Mùa Chay – Tuần Thánh – Năm B

0
360

TUẦN THÁNH

Chúa Nhật – Ngày 25 – Tháng 3

CHÚA NHẬT LỄ LÁ. TƯỞNG NỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Bài đọc 1 : Is 50,4-7

Bài đọc 2 : Pl 2,6-11

Tin Mừng : Mc 14,1-15,47

[…] Lúc đó, Đức Giêsu đang ở làng Bêtania, tại nhà ông Simôn Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người.  Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo.” Rồi họ gắt gỏng với cô. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!  […]

NGƯỜI NGHÈO

Tin Mừng hôm nay khá dài và có nhiều điều đánh động tâm tư người đọc. Chỉ cần dừng lại ở câu trả lời của Chúa Giêsu trước thái độ bực tức của những người đạo đức giả có vẻ quan tâm đến người nghèo cũng làm ta phải trăn trở suy nghĩ.

Dẫu rằng nhiều lần Đức Giêsu đã đồng hóa mình với những người nghèo khổ bất hạnh (X. Mt 25,35-45), nhưng hôm nay dường như có sự khác biệt nào đó khi Ngài nói: “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!”. Chắc chắn rằng, Chúa không xem nhẹ việc giúp đỡ người nghèo, nhưng phải có sự khôn ngoan để cân nhắc chọn lựa giữa hai cơ hội làm việc tốt: một bên là luôn có, bên kia nếu bỏ qua thì sẽ chẳng bao giờ còn lần hai để làm. Người nghèo lúc nào cũng có nghĩa là ở mọi nơi, mọi thời, mọi nền văn hóa xã hội dù văn minh tiến bộ đến đâu thì người nghèo vẫn hiện hữu. Họ có thể là những người thiếu thốn cơm áo gạo tiền, có khi là thiếu vắng tình thương và sự quan tâm tối thiểu. Bao lâu còn người nghèo thì Kitô hữu còn có bổn phận bày tỏ tình thương đối với họ qua các hoạt động bác ái thiết thực. Tuy nhiên, mỗi người đều cần sự sáng suốt để phân định và chọn lựa, không thể lao mình vào các việc bác ái từ thiện mà bỏ quên bổn phận thờ phượng Chúa qua việc tham dự thánh lễ, nguyện gẫm. Việc này phải làm mà việc kia cũng không được bỏ đó là nguyên tắc khi tham gia các việc mục vụ tông đồ.

Lạy Chúa, chung quanh chúng con đầy rẫy những người nghèo khổ bất hạnh, họ luôn đang cần được ủi an nâng đỡ. Xin cho chúng con đừng vô cảm trước nỗi thống khổ của họ để biết mở rộng con tim và đôi tay mà trao ban và phục vụ, nhưng cho chúng con sự khôn ngoan để vừa biết phục vụ tha nhân vừa hết lòng phụng sự Chúa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Hai – Ngày 26 – Tháng 3

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 42,1-7

Tin Mừng : Ga 12,1-11

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu

đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.  Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Iscariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người

nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. Một đám đông người Do Thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu.

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện về việc cô Maria lấy dầu thơm hảo hạng mà xức chân Chúa Giêsu. Cô Maria đã thể hiện lòng hiếu khách và biết ơn vì Chúa Giêsu đã cứu em cô là Ladarô từ cõi chết sống lại. Cô đã đem dâng lên Chúa vật quý giá nhất của mình và đặc biệt hơn là hành động cô lấy tóc mà lau lên chân Ngài. Vì yêu mến mà cô đã không màng đến những quy tắc, luật lệ của người Do Thái xưa.

Theo truyền thống của người Do Thái thì không một phụ nữ đứng đắn nào xuất hiện trước đám đông mà để tóc xõa ra. Xõa tóc trước mặt mọi người là một dấu hiệu của một phụ nữ xấu nết, nhưng vì quá quý mến Chúa Giêsu mà cô Maria đã không quan tâm đến chuyện đó.

Ngày nay nhiều người trong chúng ta lại xấu hổ khi tuyên xưng mình là Kitô hữu. Nhiều khi chúng ta ngại ngùng khi bày tỏ những cử chỉ để sùng kính Thiên Chúa, như làm dấu, đọc kinh, cầu nguyện… Cô Maria đã yêu mến Chúa đến nỗi bất chấp thiên hạ nghĩ gì. Xin cho mọi người chúng ta cũng biết yêu mến Chúa như cô Maria để có đủ can đảm làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình.

Lạy Chúa, chỉ còn một ít ngày nữa là kết thúc Mùa Chay, xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng con để chúng con cũng biết sống trong tình yêu đó, đồng thời biết sống chứng tá cho Chúa khi chia sẻ tình yêu cho tha nhân.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Ba – Ngày 27 – Tháng 3

THỨ BA TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 49,1-6

Tin Mừng : Ga 13,21-33.36-38

Khi ấy, đang lúc Đức Giêsu dùng bữa với các môn đệ, Người cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” Đức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giêsu nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. […]

KẺ HAI MẶT

Mùa Chay là thời gian chúng ta ăn năn sám hối và thú nhận những lỗi lầm, thiếu xót của bản thân để trở về với Chúa. Mùa Chay cũng là thời gian chúng ta cố gắng thoát ra khỏi vùng bóng tối và đi về phía ánh sáng.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tuyên bố sẽ có người  phản bội Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Thật đau đớn và xót xa khi mà người cùng ăn cùng uống với mình giờ lại quay gót đạp mình! Khi ông Giuđa ra đi để thực hiện hiện việc bán Chúa thì cuộc thương khó của Chúa kể như bắt đầu.

Chúa Giêsu can đảm chấp nhận thất bại thảm hại và nhục nhã trên thánh giá cho thấy sự trung thành của Người với sứ vụ cứu thế của mình và để thánh ý Chúa Cha được tỏ hiện. Cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người là sự tôn vinh. Dẫu vậy, thật đáng buồn cho Giuđa khi ông trở thành kẻ đóng kịch rất giỏi, vừa thủ vai môn đệ của Chúa Giêsu, vừa sắm vai của kẻ phản bội Người. Và thật đáng buồn cho chúng ta nếu có lúc nào đó chúng ta cũng sống hai mặt đối với Chúa, với Hội Dòng và với anh em của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng lên án Giuđa, vì có những lúc chúng con cũng sống như kẻ hai mặt. Xin cho chúng con biết nhận ra ân sủng lớn lao Chúa ban qua con đường khổ giá, để chúng con không phí phạm ơn Chúa hay sống như kẻ hai lòng.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Tư – Ngày 28 – Tháng 3

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 50,4-9a

Tin Mừng : Mt 26,14-25

… Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”. Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp bi, chằng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

DUNG MẠO CỦA KẺ PHẢN BỘI

Thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến người môn đệ phản bội Chúa. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, vả lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa có lẽ vì ông đã để cho lợi lộc vật chất dần dần chiếm chỗ trong tâm hồn mình; ông không còn xem Chúa là tất cả cuộc đời của ông nữa, nhưng xem Chúa là một món hàng để đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài.

Chúa Giêsu biết hết tất cả nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa. Chúa cũng tạo nhiều cơ hội để giúp ông hồi tâm. Cụ thể, tình hiệp thông giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trong bữa tiệc cuối cùng không thức tỉnh được ông. Lời nói đầy chua xót của Chúa Giêsu, “Một người trong các con sẽ nộp Thầy”, cũng không làm ông lung lay; rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định muốn nộp Chúa của Giuđa.

Trái lại, Chúa Giêsu Ngài vẫn trân trọng và giữ thể diện cho Giuđa; Ngài không thẳng thừng vạch mặt chỉ tên ông cho mọi người biết. Ngài âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm ông. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn”.

Hơn nữa, mặc cho hành động phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập Bí tích Thánh Thể như dấu chỉ của lòng Chúa yêu thương đến cùng. Tình yêu đáp lại tình yêu là chuyện thường tình, nhưng tình yêu đáp lại hận thù mới là tình yêu cao cả và đẹp nhất.

Lạy Chúa Giêsu, khi bị treo trên thập giá Chúa thấy hết tội lỗi chúng con. Ngày nay, có rất nhiều Giuđa bán Chúa, phản bội Chúa. Và có lúc, Giuđa ấy là chính con. Xin cho con biết nhận ra lầm lỗi của mình, để mau mắn lên đường trở về và sống tin tưởng, phó thác vào tình yêu quan phòng và bao dung của Chúa.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Năm – Ngày 29 – Tháng 3

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lễ sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

(Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21)

Lễ chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY

Bài đọc : Xh 12,1-8.11-14;

Bài đọc 2 : 1 Cr 11,23-26

Tin Mừng : Ga 13,1-15

[…] trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”[…]

HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG

Phản ứng đầu tiên của các môn đệ Đức Giêsu thật gượng gạo và tỏ ra rất ngạc nhiên trước việc Đức Giêsu cúi xuống và rửa chân cho họ “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13,6). Cách suy nghĩ của các môn đệ dường như là người làm lớn phải là người được phục vụ. Người làm lớn thì phải được tôn trọng, đó cũng là cách suy nghĩ thường tình của đa phần chúng ta.

Hạ mình, cúi xuống để phục vụ những người có vị thế cao hơn mình luôn là điều dễ dàng, vì đó có thể là cơ hội tiến thân trong cuộc sống. Đó cũng là cách thể hiện sự quan tâm của người dưới với người trên hầu mong được sự đáp trả, quan tâm, chiếu cố đến mình cách này hay cách khác. Thế nhưng, hạ mình, cúi xuống để phục vụ những người đồng vai vế và thậm trí những người chẳng có vị thế gì trong mắt mình thật là điều khó. Thực hiện được hành động này cần sự can đảm, sự hy sinh và nhất là sự khiêm nhường. Can đảm loại bỏ đi sự đố kỵ, ghen tương; hy sinh thời gian, sức lực, tài năng để sáng tạo trong phục vụ; khiêm nhường hạ mình đến với mọi người.

Tình yêu đòi hỏi đáp trả tình yêu, đó là điều mong muốn khi Đức Giêsu thực hiện hành động “rửa chân” này đối với các môn đệ “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Điều này được nhắc lại một lần nữa trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô khi nhắc lại kinh nghiệm đã lĩnh hội được nơi Đức Giêsu Kitô, chính Ngài đã dâng hiến cả  Mình, Máu Người cho nhân loại. Để rồi mỗi khi cử hành nghi lễ bẻ bánh là tưởng nhớ và loan truyền Chúa đã chịu chết. (x. 1 Cr 11,23-26).

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho mỗi người chúng con biết hạ mình, hy sinh để đến với mọi người trong tình yêu hy dâng và phục vụ.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 30 – Tháng 3

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Bài đọc 1 : Is 52,13-53,12

Bài đọc 1 : Hr 4,14-16; 5,7-9

Tin Mừng : Ga 18,1-19,42

[…] Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.” Đức Giêsu nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.” Ông Simôn Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?”[…]

THẬP GIÁ

Cách đây gần hai ngàn năm, thập giá vốn dĩ là biểu tượng của nỗi ô nhục, là hình phạt cho những kẻ tội đồ. Sau biến cố long trời lở đất trên đồi Canvê, thập giá đã mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược, nó trở thành biểu tượng của chiến thắng, vinh quang.

Hôm nay toàn thể Giáo Hội chìm trong không khí tang thương, tưởng niệm cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá. Tuy vậy, hôm nay đồng thời cũng là ngày hân hoan nhớ lại cuộc chiến thắng khải hoàn của Chúa chúng ta. Quả vậy, tưởng chừng Con Chiên Thiên Chúa đã thất bại hoàn toàn khi bị kẻ thù hành hạ và giết chết, nhưng chính khi Con Chiên bị treo lên, cũng là khi công trình vĩ đại của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn; đó là cuộc chiến thắng vẻ vang trên tội lỗi và sự chết.

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sâu thẳm dường bao, tình yêu của Ngài ai dò cho thấu! Thiên Chúa đã dùng sự nhu mì để chiến thắng sự tàn bạo, dùng tình yêu để chiến thắng hận thù, dùng đau khổ để đi vào vinh quang. Thập giá Đức Kitô trở thành cây mang lại quả trường sinh; hễ ai tìm đến núp dưới bóng cây này, thì cũng được hưởng sự sống đời đời.

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, công trình Ngài xiết bao vĩ đại, tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay! Chúng con xin chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ vì bao điều lạ lùng mà Ngài đã thực hiện. Lạy Chúa Giêsu, chúng con ca mừng chiến thắng hiển hách của Ngài, xin cũng ban cho chúng con sức mạnh để can đảm vác thập giá đời mình.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Bảy – Ngày 31 – Tháng 3

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

Bài đọc :

(St 1,1-2,2; St 22,1-18; Xh 14,15-15,1a; Is 54,5-14; Is 55,1-11; Br 3,9-15.32-4,4; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11)

Tin Mừng : Mc 16,1-8

Vừa hết ngày sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

ƯU SẦU VÀ NIỀM HY VỌNG

Sự khuất bóng Thiên Chúa ngày hôm nay, trong thế kỷ này, đang dần trở thành một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh dài dằng dặc. Sự vắng bóng này đang lên tiếng gọi mời lương tâm chúng ta. Nhưng dù sao chăng nữa, điều đó cũng an ủi ta phần nào. Cái chết của Đức Giêsu Kitô vừa biểu lộ tình Ngài triệt để liên đới với ta, vừa cho thấy mầu nhiệm tăm tối nhất của đức tin, nhưng đồng thời lại chính là dấu chỉ sáng chói nhất của một niềm hy vọng vô tận.

Sự sống lại của Chúa Kitô đã trả lời cho nhiều vấn nạn khó khăn mà chúng ta đang gặp phải. Khi chúng ta thường đối diện với những lo lắng khổ đau, như khi phải chăm lo cho những người con dị hình, bất toại, khuyết tật hoặc chạm trán với sự chết chóc của người thân yêu trong gia đình. Khi chúng ta rơi vào sự thất vọng vì buồn sầu, bệnh hoạn, thiên tai… Ai có thể cầm được nước mắt. Ai có thể trả lời cho những sự mất mát quá to lớn xảy ra cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thân hữu và mọi người.

Nếu chúng ta không có niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, sự khổ đau của chúng ta sẽ không có đáp án. Chúng ta sẽ buồn đau và chết lặng trong sự tuyệt vọng. Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo của quá khứ, mà hơn hết, còn là tôn giáo của tương lai; niềm tin Kitô giáo cũng chính là niềm hy vọng, bởi vì Chúa Kitô không chỉ đã chết và đã sống lại, mà Ngài còn là đấng sẽ lại đến.

Lạy Chúa, khi đang sống những chuỗi ngày thời đại tranh tối tranh sáng hôm nay, xin cho chúng con được luôn thấy mình mang những trái tim vui tươi bước đi trên đường hướng về vinh quang ngày mai của Chúa.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Bài trướcÔng cố Phêrô Trần Thái Sơn, thân phụ của Tu sĩ Phêrô Trần Thái Đức, SVD
Bài tiếp theoĐức Thánh Cha khai mạc tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.