Suy tư Truyền Giáo: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4)

0
1700

Suy nghĩ về Sứ vụ truyền giáo với câu Lời Chúa:

“HÃY RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI” (Lc 5,4)

Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD

(Mừng lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên Trời, 15/08/2018)

Câu Kinh thánh như là lời mời gọi tôi hãy ra đi rao giảng Tin mừng. Ra những vùng xa xôi, nơi chưa có nhiều người nhận biết Chúa và ngay cả việc tới những nơi nguy hiểm nữa. Hay như lời Đức Giáo hoàng Phanxico thì đó là “vùng ngoại biên”.  Nhưng điều làm tôi suy gẫm nhiều là từ “ra chỗ nước sâu”.

Ai đi biển, đi sông, đi hồ thì cũng biết, chỗ sâu là chỗ nguy hiểm, không cẩn thận là chết đuối. Cho nên muốn ra chỗ nước sâu thì điều trước tiên là phải biết bơi và thứ đến là can đảm ra đi với niềm tín thác, dám mạo hiểm, dám chấp nhận gian lao vất vả và đôi khi là thất bại nữa. Anh thích ra chỗ nước sâu mà anh không biết bơi thì chắc chắn anh sẽ chết đuối trước khi “thả lưới” và “bắt cá”. Và nếu anh biết bơi mà anh sợ sệt không dám đi, không chấp nhận gian lao khốn khó thì cũng chẳng khi nào có “cá” mang về.

Đời sống đức tin của người tín hữu nói chung không chỉ là “giữ đạo”, nghĩa là lo cho phần rỗi của mình, hay lo cho những con chiên trong xứ của mình, nhưng còn có sứ vụ chia sẻ niềm tin và ơn cứu độ cho mọi người, nhất là những người chưa đón nhận Tin mừng. Nhưng mà muốn chia sẻ thì phải có thì mới chia được. Cho nên trước tiên là phải “biết bơi”, nghĩa là phải học hỏi và sống đức tin một cách trưởng thành. Xác tín điều mình tin, can trường sống và làm chứng cho đức tin của mình.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4). Là lời mời gọi mỗi người chúng ta ra đi loan báo Tin mừng trong hoàn cảnh sống và địa vị của mình. Điều này thật sự là thách đố đối với tín hữu Việt Nam. Bởi vì chúng ta quen sống và thực hành đức tin trong giáo xứ (đa phần là toàn tòng). Chúng ta ít có cơ hội chia sẻ đức tin và đối thoại với những người khác niềm tin tôn giáo. Nên tâm lý e dè, sợ sệt và ngại đối thoại là chuyện dễ thấy. Hoặc e dè không dám thực hành đức tin khi ở chung với những bạn khác tôn giáo; đơn giản như làm dấu trước khi ăn cơm, cầu nguyện khi đi ngủ hoặc khi thức dậy, giữ lễ Chủ nhật và các ngày lễ buộc hoặc không đồng lõa với những người làm điều xấu, …

Ngày nay chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ không còn sống đóng khung trong những xóm đạo nữa, mà chúng ta ra đi khắp nơi, học hành, làm ăn. Chúng ta giao tiếp và quen biết với nhiều người, nhiều niềm tin, nhiều tôn giáo khác nhau. Nên việc trưởng thành trong đời sống đức tin và sống chứng nhân đức tin là điều thiết thực và cần thiết. Nó cần thiết để bảo vệ ta khỏi lung lay đức tin khi gặp những quan điểm, những cám dỗ, những niềm tin khác với mình. Và tiến xa hơn nữa là chia sẻ kinh nghiệm đức tin và sống chứng nhân cho mọi người biết và đón nhận Tin mừng cứu độ.

