Thường Niên – Tuần XXVIII – Năm A

0
477

Chúa Nhật – Ngày 15 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

(Không cử hành lễ thánh Têrêxa Avila, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh)

Bài đọc 1 : Is 25,6-10a

Bài đọc 2 : Pl 4,12-14.19-20

Tin Mừng : Mt 22,1-14

…Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.’

Y PHỤC

Là cha, là mẹ, ai cũng yêu thương và muốn điều tốt nhất cho con mình. Thế nhưng, đáng tiếc thay không phải đứa con nào cũng hiểu được nỗi lòng mẹ cha. Và nếu có hiểu thì điều đó cũng chỉ xảy ra sau khi chúng đã làm cha, làm mẹ. Vì vậy mà khi còn ở với cha mẹ, được cha mẹ nhắc nhở thì chúng thường có thái độ chống cự hay phản kháng. Thực tế trên cũng đã phần nào giúp tôi hiểu được điều Chúa muốn nói qua bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đưa ra hình ảnh bữa tiệc, biểu trưng cho Nước Trời. Nước Trời được ví như một bữa tiệc thịnh soạn mà Thiên Chúa là Cha đã rộng ban cho con người. Ngài tuyển chọn dân riêng là Israel và sai các ngôn sứ đi mời họ vào tham dự bữa tiệc đó nhưng họ đã thẳng thắn khước từ và đi làm những việc mà họ cho là quan trọng hơn.

Dù vậy, Thiên Chúa vẫn một lòng khoan dung. Ngài tiếp tục kiên nhẫn và sai chính Con của Ngài xuống trần để mời tất cả mọi người, mọi dân tộc vào dự tiệc. Đức Giêsu đến kêu gọi tất cả mọi người vào tham dự bữa tiệc bất kể già trẻ, lớn bé, giàu hay nghèo, những người lang thang, cơ nhỡ…Ai cũng được mời vào tham dự chỉ với điều kiện duy nhất là khách dự tiệc phải có y phục lễ cưới.

Là Kitô hữu tôi được tham dự vào bữa tiệc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho tôi. Tôi cảm nhận được đây là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là một lời đáp trả. Như thế, thái độ nào tôi phải có? Tôi phải sống làm sao để có y phục đẹp vào tham dự bữa tiệc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn. Qua dụ ngôn này, Chúa mặc khải cho tôi về y phục mà Chúa muốn tôi có để bước vào bữa tiệc đó chính là lòng yêu mến đáp trả lại tiếng mời gọi đi theo Chúa, sống và làm chứng cho Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin cho con biết chuẩn bị sẵn y phục để vào dự tiệc Nước Trời.

Phêrô Vũ Đức Thắng

Thứ Hai – Ngày 16 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Bài đọc : Rm 1,1-7

Tin Mừng : Lc 11,29-32

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.

MỘT DẤU LẠ

“Ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11,30).

Người Pharisieu “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người” nhưng Chúa  Giêsu không đáp ứng đòi hỏi của họ, là những kẻ ham thích sự lạ chỉ vì hiếu kỳ hay để thử thách Người.

Không chỉ thế hệ thời Chúa Giêsu

ham thích điều lạ mà thế hệ đương thời của chúng ta cũng thế. Người ta ưa chuộng điều lạ kỳ, và nghe nói nơi nào có ‘phép lạ’ là đổ xô đến. Chính do lòng ham thích điều lạ này mà con người thời nay dễ bị lợi dụng, dễ bị dẫn dắt theo những giáo thuyết sai lầm. Những người tín hữu chân chính thì không đòi phải có những dấu lạ mới tin. Những kẻ không tin thì bao nhiêu dấu lạ cũng không đủ làm họ tin.

Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên thập giá là sự hy sinh cao cả nhất trong thân phận làm người của Chúa, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện; đó là dấu lạ của tình yêu. Cái chết vì yêu thương nhân loại của Chúa Giêsu mãi là dấu lạ lớn lao nhất cho con người mọi nơi và mọi thời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Ngài vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng con. Và xin cho chúng con cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh qua cách sống yêu thương trong đời sống hằng ngày.

Phanxicô X. Nguyễn Trung Tuyến

Thứ Ba – Ngày 17 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Thánh Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ)

Bài đọc : Rm 1,16-25

Tin Mừng : Lc 11,37-41

Khi ấy, Đức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

SỐNG CÔNG CHÍNH

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học về sự trong sạch đúng nghĩa. Nhóm Pharisêu bắt bẻ Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài không rửa tay trước bữa ăn; họ cho rằng làm như thế là lỗi luật. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu sửa lại những quan điểm sai lầm của họ về lối sống nệ luật và chuộng hình thức bên ngoài (x. Lc 11,30).

Có thể nói, việc rửa tay trước khi ăn là điều tốt nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài mà phải lo thanh tẩy bên trong tâm hồn, là coi trọng nội dung hơn hình thức, chất lượng hơn số lượng, phẩm chất hơn hình thức bên ngoài. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ vì ngày nay nhiều người có đạo nhưng không sống đạo, có đức tin nhưng không hành động, nghe lời Chúa nhưng không thực hành, chuộng hình thức và chạy theo thành tích … Như thế, chúng ta chẳng khác gì những người Pharisêu bị Chúa khiển trách trong đoạn Tin Mừng này.

Chính vì thế, chỉ có lối sống trong sạch, công chính trong suy nghĩ và đối xử với tha nhân, cũng như chính lòng quảng đại tha thứ đối với mọi người mới có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho bản thân.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan và đủ sáng suốt trong suy nghĩ và hành động, đừng để con tìm cách chải chuốt, tô vẽ cho vẻ bề ngoài của bản thân, nhưng biết chỉnh sửa tâm hồn mình bằng chính đời sống đức tin, tập tành các nhân đức và luôn sống tinh thần Tin Mừng của Chúa là yêu thương anh chị em mình.

Phêrô Nguyễn Thành Trung

Thứ Tư – Ngày 18 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH Tin Mừng. Lễ kính (Đ)

Bài đọc : 2 Tm 4,10-17

Tin Mừng : Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

TRUYỀN GIÁO BẰNG GƯƠNG SỐNG

Đọc Tin Mừng của thánh Luca, chúng ta thấy nét nổi bật của tác giả là diễn tả lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Lòng thương xót của Chúa càng được phác họa rõ nét ngang qua các dụ ngôn như: Người cha nhân hậu, người Samaria nhân hậu…

Mặt khác, qua sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Luca cho chúng ta nhận biết sứ vụ truyền giáo từ Giáo Hội sơ khai. Đặc biệt qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca cho chúng ta ý thức rõ hơn rằng: sứ vụ truyền giáo không chỉ dành riêng cho các Tông Đồ mà còn mở rộng cho bảy mươi hai môn đệ khác nữa. Cũng vậy, truyền giáo không phải là việc dành riêng cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, nhưng là sứ mạng của tất cả mọi Kitô hữu chúng ta. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.

Là Kitô hữu, chúng ta truyền giáo không phải bằng những bài giảng thuyết hùng hồn, nhưng là bằng chính cuộc sống chứng nhân đức tin của chúng ta cho thế giới này. Vì như Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI nói: “ngày nay, người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

Lạy Chúa, chúng con đã diễm phúc được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, và qua đó chúng con là những ngôn sứ của Chúa. Chúng con lại còn được ấn tín Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, để chúng con ra đi loan Tin Mừng cứu độ của Ngài cho thế giới này bằng chính đời sống của chúng con. Xin Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy mỗi người chúng con.

Phaolô Nguyễn Hữu Thiện

Thứ Năm – Ngày 19 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Bài đọc : Rm 3,21-30

Tin Mừng : Lc 11,47-54

Khi ấy, Đức Giêsu nối với mấy nhà thông luật rằng: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu. “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

GÀI BẪY

Sau những lời khiển trách nặng của Chúa Giêsu, các kinh sư và người Pharisêu “bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng” (11,53-54).

Thường người ta không muốn bị khiển trách. Những người càng “lớn”, càng được xem là có “thế giá” trước nhiều người, như các kinh sư và người Pharisêu, thì lại càng không muốn bị

khiển trách, nhất là cách công khai. Nên khi bị Chúa Giêsu khiển trách, họ tìm cách gài bẫy Chúa, như người ta vẫn thường dễ có xu hướng làm như thế với nhau.

Tại sao lại gài bẫy? Khi “gài bẫy”, người ta muốn vạch trần cái sai, cái dở, cái vụng về của người khác, và qua đó, gián tiếp chứng tỏ cái hay, cái tốt, cái khôn khéo của mình. Nhưng một khi phải sử dụng đến cách “gài bẫy”, thì dù có làm cách tinh tế và khéo léo đến mấy, vẫn chỉ là kế hèn hạ của kẻ tiểu nhân mà thôi.

Hậu quả của gài bẫy? “Gài bẫy” nhau chắc chắn cắt đứt sự hiệp thông, tạo nên khoảng cách và tệ hơn là sự hận thù. Việc “gài bẫy” tự nó không làm cho ta lớn lên, nổi bật hơn, mà chỉ cho thấy sự hẹp hòi, thiếu tự tin và yếu thế. Chứng minh mình tốt bằng cách soi vào cái xấu của người khác chỉ làm cho mình thêm xấu trong mắt mọi người mà thôi.

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận những lời khiển trách trong tinh thần xây dựng. Xin ban cho con tấm lòng rộng lượng và từ tâm để không hẹp hòi “gài bẫy” anh em con.

Gioan B. Nguyễn Hữu Duy

Thứ Sáu – Ngày 20 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Bài đọc : Rm 4,1-8

Tin Mừng : Lc 12,1-7

Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.  Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục…

CẢNH TỈNH

“Đừng sống giả hình!” Đó là lời cảnh tỉnh của Đức Giêsu cho các môn đệ trước thứ men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Lời cảnh tỉnh được đưa ra trong một bối cảnh rất đặc biệt là dân chúng đông đảo đi theo Người. Trong bối cảnh như thế, nếu để thứ men Pharisêu thâm nhập vào tâm hồn các môn đệ và dân chúng thì tác hại của nó thật khó lường.

“Men” là một chất xúc tác được dùng để làm cho những thứ được tác động biến đổi hoàn toàn không còn giữ được sự nguyên tuyền và tinh túy của nó nữa. Đối với người dân Do Thái, hình ảnh men rất gần gũi và thiết thân với họ vì men được sử dụng để làm dậy bột hoặc ướp nho… Đức Giêsu đã dùng hình ảnh này để ám chỉ đến thứ men Pharisêu, nghĩa là lối sống giả hình. Sở dĩ Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ về thứ men giả hình vì nó có thể lây lan và làm băng hoại những người khác, đánh mất cái vẻ tinh tuý nguyên tuyền của một tâm hồn, cướp đi sự chân thật trong đời sống và giết chết cảm thức về lòng chân thành, trung thực của con người.

Trong thực tế đời thường, lòng chân thành và trung thực luôn được người đời trân quí, đề cao và khuyến khích. Ngược lại, lối sống giả hình là một lối sống “ngôn hành bất nhất”; một kiểu sống bưng bít, dối trá và bịp bợm. Lối sống này luôn bị lên án, chê trách và loại trừ. Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ tránh xa thứ men này, tức là đừng học theo thái độ và lối sống duy hình thức, chỉ xăm xoi bề ngoài mà lòng dạ thì gian tà và ma mãnh. Hôm nay Ngài cũng cảnh tỉnh chúng ta như thế để ta biết cảnh giác và tỉnh ngộ trước những thứ men Pharisêu hiện đại là háo danh, ham lợi, tham quyền, vênh vang, kiêu ngạo, khoe khoang, giả dối, lọc lừa …

Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa một thế giới đầy dẫy sự gian tà và giả dối, xin cho chúng con có sự khôn ngoan, lòng can đảm và sức mạnh của niềm tin để chúng con dám nói không trước sự dối gian và lọc lừa.

Antôn.P Nguyễn Phi Tiến

Thứ Bảy – Ngày 21 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVIII

Bài đọc : Rm 4,13.16-18

Tin Mừng : Lc 12,8-12

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

CAN ĐẢM

Trong suốt chiều dài lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta thấy xuất hiện những nhà truyền giáo tử đạo hay những giáo dân tử đạo để làm chứng cho Đức Kitô. Mặc cho sự bắt đạo gắt gao hay sự tra tấn tàn ác của nhà cầm quyền nhưng các ngài vẫn can đảm một lòng làm chứng cho Đức Kitô. Chính Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi các ngài một cách tích cực và mạnh mẽ nhất.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước kẻ dữ, trước những sự bất công của kẻ mạnh, trước những quyền lực của trần thế. Nếu chúng ta có niềm hy vọng, xác quyết và tín thác vào quyền năng của Chúa Thánh Thần thì chúng ta sẽ vượt qua những áp bức, bách hại của những thế lực đó.

Trong bối cảnh của xã hội ngày hôm nay, người môn đệ của Chúa Giêsu còn phải can đảm đối diện với những tệ nạn đang chiếm thế thượng phong. Những trang báo mạng, những phong trào tục hóa hay những tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến thái độ khiêm tốn và xác tín của người môn đệ trong việc sống và tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. Cho nên, người môn đệ cần phải can đảm đối diện, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần giúp đỡ, chở che, ban ơn sức mạnh, ơn khôn ngoan, để vượt qua những cạm bẫy của tội lỗi ở trần gian. Một điều quan trọng nữa là, người môn đệ phải biết mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu

là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.

Lạy Chúa, xin làm cho ngọn lửa Chúa Thánh Thần luôn bừng cháy trong tâm hồn chúng con, để chúng con can đảm làm chứng cho Chúa.

Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân 

Bài trướcHội nghị thường niên kỳ II-2017 Hội đồng Giám mục Việt Nam (9 -13.10.2017)
Bài tiếp theoCộng đoàn Học Viện Ngôi Lời Tĩnh Tâm tháng 10/2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.