Lời Chúa + Bài giảng Kính Thánh Giuse (Lễ Trọng, 19/3)

1
2171

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Ðavít, tổ phụ Người”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời (c. 37).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Ðáp.

2) Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”. – Ðáp.

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 4, 13. 16-18. 22

“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 83, 5

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

HÀNH ĐỘNG THEO Ý CHÚA (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

Một trong những thách đố lớn nhất của con người trên hành trình đức tin là làm sao nhận ra và hành động theo thánh ý Chúa. Giữa biết bao nhiêu chọn lựa trong những hoàn cảnh sống khác nhau, làm sao con người có thể nhận biết ý Chúa mà làm theo? Đặt vào bối cảnh của thánh Giuse, thật không hề dễ dàng để đưa ra một chọn lựa toàn vẹn. Thánh nhân chắc đã phải trải qua những thời khắc khó khăn để có thể xác tín đâu là thánh ý Chúa và trung thành thi hành.

1.  Thánh Giuse suy tính theo ý mình

Khi phát hiện Đức Maria có thai trước khi về chung sống, thánh Giuse đứng trước hai sự lựa chọn. Một là tố cáo Đức Maria dựa theo qui định trong sách Đệ Nhị Luật. Theo đó, nếu bị kết tội, Đức Mẹ có thể sẽ phải nhận hình phạt ném đá cho đến chết (x. Đnl 22, 23-27). Luật đã qui định rõ ràng và việc có chọn lựa làm theo luật hay không phụ thuộc vào thánh Giuse Có lẽ thánh Giuse đã nghĩ đến khoản luật này và mường tượng về hình phạt ghê rợn mà Đức Mẹ có thể phải chịu, vừa đau đớn cho cá nhân Đức Mẹ, vừa nhục nhã cho gia đình. Dù đây là sự chọn lựa hợp pháp, có thể giúp thánh Giuse giữ được thanh danh của mình, chứng minh mình là người công chính vì sống theo đúng những gì luật dạy, nhưng thánh nhân lại tính toán chọn cách khác.

Tin Mừng nói rõ thánh Giuse không muốn tố giác Đức Maria nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Thánh nhân hiểu rằng tố giác Đức Mẹ dù đúng về mặt luật pháp nhưng lại hết sức tàn nhẫn với người mà mình yêu thương. Khi định tâm bỏ Đức Maria cách kín đáo, thánh Giuse tính đến việc “ly dị” trong âm thầm. Ngài không thể nhận lấy trách nhiệm trên bào thai không phải của mình, nhưng cũng không nỡ nhìn cả hai mẹ con phải chịu hình phạt ném đá cho đến chết. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, thánh Giuse muốn chọn rời bỏ cách kín đáo, chấp nhận thiệt thòi phần nào danh dự của người đàn ông để mở cho hai mẹ con một con đường sống. Đúng hay sai lúc này không còn là đúng luật hay không mà là cứu mạng hay giết chết. Sự công chính của thánh Giuse vẫn là sự công chính vì làm theo luật, nhưng không phải tố cáo theo luật mà là kín đáo rời đi theo sự thôi thúc của luật yêu thương.

Đồng thời, lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc hai rằng ông Ápraham và dòng dõi ông được kể là công chính, không phải dựa trên việc tuân giữ lề luật mà dựa trên lòng tin. Ông Ápraham đã tin nên được kể là công chính, nhờ đó ông nhận được lời hứa của Thiên Chúa (x. Rm 4, 13-17). Thánh Giuse cũng được kể là người công chính vì đã tin và hành động theo đức tin, nhờ đó thánh nhân đã góp phần vào việc hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ khi vững tin vào Thiên Chúa là Đấng công minh nhưng cũng rất nhân từ, thánh Giuse mới hành động nhân ái, thà chấp nhận chịu thiệt còn hơn làm tổn thương hay giết hại người khác.

2.  Thánh Giuse hành động theo ý Chúa

Trong khi đang suy tính chọn phương cách ít gây tổn thương nhất theo hoàn cảnh thời đó, thánh Giuse lại được Thiên Chúa gợi mở về một chọn lựa khác. Dù đã đưa ra sự lựa chọn mà theo thánh Giuse là ít gây tổn thương nhất nhưng có lẽ thánh nhân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm và thanh thản. Ngài vẫn tiếp tục suy nghĩ, cầu nguyện để tìm kiếm đường lối khôn ngoan của Chúa. Người đã đáp lại bằng cách gợi mở cho thánh nhân nhận ra Thánh ý của Người mà theo tường thuật của tác giả Mátthêu thì đó là mặc khải qua giấc mơ. Bằng một cách nào đó, Thiên Chúa cho thánh Giuse hiểu sự chọn lựa theo ý Người gồm hai việc sau đây. Một là đón Đức Maria về nhà làm vợ (x. Mt 1, 20); hai là đặt tên cho trẻ Giêsu (x. Mt 1, 21).

Trước hết, lời mặc khải thông qua thiên thần hối thúc thánh Giuse đón Đức Maria về nhà. Điều này có nghĩa là thánh Giuse được yêu cầu tiếp tục tiến trình cưới xin theo như dự định ban đầu, đón Đức Maria về nhà chồng như chưa có chuyện gì xảy ra. Đồng thời, vì là cột trụ của gia đình, thánh Giuse còn có bổn phận yêu thương, chăm sóc và đối xử thật tốt với Đức Mẹ, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Chăm lo cho vợ con trong hoàn cảnh bình thương là bổn phận của người đàn ông, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt này, lời mời gọi của thiên thần đòi buộc thánh Giuse vượt qua suy nghĩ ích kỷ và hẹp hòi để dành chỗ cho ý Chúa cao sâu và nhiệm mầu.

Lý do mà thiên thần đưa ra để giải thích cho thánh Giuse về việc mang thai của Đức Mẹ là “do quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Mt 1, 18.20). Không biết thánh Giuse có hiểu tường tận điều thiên thần mặc khải về tác động của quyền năng Thánh Thần trên việc mang thai của Đức Mẹ hay không, nhưng điều chắc chắn là sau những ngày suy nghĩ và đắn đo, thánh nhân đã không làm theo suy tính riêng của mình mà thực hiện theo sự soi sáng của thiên thần qua giấc mơ. Dù thế nào, thánh Giuse tin chắc rằng việc đón Đức Maria về nhà là thánh ý Chúa và mau mắn làm theo. Khi tỉnh giấc, thánh nhân đón vợ về nhà (x. Mt 1, 24).

Sau nữa, thiên thần còn yêu cầu thánh Giuse đặt tên cho trẻ Giêsu. Cần xác nhận rằng về mặt chính thức, thánh Giuse không phải là cha của Đức Giêsu. Thật vậy, trình thuật gia phả viết rõ rằng: Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Như thế, nhìn vào gia phả, người ta chỉ có thể khẳng định Đức Maria là mẹ của Đức Giêsu, trong khi thánh Giuse, dù là chồng của Đức Maria, lại không được minh nhiên công nhận cách chính thức là cha của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, theo Tin Mừng Mátthêu, thiên sứ Chúa lại giao cho thánh Giuse trách nhiệm đặt tên cho trẻ Giêsu. Dù trong Tin Mừng Luca, Đức Maria mới là người được thiên sứ giao cho trách nhiệm đặt tên, nhưng đối với tác giả Mátthêu, thánh Giuse mới là nhân vật chính nên nhiệm vụ đặt tên cho trẻ Giêsu được trao cho thánh Giuse.

Theo truyền thống Do Thái, việc đặt tên được thực hiện vào ngày cắt bì cho đứa trẻ, tức là vào ngày thứ tám sau khi sinh (x. Lc 1, 59; 2, 21); việc đặt tên có thể do cha hoặc mẹ (x. St 4, 25-26). Khi việc đặt tên được trao cho thánh Giuse, tác giả Mátthêu cho thấy vai trò và trọng trách của thánh nhân trong việc cộng tác với Chúa để chương trình của Chúa được thực hiện. Tuy vậy, tên Giêsu (Thiên Chúa cứu) không phải là sáng kiến của thánh Giuse hay Đức Maria mà là gợi mở từ chính thiên thần. Qua việc đặt tên này, Thiên Chúa mặc khải rõ ràng hơn về ý định cứu độ của Người thông qua Đức Giêsu.

3.  Chúng ta có tìm ý Chúa?

Bài đọc một trích từ sách Samuel quyển 2 cho thấy rằng khi được yên cửa yên nhà, thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, vua Đavít muốn xây cho Chúa một ngôi nhà. Dù đây là ý định tốt đẹp của vua nhưng Thiên Chúa lại có đường lối khác tốt đẹp hơn. Dù Thiên Chúa không muốn vua Đavít xây nhà cho Người, nhưng có lẽ vì ý định tốt đẹp của vua Đavít, Thiên Chúa hứa làm cho dòng dõi vua được vững bền thông qua vị vua kế vị do chính Đavít sinh ra; chính vị vua này sẽ xây nhà để tôn kính danh Chúa (x. 2 Sm 7, 1-16). Ý định của con người, dù tốt đẹp đến mấy, vẫn cần được hướng dẫn theo thánh ý Chúa.

Khi đối diện với biến cố người vợ tương lai mang thai mà không rõ lý do, thánh Giuse chắc chắn đã dằn vặt rất nhiều, toan tính chọn lựa sao cho đúng, không chỉ đúng về mặt luật lệ, mà còn đúng theo lòng nhân ái mà có lẽ thánh nhân đã được đón nhận từ trong bầu khí đạo đức gia đình và đức tin đặt nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, chỉ khi thánh Giuse hiểu được ý Chúa thông qua mặc khải của thiên thần, ngài mới thật sự cảm thấy yên lòng. Giữa những trăn trở, kiếm tìm và cả cầu nguyện, thánh Giuse đã tìm được ý Chúa và mau mắn thi hành.

