Lòng thương xót trong sứ vụ truyền giáo

0
291

Tu sĩ P.X.  Nguyễn Trí Long, SVD

Xã hội hôm nay có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, trong đó, vô cảm là cách sống đang bị báo động. Bởi vì con người đối xử với nhau bằng những thái độ thờ ơ và lạnh nhạt. Chính cách sống đó làm cho con người tự đánh mất đi nhân phẩm và giá trị làm người. Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều người lên tiếng chống lại lối sống đó. Ngày 08 tháng 12 năm 2015, Đức Thánh Cha đã khai mạc Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Ngài mong muốn con người xích lại gần nhau, có lòng trắc ẩn và quảng đại với tha nhân. Vậy, là một tu sĩ, trước tiên tôi phải có lòng thương xót như Chúa Cha, sau đó sống theo linh đạo của Hội Dòng là truyền giáo bằng lòng thương xót, tức mang lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân.

Dân gian có câu: muốn cho ai cái gì trước tiên tôi phải có cái đó đã. Ví dụ: muốn chỉ cho người khác cầu nguyện, tôi phải biết cách thức cầu nguyện; muốn lên tiếng nói, kêu gọi mọi người có lòng thương xót với nhau thì tôi phải có lòng thương xót, lòng trắc ẩn, tâm hồn phải mở rộng trước đã. Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người phải có lòng thương xót như Chúa Cha. Phần tôi, tôi phải làm gì để có lòng thương xót như Chúa Cha? Tin Mừng Gioan có nói: Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết cha Thầy (Ga 14,7). Vậy, Chúa Giêsu là tấm gương của lòng thương xót mà tôi phải học theo hằng ngày.

Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng rất nhiều dụ ngôn nói về lòng thương xót nhưng nổi bật nhất là dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,11-32). Hình ảnh người cha nhân hậu không những giàu lòng thương xót, mong mỏi chờ đợi người con thứ hoang đàng, ăn chơi trác tán quay trở về, mà còn kiên trì nhẫn nại yêu thương đối với người con cả cứng cỏi và đố kị. Qua đó, ta thấy Thiên Chúa là Đấng luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi, là Đấng giàu lòng thương xót yêu thương. Ta nhận thấy rõ nhất lòng yêu thương của Chúa Giêsu qua những việc làm của Người như: chữa lành kẻ phong cùi; cho kẻ điếc nghe được, kẻ què đi được, người mù được sáng mắt; không lên án, phê phán mà lấy tình yêu tha thứ người phụ nữ ngoại tình. Với đôi mắt trìu mến, khuôn mặt nhân hậu, đầy yêu thương, Người đã thu hút nhiều người hoán cải, đặc biệt là người thu thuế từ bỏ tiền bạc vật chất mà theo Người. Và đẹp nhất, tuyệt vời nhất là khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, Người vẫn yêu thương con người cho đến cùng và tha thứ cho tên trộm lành biết ăn năn. Công Đồng Vatican II đã tuyên bố: Mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ nơi mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể (GS 22,1).

Ở đây, tôi chỉ xét đến Chúa Giêsu như là mẫu gương sáng về lòng thương xót cho mọi người noi theo. Cho nên tôi cố gắng sống theo con người hoàn hảo là chính Đức Giêsu. Tôi quyết tâm sống như Chúa, yêu mến như Chúa, thương xót như Chúa. Có như vậy, tôi mới trở nên một gương mẫu về Giêsu, xứng đáng là bức chân dung họa lại hình ảnh của Đấng đã tạo dựng nên tôi. Tôi đang dậy men Giêsu để vươn tới sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, có như vậy tôi mới học được lòng xót thương của Chúa một cách dễ dàng.

Trong Năm Lòng Thương Xót này, là một tu sĩ Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tôi phải truyền giáo như thế nào để mọi người có lòng thương xót với nhau? Học theo những bài học thương xót như Chúa Giêsu là rất khó, khó hơn nữa là tôi có thấm nhuần các bài học đó chưa và khó nhất là tôi chia sẻ những kinh nghiệm đó cho mọi người như thế nào!

 Đối với tôi, trước tiên, nhà truyền giáo phải luôn có tinh thần sẵn sàng nói tiếng xin vâng và có trái tim như Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục thánh ý Chúa. Bằng niềm tin, Mẹ đã tự do cộng tác vào công trình cứu độ khi nói lời xin vâng. Hai tiếng xin vâng nói thì dễ dàng, nhưng để sống và thực hiện trọn vẹn không đơn giản chút nào. Nói lời xin vâng không chỉ lúc thuận tiện nhưng cả những lúc gian nan thử thách, không chỉ lúc an vui thuận hòa mà cả những lúc đau thương khốn khó. Khi tôi nói lời xin vâng giống như Mẹ là tôi đã mang Chúa Giêsu trong lòng để chia sẻ với những người chung quanh, giống như Mẹ đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới và khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Thiên Chúa đang chờ đợi tôi nói lời xin vâng, lời đó như là một xác quyết, một chất vấn bảo đảm dám hy sinh, dấn thân để thay đổi lòng người.

Tiếp theo, truyền giáo là luôn sống lại tinh thần người Samari tốt lành, biết giúp đỡ tha nhân. Cảm động trước cảnh khốn quẫn của tha nhân mà thôi thì chưa đủ để gọi là yêu thương. Ai cũng nói được thậm chí ăn nói rất hay và lưu loát nhưng việc làm thì trái ngược lại. Nhưng là tu sĩ, lời nói của tôi phải đi đôi với việc làm như dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,33-35). Người Samari dám liều mạng, không so đo tính toán, sẵn sàng giúp đỡ một người xa lạ; tình thương của anh không giới hạn trong việc trợ giúp những người mà anh quen biết hoặc yêu quý. Những việc làm cụ thể xuất phát từ trái tim nối tiếp nhau mang đầy tính nhân văn đáng được ca ngợi. Anh không phân biệt chủng tộc, giàu sang, quen biết; anh là người có một trái tim nhân hậu tuyệt vời.

Cuối cùng, truyền giáo là luôn sống tinh thần dấn thân và lạc quan khi làm việc cho dù đó là công việc nhỏ bé. Người ta thường nói một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Là tu sĩ, tôi không cho phép mình có tâm trạng u sầu, buồn bã. Bởi vì với tâm trạng sầu khổ, tôi sẽ ngại dấn thân, không dám hy sinh bước đến cuối con đường. Tự bên trong, buồn phiền làm cho tôi không có sức mạnh để đương đầu với những thử thách và những việc làm trong tương lai. Ngược lại, tâm hồn lạc quan sẽ mang đến cho tôi một nguồn sức mạnh để đối diện với những thách đố, khó khăn. Nơi đâu có tu sĩ, nơi ấy phải có được niềm vui, niềm vui của phục vụ và yêu thương không đòi đền đáp. Không hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, làm những công việc to tát đến đâu hay những công việc đơn sơ nhỏ bé, tôi phải biết chấp nhận, luôn vui vẻ dấn thân. Đó là điều căn bản của một tu sĩ truyền giáo. Bởi vì không vui tươi thì khó mà nối kết những con tim đang sầu héo, cho nên cần làm cho nó sống động, cho trẻ hóa lại.

Qua các câu chuyện về lòng thương xót trong Tin Mừng, tôi cảm thấy được Chúa Giêsu tràn ngập niềm vui khi giúp đỡ một ai đó, nhất là khi Người tha thứ, giúp họ quay trở về sống cùng với cộng đồng. Tôi cũng cảm nhận được niềm vui đó khi cho một người bạn mượn một cây viết, cuốn tập… Cảm giác hòa thuận, chấp nhận nhau, đối xử với nhau bằng trái tim đầy yêu thương đã xóa tan không khí lạnh lẽo của sự thờ ơ, không quan tâm nhau, sống chết mặc bay. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Cảm giác đó tôi cần phải tìm lại trong Năm Lòng Thương Xót này. Gắn kết mọi người lại với nhau là một việc truyền giáo đầy ý nghĩa và cao cả nhất đối với tôi, đong đầy mọi trái tim bằng yêu thương và mang lại an ủi bằng sự tha thứ. Muốn được như vậy thì phải có lòng thương xót như Chúa Cha, là học và làm theo để có được trái tim đầy yêu thương của Chúa Giêsu.

(Trích: Những Cung Bậc Yêu Thương – Nội san Học viện Ngôi Lời Việt Nam)

Bài trướcThánh Lễ Truyền chức Giám mục cho cha Luy Nguyễn Anh Tuấn – TGP Sài Gòn
Bài tiếp theoĐức Thánh Cha thông báo Thượng HĐGM Amazzonia vào năm 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.