Độc thân theo một góc nhìn

0
547

Sống đời thánh hiến là lối sống Nước Trời trong những thực tại trần thế. Đó chính là sự dấn thân triệt để, tự nguyện theo sát Đức Kitô và trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người. Nhìn từ góc độ xã hội, đời sống độc thân không được ủng hộ một cách hoàn toàn vì giá trị truyền sinh. Thế nhưng trong các tôn giáo mà nhất là Công Giáo, thì đời sống độc thân luôn được trân trọng bởi nó luôn gắn liền với lý tưởng Phúc Âm; đem lại sự giải thoát và góp phần trong việc đem lại phần rỗi cho người khác[1]. Vậy “tại sao phải độc thân”[2] trong đời dâng hiến khi mà con người ta có thể tìm gặp Chúa trong đời sống hôn nhân? Có quan điểm cho rằng: “độc thân được định chế trong Giáo hội vì người ta khinh miệt hôn nhân[…]đặt thể xác đối chọi với tinh thần” [sđd, tr.26] Còn có quan điểm lại cho rằng: mối “quan hệ cao nhất giữa con người với Thiên Chúa mà con người có thể làm được chính là sống trinh khiết” [sđd,tr.29]. Và theo tôi, quan điểm thứ hai mang ý nghĩa trọn vẹn hơn khi con người muốn kết hợp với Chúa. Vì “nhân đức khiết tịnh bao gồm toàn bộ nhân vị và sự trọn vẹn của việc hiến thân”[3]

Người tuyên khấn sống khiết tịnh vì Nước Trời là người công khai cam kết tiết dục hoàn toàn trong nếp sống độc thân”.[4] Và khi bàn về đời sống trinh khiết, Tin Mừng cũng đã đề cập: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa”. (Mt 5, 8). Từ đây, chúng ta có thể thấy rằng, khiết tịnh hiến dâng là một đặc sủng, nó phải được xem như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Ơn ấy giải thoát lòng con người để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người nhiều hơn… Đức khiết tịnh là tình yêu noi gương Đức Kitô, Đấng chỉ biết yêu Chúa Cha và nhân loại; là tình yêu kết hợp với Đức Kitô Phục sinh, kết hợp trọn vẹn; là tình yêu phục vụ của Đức Kitô mà ta bắt gặp nơi người anh em đang đau khổ, đang khóc than, đang giẫy chết. Chúa Kitô dạy ta phải giữ đức Khiết tịnh.“Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28); “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chỉ có sống những gì Chúa Kitô đã sống, thực hiện lời Người dạy, ta mới trở nên hoàn thiện. Bởi đó, để yêu mến Chúa Kitô và được Người yêu mến, ta cần sống đức Khiết tịnh theo gương Chúa Kitô. Vì Người yêu mến những ai biết gìn giữ nét đẹp vẹn toàn của tâm hồn.

Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tình yêu của Chúa Thánh Thần, Đấng mở rộng tâm hồn đón nhận những linh ứng của Người; Tình yêu của Chúa Cha, là nguồn mạch đầu tiên và mục tiêu tối hậu của đời sống Thánh hiến. Như thế, đời Thánh hiến tuyên xưng và biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm được tỏ bày cho Giáo hội làm mẫu mực và nguồn mạch cho hết mọi hình thức sống Kitô hữu”.[5] Từ đây, ta có thể thấy Đức Thánh Cha muốn đề cập đến đức tin trong việc lựa chọn bậc sống độc thân của đời dâng hiến. Quả vậy, việc lựa chọn đời sống độc thân không phải chỉ có khả năng về mặt tính khí để quân bình về phương diện tình cảm mà “phải cần đến một đức tin hùng mạnh, có sức lôi cuốn những năng lực sinh động của con người vào việc gắn bó với Thiên Chúa”[6]. Thế nên, một khi đã chọn sống độc thân vì yêu mến Chúa và ước muốn đi theo Người trọn vẹn, những người độc thân tận hiến cần phải đổi mới trong từng giai đoạn mới của cuộc sống. Khi mà cách thức yêu mến thay đổi, khi những khao khát tình cảm bền vững áp đảo, khi nỗi cô đơn chất nặng thêm cuộc sống thì ta cần phải biết đặt tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Người ta chọn đời sống độc thân tận hiến vì người ta bị hấp dẫn bởi Chúa Kitô và Nước của Người đến độ muốn tập trung toàn bộ cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu, muốn sống như Người đã sống, một cuộc sống hoàn toàn gắn bó với Người, trong khi mong đợi Người lại đến trong vinh quang. Họ có thể sống độc thân như thế bằng cách tập có lòng khao khát, mong đợi, niềm hi vọng, lòng mến vào con người Đức Giêsu Kitô. Như vậy, dù trong trường hợp nào, nếu độc thân tận hiến được hiểu như là một ân ban và là sự đáp lại tình yêu Chúa, thì đó sẽ là lý do để tri ân Chúa. “Bằng không, đời độc thân sẽ chỉ như là một lề luật áp đặt phải tuân giữ, sống thiếu lòng cảm mến tri ân, rốt cuộc chỉ còn là một gánh nặng không chịu nổi”[7].

Trên đây là những giải thích cũng như cách hiểu về đời sống độc thân dâng hiến dưới cái nhìn từ một khía cạnh nào đó của triết học. Còn quan điểm “độc thân được định chế trong Giáo hội vì người ta khinh miệt hôn nhân[…]đặt thể xác đối chọi với tinh thần” được hiểu như thế nào? và có đúng với thời đại ngày hôm nay không?… chắc hẳn mỗi người đều có cách hiểu và lý luận riêng của mình.

Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD

[1] x. Khiết tịnh, niềm vui đời dâng hiến, Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Từ

[2]  Độc thân ngày nay, Yves Raguin, SJ – NXB Tôn giáo, tr. 26

[3] Sách GLHTCG, NXB Tôn Giáo, 2012, số 2337

[4] x. Giáo Luật, số 599

[5] Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Số 37

[6] Tin và tận hiến, Jean Galot, tr.51

[7]  http://binhtrung.org/a34552/nam-doi-song-thanh-hien-doc-than-cua-nguoi-tu-si-kito-giao

Bài trướcVideo Tin tức Giáo Hội Việt Nam (Từ 5.9 – 11.9.2016)
Bài tiếp theoƯơm mầm Ơn Gọi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây