Thường Niên – Tuần XXII – Năm A

0
352

Chúa Nhật – Ngày 03 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

(Không cử hành lễ thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh)

Bài đọc 1 : Gr 20,7-9

Bài đọc 2 : Rm 12,1-2

Tin Mừng : Mt 16,21-27

Từ khi ông Phêrô tuyên xưng Đức

Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy…

TỪ BỎ ĐỂ THEO THẦY

Ở đời, người ta thường tìm những việc nhẹ nhàng, dễ dàng để làm; ít có người tìm những việc nặng nhọc khó khăn cho mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một điều kiện không dễ chút nào đối với các Tông Đồ cũng như chính bản thân tôi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,24-25).

Điều kiện của Chúa Giêsu đưa ra khó mà thực hiện được, bởi vì tư tưởng của các Tông Đồ trong lúc này chỉ biết theo Thầy để kiếm một chức vụ hoặc được Chúa Giêsu cho ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Các ông vẫn chưa thật sự hiểu con đường Chúa Giêsu đang đi là con đường thập giá, con đường chông gai và có thể phải bỏ cả mạng sống mình. Con đường mà thánh Phêrô đã ngăn cản Thầy, con đường ai cũng muốn né tránh, lại là con đường mà Chúa Giêsu muốn mời gọi các môn đệ của Ngài bước vào.

Con đường từ bỏ để theo Thầy Giêsu là bài học cho hành trình đời tu của tôi. Tôi phải luôn đặt ra cho mình những câu hỏi: Tôi đã thật sự theo Chúa chưa? Tôi đã từ bỏ những ý riêng, ích kỷ của bản thân chưa? Tôi đã chấp nhận trở thành một tu sĩ Dòng Ngôi Lời Truyền Giáo chưa? …

Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh, từ bỏ để có thể theo Chúa trên con đường thập giá. Xin Chúa luôn đồng hành với con mọi nơi, mọi lúc để con không lầm đường, lạc bước.

Antôn P. Nguyễn Văn Khoát

Thứ Hai – Ngày 04 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : 1 Tx 4,13-18

Tin Mừng : Lc 4,16-30

Khi ấy, Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” […]

HÃY CHIÊM NGƯỠNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Trong thế giới ngày nay, một thế giới mà sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm được xem như là sự hiển nhiên trong đời sống thường nhật, việc tái khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi vì, việc chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa không những giúp cho con người hiểu tình yêu vô biên của Thiên Chúa mà còn giúp cho con người biết sống và biết rung động trước nỗi đau của tha nhân, để đến lượt họ cũng được Thiên Chúa thương xót.

Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay như là bản tóm của toàn bộ Tin Mừng, Tin Mừng dành cho những người nghèo

khổ, bệnh tật, khổ đau…, những con người cần đến tình thương và lòng thương xót Chúa hơn bao giờ hết.

Trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, tất cả nhân loại đều tìm thấy sự chữa lành, sự bình an và sự an ủi cách sâu xa, điều mà chỉ Thiên Chúa mới có thể khoả lấp hết được. Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Lòng Thương Xót của Ngài không giữ khoảng cách: Lòng Thương Xót tìm kiếm gặp gỡ hết mọi hình thức của sự nghèo nàn và giải thoát thế giới này khỏi quá nhiều kiểu nô lệ. Lòng Thương Xót khao khát chạm đến các vết thương của tất cả mọi người, chữa lành chúng”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống trong tâm tình con thảo, và xin cho chúng con cũng biết yêu, biết thương xót anh em con như Chúa đã yêu và thương xót chúng con.

Giuse Nguyễn Công Lai

Thứ Ba – Ngày 05 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : 1 Tx 5,1-6.9-11

Tin Mừng : Lc 4,31-37

Khi ấy, Đức Giêsu xuống Caphácnaum,

một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

CHUYỆN CHÚNG TÔI CAN GÌ ĐẾN ÔNG       

Ngày nay bệnh vô cảm đang tràn lan trong xã hội. Người ta thường bao biện bằng cách tách mình ra ngoài “không liên can” hoặc ngăn cản khi ai đó muốn can thiệp. Đây cũng là cách mà thần ô uế đã trả lời Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Cách đối đáp của thần ô uế khi Đức Giêsu xuất hiện có vẻ rất hợp lý: chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi (Lc 4,34). Như vậy, chuyện không can gì đến ông thì ông cứ im lặng, cứ nhắm mắt làm ngơ, mặc kệ để chúng tôi yên; ông đừng bận tâm đến nó là tốt hay xấu thì ông cũng được rảnh tay. Tuy nhiên, Đức Giêsu không nhượng bộ, mà Ngài vẫn thi hành sứ vụ của mình qua việc ra lệnh cho quỷ xuất khỏi  người bệnh (x. Lc 4,35).

Cách tiếp cận này của Đức Giêsu rất ít người ngày nay bắt chước. Trái lại, người ta đang áp dụng rất sáng tạo thái độ của thần ô uế vào những tình huống cụ thể của cuộc sống: những người lãnh đạo quốc gia thì lập luận “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”, những người thường dân thì dại gì “ôm rơm xót bụng”, đụng vào làm gì cho mệt… Chính vì thế, người ta chỉ lo cho bản thân, chẳng quan tâm người bên cạnh, kiểu “sống chết mặc bây” lan tràn khắp nơi. Điều đáng nói là vô cảm không chỉ trong xã hội mà Giáo Hội cũng không ít, minh chứng rõ ràng nhất là vụ cá chết ở miền Trung; ngoại trừ những vị hữu trách ở Giáo Phận Vinh dám lên tiếng mạnh mẽ, còn lại thì “im lặng là vàng”. Rõ ràng, Giáo Hội đang thiếu những Gioan Tẩy Giả để nói chuyện với tà quyền Hêrôđê. Vai trò ngôn sứ dám bênh vực cho công lý đang thiếu một cách trầm trọng, những người đau khổ đang dài cổ trông chờ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con dám can đảm nói lên tiếng nói của sự thật, công lý. Xin ban thêm sức mạnh và ơn khôn ngoan cho chúng con.

Giuse Nguyễn Văn Linh

Thứ Tư – Ngày 06 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : Cl 1,1-8

Tin Mừng : Lc 4,38-44

Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô. Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.

ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Khi suy nghĩ về Thiên Chúa, những câu hỏi “tôi có cần Chúa không?” hay “tôi gặp Ngài vì điều gì?” vang lên trong lòng tôi.

Tôi cần gặp Chúa vì tôi là thụ tạo của Ngài, là thụ tạo mà mỗi ngày sống tôi vấp phải biết bao khó khăn, cần được trợ giúp, cần được nâng đỡ cũng như cần được an ủi, thứ tha khi lầm lỗi. Điều khó khăn để tôi lên đường tìm gặp Chúa là những gánh nặng trong lòng cản bước tôi lên đường. Dường như luôn có những nỗi sợ hãi khiến tôi trốn tránh dung nhan Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đến thăm và chữa lành nhạc mẫu của ông Simôn khỏi cơn sốt; những người đau yếu bệnh tật được Người đặt tay chữa lành. Dân chúng tìm đến gặp Chúa vì họ bệnh tật, họ thấy mình cần được chữa lành. Chắc chắn dân chúng đã hy vọng và tin tưởng vào quyền năng và tình yêu thương tha thứ của Người.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho chúng ta một lời khuyên thật hữu ích: Người Kitô hữu hãy canh tân ngay việc gặp gỡ cá nhân của mình với Đức Giêsu

Kitô, hay ít nhất là quyết định để cho Người gặp gỡ chúng ta, mỗi ngày luôn tìm kiếm Người.

Lạy Chúa Giêsu, con cũng bệnh tật, cần được chữa lành, nhất là chữa lành tâm linh để được vững tin sống ơn gọi làm môn đệ Chúa. Xin cho con biết vững tin và can đảm tìm gặp Chúa mỗi ngày.

Gioan B. Phan Lĩnh

Thứ Năm – Ngày 07 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : Cl 1,9-14

Tin Mừng : Lc 5,1-11

Khi ấy, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

HÃY ĐỂ CHÚA LO LIỆU

 “Cứ để mọi sự cho Chúa lo liệu!” Đó là một tâm tình tuyệt vời của những nhà truyền giáo trước khi đến một vùng đất mới. Thực ra, nếu họ vẽ ra những gian khó, điều đó không giúp được gì mà chỉ làm cho họ thêm lo âu, nhưng khi họ phó thác nơi Chúa thì chính Chúa sẽ giúp họ vượt qua. Có Chúa, không thể thành có thể!

Ông Simon và các bạn chài thú nhận với Đức Giêsu: Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả (Lc 5,5). Không có Chúa, các ông làm việc cực nhọc trong đêm tối nhưng kết quả chỉ là một con số không. Các ông chẳng đánh bắt được gì cả, một con cá nhỏ cũng không. Ngược lại, khi có Chúa và dám vượt qua kinh nghiệm của bản thân để đến thả lưới nơi vùng nước sâu đầy nguy hiểm, các ông đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới (x. Lc 5,6).

Trong mọi việc, nếu không có Chúa chúng ta chỉ loay hoay, vất vả mà không đem lại kết quả nào; có Chúa cùng đồng hành, Người sẽ nâng đỡ, trợ giúp chúng ta. Hãy để cho Chúa hướng dẫn đời ta. Chính Người sẽ làm cho chúng ta phải kinh ngạc như ông Simon và các môn đệ trước mẻ cá lạ lùng.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tín thác vào Chúa, nhất là những lúc con gặp khó khăn trong cuộc đời này.

Gioan B. Phan Tuấn Thể

Thứ Sáu – Ngày 08 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA. Lễ kính. (Tr)

Bài đọc : Mk 5,1-4a

Tin Mừng : Mt 1,1-16.18-23

[…] Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”

SỐNG XIN VÂNG NHƯ MẸ MARIA

Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Sinh nhật Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và cũng là Mẹ của chúng ta.

Nhìn vào cuộc đời của Mẹ, chúng ta không thể không thán phục niềm tin và sự phó thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa. Đặc biệt qua biến cố truyền tin, khi Mẹ thưa “xin vâng” để cưu mang Đấng Cứu Thế. Biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Mẹ. Mẹ đã chịu biết bao gian nan, khổ cực… nhưng không một lời kêu than. Mẹ âm thầm chịu đựng và dâng tất cả mọi sự cho Chúa, vì Mẹ luôn tin vào chương trình mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi Mẹ.

Cuộc đời của Mẹ đáng để cho mỗi người chúng ta suy nghĩ. Chúng ta đã sống như thế nào? Niềm tin của ta đang ở đâu? Sự hy sinh của ta như thế nào? Mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình, nhưng có lẽ mỗi người sẽ thốt lên với Mẹ rằng: Lạy Mẹ, xin giúp con, vì con còn thiếu sót quá nhiều!

Khi thốt lên như vậy, là chúng ta đã nhận ra sự bất toàn và yếu đuối của phận người. Biết bao đam mê và ham muốn của cuộc đời lôi kéo ta xa dần Chúa, làm cho ta chưa bước đi trên con đường như Mẹ khi xưa. Để vượt qua những điều đó, chúng ta cần có sự hy sinh, sự khiêm tốn và đặc biệt là sự tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ Maria chính là tấm gương để ta học hỏi và noi theo.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn như Mẹ, biết học theo gương Mẹ mà sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày.

Phêrô Nguyễn Văn Thìn 

Thứ Bảy – Ngày 09 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Thánh Phêrô Claver, linh mục. (Tr)

Bài đọc : Cl 1,21-23

Tin Mừng : Lc 6,1-5

Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” Đức Giêsu trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sabát.”

SABÁT VÀ SỰ SỐNG

Luật sabát là niềm tự hào của người Do Thái qua mọi thời. Một đàng, ngày sabat

là ngày thánh, ngày dành riêng kính Đức Chúa; đàng khác, Thiên Chúa đã lao động trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Vì thế con người cũng được mời gọi để ngưng nghỉ trong ngày sabát, để không bị lệ thuộc vào công việc, để được sống tự do và đồng thời mở ra tương quan nhân ái với người khác, nhất là cô nhi, quả phụ và ngoại kiều, và cả nô lệ qua việc thăm viếng hay trao tự do. Như vậy, ngay từ ban đầu, luật ngày sabát là luật của sự sống và tự do.

Đức Giêsu không chống đối luật sabat,

Ngài chỉ khiển trách những người giữ luật cách hình thức và máy móc. Rồi đây ngày sabát sẽ mang một tầm vóc cao hơn khi Đức Giêsu phục sinh trong ngày ấy, đó là ngày mừng vui hoan hỷ vì sự chết bị đánh bại và sự sống mới được tuôn ban.

Thực tế, nhiều khi người ta đi lễ ngày Chúa Nhật vì luật buộc. Ngày này, thay vì gia đình sum họp, thăm viếng tha nhân, nhiều lúc lại trở thành ngày ăn chơi thái quá, cha mẹ, con cái mỗi người mỗi chốn.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng phải giữ ngày sabát đúng với tinh thần của nó. Đó phải là ngày của niềm hân hoan trong lòng vì Chúa phục sinh, rồi chia sẻ niềm vui đó với anh em, bạn hữu cách này hay cách khác. Đó cũng là ngày sống mang tâm tình tạ ơn cách đặc biệt hơn mọi ngày khác, vì đó là ngày thánh dành cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống đúng tinh thần ngày sabát để chúng con được tự do hơn và trưởng thành hơn trong ân nghĩa với Chúa và tha nhân.

Phanxicô X. Nguyễn Du Trí

Bài trướcGiáo xứ Kim Cương – Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu – năm 2017
Bài tiếp theoGx Tân Tiến – Kỷ niệm 10 thành lập Giáo xứ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.