Tuần Thánh – 2017 – Năm A

0
372

Chúa Nhật – Ngày 09 – Tháng 4

CHÚA NHẬT LỄ LÁ. TƯỞNG NỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Bài đọc 1 : Is 50,4-7

Bài đọc 2 : Pl 2,6-11

Tin Mừng : Mt 26,14 – 27,66

[…] Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” […]

XÁC THỊT NẶNG NỀ

Tu sĩ Gioan B. Phan Lĩnh, SVD

Bổn phận của người môn đệ là đi theo, đồng hành với Thầy. Tuy nhiên, trình thuật của thánh Mátthêu cho thấy, khi Thầy bị bách hại, các môn đệ lại mê ngủ như chết vì thể xác nặng nề; các ông không thể canh thức nổi dù chỉ một giờ (Mt 26, 40). Xác thịt nặng nề, tinh thần nhát đảm là những điều cản trở người môn đệ tiến bước, nhất là khi gặp thử thách, khi bị bách hại.

Hôm nay Giáo Hội tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành thánh

Giêrusalem, khởi đầu cho các sự kiện trong cuộc khổ nạn. Con Thiên Chúa đã biết trước việc sẽ làm, những đòn roi phải chịu, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm (Mt 26,54). Người cầu khẩn với Chúa Cha: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này (Mt 26, 39).

Chắc chắn, người môn đệ luôn được mời gọi bước theo Thầy Giêsu, ở cạnh Thầy những lúc Thầy cần đến; người môn đệ cũng được mời gọi ở thật gần Thầy khi họ hoang mang trước những bách hại, quyền lực hay khi sa ngã. Có lẽ các ông không hiểu biết lời Thầy dạy, vì các ông chưa dám đặt để cuộc đời mình theo đường lối của Thiên Chúa, không dám tiến bước theo Thầy. Hành động của các môn đệ càng khiến cho cuộc đời Con Thiên Chúa ở trần gian thật cay đắng. Một lần làm người, Chúa Giêsu đã nếm trải, và hôm nay, chắc chắn Người thấu cảm thân phận long đong, mỏng dòn của phận người trên dương thế, nhất là đối với những ai tin nhận Người trước thế gian.

Lạy Chúa Giêsu, khi chọn bước theo Người, con ý thức mình yếu đuối, con biết mình nhát đảm, thân xác nặng nề. Xin ban ơn Thánh Linh thánh hóa, cho con can đảm hơn để tiến bước cùng Chúa trong cuộc đời này.

Thứ Hai – Ngày 10 – Tháng 4

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 42,1-7

Tin Mừng : Ga 12,1-11

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm […]

HƯƠNG THƠM ĐỜI TU

Tu sĩ Gioan B. Phan Tuấn Thể, SVD

Những người ngoài Kitô giáo thường xuýt xoa, tiếc rẻ cùng với sự ngưỡng mộ và kính trọng dành cho những người bạn Công Giáo của họ đang bước theo đường tu trì. Tuy vậy, đối với họ, đời tu là một sự lãng phí, xa xỉ.

Quả thế, đời tu không phải là một sự “lãng phí” vì đời tu là một sự trao hiến tình yêu, trao hiến tất cả mà không so đo, tính toán thiệt hơn để dành trọn con tim cho Thiên Chúa và làm lan tỏa hương thơm tình yêu cho thế giới. Đời tu phải trở nên một thứ “cam tùng nguyên chất” và dâng hiến một trái tim trọn vẹn cho Thiên Chúa. Trao ban tình yêu cách quảng đại qua công việc phục vụ, để làm tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi qua chính đời sống chứng tá của mình cho nhân loại, như chính Maria đã không tiếc rẻ dầu thơm hảo hạng để xức chân Chúa, làm cho cả căn phòng sực nức mùi thơm.

Để đời tu trở nên “nguyên chất và quý giá”, người tu sĩ phải tinh luyện đời mình, gắn kết đời mình trong tình yêu Thiên Chúa qua các lời khuyên Phúc Âm. Mỗi ngày, người tu sĩ phải uốn nắn, sửa đổi để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”; cái tôi của người tu sĩ phải nhỏ lại để “cái chất đời tu” được tỏa lan qua đời sống phục vụ.

Cuộc sống vẫn thế, lợi ích và thiệt hại luôn có sự cân nhắc, tính toán. Ngay cả thánh Phêrô cũng đã hỏi Đức Giêsu rằng họ được gì khi bỏ mọi sự mà theo Thầy, nhưng khi đã hiểu, ngài đã không tiếc mạng sống vì Chúa. Nhiều người vẫn xem đời tu là một sự phí phạm, nhưng những người quảng đại xem đó là cách đáp trả xứng hợp nhất đối với ân huệ tình yêu mà Thiên Chúa đã ban. Đời tu “nguyên chất” khiến nhiều người tiếc rẻ vì sự “phí phạm” tuổi trẻ, công danh, sự nghiệp… nhưng xuýt xoa vì hương thơm tình yêu tỏa lan của nó.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống trọn vẹn đời hiến dâng, để đời con trở thành “cam tùng nguyên chất” dâng lên Chúa và tỏa hương thơm cho đời.

Thứ Ba – Ngày 11 – Tháng 4

THỨ BA TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 49,1-6

Tin Mừng : Ga 13,21-33.36-38

Khi ấy, đang dùng bữa với các môn  đệ, Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” Đức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y […]

CÓ NGƯỜI TRONG ANH EM SẼ NỘP THẦY!

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Từ khi công khai đi rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu cùng với các môn đệ đã trải qua biết bao gian nan, cùng chia sẻ biết bao vui buồn của cuộc đời. Tình Thầy trò trở nên khăng khít, nhưng trớ trêu thay, khi sứ mạng sắp đến hồi kết, thì Ngài lại bị phản bội. Còn gì đau đớn hơn khi bị chính người môn đệ, người đã cùng chia cơm sẻ bánh, phản bội. Đặt mình vào vị trí của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm nhận được nỗi đau đó là như thế nào.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thế, không ít lần ta cũng trải qua cảm giác bị phản bội như Chúa Giêsu. Khi những người thân trong gia đình, những người bạn và lắm khi là những đồng nghiệp, những người mà chúng ta vẫn tin tưởng, kề vai sát cánh trong mọi biến cố của cuộc sống, bỗng một ngày họ đứng lên chống đối, lừa gạt và phản bội sau lưng chúng ta. Thật khó để diễn tả được nỗi đau và sự thất vọng; thật khó để đối diện và chấp nhận sự thật phũ phàng như thế. Nhất là khi sự lừa gạt và phản bội đó gần như cướp đi của ta cả cuộc sống…

Hình ảnh ông Giuđa trong bài Tin Mừng hôm nay gợi nhớ lại con đường đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì tội lỗi chúng ta, vì yêu chúng ta mà Đức Giêsu đã trao hiến tất cả. Mỗi người chúng ta trong những lúc đau khổ và tuyệt vọng, hãy biết nhìn về con đường thập giá của Đức Giêsu. Nhìn để thấy Ngài đang vác trên mình những đau khổ và tội lỗi chúng ta. Nhìn để thấy rằng chúng ta không bao giờ cô đơn một mình.

Lạy Chúa, xin gìn giữ và giúp con sống trung tín với Chúa và với nhau hơn.

Thứ Tư – Ngày 12 – Tháng 4

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Bài đọc : Is 50,4-9a

Tin Mừng : Mt 26,14-25

Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’ Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.” Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Rápbi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

YÊU NGƯỜI VÀ GHÉT TỘI

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Du Trí, SVD

“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Vậy là tình Thầy trò bấy lâu nay giờ đây đã có vết nứt lớn. Một người trong số các môn đệ, người đã cùng ăn cùng uống, đã chia sẻ buồn vui bấy lâu, giờ đây quyết định quay lưng lại với Thầy mình. Thế ra, đã bấy lâu đi chung đường đời mà ông Giuđa Ítcariốt không cùng chung lý tưởng với Thầy, để đến sau cùng, ông không cùng Thầy đến đích.

Khi đọc câu chuyện này trong Tin Mừng, chúng ta thường trách cứ hay thậm chí lên án ông Giuđa vì ông đành tâm trao nộp Thầy mình cho người ta giết chết. Đức Giêsu nói: khốn cho kẻ nào nộp Con Người (Mt 26,24); Ngài không có ý lên án bản thân ông Giuđa, nhưng Ngài đau xót cho tình trạng khốn cùng của ông: thà người ấy đừng sinh ra thì hơn (Mt 26,24); đúng hơn, Ngài lên án tội lỗi của ông. Tình trạng khốn cùng của ông Giuđa chính là việc khước từ tình yêu và hồng ân sự sống từ Thầy, để hành động theo ý riêng ông.

Thiên Chúa ghét tội nhưng lại luôn yêu thương người có tội và hằng mong cho họ được sống. Lẽ nào chúng ta lại đi ghét người Chúa hết lòng yêu thương? Cũng vậy, lắm khi chúng ta chán nản, bực bội, thậm chí chê ghét bản thân vì tội lỗi mình, mà quên mất rằng chỉ có tội mới là điều xấu phải ghét, phải chối bỏ.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến tha nhân và cũng biết quý trọng sự sống bản thân như Chúa yêu con, để từ đó mà ra sức xa lìa tội lỗi.

Thứ Năm – Ngày 13 – Tháng 4

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lễ sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

(Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21)

Lễ chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY

Bài đọc : Xh 12,1-8.11-14;

Bài đọc 2 : 1 Cr 11,23-26

Tin Mừng : Ga 13,1-15

[…] trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”[…]

PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thưa Thầy!

Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?

Thánh Phêrô đã hỏi Thầy Giêsu khi Người tiến lại rửa chân cho mình. Đó là một câu hỏi phản tỉnh cho tất cả chúng ta. Ai trong chúng ta đã không từng một lần được người khác phục vụ. Chúng ta có tự đặt ra câu hỏi như thánh Phêrô đã hỏi Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng chăng?

Chúng ta luôn muốn người khác phục vụ mình, muốn người khác quỵ lụy chúng ta và rồi chúng ta lấy thước đo của một người có uy, có quyền, có thế mà bắt người khác phải phục tùng và làm những điều chúng ta muốn. Trong tinh thần yêu thương phục vụ thì quyền uy và thế giá không có chỗ đứng. Đức Giêsu đã cho chúng ta một bài học quá đỗi sâu sắc và ý nghĩa khi Người tiến đến rửa chân cho các môn đệ. Đức Giêsu là Thiên Chúa mà đã hạ mình phục vụ con người. Để rồi khi chúng ta nhận được sự phục vụ của người khác, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của thánh Phêrô mà tự hỏi lương tâm mình: Tôi đáng là gì mà được phục vụ hay sự phục vụ ấy là vì lòng yêu thương mà người khác mang đến cho tôi! Chúng ta nhận được sự phục vụ trong tình yêu thương thì chúng ta hãy ra đi và trao ban sự yêu thương phục vụ ấy cho người khác. Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta, một tấm gương khiêm nhu phục vụ. Lẽ nào chúng ta lại cao trọng và quyền thế hơn Đức Giêsu, lẽ nào chúng ta không thể hạ mình để yêu thương và phục vụ cho những con người cần đến bàn tay của chúng ta?

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm nhường phục vụ tha nhân như chính Người đã làm gương cho các môn đệ xưa kia và chúng con hôm nay.

Thứ Sáu – Ngày 14 – Tháng 4

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Bài đọc 1 : Is 52,13-53,12

Bài đọc 1 : Hr 4,14-16; 5,7-9

Tin Mừng : Ga 18,1-19,42

[…] Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.” Đức Giêsu nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.” Ông Simôn Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?”[…]

ĐIỂM TỰA GIÊSU

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Trong ngày tưởng niệm về Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu, thay vì như những lần trước, tôi cố hòa mình cùng với không khí của Giáo Hội và nhất là của những đoạn Tin Mừng mà các tác giả thuật lại để tìm cho mình một nỗi buồn nào đó. Đúng hơn là tìm cho mình một tâm tình thống hối ăn năn vì những lỗi lầm của bản thân.

Lần này thì khác, tôi cảm thấy ngập tràn niềm vui vì nghiệm ra một tình yêu quá lớn lao mà Thiên Chúa dành riêng cho bản thân mình: Đó là việc theo Chúa thì chẳng bao giờ hư mất. Tin Mừng thánh Gioan hôm nay đã xác tín rõ như vậy: “Thế là ứng nghiệm những lời Đức Giêsu đã nói, ‘những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai’” (Ga 18,9).

Đức Giêsu xuất hiện rất đúng lúc, không để cho một ai khỏi hư mất, không để một ai rơi vào tuyệt vọng. Tôi nhiều lần đã chẳng nhớ ra rằng mình có một điểm tựa Giêsu, một điểm tựa vững chắc cho đời sống thiêng liêng của bản thân. Chính những lúc nguy khốn và cùng cực nhất trong đời, Đức Giêsu đã bước ra và nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18,8).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết nhận ra lúc nào Ngài cũng là điểm tựa vững chắc cho đời con, là nơi để con bám víu và cậy dựa mỗi khi gặp thất bại đau khổ tưởng như là không gượng dậy nổi. Để rồi có Ngài ở bên, đời con luôn là niềm hạnh phúc khi dấn thân theo Ngài. Để một khi cảm nghiệm Ngài đồng hành với con, chẳng có gì có thể ngăn bước con đến với Ngài.

Thứ Bảy – Ngày 15 – Tháng 4

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

Bài đọc :

(St 1,1-2,2; St 22,1-18; Xh 14,15-15,1a; Is 54,5-14; Is 55,1-11; Br 3,9-15.32-4,4; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11)

Tin Mừng : Mt 28,1-10

Chiều ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người […]

NGÔI MỘ TRỐNG

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Chắc hẳn, khi nghe nói đến mộ, ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay đến cảnh tang thương, chết chóc. Thật vậy, trước đây ít ngày, một vài môn đệ và các người phụ nữ đã khóc hết nước mắt để đem Đức Giêsu đặt vào ngôi mộ. Việc lăn tảng đá to chắn cửa mộ kể như đã đặt dấu chấm hết cho một con người với tên Giêsu. Và câu chuyện này đúng ra đã đi vào quá khứ nếu không được mấy người phụ nữ khuấy động vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Vậy ngôi mộ trống hàm chứa điều gì?

Ngôi mộ họa lại cảnh tang thương, chết chóc và bơ vơ không chỉ của người chết mà của cả người sống. Việc đặt Đức Giêsu trong huyệt đá đã làm cho các môn đệ lạc lõng, bơ vơ. Các ông cũng chẳng còn đủ tỉnh táo để nhớ lại những gì Đức Giêsu đã từng nói trước kia. Một không gian sầu não, chán chường đổ xuống trên họ.

Thế nhưng, ngôi mộ trống thì hoàn toàn khác. Ngôi mộ trống đã giúp các môn đệ lấy lại sức sống, niềm tin vào Đức Giêsu. Ngôi mộ trống cũng giúp các ông nhớ lại những gì Người đã nói với các ông. Và đến đây, ngôi mộ trống không còn mang ý nghĩa đau thương nhưng thay vào đó, nó phục hồi lại niềm hy vọng. Nó giúp các ông đặt dấu chấm hết cho những u mê, buồn chán và bắt đầu một niềm vui vĩnh cửu.

Dù ngôi mộ trống vẫn im lìm, bất động nhưng nó đã làm cho bà Maria, hai Tông Đồ Phêrô, Gioan và nhiều môn đệ khác trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Đồng thời, ngôi mộ trống cũng mời gọi tôi khám phá ra sự trống rỗng trong tâm hồn mình để thay bằng niềm vui Phục sinh.

Lạy Chúa, xin cho cuộc đời con và hành trình tâm linh của con trở nên giống như ngôi mộ trống kia để qua đó con khám phá ra đó là dấu chứng của Chúa Phục Sinh.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A
Bài tiếp theoPhim Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.