Sống trong cuộc đời này, rất nhiều lần chúng ta phải đưa ra những sự chọn lựa, đôi khi không hề dễ dàng. Chúng ta chọn theo ý mình hay theo sự sáng soi của Chúa, chọn theo tiêu chuẩn của con người hay theo tiêu chuẩn của Chúa, theo tính toán ích kỷ hay theo lòng đại lượng của Chúa? Mỗi người đều muốn làm theo ý mình và ý mình bao giờ cũng hợp lý hơn người khác. Có những khi không dễ để người ta thay đổi ý kiến của mình dù biết rằng Chúa muốn mình hành động cách khác.

Tìm kiếm, nhất là kiếm tìm những gì quý giá, thường cần nhiều thời gian, nỗ lực và cả hy sinh. Tìm kiếm, tìm thấy và thi hành ý Chúa, dù biết mang lại giá trị cao cả và vững bền cho đời người, nhưng luôn có những khó khăn và thách đố. Bỏ bớt cái tôi để chọn điều đúng đắn; đúng đắn không theo tiêu chuẩn của luật lệ, mà theo tiêu chuẩn của tình thương, là một chọn lựa đầy khó khăn. Tìm thi hành ý Chúa không chỉ một lần rồi xong mà là một hành trình phải đi qua, hàng năm, hàng tháng và có khi hàng ngày. Gương mẫu của thánh Giuse nhắc nhở và mời gọi chúng ta tiếp tục kiếm tìm điều thiện hảo nhất, vừa theo lòng nhân ái của con người, vừa phù hợp với thánh ý Chúa.


 

THÁNH GIU-SE: MẪU GƯƠNG HÀNH ĐỘNG (Lm. Giuse Phan Hoàng Huy, SVD)

Khi nói đến thánh Giu-se, Hội Thánh luôn ca ngợi ngài là người công chính, là tôi tớ trung tín và khôn ngoan như được đọc trong kinh tiền tụng lễ thánh Giu-se. Trong khi đó, với những gì được thuật lại trong các sách Tin Mừng, chúng ta lại dường như chẳng nghe được thánh nhân nói một lời nào cả. Thay vào đó, những gì được nói về thánh Giu-se trong các trang Tin Mừng lại làm sáng lên mẫu guơng của một con người luôn hành động: hành động trong đức đin, hành động với tình yêu thương và hành động với sự hy sinh cao cả.

  1. Hành động trong đức tin

Thánh Giu-se đã trở thành một mẫu gương sáng ngời của một con người luôn hành động trong đức tin. Tin Mừng đã thuật lại những lần thánh Giu-se hành động một cách mau chóng với sự tin tưởng tuyệt đối. Chẳng hạn, khi biết Đức Ma-ri-a có thai, trong khi hai người chưa cùng chung sống, mà mình không phải là tác giả, thánh Giu-se định tâm lìa bỏ Đức Ma-ri-a cách kín đáo. Thế rồi, trong giấc mộng, thánh Giu-se đã được sứ thần Chúa báo cho biết đừng ngại đón Ma-ri-a về bởi Ma-ri-a mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18b-20). Và khi tỉnh giấc, thánh Giu-se đã thực hiện như lời sứ thần truyền (x. Mt 1,24). Đây quả là hành động của một người tin. Vì tin mà thánh Giu-se đã không thực hiện theo ý của mình, để rồi hoàn toàn chấp nhận hành động theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì tin mà thánh Giu-se đã bỏ qua những tính toán riêng tư của mình. Phải là một người có lóng tin mạnh mẽ mới có thể đi đến hành động như thế. Chẳng dễ dàng hành động như thế nếu không có lòng tin vững vàng.

Chỉ khi tin, chúng ta mới dễ dàng đón nhận và thực hiện những điều dường như trái với lẽ thường tình tự nhiên. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đều có kinh nghiệm, dường như mỗi ngày đều có những sự việc không như mong muốn xảy đến cho ta. Trong những trường hợp như thế, hầu hết chúng ta đều như muốn nổi loạn hơn là có một thái độ đón nhận trong tin yêu và phó thác. Gương đức tin của thánh Giu-se sẽ tăng thêm nghị lực và sức mạnh cho chúng ta trước những điều trái ý, những sự việc không mấy suôn sẻ thình lình ập đến với mình và những người thân trong gia đình. Chúng ta sẽ trở nên an vui hơn khi bất ngờ tai hoạ xảy đến, chẳng hạn như căn bệnh nan y mà mình hay người thân mắc phải, rồi những thất bại trong làm ăn kinh tế, hoặc chồng con nghiện ngập tứ đổ tường… Những điều này xảy đến với ai hay với gia đình nào cũng đều là những thử thách đức tin cả. Nhưng đức tin sẽ giúp chúng ta tin tưởng phó thác đời mình cho Thiên Chúa, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa hằng yêu thương và Ngài có đủ quyền năng để lo liệu cho chúng ta.

  1. Hành động với tình yêu thương

Không chỉ hành động với một đức tin mạnh mẽ, sống động, thánh Giu-se còn là mẫu gương về một con người hành động với tình yêu thương dạt dào. Những gì chúng ta đọc được trong Kinh Thánh nói đến thánh Giu-se làm sáng ngời về một con người luôn hành động vì yêu mến Thiên Chúa, yêu thương người thân, cụ thể là Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su. Với lòng mến Thiên Chúa, thánh Giu-se đã thi hành những lệnh truyền của Thiên Chúa cách mau chóng qua những lần lời sứ thần Chúa nói với ngài trong giấc mộng, như một sự đáp trả của tình yêu nồng cháy (x. Mt 1,24; 2,13-14.19-20). Với tình yêu thương và để đảm bảo sự an toàn cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su, thánh Giu-se đã lập tức, ngay trong đêm tối, đưa Đức Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su vượt mọi khó khăn, sang đất Ai Cập để tránh sự sát hại của bạo vương Hê-rô-đê (x. Mt 2,14). Bằng tình yêu của một người cha nhân hiền, thánh Giu-se đã khó nhọc lặn lội đường xa tìm kiếm Chúa Giê-su khi lạc mất Ngài trong dịp lên Đền Thờ; và chẳng một lời thở than trước lời của Chúa Giê-su: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (x. Lc 2,41-50).

Quả thực, tình yêu như một chất xúc tác, thúc đẩy con người có thể thực hiện được những hành động một cách phi thường. Mỗi ngày, chúng ta thực hiện biết bao nhiêu là công việc, những hành động liên quan đến đời sống tôn giáo, những hoạt động đóng góp cho xã hội, và những hành động chia sẻ nâng đỡ người thân trong gia đình. Nhưng thử hỏi động lực nào để chúng ta thực hiện tất cả những điều đó? Chắc chắn, khi chúng ta thực hiện mọi điều trong ngày sống của mình với một tình yêu thương thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Với một tình yêu nồng cháy, chúng ta sẽ sống mối tương quan với Thiên Chúa mặn nồng hơn, sâu sắc hơn; những thực hành tôn giáo của chúng ta sẽ mạnh dạn, sôi động, chứ không hời hợt, èo uột, thiếu sức sống. Với một tình yêu thương chân thành, chúng ta sẽ có những hành xử không so đo tính toán thiệt hơn với người thân và tha nhân.

  1. Hành động với sự hy sinh cao cả

Hy sinh là chấp nhận những phần thiệt thòi, chấp nhận mất mát về mình, từ bỏ đi những quyền lời của bản thân, thậm chí cho đi cả mạng sống của mình nữa. Với cái nhìn như vậy, chúng ta không khó để nhận ra nơi thánh Giu-se một mẫu gương hy sinh bản thân để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su. Chắc hẳn thánh Giu-se cũng có những hoài bão, những kế hoạch, những dự tính riêng cho đời mình như bao người khác. Nhưng rồi, có thể nói, hành động đón Đức Ma-ri-a về nhà mình chính là khởi đầu cho một chuỗi dài những hành động quên mình của thánh Giu-se, để thánh ý và chương trình cứu độ của Thiên Chúa diễn tiến tốt đẹp. Chắc chắn thánh Giu-se đã phải hy sinh rất nhiều để lo toan cho cuộc sống gia đình. Tuy Kinh Thánh thuật lại việc thánh Giu-se đưa Đức Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su từ Bê-lem sang đất Ai Cập, rồi từ Ai Cập trở về Na-da-rét một cách rất nhẹ nhàng, nhưng đấy cả là một hành trình đầy những gian khó và mệt mỏi. Chúng ta khó có thể biết hết được những gì thánh Giu-se phải trải qua trong hành trình này. Ai đã từng tay trắng bắt đầu cho cuộc sống mới ở một nơi đất khách quê người sẽ thấu hiểu được những gian truân mà thánh Giu-se phải đối diện. Cuối cùng, thánh Giu-se chấp nhận lùi bước để cho Chúa Giê-su, nhân vật chính trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, được nổi bật qua sự đột ngột ngài biến mất, không còn được nhắc đến trong Kinh Thánh nữa, sau sự kiện Đức Giê-su lên đền thờ năm mười hai tuổi (x. Lc 2,41-51). Thánh Giu-se thật là mẫu gương hy sinh thầm lặng tuyệt vời!

Ngày nay, nơi nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn, chúng ta thấy thiếu vắng sự hy sinh của những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, để rồi bao cảnh đau buồn đáng tiếc xảy ra: vợ chồng ly than – ly dị, vợ chồng, con cái vướng vào những tệ nạn xã hội… Tất cả chỉ vì thiếu hy sinh cho nhau. Thật đáng buồn! Phải chăng, mỗi người dám quên mình, từ bỏ đi những thoả mãn đam mê cá nhân mà hướng đến niềm vui của người thân và tha nhân. Có như thế, chắc chắn chúng ta sẽ thấy được những nụ cười rạng rỡ thay cho những giọt nước mắt buồn thương.

Một vài suy nghĩ trên đây, phần nào giúp cho mỗi người chúng ta tự tin tiến bước trong đời sống đức tin và dấn thân phục vụ tha nhân. Mỗi khi chúng ta gặp những điều trắc trở trong đời, hãy biết nhìn lên gương thánh Giu-se, người đã vượt qua được mọi gian khó, với sự tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và phục vụ trong tình yêu và hy sinh. Nguyện xin thánh Giu-se, người đã luôn gìn giữ, bao bọc chở che cho gia đình Na-da-rét xưa, nâng đỡ và cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.


 

THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG CÔNG CHÍNH ( Lm. Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD)

Để nói về thánh Giuse, chúng ta không thấy hoặc rất ít sử liệu viết về ngài, ngoại trừ một vài lần được nhắc đến trong Thánh Kinh. Nhưng thánh Giuse đã được Giáo Hội tuyên xưng với rất nhiều tước hiệu, và có lẽ tước hiệu Giuse – Người Công Chính là một tước hiệu phản ánh rõ nét cuộc đời của thánh nhân hơn cả, và đời sống công chính cũng là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Như vậy, chúng ta hiểu công chính là như thế nào, và những chiều kích nào làm nên sự công chính nơi thánh nhân?

  1. Công Chính Là Gì?

Công chính trước tiên là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Nói khác đi, công chính là không nhận những gì không phải là của mình, không thuộc về mình. Đó là sự công minh chính trực của một con người. Tin Mừng tường thuật, “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Theo lẽ thường, việc thánh Giuse định tâm từ bỏ Đức Maria khi hay tin bà mang thai, nhưng tác giả không phải là mình. Điều đó cho thấy thánh Giuse là người công chính, vì ngài biết và nhận thức rõ, điều đó không thuộc về mình và cũng không phải của mình. Và cũng từ câu chuyện đó, theo lối giải thích xưa kia thì thánh Giuse định trốn đi vì nghi ngờ Đức Maria. Nhưng theo các nhà chú giải thời nay thì thánh Giuse định tâm bỏ trốn, vì ngài nhận ra chức vụ làm cha nuôi Đấng Cứu Thế thật là lớn lao, vượt quá sức của ngài. Có lẽ, đây là lý do làm cho thánh nhân định tâm bỏ đi cách kín đáo. Và chỉ khi Sứ Thần của Thiên Chúa báo tin cho ngài, thì thánh nhân mới dám lãnh nhận trách vụ cao cả này. Chính nhờ sự công chính này nơi thánh Giuse mà Đức Giêsu nhập thể làm người, và Thiên Chúa sẽ thực hiện chương trình cứu độ nhân loại nơi Ngôi Lời Nhập Thể.

Trong bài đọc một trích sách Samuel quyển thứ hai, và bài đọc hai trong thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma, Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Ápraham và vua Đavít một dòng dõi và vương quyền trường tồn đến muôn đời. Giờ đây, lời hứa ấy đang dần trở thành hiện thực khi Con Thiên Chúa đang được thánh Giuse cưu mang và dưỡng dục. Dù rằng, những điều ngài sẽ thực thi cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu chỉ qua giấc mộng, nhưng thánh nhân vẫn âm thầm, thinh lặng và trung tín thi hành điều mà Thiên Chúa gọi mời.

  1. Sự Công Chính Nơi Thánh Giuse Thể Hiện Qua Đời Sống Tin Tưởng và Phó Thác

Qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy rằng thánh Giuse có một niềm tin sắt đá, kiên trung vào Thiên Chúa, vì trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời mà thánh nhân vẫn phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, và vững tin vào những điều mà thánh nhân đang làm là do bàn tay Thiên Chúa chỉ định và hướng dẫn. Mặc dù Thiên Chúa không thông báo cho thánh nhân cách minh nhiên, chỉ thông qua những giấc mơ, nhưng với sự tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thánh nhân đã mau mắn đáp trả lời mời gọi một cách dứt khoát và trung tín. Và cũng nhờ lòng tin và tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa của thánh Giuse mà Đức Maria và Chúa Giêsu đã được an toàn và bình yên trước sự truy tìm giết Hài Nhi Giêsu của vua Hêrôđê. Dù biết rằng, để thi hành những gì đã nghe thấy trong giấc mơ là không dễ dàng, thế nhưng nhờ một đức tin kiên vững và phó thác vào Thiên Chúa mà thánh nhân đã thực thi mọi điều Thiên Chúa đã mời gọi và hướng dẫn.

  1. Sự Công Chính Qua Đời Sống Âm Thầm Thi Hành Sứ Vụ Chúa Trao

Bên cạnh đó, sự công chính nơi thánh Giuse cũng được biểu lộ qua khía cạnh âm thầm miệt mài với tinh thần và trách nhiệm trong công việc. Nhiệm vụ của thánh Giuse là gìn giữ Đức Maria và Đức Giêsu. Thiên Chúa đã trao cho thánh nhân nhiệm vụ đó, và ngài đã âm thầm hoàn thành cách chu đáo. Thánh Giuse đã miệt mài lao động để kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình. Thánh nhân đã chấp nhận cái lạnh của đêm đông giá rét ở Bêlem để chu toàn lề luật của một công dân. Và thánh Giuse cũng đã âm thầm chấp nhận sống tha hương ở Ai Cập để bảo vệ Hài Nhi Giêsu khỏi nanh vuốt của bạo chúa Hêrôđê. Thánh nhân luôn trân trọng kho tàng Thiên Chúa trao phó cho ngài  gìn giữ, và ngài chu toàn với tinh thần dấn thân hy sinh và yêu mến, không ngại khó khăn và gian khổ. Trong Kinh Thánh kể lại bốn lần thánh nhân nhận được sứ mệnh từ Thiên Chúa và bốn lần ngài đã âm thầm thực hiện. Lần đầu tiên là Thiên Sứ loan báo, hãy đón Maria về làm vợ. Lần thứ hai là hãy đem Thánh Gia trốn sang Ai Cập. Lần thứ ba là hãy đưa Thánh Gia trở về lại đất Do Thái. Lần thứ tư là hãy mang Thánh Gia đến Nadarét. Sự công chính nơi thánh nhân là thế đó, nghĩa là luôn thượng tôn thánh ý của Thiên Chúa mạc khải cho mình và âm thi hành một cách chu đáo và đầy trách nhiệm.

Qua hình ảnh thánh Giuse, chúng ta nhận ra được một mẫu gương công chính, mẫu gương này rất cần cho mỗi người chúng ta trong thế giới hôm nay. Vì thế giới ngày nay đang ngày càng thiếu vắng sự công chính nơi chính đời sống của mỗi người. Người thời nay, người ta gian tham nhận những gì không phải là của mình; gian lận trong tiền bạc, danh vọng và chức quyền. Và cũng chính vì thiếu vắng sự công chính nên người ta hãm hại lẫn nhau, lừa gạt và phỉ báng nhau; thậm chí trốn tránh và thờ ơ với bổn phận và trách nhiệm mình được giao phó. Quả thế, chính vì thiếu vắng sự công chính mà người ta có thể làm bất cứ điều gì trái với luân thường đạo lý, trái với lương tâm mách bảo và ngay cả trong gia đình của mình, với những người thân cận nhất của mình. Chính vì thế, thánh Giuse là mẫu gương công chính hơn bao giờ hết cho chúng ta noi theo trong đời sống hôm nay.

Chúng ta dâng lên Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, tất cả những khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta tin tưởng vào thánh Giuse, cha thánh của chúng ta, người cha đã săn sóc và bảo vệ Thánh Gia xưa một cách tận tuỵ thế nào, thì ngày nay ngài cũng là một đấng bảo trợ thần thế cho chúng ta như vậy. Hơn nữa, chúng ta cũng hãy chạy đến với thánh Giuse để ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, đẩy lui mọi tai ương và dịch bệnh nơi trần thế này. Cách đặc biệt ngày hôm nay, chúng ta cũng cầu nguyện cho những ai nhận thánh Giuse làm bổn mạng, xin cho họ luôn biết noi gương bắt chước các nhân đức nơi thánh nhân, đặc biệt là mẫu gương sống công chính trong gia đình, cộng đoàn và xã hội. Amen.

 


THÁNH GIUSE – NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Hoàng, SVD)

Kinh Thánh nói thánh Giuse “người công chính”, nghĩa là người đi theo đường lối của Chúa, người được Thiên Chúa yêu thương và được tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích thêm: tiếng công chính nơi thánh Giuse nghĩa là “no đầy ơn phước”. Theo lối giải thích xưa thì thánh Giuse trốn đi vì nghi ngờ Đức Maria. Nhưng theo các nhà chú giải thời nay thì thánh Giuse định bỏ trốn vì thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Đấng Cứu Thế.

Quả vậy, trong biến cố truyền tin, thánh Mátthêu viết: “Ông Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên đã đã định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Ông Giuse được biết là bà Maria“có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Công chính trước hết là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Vì thế ông toan tính rút lui (I. de La Potterie, Maria nel mistero dell’Alleanza, Marietti Torino, pp. 65-92, Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.).

Vai trò làm cha được biểu lộ qua việc “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu (Mt 1,21). Khi biết người con Đức Maria cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm cha nuôi Đấng Cứu Thế để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa một cách trung tín. Ngài xứng đáng là chủ gia đình Nadarét, một gia đình thánh thiện. Qua đó, thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.

Hiện nay nhiều gia đình Công Giáo đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: tình yêu bị đe doạ vì tình trạng li dị ngày càng cao; những thai nhi không được sinh ra vì nạn phá thai; con cái nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt trong bầu khí gia đình vì bị mắng chửi hay vì gương xấu của cha mẹ, để rồi thoát ly gia đình, đi bụi đời, để rồi giết hại đời mình trong những vui thú tệ hại như ma tuý… Trong số muôn vàn nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng trong gia đình, tôi chỉ muốn nêu lên một lý do chính yếu đó là thiếu sự nhường nhịn. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một sự nhịn là chín sự lành”. Từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã cảm nghiệm cuộc sống vợ chồng sâu sắc: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê” (Ca dao). Chính sự nhường nhịn ấy sẽ tạo nên tình yêu và một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Làm sao mà người chồng có thể còn bực tức trước một cử chỉ yêu thương như thế: “Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở thưa anh giận gì” (Ca dao). Chúng ta hãy học cùng thánh Giuse để biết yêu thương nhường nhịn lẫn nhau, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái.

Thánh Giuse được Chúa trao cho nhiệm vụ gìn giữ Đức Maria và Đức Giêsu, gìn giữ Thánh Gia. Ngài đã hết sức chu toàn trong hoàn cảnh thuận lợi cũng như trong hoàn cảnh khó khăn. Ngày nay thánh Giuse vẫn hợp thời, vẫn là gương mẫu cho con người. Thế giới ngày nay đang thiếu vắng sự công chính như gương mẫu thánh Giuse. Người ta gian tham nhận những gì không phải của mình. Không phải chỉ gian tham tiền bạc mà còn gian tham chức quyền, danh vọng. Vì thiếu công chính mà người ta hãm hại người khác, chiếm đoạt tiền của, danh dự của người khác. Vì thiếu công chính mà người ta sống giả dối và lừa lọc nhau. Vì thiếu công chính nên người ta trốn tránh nhiệm vụ, chỉ thích những việc nhàn hạ; người ta dửng dưng trước nỗi khổ đau của những người ruột thịt ngay trong gia đình mình.

Các gia trưởng nhiều khi lười biếng, ham vui mà thiếu trách nhiệm với gia đình, với vợ con. Chỉ một vài thử thách, thiếu thốn, người ta sẵn sàng từ bỏ nhiệm vụ, từ bỏ người thân. Nên thánh Giuse là gương mẫu cần thiết cho người cha, cột trụ gia đình. Các bậc làm cha hãy đến cùng thánh Giuse để được ngài hướng dẫn, che chở. Những đức tính của ngài, sự công chính của Ngài rất hữu ích để giúp chấn chỉnh gia đình, xây dựng Giáo Hội. Như Đức Giáo Hoàng Piô IX, một vị Giáo Hoàng có lòng sùng kính thánh Giuse cách đặc biệt, đã viết về thánh Giuse như sau: “Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất không tìm được vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh Cả Giuse”. Cảm nghiệm điều đó, thánh nữ Têrêsa Avila đã nói: “Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của vị Thánh Cả vinh phúc này. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết rằng thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin nhưng ai không tin lời tôi thì hãy cứ thử mà xem”.

Xin thánh Giuse là Đấng Công chính cầu cho chúng ta.


 

TÍN THÁC, CẬY TRÔNG, YÊU MẾN NHƯ THÁNH GIUSE (Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD)

rong sốnhững người thân cận với Đức Giêsu nhất, có lẽ thánh Giuse ít được mô tả cách chi tiết nhất. Ngài chỉ được diễn tả rất sơ sài và có ít những bản văn Kinh Thánh lưu tâm đến, có chăng chỉ là những chương đầu của Tin Mừng Mátthêu và Luca. Tin Mừng chỉ thuật lại những giấc mộng của thánh nhân hoặc giới thiệu sơ qua về ngài trong gia phả của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các bản văn kinh Thánh, chúng ta nhận thấy rằng thánh nhân không chỉ là con người của thinh lặng, ẩn dật mà còn là con người đặt niềm Tin, Cậy, Mến nơi Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống thường ngày.

  1. Một niềm tín thác không nghi ngờ

Qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy rằng thánh Giuse có một niềm tin sắt đá, vì trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, ngài vẫn phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, và vững tin những điều người đang làm là do bàn tay Thiên Chúa chỉ định và hướng dẫn. Tuy Thiên Chúa không thông báo cho ngài một cách minh nhiên, chỉ qua những giấc mơ, nhưng với sự tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài đã đáp trả lại tiếng gọi được biểu lộ sâu xa trong những giấc mơ ấy. Nhờ lòng tin vào Thiên Chúa của thánh Giuse mà Đức Maria và Chúa Giêsu đã ra đi và trở về bình an như một phép lạ vậy. Dù biết rằng, để thực hiện những gì đã nghe thấy trong những giấc mơ là một việc không dễ dàng chút nào nhưng nhờ một đức tin vững vàng vào Thiên Chúa nên thánh nhân đã thực thi mọi việc như điều Thiên Chúa muốn.

Trong những thử thách như vậy, thánh nhân có thể bị cám dỗ hoài nghi về vai trò là Đấng Cứu Thế của Đức Giêsu. Nhưng nhờ sự tín thác, ngài vẫn đứng vững, vì ngài vững tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa (x.Rm 4,21). Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa có thể làm những điều vượt hơn tất cả những gì chúng ta cầu xin hay nghĩ tới (x.Ep 3,20), vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể (x. Mc 10,27; Lc 1,37). Có lẽ thánh Giuse luôn tin rằng Thiên Chúa mãi trung tín đối với những ai tin tưởng nơi Ngài. Qua bài đọc I trích sách Samuen quyển thứ hai và trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã hứa ban cho ông Ápraham và vua Đavít một dòng dõi mà vương quyền tồn tại đến muôn đời. Giờ đây, lời hứa ấy đang trở thành hiện thực khi Con Thiên Chúa đang được thánh Giuse cưu mang và nuôi dưỡng. Dù niềm tin ấy chỉ được thể hiện trong những giấc mơ của mình, nhưng ngài vẫn tín thác và cậy trông nơi Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.

  1. Một lòng cậy trông trên hết mọi sự

Qua những mô tả của các tác giả Tin Mừng, chúng ta thấy rằng thánh nhân chỉ âm thầm với những việc làm của mình. Ở nơi đền thánh, duy chỉ mình Đức Maria lên tiếng thầm trách yêu Chúa Giêsu vì đã để hai ngài lo lắng, còn thánh Giuse vẫn im lặng. Sự im lặng của thánh nhân để nói lên rằng, ngài luôn lắng nghe lời Chúa phán. Dù chỉ qua những giấc mơ, thánh nhân vẫn mau mắn thi hành. Nhờ lòng cậy trông nơi Thiên Chúa, thánh nhân đã nhận Ðức Maria làm vợ. Nhờ lòng trông cậy, thánh nhân đã giữ cho Thánh Gia kiên vững trong những biến cố khó khăn: khi sự truy sát của Hêrôđê bắt đầu, ngài đã phải đem gia đình trốn sang Ai Cập; đến khi vua Hêrôđê băng hà, ngài lại âm thầm đem hai người thân yêu nhất trở về nguyên quán là làng Nadarét. Qua những biến cố trên, chúng ta thấy thánh Giuse là một người sống đức tin bằng hành động, không lý luận, không thắc mắc. Tâm hồn và thân xác của ngài luôn sẵn sàng dâng hiến để thánh ý Thiên Chúa được thi hành. Quả thật, nhờ sự cộng tác đắc lực của thánh Giuse mà kế hoạch Nhập Thể của Chúa Giêsu được diễn ra hết sức tốt đẹp như chương trình Thiên Chúa muốn. Không đòi hỏi được tuyên dương, thánh Giuse đã làm trọn sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó cho ngài.Như vậy, nhờ đức cậy, thánh Giuse có thể chấp nhận mọi thử thách với lòng trung tín sắt son. Ngài có thể vượt qua những cơn bão tố dữ dội nhất của cuộc đời để mang tới niềm vui cho gia đình Nadarét.

  1. Một lòng yêu mến thiết tha

Lòng tận tụy chăm sóc cho Đức Maria và sự tận tình nuôi nấng Đức Giêsu đã nói lên một tình yêu bao la trời biển của thánh Giuse dành cho Thánh Gia. Hàng ngày, ngài vẫn miệt mài lao động để duy trì cuộc sống gia đình. Ngài đã chăm sóc chu đáo và hết lòng dạy bảo Chúa Giêsu khôn lớn như Tin Mừng Luca đã đề cập: “Trẻ Giêsu càng lớn càng thêm khôn ngoan và nhân đức, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người” (x.Lc 2,51-52). Sở dĩ Chúa Giêsu cũng cần được nuôi nấng và giáo dục như bao trẻ nhỏ khác vì Ngài cũng là con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Sự âm thầm hy sinh của thánh Cả Giuse để che chở cho Đức Maria và nuôi dạy Đức Giêsu nên người không chỉ cho thấy niềm tin sâu xa, mà còn thể hiện một tình yêu vô bờ bến của ngài đối với những người thân yêu.

Noi gương thánh nhân chúng ta cũng hãy học đòi bắt chước thánh Giuse với một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, một lòng cậy trông sâu xa dù đi trong đêm tối của cuộc đời và một tình yêu vô điều kiện đối với những người được trao phó cho mình.

Nguyện xin thánh cả Giuse luôn cầu bầu cùng Chúa cho Giáo Hội Việt Nam và những người nhận ngài làm bổn mạng; xin cho họ luôn có một đức tin vững vàng để biết trông cậy nơi Chúa. Xin cho mọi người biết hy sinh nhiều hơn nữa cho tha nhân cũng như làm chứng cho Chúa trong xã hội tục hóa hôm nay.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 5 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (19/3, Thánh Cả Giuse, Lễ trọng)

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.