Vì hoàn cảnh sống thay đổi và sự giao thoa rộng rãi như vậy nên có một thực tế là, nhiều bạn trẻ quen biết, yêu thương và muốn kết hôn với người khác đạo. Cái nhìn và phản xạ đầu tiên của bậc làm cha làm mẹ, anh em trong gia đình, bạn bè và đôi khi, ngay cả các linh mục, tu sĩ khi nghe con em mình yêu người ngoại thường là cái nhìn dè chừng, lo lắng, không thiện cảm và đôi khi là khước từ. Tâm lý e sợ bị mất đức tin, mất linh hồn, hoặc hôn nhân không hạnh phúc là chủ yếu nhất. Sợ rằng con em mình chưa ra “chỗ nước sâu” là đã “chết đuối” mất rồi. Nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở và có lý do của nó. Vì kinh nghiệm cho thấy nhiều bạn trẻ sau khi “lấy được vợ thì đã thôi nhà thờ”.

Nhưng thực tế cuộc sống cho ta thấy rằng, chúng ta không thể cứ mãi bảo vệ đức tin theo kiểu rập khuôn, nghĩa là cứ lấy vợ/chồng cùng đạo là an toàn. Và cũng không phải tất cả các tân tòng đều không trung thành với lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và các Bí tích. Thực tế có nhiều người tân tòng lại là những người sống đức tin tốt hơn người đạo “gốc”, hơn nữa có những người còn là giáo lý viên, là thành phần cộng tác đắc lực của giáo xứ.

Chính vì vậy, việc “ra chỗ nước sâu mà thả lưới” nhắc nhở các bạn trẻ và mỗi người tín hữu có cái nhìn tích cực, lạc quan và trách nhiệm hơn. Việc lo sợ mất đức tin nhắc nhở chúng ta ý thức hơn về niềm tin của mình. Tôi có thật sự trưởng thành trong đời sống đức tin chưa? Tôi có đủ khả năng để “ra chỗ nước sâu” chưa? Tôi có đủ can đảm để đồng hành và giúp đỡ người bạn đời của tôi sống đức tin chưa? Tôi có đủ can đảm và mạnh mẽ sống và làm chứng nhân đức tin trong đời sống mới, nơi có nhiều người chưa nhận biết và tin Chúa không?

Hơn nữa, đời sống đức tin của mỗi người luôn cần được sự nâng đỡ, chia sẻ và cầu nguyện của cộng đoàn, của mọi thành phần trong Giáo hội. Chính vì vậy, việc “ra chỗ nước sâu” là công việc và sứ vụ chung của mọi tín hữu. Sự quan tâm chia sẻ, nâng đỡ, động viên của cha xứ, của gia đình, của mọi tín hữu là việc cần thiết để sứ vụ loan báo Tin mừng gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Câu hỏi được đặt ra là: Công việc mục vụ của tôi dành cho những người tân tòng thế nào? Tôi đã thật sự đồng hành và nâng đỡ những người mới nhận biết Chúa hay tôi đang để họ tự loay hoay tìm lối đi?

Thiết nghĩ, chúng ta, các tín hữu sống sứ vụ loan báo Tin mừng. Việc “ra chỗ nước sâu mà thả lưới” dù có nhiều gian lao sóng gió và đôi khi thất bại, nhưng chúng ta cũng nên có cái nhìn lạc quan, tin tưởng và hy vọng. Nếu không, thay vì loan báo Tin mừng bình an và ơn cứu độ của Chúa cho những anh em chưa nhận biết Chúa, chúng ta lại gieo sự sợ sệt, ác cảm,… cho những người muốn tìm đến với Chúa.

Chỗ sâu là chỗ nguy hiểm nhưng cũng là nơi có nhiều cá. Nếu chúng ta là những thợ chài trưởng thành, can đảm và với ơn Chúa giúp, chúng ta vẫn luôn hy vọng mang về những “mẻ lưới đầy cá”. Nếu chúng ta có khả năng sống và làm chứng cho Tin mừng, chúng ta có thể giúp nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

 

Bài trướcSự hình thành và ý nghĩa của tên SOCIETAS VERBI DIVINI
Bài tiếp theoHọp mặt Quý Ông Bà Cố và thân nhân SVD Long Xuyên – Năm 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.