Thường Niên – Tuần XXXIII – Năm B

0
390

Chúa Nhật – Ngày 18 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Bài đọc 1 : Đn 12,1-3

Bài đọc 2 : Hr 10,11-14.18

Tin Mừng : Mc 13,24-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi. “Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

– NGÀY QUANG LÂM –

“Ở CÙNG, SỐNG VỚI” ĐỨC KITÔ

Ngày tận thế hay còn gọi là ngày Chúa Quang Lâm, ngày kết thúc của toàn vũ trụ. Đó cũng chính là ngày tận thế của mỗi người. Các Kitô hữu thời sơ khai đã từng mong mỏi Chúa Quang Lâm qua lời cầu nguyện: “Maranatha – Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

Đối với tôi, mỗi lần đọc lời tuyên xưng trong Thánh Lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”, tôi lại được nhắc nhớ về ngày Chúa trở lại. Hơn nữa, trong lời tuyên xưng đức tin ấy, tôi tin Chúa đang hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, tôi khao khát sẽ có ngày được thấy Chúa hiện diện toàn vẹn và được ở cùng, sống với Ngài. Và chắc chắn nơi Chúa, tôi sẽ được sự bình an, hạnh phúc thật. Khi “ở cùng, sống với” Chúa, tôi không còn bị bụi trần tội lỗi hay của đau khổ níu kéo.

Chúa còn mời gọi tôi sống gắn bó và yêu thương tha nhân của mình ngang qua những cử chỉ bác ái, qua những lời ăn tiếng nói, qua nụ cười trao nhau… Lời mời gọi hướng về đích điểm của đời mình cũng thúc đẩy tôi bước đi trong cuộc sống trần gian với niềm trông cậy vững vàng, sự phó thác vào tay Chúa quan phòng cho dẫu có gặp phải những khó khăn, những thách đố.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện hiện của chúa trong những khó khăn, thách đố, đau khổ và tội lỗi của con; để mỗi khi con té nhào, con thấy được chính Chúa nâng đỡ con dậy để con tiếp tục kiên trì tiến bước vào nơi bình an vĩnh cửu là nơi được “ở cùng, sống với” Ngài luôn mãi.

Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD

Thứ Hai – Ngày 19 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc :  Kn 1,1-4; 2,1-5a

Tin Mừng : Lc 18,35-43

Khi Đức Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi !” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Đức Giêsu nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy bị đánh động bởi đức tin  mãnh liệt của anh mù thành Giêrikhô khi anh nghe thấy có Đức Giêsu đi ngang qua.

Tôi học hỏi nơi anh mù đức tin vững mạnh qua việc anh cầu xin Chúa Giêsu. Cho dù những người xung quanh quát mắng bảo anh im đi nhưng anh vẫn không chùn bước mà còn kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi” (Lc 18,39). Với một đức tin kiên vững và sự khao khát chữa lành mãnh liệt trong tâm hồn, anh mong được gặp Đức Giêsu để Người xin chữa lành. Anh đã được toại nguyện khi Đức Giêsu chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn. Hơn nữa, dù anh mù chỉ nghe người ta đồn về quyền năng của Chúa Giêsu và anh chưa một lần chứng kiến bằng mắt hay cảm nhận bằng giác quan nhưng anh vