Mùa Chay – Tuần III – Năm A

0
367

Chúa Nhật – Ngày 19 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

(Không cử hành lễ thánh Giuse, bạn trăm năm đức Maria)

Bài đọc 1 : Xh 17,3-7

Bài đọc 2 : Rm 5,1-2.5-8

Tin Mừng : Ga 4,5-42

[…] Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Rápbi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?” Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người […] 

LƯƠNG THỰC CỦA THẦY

Lm. Gioan B. Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thức ăn và nước uống là hai nhu cầu căn bản cho đời sống của con người. Trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng ăn uống để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bình thường của thể lý. Nhưng đối với Chúa Giêsu, “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Khi  Chúa Giêsu dừng chân bên bờ

giếng Giacóp: Các môn đệ đi mua lương thực để giải quyết cơn đói thể xác; người phụ nữ Samari xin nước để giải quyết cơn khát thể lý; còn Chúa Giêsu coi việc thi hành ý muốn của Chúa Cha chính là lương thực của Ngài.

Đất nước Do Thái quanh năm khô hạn, lượng mưa hằng năm rất thấp, nên nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Người phụ nữ Samari phải đến giếng để lấy nước cho sinh hoạt của gia đình. Đó là một công việc khá vất vả của người phụ nữ. Vì thế, khi nghe Chúa Giêsu nói đến một thứ nước uống vào sẽ không khát nữa thì chị đã nài xin Ngài ban cho thứ nước ấy để chị không phải vất vả đi lấy nước nữa.

Chúa Giêsu không có thứ nước uống vào sẽ không còn khát, nhưng Ngài có thứ nước đem lại sự sống viên mãn. Nước đó chính là tin vào Đức Giêsu. Chỉ nơi Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian, con người mới tìm được sự thỏa mãn cho mọi khát vọng sâu xa nhất. Ngoài Ngài ra, không có thứ lương thực vật chất nào có thể đáp ứng được cái đói, cái khát sâu thẳm của con người. Còn đối với Chúa Giêsu, thứ lương thực thật sự nuôi sống Ngài không phải là của ăn, của uống mà là thi hành ý muốn của Chúa Cha và hoàn tất công trình của Người.

Tôi vẫn đang khắc khoải đi tìm thứ lương thực có thể đáp ứng cho nhu cầu xâu xa của hiện hữu. Nhưng dường như tôi vẫn đang dừng lại ở những nhu cầu cho cái bụng, cho đôi mắt, đôi tay,  … mà chưa đi xa hơn để tìm cách lấp đầy nhu cầu của tâm hồn, của con tim, của khát vọng làm người đích thực.

Lạy Chúa, xin ban cho con lương thực đích thực để lấp đầy khát vọng sâu thẳm của tâm hồn con.

Thứ Hai – Ngày 20 – Tháng 3

THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA

Lễ Trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Tr)

Bài đọc 1 : 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16

Bài đọc 2 : Rm 4,13.16-18.22

Tin Mừng : Mt 1,16.18-21.24a

Ông Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà,

là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi tỉnh giấc, ông

Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

THÁNH GIUSE MẪU GƯƠNG VÂNG PHỤC

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ kính thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria. Cuộc đời ngài là một sự hy sinh cao cả cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả cuộc truyền tin cho thánh Giuse. Qua đây, chúng ta nhận thấy thánh Giuse là một mẫu gương vâng phục để ta noi theo. Thánh Giuse hoàn toàn chấp nhận theo thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã chủ động biến mình thành công cụ đắc lực của Thiên Chúa trong đức tin. Khi đối diện với thử thách trong đêm tối mà không hiểu lý do tại sao, lúc Đức Maria có thai trước khi hai ông bà về chung sống, ngài vẫn luôn hướng về thánh ý Chúa trong đời sống nội tâm sâu sắc. Chính trong thái độ thinh lặng nội tâm, thánh Giuse đã nghe và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên người cộng tác tích cực vào công trình cứu độ của Ngài.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh được những nghịch cảnh, những đêm tối của đời sống đức tin. Noi gương thánh Giuse, chúng ta hãy cố gắng thinh lặng nội tâm để tìm kiếm thánh ý Chúa và mau mắn đáp trả. Đó chính là giải pháp thiêng liêng tốt nhất cho tâm hồn. Thiên Chúa, với ánh mắt nhân từ, không bao giờ từ chối nếu ta luôn cậy trông vào tình thương của Ngài. Ngài vẫn luôn dẫn đường chỉ lối cho chúng ta bước qua đêm tối cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tìm kiếm thánh ý Chúa, dù có gặp phải những thử thách trong đời.

Thứ Ba – Ngày 21 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Đn 3,25.34-43

Tin Mừng : Mt 18,21-35

Khi ấy, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu

 mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ […]

THA THỨ

Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

Tin Mừng hôm nay nói về sự tha thứ. Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta, để đến lượt chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau. Đây cũng là điều cốt lõi mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mỗi người hãy sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa dạy tôi sống tinh thần tha thứ với hai tiến trình. Thứ nhất, Chúa dạy tôi “tha thứ bảy mươi lần bảy” nghĩa là tha thứ luôn luôn. Thứ hai, Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi thì tôi cũng phải biết tha thứ cho người khác. Tôi nhận thấy tha thứ là hành động rất quan trọng để tôi có thể có được sự bình an. Đặc biệt, nó giúp tôi chữa lành những vết thương trong tâm hồn rất hữu hiệu. Trong vấn đề này, tôi có một ít kinh nghiệm. Tôi để ý rằng, khi xảy ra xích mích với một ai đó, nếu tôi xét nét và để bụng, tôi cảm nhận sự bực dọc, nóng nảy của mình ngày càng leo thang. Nhưng khi tôi tha thứ, quên đi lỗi phạm của người khác thì tôi thấy mình rất bình an và thanh thản. Khi nghĩ tới đây, tôi thấy cần cám ơn về những cuộc xích mích đã xảy ra vì nó giúp tôi trở nên người hơn. Chính nó giúp tôi nhận thấy giá trị của sự tha thứ; trước tiên nó giúp tôi tránh được stress, thứ đến nó giải phóng tôi khỏi sự ích kỷ. Với xã hội ngày nay, tha thứ càng phải được áp dụng. Nếu chiến tranh mà đáp trả bằng vũ lực và hận thù thì nó chỉ dẫn đến sự chết chóc và tang thương. Nếu các cặp vợ chồng chỉ biết tìm lỗi của nhau thì tình yêu sẽ chết… Tha thứ chính là liều thuốc để cho những vấn nạn trên.

Lạy Chúa, Chúa dạy con sự tha thứ trong Kinh Lạy Cha: “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Mỗi lần đọc lời kinh này, xin cho con cảm nhận tình thương của Chúa tha thứ cho con mọi điều, từ đó con cũng biết thương người khác nhiều hơn.

Thứ Tư – Ngày 22 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Đnl 4,1.5-9

Tin Mừng : Mt 5,17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

LUẬT SỐNG ĐỘNG

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

Chúng ta đã được nghe nói nhiều về luật. Luật là một quy định của lý trí; luật phải rõ ràng, khách quan và được phổ biến rộng rãi vì lợi ích chung; nếu không  vì lợi ích chung, luật mất đi chức năng của nó.

Luật Môsê được chính Thiên Chúa ban cho dân người trên núi Sinai qua ông Môsê và được ông Môsê ban hành rộng rãi, cụ thể cho dân cách vẹn toàn trong mười điều răn. Vậy, tại sao luật Môsê lại phải kiện toàn? Phải chăng luật Môsê không còn giá trị, không phù hợp nữa chăng?

Luật Môsê vẫn uyên nguyên, và Đức Giêsu đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để làm cho luật đó trở nên phương thế dẫn người ta đến ơn cứu độ. Trước kia, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban cho thế gian một Đấng Cứu Độ, và Đức Giêsu chính là Đấng ấy; Ngài đến để kiện toàn, để hoàn tất công trình cứu độ nhân loại.

Quả vậy, nếu luật Môsê chỉ có thể giúp người ta sống sòng phẳng theo kiểu mắt đền mắt, răng đền răng thì Chúa Giêsu đến để dạy người ta yêu thương, ngay cả kẻ thù. Nếu luật Môsê dạy người ta đừng làm những điều gây tổn hại cho người khác như không được trộm cắp, không được ngoại tình, thì Chúa Giêsu lại đòi hỏi người ta phải chủ động làm những điều tốt lành cho người khác mà không đòi hỏi đáp đền; những gì mình muốn người khác làm cho mình thì mình hãy chủ động làm điều đó cho người ta.

Chỉ khi sống theo luật mới của Chúa Giêsu, con người mới đạt tới Nước Trời và công trình cứu độ của Thiên Chúa mới được hoàn thành mỹ mãn.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng thật, xin Ngài hãy soi sáng cho chúng con để chúng con có thể thấy và cảm nhận được ánh sáng mới mẻ và sống động nơi luật yêu  thương của Chúa, luật dẫn chúng con đến ơn cứu độ.

Thứ Năm – Ngày 23 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Gr 7,23-28

Tin Mừng : Lc 11,14-23

[…] Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

HIỆP THÔNG

Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Điều đánh động tôi nhất trong bài Tin Mừng hôm nay, là thông điệp mà Chúa Giêsu dạy: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia” (Lc 11,17). Đó chính là thông điệp về sự hiệp thông, đối ngược với sự chia rẽ.

Ta có thể nhận định, dấu chỉ của tội lỗi là sự chia rẽ. Khi nào và ở đâu có sự chia rẽ, bất hòa thì ở đó có tội lỗi. Và một trong những hiệu quả đầu tiên của ơn cứu độ đó là sự hiệp thông với nhau. Từ đó ta thấy được tầm quan trọng của sự hiệp thông trong cuộc sống.

Tin Mừng dùng hình ảnh cành nho liên kết với thân nho để nói tới sự hiệp thông. Cành nho sẽ chết nếu nó không hiệp thông, không liên kết mật thiết với cây nho. Qua đó, ta có thể hiểu nôm na: hiệp thông là sự liên kết mật thiết không thể tách rời. Bởi thế, trong cuộc sống, hiệp thông là khi mọi người sống trong  tình liên đới yêu thương nhau, như anh em ruột thịt, không thể tách rời. Trong sự hiệp thông, ta tìm thấy chính mình và tìm thấy nhau. Ngoài ra, đối với người Kitô hữu, sự hiệp thông liên kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Mối liên kết này tạo nên “căn tính” của chúng ta.

Để có sự hiệp thông thì ta phải học được sự khiêm nhường, cũng như luôn biết mở lòng đón nhận và yêu thương mọi người. Có sự hiệp thông khi mọi người luôn biết quy hướng về nhau, về mục đích tối hậu. Cái tôi ích kỷ, óc bè phái, tư tưởng phân biệt đẳng cấp hay trình độ … là những con dao cắt đứt sự hiệp thông.

Lạy Chúa tình yêu, chính Ngài đã tạo dựng nên chúng con và cho chúng con hiệp thông với Ngài và với nhau. Xin dạy chúng con luôn biết sống trong sự hiệp thông với Ngài và với tất cả mọi người.

Thứ Sáu – Ngày 24 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Hs 14,2-10

Tin Mừng : Mc 12,28b-34

Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” Đức Giêsu trả lời: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trí Long, SVD

Tất cả lề luật được Chúa Giêsu tóm kết thành điều răn cao trọng nhất là “mến Chúa và yêu người.”

Bài Tin Mừng hôm nay cho tôi biết, yêu trên môi, trên miệng chỉ là hình thức, vì ai ai cũng có thể nói suông như thế. Quan trọng là yêu bằng cả trái tim, bằng những hành động cụ thể và chân tình. Nếu tôi không yêu tha nhân, chắc chắn sẽ khó mà yêu Chúa. Nếu tôi yêu Chúa trọn vẹn cả trái tim thì tôi sẽ được biến đổi để biết yêu tha nhân hơn.

Tình yêu đối với Chúa phải là tình yêu “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, nghĩa là với trọn con người cả hồn hồn lẫn xác. Tình yêu đối với tha nhân phải là sự trao ban và phục vụ với hết khả năng của mình.

Tình yêu cần được thể hiện qua những hành động bác ái mà tha nhân có thể cảm nhận được. Tuy vậy, xã hội ngày nay có nhiều cá nhân, tổ chức muốn làm từ thiện nhưng chỉ vì lợi ích riêng hơn là vì yêu thương bằng con tim tự nguyện. Tình yêu đích thực không nên bị lợi dụng vì mục đích khác.

Lạy Chúa, xin cho con có trái tim nhân ái của Chúa để yêu Chúa và tha nhân hết tâm hồn. Đó là con đường duy nhất để con hưởng sự sống hạnh phúc  mai hậu.

Thứ Bảy – Ngày 25 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

LỄ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Is 7,10-14.8,10

Bài đọc 2 : Hr 10,4-10

Tin Mừng : Lc 1,26-38

[…] Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

XIN VÂNG NHƯ NGÔI LỜI

Tu sĩ Tađêô Đào Duy Thiện, SVD

Nhiều giáo dân hay nhầm Lễ Truyền Tin là lễ trọng kính Đức Mẹ mà không biết đây là lễ trọng kính Chúa. Trong tiếng Việt, chúng ta chỉ gọi là “Lễ Truyền Tin”. Điều này làm cho người ta liên tưởng ngay đến Đức Mẹ. Trong khi đó, ở tiếng Anh, lễ này được gọi là Solemnity of Annunciation of the Lord. Cụm từ này cho thấy đây là lễ trọng kính Chúa.

Có lẽ người ta dễ chú ý đến sự kiện mà quên nội dung của sự kiện. Người ta chú ý đến Đức Maria, đến sứ thần Gabriel hoặc đến cảnh truyền tin trong đó trinh nữ Maria hoảng hốt, bối rối… Đức khiêm nhường của Mẹ Maria trước thánh ý Chúa được chúng ta đề cao. Điều đó đúng. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa cũng khiêm nhường thưa “Xin Vâng” trước chương trình của Chúa Cha mà chấp nhận làm người. Ngôi Lời nhập thể làm người sau biến cố Truyền Tin. Ngôi Lời trở nên xác phàm sau lời “Xin Vâng” của Đức Maria. Nếu không có lời “Xin Vâng” của Ngôi Lời với Cha thì lời ưng thuận của Đức Mẹ chẳng có nghĩa gì.

Những nhà truyền giáo nói chung và những nhà truyền giáo mang danh Ngôi Lời có tới hai mẫu gương để noi theo. Thứ nhất là tinh thần mau mắn xin vâng của Đức Maria trước thánh ý Chúa. Thứ hai là tinh thần hạ mình của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho những nhà truyền giáo can đảm dấn bước dù không biết tương lai phía trước sẽ như thế nào. Mọi việc còn lại để Chúa lo. Xin cho các nhà truyền giáo cũng biết học cách đến với muôn dân như Ngôi Lời đã đến.

Bài trướcCộng đoàn Triết học Ngôi Lời Tĩnh tâm Mùa Chay 2017
Bài tiếp theoTừ giới khoa học và giới kinh doanh trở thành linh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây