Thường Niên – Tuần III – Năm B

0
329

Chúa Nhật, Năm B

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc 1 : Gn 3,1-5.10

Bài đọc 2 : 1 Cr 7, 29-31

Tin Mừng : Mc 1,14-20

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

BỐN MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN

Đoạn Tin Mừng đề cập đến việc Đức Kitô chọn bốn vị tông đồ đầu tiên. Ngài đang đi trên bờ biển, lần lượt gặp các ông đang kiếm sống bằng nghề chài lưới, và Ngài gọi các ông.

Tôi lấy làm ngạc nhiên và cảm thấy khá thú vị về cách Ngài chọn họ. Tôi tự vấn rằng tại sao Ngài chọn bốn người nhà quê, làm nghề đánh cá để trao nhiệm vụ quan trọng là rao giảng Lời Chúa? Lẽ nào Ngài không quan tâm đến tiêu chuẩn “đầu vào” hay khả năng của họ?

Thông thường các nhà quản lý khi tuyển mộ nhân viên, đều yêu cầu ứng viên một số tiêu chuẩn đầu vào. Chẳng hạn như: trình độ học vấn cao, ngoại hình chuẩn, khả năng giao tiếp tốt, năng lực làm việc tốt.

Nhưng với Đức Giêsu thì không! Ngài không đưa ra tiêu chuẩn hay đòi hỏi nào đối với những người Ngài chọn cả. Ngài chẳng màng đến trình độ học vấn, ngoại hình, năng lực hay địa vị. Ngài chọn họ là những con người bình thường, giữa đám dân làng chài. Nhưng nơi họ hội tụ đủ tố chất của dân miền biển: chân chất, đơn sơ giản dị và chăm chỉ làm việc. Họ là những thợ thuyền dám mạo hiểm, đương đầu với sóng gió thử thách. Khi được gọi, họ đáp trả bằng sự quyết đoán và can đảm là sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp để đi theo Đức Kitô.

Phải chăng đó là những tố chất tiêu chuẩn của một nhà truyền giáo ngày nay khi được mời gọi trở thành môn đệ Đức Kitô? Một tâm hồn đơn sơ, bình dị và khiêm

nhường; đôi tay chăm chỉ với công việc phục vụ đoàn chiên; đôi chân sẵn sàng ra đi bất cứ nơi đâu cốt để làm vinh danh Thiên Chúa.

Lạy Chúa xin biến đổi con trở thành môn đệ có tâm hồn khiêm hạ và quảng đại, sẵn sàng theo Chúa để thi hành sứ mạng “chài lưới người”. Amen.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Thứ Hai

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 5,1-7.10

Tin Mừng : Mc 3,22-30

Khi ấy, các kinh sư từ Giêrusalem xuống nói về Đức Giêsu rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”

PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN

Các kinh sư từ Giêrusalem, những người được xem là có thế giá trong xã hội Do Thái thời đó, cho rằng Chúa Giêsu

vừa bị quỷ vương Bêendêbun ám, vừa dùng thế quỷ vương mà trừ quỷ. Đáp lại, Chúa Giêsu vừa cho thấy lập luận của các kinh sư phi lý, vừa cảnh báo về nguy cơ “phạm đến Thánh Thần”. Chúa Giêsu đã phản bác thế nào? Và “phạm đến Thánh Thần” nghĩa là gì?

Trước hết, Chúa Giêsu chứng minh rằng vương quốc của Xatan có trật tự của riêng nó, nghĩa là Xatan sẽ không tự chống lại mình. Nếu nó tự chống mình, thì nó sẽ tự chia rẽ và sụp đổ mà không cần ai loại trừ nó cả. Vì thế, nếu cho rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, hóa ra Người vừa thuộc vương quốc Xatan, vừa là nguyên cớ để Xatan tự chống nhau mà chia rẽ và sụp đổ. Xatan ranh ma và quỷ quyệt chứ đâu có dại vậy!

Hơn nữa, điều nguy hiểm hơn là suy nghĩ và lập luận như thế là đang rơi vào nguy cơ “phạm đến Thánh Thần”. Thánh Thần được ban cho loài người để giúp người ta nhận biết, tôn thờ và rao truyền về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Bất cứ sự chối từ, xuyên tạc, thậm chí cho rằng Người thuộc về vương quốc Xatan đều là sự xúc phạm đến Thánh Thần.

Trái lại, ơn Thánh Thần giúp người ta hiểu rằng dù vương quốc Xatan được canh giữ bởi “một người mạnh”, nhưng Chúa Giêsu đến như “một người mạnh hơn” nên có thể “trói người mạnh” và “cướp sạch” nhà của nó. Chúa Giêsu có thể trừ quỷ vì Người có sức mạnh của Con Thiên Chúa, chứ không phải người bị quỷ ám, hay thuộc về Xatan.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết cậy vào ơn sủng và sức mạnh của Ngài để có thể chiến thắng những cám dỗ và xúi dục của Xatan, nhất là cám dỗ chối bỏ uy quyền của Con Thiên Chúa mà rơi vào nguy cơ phạm đến Thánh Thần.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Ba 

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 6,12b-15.17-19

Tin Mừng : Mc 3,31-35

Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

TÔI LÀ ANH EM CỦA AI?

Từ câu hỏi của Đức Giêsu “ai là anh em tôi?”, tôi tự hỏi chính mình: “Tôi là anh em của ai?” Câu hỏi này một mặt gợi mở cho những ai nghe và tin nhận Người bổn phận rao truyền Lời Chúa, mặt khác, nó đặt ra cho tôi yêu cầu dám đón nhận người khác vào gia đình đức tin, nghĩa là một chiều kích khác trong tương quan: tôi chọn ai làm anh em của tôi?

Thế giới bao la còn nhiều người mong ước nhận biết Chúa và khao khát Lời Cứu Độ, nhưng một phần vì người môn đệ hôm nay lo sợ sứ vụ, điều này dẫn đến việc trốn tránh. Sự trốn tránh sứ vụ này có thể suy ra như là một sự khước từ anh chị em vào nhà mình. Nỗi lo sợ đến từ nhiều phía và với những lý lẽ khác nhau, song điều cốt yếu là người môn đệ hôm nay chưa đủ nhiệt huyết tông đồ, ngại khó khăn, ngại gian khổ do phải đón nhận những con người khác biệt làm anh em của mình cũng như không dám làm người con bé nhỏ trong một gia đình khác biệt về nhiều khía cạnh, văn hoá, ngôn ngữ, địa vị.

Tôi chỉ thuộc về Chúa nếu tôi lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Người khao khát theo Chúa thì cũng khát khao sống và thi hành ý muốn của Thiên Chúa; mà ý muốn của Thiên Chúa là muôn dân được cứu độ. Vậy có một mối dây kiên kết trong những điều Đức Giêsu giảng dạy trong Bài Tin Mừng hôm nay: Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? Mẹ tôi, anh chị em tôi là những người lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hành những lời ấy. Người môn đệ đón nhận sứ vụ, ra đi là sống chính lời kêu gọi của Con Thiên Chúa. Việc ra đi, sống và rao giảng để  nhiều người được nghe Lời Chúa. Nhờ đó, sẽ có thêm những người được đón nhận vào gia đình đức tin. Khi dấn thân cho sứ vụ, tôi dám từ bỏ những gì thân quen, dám chấp nhận sự khác biệt, dám đón nhận những người anh em khác như là người thân của mình, dù họ khác biệt, dù sứ vụ tôi đón nhận có nhiều trắc trở.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hôm nay biết quảng đại lắng nghe Lời Chúa với lòng khao khát được là anh chị em của Chúa. Xin Thần Khí Chúa soi dẫn, đốt lên trong chúng con lòng tin yêu và nhiệt huyết để có thêm can đảm chấp nhận những anh chị em với rất nhiều khác biệt, khó ưa vào trong gia đình của Chúa. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Tư 

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 7,4-17

Tin Mừng : Mc 4,1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: “Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”. Và Người phán rằng: “Ai có tai nghe thì hãy nghe” […]

“SỐNG LỜI CHÚA – CHỌN CHÚA HAY CHỌN THẾ GIAN.”

Giữa một xã hội đề cao vật chất hôm nay, con người như đang quay cuồng trong cơn bão danh vọng tiền tài. Cuộc sống vật chất như đang che kín con mắt của nhiều người, làm sao để có thật nhiều tiền, làm sao để đạt đến những bước đường danh vọng cao nhất… Đau khổ vẫn còn đó, làm sao để con người có thể xích lại gần nhau, để chia sẻ cho nhau với tình thương phát xuất từ con tim, chứ không phải bằng sự lợi dụng? Làm sao để thoát khỏi mọi bế tắc trước những vấn đề của cuộc sống? Nếu ai chỉ đi tìm bằng chính năng lực của mình, lời giải đáp ấy vẫn phiến diện và giới hạn, vì con người còn đầy giới hạn. Nhưng nếu ai để cho Lời Chúa hướng dẫn, chắc chắn sẽ vượt qua được tất cả.

Chọn thế gian, chọn tiền bạc hay chọn Chúa; thoả hiệp với thế gian để có được những giây phút hạnh phúc mau qua chóng hết hay chọn Chúa để Ngài hướng dẫn bằng Lời của Ngài. Chọn lắng đọng tâm hồn để Lời Chúa hướng dẫn, hầu tìm được sự bình an thực sự hay chọn sự ồn ào, náo động của xã hội? Đây là một thách đố đối với các bạn trẻ.

Đức Maria, Mẹ của chúng ta là một mẫu gương tuyệt vời về việc lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Chúa. Mẹ cũng đang hiện diện ở đây với chúng ta và đang cùng chúng ta học hỏi và suy gẫm Lời Chúa. Ngày hôm nay Mẹ cũng đang nói với chúng ta điều Mẹ đã nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những gì còn thiếu sót nơi con người của mình, để chúng con biết khiêm tốn sửa đổi. Chỉ khi nào chúng con sống đức tin một cách vững chắc, chúng con mới làm cho người khác nhận ra và tin vào Chúa.

Tu sĩ F.X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Năm 

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại. Lễ Kính (Tr).

Bài đọc : Cv 22,3-16 hoặc Cv 9,1-22

Tin Mừng : Mc 16,15-18

Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

MẠNH DẠN DẤN THÂN LOAN BÁO TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN

Tin Mừng thánh Máccô ghi lại một lệnh truyền quan trọng của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Lời mời  của Chúa Giêsu dành cho các ông là hãy ra đi rao truyền sứ điệp tình yêu, ân sủng và ơn cứu độ của Người cho muôn dân. Lời mời gọi này, không chỉ dành riêng cho các môn đệ xưa kia mà cho mọi Kitô hữu.

Xã hội tục hóa ngày nay đã làm cho đời sống con người dần trở nên nguội lạnh và xa cách Thiên Chúa, dễ dẫn đến lối sống vô thần. Vì lẽ đó, lệnh truyền của Chúa Giêsu xưa kia là một lời thúc bách bạn và tôi, hãy mạnh dạn loan Tin Mừng Phục Sinh của Chúa đến với muôn người, ở mọi nơi, mọi cảnh huống của đời sống thường nhật.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm nhiều sức mạnh, niềm tin và nghị lực cho con để con dám dấn thân đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi loài thụ tạo. Xin Chúa cũng biến đổi chúng con trở thành những tông đồ nhiệt thành và có đức tin kiên vững giữa muôn trùng sóng gió của cuộc đời, ngõ hầu chúng con có thể làm cho nhiều người được nhận biết Chúa trong môi trường xã hội hôm nay. Amen.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Thứ Sáu 

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Timôthê và Thánh Titô. Lễ Nhớ (Tr).

Bài đọc : 2 Tm 1,1-8, (hay Tt 1,1-5)

Tin Mừng : Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.  Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi.  Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng.  Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’.  Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy.  Bằng không, sự bình an lại trở về với các con.  Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công.  Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho.  Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng:  Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

THỢ GẶT

Bài Tin Mừng hôm nay đánh động tôi bởi câu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Đây là một thực trạng trong thế giới hôm nay về ơn gọi trong cánh đồng truyền giáo.

Đức Giêsu đã sai các môn đệ ra đi gieo hạt giống Nước Trời. Người sai họ đến với muôn dân trong tâm thế của một sứ giả bình an. Bình an mà các môn đệ đã lãnh nhận chính là bình an đích thực, bình an đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu biết được những khó khăn mà các môn đệ của Người sẽ gặp phải trên bước đường sứ vụ, nên Người cũng ban cho họ quyền năng để chữa bệnh cũng như sức mạnh để vượt thắng khó khăn.

Ngày nay, cánh đồng truyền giáo lại càng trở nên cấp bách hơn không phải vì những thợ gặt không nhận được bình an, sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong sứ vụ, nhưng những thợ gặt đã suy giảm sự tín thác vào Thiên Chúa. Họ đã mang theo quá nhiều túi tiền, bao bị, dày dép trên hành trình sứ vụ của mình. Những lúc gặp khó khăn thử thách, họ đã không còn cậy dựa nhiều vào bình an và sức mạnh đến từ Thiên Chúa nhưng chạy đến với những phương tiện vật chất. Tưởng rằng, mọi khó khăn sẽ được giải quyết bằng những thứ họ mang theo nhưng trong cánh đồng truyền giáo, những thứ đó trở nên vô dụng. Nó chỉ là phương tiện cần thiết chứ không phải là sức mạnh giúp thợ gặt hăng say dấn thân. Khi gặp thất bại họ sẽ không tìm được lối thoát nếu không tín thác vào Thiên Chúa. Niềm hăng say dấn thân mới là thứ cần thiết để mang những bông lúa chín vàng trong cánh đồng truyền giáo về cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết kín múc bình an và sức mạnh nơi Chúa để con trở nên thợ gặt hăng say dấn thân trong cách đồng truyền giáo của Chúa.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Bảy 

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : 2 Sm 12,1-7a,10-17

Tin Mừng : Mc 4,35-41

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

CHÚA NGỦ

Là Kitô hữu, ai trong chúng ta chẳng có một vài lần trải nghiệm về sự vắng bóng của Thiên Chúa. Khi cuộc sống có những khó khăn, thử thách, chúng ta chạy đến với Chúa. Nhưng dường như Thiên Chúa ngủ quên, chẳng đoái hoài đến những lời khẩn cầu của chúng ta. Những lúc đó, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa thật xa cách, không quan tâm đến cuộc sống con người.

Kinh nghiệm này không chỉ có nơi chúng ta, nhưng còn gặp nơi các vị thánh. Thậm chí ngay cả Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vốn có một mối dây liên kết chặt chẽ và sâu đậm với Thiên Chúa, Người cũng đã trải qua kinh nghiệm này. Vậy phải chăng Thiên Chúa ngủ quên, không đoái hoài đến những lời cầu xin của chúng ta?

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta một bức tranh thật sinh động và tương phản. Trong khi các môn đệ đang vật lộn với mưa to gió lớn thì Chúa Giêsu lại ngủ yên ở đầu mạn thuyền. Ra như Chúa không biết rằng đang có mưa to gió lớn và mạng sống của các môn đệ đang gặp hiểm nguy. Thực ra, Người thấu biết tất cả. Nhưng Đức Giêsu vẫn ngủ là để đánh giá xem lòng tin của các môn đệ như thế nào. Quả thật, các môn đệ không đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu. Khi gặp giông bão, sóng dữ, mạng sống cận kề nguy hiểm, các ông đã hoảng sợ và quên mất rằng Thầy mình, Đấng có thể dùng quyền năng đánh tan sự dữ và bảo toàn mạng sống cho mình, đang ở bên cạnh.

Trong cuộc sống, đã bao giờ chúng ta gặp tình cảnh như các môn đệ chưa? Và trong những lúc như thế, chúng ta chọn cho mình thái độ nào: tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, hay thiếu niềm tin rồi đâm ra hoang mang, sợ hãi?

Lạy Chúa, trong những thời điểm khó khăn của bão tố cuộc đời, xin cho chúng con nhận ra rằng Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng con. Nhờ niềm tin đó, chúng con sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách mà tiến bước về quê trời.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoTang lễ của ông cố Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thanh, thân phụ của Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.