Thường Niên – Tuần XXX – Năm B

0
320

Chúa Nhật – Ngày 28 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

(Không cử hành lễ THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA, TÔNG ĐỒ.)

Bài đọc 1 : Gr 31,7-9

Bài đọc 2 : Hr 5,1-6

Tin Mừng : Mc 10,46-52

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

XIN RỦ LÒNG THƯƠNG

Trong Tin Mừng, chúng ta thường bắt gặp cụm từ “chạnh lòng thương”. Đó là cụm từ diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Hôm nay, một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường đã nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời cầu xin tha thiết của anh ta: “lạy Con vua Đa vít, xin rủ lòng thương tôi”.

Là người mù “ăn xin chuyên nghiệp”, hẳn anh ta nghe được rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện về Đức Giêsu, Người có quyền trên các thần ô uế và bệnh tật. Vì thế anh đã chộp được cơ hội để van xin Người bày tỏ quyền năng và lòng thương xót. Quả thật, lời cầu xin của anh đã được Chúa Giêsu chấp nhận. Người đã chữa lành cho anh, không chỉ về thể lý mà còn giải phóng anh về phương diện xã hội, và nhất là Người đã cứu độ anh. Anh đã thực sự được chữa lành và được hòa nhập với cộng đồng, chấm dứt cảnh ngồi bệt bên vệ đường; thay vào đó anh đi theo Đức Giêsu trên con đường Người đi.

Lòng tin và lời cầu xin của anh mù đã gặp được quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng tin và ân sủng gặp nhau. Chính cuộc gặp gỡ ấy làm nên thực tại cứu độ. Ơn chữa lành và giải thoát đã được ban cho người mù. Như thế, tin Chúa và tin mình không thể tách rời nhau. Nhờ tin Chúa nên anh đã tự tin để vứt chiếc áo choàng và đứng phắt dậy. Và anh đã được Chúa cho “anh nhìn thấy”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết học cách kêu xin lòng thương xót của Chúa như anh mù: “Lạy Con vua Đavít xin rủ lòng thương tôi”.

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD

Thứ Hai – Ngày 29 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Ep 4,32 – 5,8

Tin Mừng : Lc 13,10-17

Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?…

ƠN CHỮA LÀNH 

Người phụ nữ bị còng lưng trong bài Tin Mừng hôm nay đã trải qua một kinh nghiệm quý báu về sự đụng chạm của Chúa Giêsu trên thân thể bà. Nhờ sự đụng chạm đó mà bà đã được chữa lành.

Tình trạng tàn tật của bà có nghĩa là không được tự do, không còn khả năng hành động thực sự, bị ràng buộc, bị tê liệt khiến cho bà không thể đi vào trong tương quan thực sự với người khác. Còng lưng cũng làm cho khuôn mặt hướng xuống đất; hình ảnh này diễn tả thân phận người nô lệ, vốn là tư thế không phù hợp với nhân tính. Tuy nhiên, qua hành động đặt tay của Chúa Giêsu, bà đã được tái tạo lại aơn gọi làm người, bà thay đổi tâm thế của mình mà đàng hoàng đứng thẳng người lên mà tôn vinh Thiên Chúa.

Chúng ta cũng hãy làm mới lại kinh nghiệm về sự đụng chạm của Chúa ở nơi sâu kín trong lòng mình khi gặp gỡ Chúa ngang qua lời của Người; hãy cố gắng lắng nghe tiếng Chúa gọi và để cho Chúa đụng chạm vào tâm hồn mình, bởi kinh nghiệm đụng chạm là một kinh nghiệm thiêng liêng ở mức độ “thần nhiệm”(1 Ga 1,1). Chắc chắn rằng, ta sẽ được giải thoát khỏi buồn rầu chán nản và tê liệt mà lạc quan vui mừng ca tụng lòng thương xót của Chúa.  Trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta cũng biết tinh tế mà “đụng chạm” và hiểu thấu đến những nhu cầu của anh chị em xung quanh, đặc biệt nơi những người đang tàn tật về thể lý và đau khổ về tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, hằng ngày chúng con được lắng nghe Lời Ngài và rước Ngài vào lòng, xin chữa lành tâm hồn chúng con, từ đó chúng con cũng biết quan tâm và đồng cảm với những anh chị em đang gặp đau khổ phiền muộn. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Ba – Ngày 30 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Ep 5,21-33

Tin Mừng : Lc 13,18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

LÀM DẬY MEN

Nước Thiên Chúa là nội dung mạc khải của Chúa Giêsu cho con người. Nước Thiên Chúa là gì? ở đâu? như thế nào? vẫn là những những câu hỏi không dễ trả lời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống để mạc khải về Nước Trời.

“Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?” (Lc 13,18).

Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh rất cụ thể và thiết thực trong đời sống là hạt cải và nấm men, để nhằm diễn tả cho con người hiểu về Nước Trời. Hạt cải và nấm men tuy nhỏ bé tầm thường thế nhưng lại có một sức mạnh nội tại. Đối với hạt cải nó phát triển thành một cây lớn cho chim trời cư ngụ và làm tổ, còn với nấm men thì làm dậy men những khối bột lớn.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy sứ vụ làm dậy men bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta, nhằm thức tỉnh con người của thời đại hôm nay đang sống trong lối sống hưởng thụ. Để làm được điều đó chúng ta cần nêu gương trước, qua sự từ bỏ việc yêu bản thân và khát vọng vật chất, hướng về tinh thần, hướng về Thiên Chúa, và sống hy sinh.

Những “hạt cải” và “nắm men” nho nhỏ mà chúng ta gieo vào đời sẽ có cơ may làm cho đời nở hoa. Những hy sinh, từ bỏ vì lợi ích của tha nhân là phương thế diễn tả tình yêu, và làm lan rộng Nước Thiên Chúa ở trần thế này. Những vòng tay thân ái mở ra với những người nghèo, bất hạnh, bị loại trừ … sẽ dần làm cho Nước Trời thêm rộng mở.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những khí cụ hữu dụng, trở nên cánh tay nối dài của Chúa mà dẫn đưa người khác đến với bến bờ của hạnh phúc thật là chính Chúa. Amen.

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

Thứ Tư – Ngày 31 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Ep 6,1-9

Tin Mừng : Lc 13,22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi”. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta”. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

CON ĐƯỜNG HẸP

Tâm lý chung của con người là thích những gì dễ dãi, tự do và thoải mái; luôn muốn thỏa mãn và đáp ứng những nhu cầu thể xác cách nhanh chóng nhất. Cho dù biết những điều đó là không tốt và không phù hợp với con người mình, nhưng vì sự yếu đuối của phận người mà nhiều lúc ta bất chấp để thỏa mãn những nhu cầu đó. Những điều đó có thể được hiểu như là cánh cửa rộng.

Bài Tin Mừng hôn nay, qua trình thuật của thánh Luca, không chỉ là một lời mời gọi nhưng còn là lời cảnh báo của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Hãy biết chọn cửa hẹp và biết khước từ cửa rộng. Có lẽ sự tự do và dễ dãi sẽ làm cho con người mất đi những đức tính cần thiết để rèn luyện bản thân, và sẽ không còn chú tâm nhiều đến những giá trị của đời sống thiêng liêng; điều đó sẽ chỉ đưa đến sự diệt vong. Trong khi đó cửa hẹp chính là những sự hy sinh, chia sẻ và cố gắng mỗi ngày để không chỉ trau dồi các nhân đức nhưng còn là hướng đến hạnh phúc đích thực.

Là Kitô hữu, ắt hẳn chúng ta sẽ chọn cửa hẹp, vì đó không chỉ là đức tin nhưng còn là hạnh phúc mai sau mà ta luôn mong muốn. Nhưng để sống thật với lựa chọn đó, quả là điều không dễ dàng, nhất là trong xã hội hôm nay. Có thể chúng ta phải đánh đổi những lợi lộc, chịu thua thiệt và thậm chí là bị ghen ghét… Nhưng “ai bền độ đến cùng sẽ được cứu” (Mt 10, 22).

Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài hãy luôn đồng hành và giúp mỗi người chúng con luôn biết can đảm bước đi trên “con đường hẹp”.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Năm – Ngày 01 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : Kh 7,2-4.9-14;

Bài đọc 2 : 1Ga 3,1-3

Tin Mừng : Mt 5,1-12a

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

ĐÍCH ĐIỂM NƯỚC TRỜI

Lễ Các Thánh Nam Nữ mời gọi chúng ta ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện nơi các Thánh Nam Nữ. Tất cả các ngài đã dám sống hết mình và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ qua các việc lành hằng ngày nơi trần thế.

Sự mong đợi của người Kitô hữu chính là Nước Trời. Đây chính là điểm quy chiếu trong hành trình đức tin. Nhưng để đạt tới đích điểm này, chúng ta được mời gọi chiến đấu với thế gian và hăng say thực hành những chỉ dẫn của Lời Chúa.

Nước Trời chính là đích điểm của tình yêu, là hạnh phúc viên mãn dành cho những ai thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay là những chỉ dẫn để mỗi Kitô hữu có thể đạt tới đích điểm đó. Cốt lõi của Tám Mối Phúc Thật, hay còn được gọi là Hiến Chương Nước Trời, là đón nhận và sống từng biến cố trong cuộc đời với một niềm xác tín vững chắc vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.

Mừng lễ hôm nay, chúng ta hãy noi gương các Thánh Nam Nữ, biết chiến đấu và hy sinh bản thân vì Nước Trời; biết đón nhận những gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta trong hiện tại hoặc tương lai, dù điều đó khó có thể chấp nhận; biết sống như những con người tầm thường, nhỏ bé nhưng lại phi thường trong việc làm; biết khôn ngoan tìm ra ý Chúa trong mọi hoàn cảnh để phân định cho cuộc đời.

Lạy Chúa, con người đang giằng co giữa đời sống tạm bợ và sự sống viên mãn; giữa hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc vĩnh cửu. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra ý Chúa mỗi ngày, để có thể thắng mọi cám dỗ đời thường do ma quỷ gây ra; và xin cho chúng con luôn biết chọn đích điểm đến chính là Nước Trời. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 02 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Bài đọc :

Lễ Nhất: Rm 5,5-11; Ga 6,37-40

Lễ Nhì: Kn 3,1-9; Lc 23,33.39-43

Lễ Ba: Rm 6,3-9; Ga 17,24-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

NIỀM HY VỌNG HẰNG SỐNG

Nhiều tín hữu lo lắng, sợ mất phúc thiên đàng khi họ ở tuổi đà xế bóng, da mồi tóc bạc. Mất sự sống đời đời có dễ không? Thưa không dễ, trừ phi chúng ta từ chối sự sống ấy mà thôi.

Mỗi người có quyền hy vọng vào sự sống vĩnh hằng trong hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa một cách chắc chắn vì hai lý do: Trước hết, tình thương của Chúa Cha bao trùm lên mọi người; Người muốn tất cả nhưng ai tin vào Chúa Con thì được sống muôn đời (x.Ga 6,40). Sau nữa, Chúa Cha cũng trao họ vào tay vị Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu; Ngài sẽ không loại bất cứ ai ra ngoài nhưng còn cho họ sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 6,37.40).

Sống với niềm hy vọng này cũng chính là đang sống với ơn gọi làm người trên cõi dương thế. Khi ấy, đời không phải là cõi tạm nhưng là một hành trình dẫn đưa mỗi người về với Đấng mà mình đã đặt niềm hy vọng nhờ sự dẫn dắt của Đức Giêsu. Mỗi người có một cuộc đời, “hãy sống sao cho khi nhắm mắt xuôi tay, bạn mỉm cười, còn những người chung quanh bạn khóc”.

Tin tưởng và hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa, chúng ta cùng tụ họp trong ngày lễ cầu cho các linh hồn để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã đặt niềm hy vọng sống hạnh phúc viên mãn trên Nước Trời. Và cũng cầu nguyện cho chính chúng ta nữa, những người đang sống với niềm hy vọng ấy, mai sau sẽ được diện kiến thánh nhan Chúa và cùng với các thánh ca ngợi Chúa không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xác tín chắc chắn rằng Chúa sẽ ban sự sống vĩnh cửu cho những ai trung tín với Chúa cho đến cùng. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Bảy – Ngày 03 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Pl 1, 18b-26

Tin Mừng : Lc 14,1.7-11

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC NÂNG LÊN

Là con người, ít nhiều gì mỗi người cũng mong mình được nổi trội hơn những người khác, nhất là mơ ước có địa vị trong xã hội. Theo tôi, đây là điều chính đáng trong cuộc sống, và chắc chắn mỗi người phải nỗ lực thể hiện mình, làm lợi cho cuộc sống nhờ những tài năng Chúa ban cho.

Lý tưởng của những người dấn thân theo chân lý của Chúa Kitô lại không hướng đến cái đích được ngồi chỗ nhất trong cuộc sống dưới trần thế này. Lời giảng dạy của Đức Giêsu hôm nay cũng thống nhất với người muốn làm lớn thì phải trở thành người chân thành phục vụ tha nhân. Khi ước muốn mình cao trọng hơn người khác đôi khi cũng đồng nghĩa với việc nhìn người khác thấp kém hơn mình. Có thể về một khía cạnh nào đó của cuộc sống là vậy, song nhãn quan nhân đức, tuyệt đối không chấp nhận việc khinh chê, hạ thấp nhân vị con người.

Ở khía cạnh ngược lại, mỗi người cũng phải nỗ lực góp phần xây dựng cộng đoàn, xây dựng xã hội. Trong một cộng đồng, chắc chắn không thể ai cũng sống theo phương châm “ngu si hưởng thái bình” được. Lời Chúa mời gọi tôi biết khiêm nhường và nhìn nhận đúng vị thế của mình trước mặt Chúa, trước mặt tha nhân.

Lạy Chúa, xin ban ơn cho mỗi người chúng con trong khi góp sức làm thăng tiến cộng đoàn vẫn luôn biết giữ tâm tình phục vụ và vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 30 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoCaritas Việt Nam: Hội nghị Thường niên 2018 (Ngày 1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây