Mù Chữ

0
367

Đối với người Việt Nam, không biết đọc, biết viết chỉ là những chuyện của thời xa xưa! Thời của mấy mươi năm về trước, thời của chiến tranh loạn lạc hay gần hơn chút xíu là thời bao cấp. Do đó, nếu nói thế hệ 8X, 9X hay 10X mà không biết chữ thì là chuyện không tưởng, chuyện hoang đường, chuyện nực cười chưa từng có. Theo báo cáo của ngành Giáo dục (…), Việt Nam đã xóa nạn mù chữ và đã phổ cập giáo dục hết cấp hai ở tất cả mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Tất cả các nơi đều có trường học. Đó là điều đáng mừng cho một dân tộc đã trải qua trăm cuộc bể dâu và là niềm tự hào không nhỏ cho một người Việt như Hắn.

Mang trong mình tư tưởng và quan niệm như thế, Hắn hăng hái lên đường đi mục vụ ở một vùng dân tộc K’Ho và Giarai. Vùng này chỉ cách quộc lộ 3km. Hắn được giao dạy 1 lớp giáo lý với hơn 60 em thuộc thế hệ 9X, 10X. Trước khi đứng lớp, Hắn cũng tự tìm hiểu về khả năng tiếp thu kiến thức của các em. Hắn nghe nói rằng các em tiếp thu tương đối chậm, cần dạy từ từ. Ngày thứ nhất, ngày thứ 2 và 1 tuần trôi qua, Hắn chỉ dạy hai kinh ngắn và đơn giản nhất là “Lạy Cha” và “Kính Mừng”. Hắn đinh ninh “đến người kém nhất trong lớp cũng phải thuộc lằm lòng”.

Để kiểm chứng và muốn nhìn thấy thành quả của mình, Hắn chỉ một vài em bất kỳ.

Người thứ nhất: thuộc.

Hắn chỉ người thứ hai: thuộc. Hắn đang từ từ nhìn thấy thành quả của mình.

Hắn chỉ người thứ ba: không thuộc.

Hắn tự nhủ, một người chưa thuộc mấy cũng tàm tạm.

Hắn chỉ người thứ tư: không thuộc.

Máu hắn như sôi lên.

Hắn ráng kiềm chế sự tức giận của mình để chỉ người thứ năm: không thuộc.

Đến lúc này, Hắn không thể kiềm chế được nữa. Mặt Hắn nóng ran, đỏ bừng. Một vài em vẫn còn đang mải miết với câu chuyện của mình bỗng nhận được một tín hiệu không tốt. Cả lớp im phăng phắc. Chúng nhận ra có điều gì đó chẳng lành sắp xảy đến. Một trận đòn chăng! Hay quỳ giang tay học bài!…

Bao nhiêu năm đứng lớp, Hắn chưa bao giờ đánh học trò, nhưng hôm nay Hắn định thực hiện điều đó. Hắn lăm le một cái roi trên tay. Hắn hét lớn: Ai chưa thuộc bài?

Hai, ba cánh tay đưa lên.

Hắn hét lần thứ hai: còn ai nữa không?

Liếc một vòng: ba, bốn…. rồi mười hai cánh tay. Hắn đếm.

Như không kiềm được cảm xúc, Hắn cầm roi đi tới người thứ nhất và gằn giọng: sao em không thuộc bài?

Một giọng nói lí nhí trả lời.

Hắn hét: nói to lên.

Một em khác trong lớp liền nói: Thưa Thầy, các bạn không biết chữ.

Nghe câu nói đó, tay chân Hắn bủn rủn, tai Hắn ù ù, miệng Hắn như có cái gì đó chặn lại mãi không nói được lời nào. Nếu chỉ tích tắc trước, Hắn đã từng có ý định cho các em một trận đòn. Hắn chỉ đợi dứt câu trả lời là “đập”. Vậy mà khi nghe xong câu trả lời, tay Hắn như mất đi sức mạnh. Hắn không biết mình phải bỏ roi xuống bằng cách nào. Cả Hắn và học sinh đứng như trời trồng. Một bầu không khí trầm lắng đến khó tả. Lòng Hắn dâng trào một sự cảm thương sâu sắc. Một vài phút định thần. Hắn trở nên dễ thương đến lạ kỳ. Hắn thay đổi hoàn toàn thái độ. Hắn nhẹ nhàng nói: “tất cả các em ngồi xuống. Sáng mai, em nào không biết chữ tới đây thầy dạy riêng cho”. Sau đó, Hắn tiếp tục dạy học với một nhiệt huyết, một tình yêu, và một sự cảm thông mới.

Kết thúc giờ học, Hắn kể lại sự việc cho một vài người lớn trong làng. Hắn lại càng buồn hơn. Buồn không phải vì Hắn xấu hổ. Hắn buồn vì đó chỉ là số ít trong số hàng chục em đang trong độ tuổi đến trường không biết chữ.

Tối đến, ngồi nhớ lại điều gì đã xảy ra trong giờ học, Hắn tạ ơn Chúa vì Hắn vẫn chưa đánh em nào. Hắn tạ ơn vì Hắn đã biết cách bỏ roi xuống bằng cách nào. Và Hắn tạ ơn vì Hắn được hiện diện ở đây để học biết sự cảm thương với những người thiếu may mắn.Tuy nhiên, quyện vào trong lời tạ ơn là nỗi buồn, nỗi day dứt, và sự thao thức. Buồn vì sự thiệt thòi quá lớn của các em. Buồn vì các em không được hưởng những gì các em đáng được hưởng. Và buồn cho một tương lai thiếu vắng con chữ đồng hành trong hành trang bước vào đời. Hắn day dứt. Day dứt vì Hắn đã hành động nông nổi, lỗ mãng. Day dứt vì sự tự phụ của mình. Và day dứt vì khao khát ngủ yên trên chiến thắng. Hắn thao thức. Thao thức cho một thế hệ thiếu vắng con chữ. Thao thức cho tương lai mù mờ nhuộm chút mầu đen sạm của các em.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

(Trích từ Nội San Học Viện Ngôi Lời Việt Nam 2016, chủ đề: Những Cung Bậc Yêu Thương)

Bài trướcĐức Hồng y Parolin: “Việc thực hiện hiệp định tạm thời với Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục là điều quan trọng hiện nay”
Bài tiếp theoTại sao kính Thánh Giuse vào tháng Ba?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.