm lí lại có những định nghĩa khác nhau về tính tình. Theo Democrite[2], ông cho rằng tính tình của một người tạo nên số mệnh của người ấy. Theo Lalande[3], tính tình là toàn thể những lối suy nghĩ và phản ứng thông thường, quen thuộc, phân biệt từng cá nhân. Còn theo Le Sene[4], tính tình là trung tâm gồm các tính căn bản di truyền tạo thành bản chất tâm sinh lí của một cá nhân. Trong các định nghĩa của các nhà tâm lí, tôi cho rằng định nghĩa về tính tình của Le Sene là chính xác hơn cả vì nó nói lên được sự bao hàm và khái quát nhất về tính tình của một cá nhân.

  1. Những yếu tố tạo nên tính tình và sự phân loại

a. Các yếu tố của tính tình

Theo các nhà tâm lí, tính tình của mỗi cá nhân được cấu tạo bởi 3 yếu tố cơ bản là: cảm tính (emotion), hoạt tính (action) và âm hưởng (resounding)[5]. Cảm tính là yếu tố khiến một cá nhân dễ bị cảm xúc, chấn động bởi những sự việc không quan trọng đối với đa số người, hoặc chẳng có liên hệ trực tiếp với cá nhân ấy. Và ngược lại, người không có cảm tính sẽ luôn luôn bình thản cả bề trong lẫn bề ngoài, trừ những trường hợp có liên hệ đến sở thích hoặc đời sống cá nhân của họ. Và hoạt tính là nhu cầu hoạt động của một cá nhân, kích thích hành động. Người không có hoạt tính dễ nản lòng khi gặp khó khăn, thất bại. Người có hoạt tính thì có những dữ tính rõ ràng; người không có hoạt tính thì chỉ nuôi mộng viễn vông. Còn âm hưởng là gì? Khi có một kích thích bên ngoài, mỗi cá nhân tiếp nhận một cách: hoặc phát động mạnh mẽ, tức thời rồi chấm dứt, hoặc tập trung lại rồi dần dần biến thành tư tưởng và hành động lâu dài, tiếp tục. Trường hợp đầu gọi là nhất thời, trường hợp sau gọi là trường cảm.

b. Sự phân loại

Ba yếu tố của tính tình vừa nêu trên là nền tảng cho mọi tính tình của cá nhân. Sự pha trộn của ba yếu tố này tạo nên tính tình đa dạng và phong phú. Dựa vào sự pha trộn của các yếu tố này, các nhà tâm lí đã chia ra làm 8 loại tính tình cơ bản là:

Tính đam mê: cảm tính + hoạt tính + trường cảm; tính phẫn nộ: cảm tính + hoạt tính + nhất thời; tính đa tình cảm: cảm tính + không hoạt tính + trường cảm; tính thần kinh: cảm tính + không hoạt tính + nhất thời; tính lãnh đạm: không cảm tính + hoạt tính + trường cảm; tính đa huyết: không cảm tính + hoạt tính + nhất thời; tính nhược: không cảm tính + không hoạt tính + trường cảm; tính vô định: không cảm tính + không hoạt tính + nhất thời.[6]

Tuy nhiên, tính tình của mỗi người không phải là một khối y nguyên mà có sự di chuyển. Có nghĩa là tính tình sẽ có những thay đổi theo thời gian, lứa tuổi, môi trường, nhận thức… trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân.

II. VÀI NHẬN ĐỊNH VÀ SUY NGHĨ VỀ TÍNH TÌNH CỦA BẢN THÂN

  1. Tính tình bản thân trong đời sống

Dù không dõi bước theo sự thay đổi của tính tình bản thân một cách thường xuyên, nhưng đôi khi nhìn lại, tôi nhận thấy tính tình bản thân có những thay đổi theo thời gian, song vẫn giữ lại những nét căn bản vốn đã có từ xưa. Ở đây, tôi xin được điểm lại vài nét cơ bản về tính tình của mình trong ba giai đoạn chính.

a. Giai đoạn là học sinh phổ thông

Từ một cậu bé choai choai, tôi bước vào cấp 2 với những bỡ ngỡ lớn. Nơi học mới, thầy cô mới, bạn bè mới, cách học mới… Những điều này đã tác động không nhỏ đến tính tình của bản thân. Giai đoạn này cũng là thời kì tôi ở trong độ tuổi dậy thì, vì thế, tính tình cũng thay đổi theo. Nếu ở Tiểu học tôi có phần hiếu động, dễ quên thì khi bước vào cấp 2, tôi trở nên mạnh bão hơn, học tốt hơn. Giai đoạn này, tôi đã ý thức được sự khác biệt nam nữ, do đó, tôi không còn chơi thân với các bạn gái như hồi tiểu học, thay vào đó là sự thích thú có khi pha trộn sự thẹn thùng. Đây cũng là giai đoạn tôi tập làm người lớn, tập trong cách ăn mặc, cách đi đứng… nhưng vẫn còn gì đó tính cách của trẻ con.[7] Tính cách của tôi giai đoạn này hầu như không rõ ràng, có khi thích vui chơi, quên việc học, có khi học hành chăm chú, đăm chiêu. Có khi tôi vui vẻ, hoạt bát nhưng cũng có khi trầm ngâm…

Sang cấp 3, tính tình của tôi bắt đầu định hình một cách tương đối rõ nét. Tôi đã bắt đầu chú tâm vào học hành và xem việc học là quan trọng nhất, thế nên, hầu như tôi ít tiếp xúc với mọi người chung quanh. Vì thế, tính cách của tôi giai đoạn này có phần khép kín, ít bộc lộ bên ngoại nhưng nội tâm lại có nhiều cảm xúc. Có thể, giai đoạn này tôi được xếp vào lớp tính cách: cảm tính + không hoạt tính + trường cảm. Bản thân có nhiều cảm xúc khi đứng trước một vấn đề, một sự việc nhưng lại không bộc lộ ra ngoài; đôi lúc thích hoạt động nhưng ngại tiếp xúc nên làm cho tôi có cảm giác khó nói chuyện, khó gần mọi người. Tư tưởng và ý chi tập trung cho việc học nhưng tâm trí đôi khi mơ mộng, không định hình. Tính cách này của tôi đã kéo dài suốt gần 3 năm cấp 3. Phải đến cuối năm lớp 12 tôi mới có thể hòa nhập một cách tương đối với bạn bè và mọi người chung quanh.

b. Giai đoạn là sinh viên đại học

Đây là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi đáng kể về tính cách của bản thân. Bước vào môi trường mới với quá nhiều sự thay đổi: sống xa nhà, tự lập, bạn bè mới, cách học và phương pháp mới… Có lẽ những thay đổi này làm cho tính cách của tôi cũng có sự thay đổi theo. Nếu ở cấp 3 tôi sống có phần khép kín thì giai đoạn học Đại học tôi hoạt bát hơn; thích tham gia vào các hoạt động xã hội hơn, nhiều bạn bè hơn. Từ tính ít hoạt động tôi đã chuyển thành tính năng động, thích hoạt động. Nhưng vẫn còn đó cảm tínhtrường cảm. Tức là tôi rất dễ xúc động khi đứng trước những sự việc đơn giản, và rồi chuyển tất cả những cảm xúc, suy nghĩ thành tư tưởng để hành động, nhất là các hoạt động phong trào sinh viên.

c. Giai đoạn là tu sĩ sống đời tu trì

Khi bước vào giai đoạn đi tu, tính cách của tôi lại có sự xê dịch. Ở giai đoạn này, tính thích hoạt động thời đại học vẫn được giữ nguyên và đôi khi đẩy sang một mức cao hơn. Vì mang trong mình tư tưởng của một người “học cao” nên tôi có phần “kiêu”, muốn thể hiện mình. Nhưng đời sống tu trì khác với những gì tôi đã sống trước đây nên làm cho bản thân bị sốc. Thế nên, giai đoạn này tôi trở nên nóng tính, dễ cáu bẳn, dễ giận, dễ buồn khi gặp những chuyện không như ý mình nhưng cũng nhanh quên, dễ hòa đồng trở lại. Có thể nói, ở giai đoạn này, tôi có thể được xếp vào lớp tính cách phẫn nộ (cảm tính + hoạt tính + nhất thời). Dần dần, với sự hướng dẫn của người có trách nhiệm và sự rèn luyện của bản thân, tính cách của tôi có sự trầm xuống, bớt nóng tính hơn nhưng xu hướng: cảm tính + hoạt tính + nhất thời vẫn chi phối tính cách của bản thân. Có điều, càng ngày tôi càng làm chủ được tính cách cho phù hợp với đời sống tu trì.

  1. Những yếu tố ảnh hưởng đến tính tình bản thân

a. Gia đình

Gia đình đã có ảnh hưởng lớn đến tính cách của tôi. Ngay từ nhỏ, tôi đã biết thế nào là cái đói, cái khát và sự thiếu thốn. Kinh tế khó khăn đã khiến cho không khí gia đình ít khi có niềm vui trọn vẹn. Nhưng vì gia đình ít con, dù khó khăn, tôi vẫn được bố mẹ cưng chiều và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc học hành. Điều này đã làm cho tính cách của tôi đôi khi muốn thể hiện mình, đôi khi bị mặc cảm, đôi khi muốn chiếm hữu và đôi khi dễ nổi nóng nếu không có điều vừa ý. Tuy tính tình của tôi đã thay đổi theo thời gian và có nhiều yếu tố tác động, nhưng những ảnh hưởng của gia đình có mức độ quan trọng nhất đến sự hình thành và phát triển tính cách của bản thân.

b. Gen di truyền

Kế đến là Gen, Gen đã có ảnh hưởng đến tính tình của con người, “tức là sự truyền thống tính chất và tập quán của tổ tiên, phụ mẫu cho con cháu”.[8] Có lẽ, tính cách của tôi ảnh hưởng khá nhiều do bố mẹ di truyền lại. Bố tôi có tính tốt bụng, hoạt bát nhưng khá nóng tính. Mẹ tôi hiền lành, đạo đức, sống tình cảm, khép kín, ít giao lưu. Điều này đã ảnh hưởng đến tính tình của tôi: có một đời sống nội tâm, thích hoạt động nhưng kèm theo đó là tính nóng nhất thời.

c. Môi trường bên ngoài và trường học

Một trong những ảnh hưởng đến tính tình của con người là hoàn cảnh bên ngoài. Sự hấp thụ những phong tục, tập quán; những dư luận và sự chi phối của xã hội[9] đã tác động đến tính tình của bản thân. Nơi tôi đang sống có một nề nếp đạo đức khá tốt, nhưng kèm theo đó là sự trọng hình thức, nặng dư luận. Vì thế, nhiều khi tôi không dám bộc lộ cảm xúc bản thân nhiều, lại càng không dám đi ra ngoài khuôn khổ. Điều này lí giải vì sao tính tình của tôi lúc còn là học sinh Phổ thích có phần nhút nhát, cảm tính. Sang môi trường đại học và nhất là đời sống tu trì, do những thay đổi về lối sống, lối nghĩ và hoàn cảnh mới, tính cách của tôi đã trở nên năng động hơn. Nhưng kèm theo đó là sự bộc phát, nhất thời và có phần nóng tính. Như thế, môi trường bên ngoài, trường học đã có ảnh hưởng đến tính cách và sự hình thành tính cách của bản thân.

  1. Những biểu hiện của tính tình và sự khắc phục

Trong khuôn khổ đề tài này, tôi chỉ xin được nói đến biểu hiện tính tình bản thân trong giai đoạn tu trì, nhất là đời sống hiện tại. Như đã nói ở trên, tính tình của tôi giai đoạn sống đời tu trì có thể được xếp vào loại: phẫn nộ (cảm tính + hoạt tính + nhất thời). Nghĩa là tôi có một đời sống thiên về cảm tính, tính dễ nổi nóng nhưng cũng có tính nhất thời. Nhiều khi tôi dễ bị xúc động trước những hoàn cảnh éo le, đáng thương của số phận người, hay dễ mủi lòng trước những sự việc “nhỏ nhặt” trong đời sống. Và khi đứng trước những vấn đề gây tranh cãi, trước những điều trái ý tôi dễ cáu bẳn, khó chịu… Nhưng tất cả những điều đó dễ qua nhanh, và tôi nhanh chóng trở về với cuộc sống thường nhật.

Với tính cách này đôi khi đã gây ra nhiều khó khăn cho đời sống tu trì của tôi, nhất là đời sống cộng đoàn. Tính cảm tính đã làm cho tôi đôi khi không làm chủ được bản thân và dễ bị cuốn vào những tình huống khó xử, nhất là về tình cảm. Tính nóng đã làm cho tôi đôi khi căng thẳng trong đời sống cộng đoàn…

Vì thế, trong đời sống thường nhật, tôi phải khắc phục được những nhược điểm này. Điều đó không có nghĩa là tôi phải hoàn toàn thay đổi tính tình, nhưng biết dung hòa để có một đời sống thoải mái và bớt căng thẳng hơn. Muốn vậy, tôi cần kìm nén tính nóng, chuyển nó thành những năng lực hoạt động, tạo sự nhanh nhạy trong suy tư và làm việc. Tôi cũng cần phải biết dừng lại khi vấn đề tình cảm đi quá xa. Rèn luyện bằng cách học hỏi, học hỏi qua sách vở, qua anh em, bạn bè, qua những người hữu trách và nhất là học hỏi qua Lời Chúa… Có như vậy tính tình của tôi mới được hoàn thiện theo hướng tích cực, và đời sống của tôi mới thực sự có nhiều niềm vui và ý nghĩa.

  • Kết luận:

Nói tóm lại, tính tình của mỗi người được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại, nhưng cũng được rèn luyện qua môi trường tiếp xúc, quá trình học hành, và đời sống tu trì. Càng theo thời gian và nhận thức, tính tình cũng có những biểu hiện riêng của nó, nhưng vẫn giữ lại những nét căn bản ngay từ khi hình thành. Tính tình của mỗi người mỗi khác, nhưng không có nghĩa là có sao sống vậy, mà phải được rèn luyện và tập luyện hằng ngày. Nó là hoạt động có ý thức nên mỗi người cần làm chủ tính tình trong đời sống thường nhật của mình.

Hiện tại tôi đang sống đời sống tu trì, thế nên, tôi cần nắm vững những biểu hiện của tính tình để điều hòa cuộc sống. Biết mình nóng tính nên cần kiềm chế, biết mình cảm tính nên cần làm chủ cảm xúc, biết mình có tính nhất thời nên cần có những định hướng lâu dài nhất là trong tư tưởng và lí tưởng sống. Chỉ khi nào tôi biết rõ tính cách của mình, biết làm chủ nó và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện tính tình bản thân theo chiều hướng tích cực, lúc đó, tôi mới có một đời sống an vui, hạnh phúc và có ý nghĩa.

Tài liệu tham khảo

Đặng Phương. Tâm lí học và đời sống. Hà Nội: VH-TT, 2000.

Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: Khoa học-Xã hội, 1994.

Hoàng Xuân Việt. Luyện tâm lí. Đồng Tháp: Đồng Tháp, 1997.

Lê Văn Hồng &tgk. Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm. Hà Nội: Đại học Quốc gia, 1998.

Nguyễn Đình Vịnh, OFM. Tâm lí học. Sài Gòn: Học viện Phanxicô.

  1. A. Ruđich. Tâm lí học (Nguyễn Văn Hiếu dịch). Hà Nội: TD-TT, 1986.

[1] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Hà Nội: Khoa học-Xã hội, 1994, tr. 964-65.

[2] Nguyễn Đình Vịnh, OFM, Tâm lí học, Sài Gòn: Học viện Phanxicô, tr.79.

[3] Nguyễn Đình Vịnh, OFM. Sđd, tr.80.

[4] Nguyễn Đình Vịnh, OFM, Tâm lí học, Sài Gòn: Học viện Phanxicô, tr.80.

[5] Nguyễn Đình Vịnh, OFM. Sđd, tr.80.

[6] Nguyễn Đình Vịnh, OFM, Tâm lí học, Sài Gòn: Học viện Phanxicô, tr.80.

[7] Xc Lê Văn Hồng &tgk, Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, Hà Nội: Đại học Quốc gia, 1998, tr. 28-64.

[8] Xc. Hoàng Xuân Việt, Luyện tâm lí, Đồng Tháp: Đồng Tháp, 1997, tr. 207.

[9] Xc. Hoàng Xuân Việt, sđd, tr. 207.

Bài trướcLịch sử hình thành và phát triển Giáo xứ Thánh Gia, Gp. Nha Trang
Bài tiếp theoHốt cốt 3 người anh em Dòng Thánh Giuse tại Nhà Thờ Nhà Đá, Gp.Qui Nhơn, Phù Mỹ, Bình Định (18-9-2017)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây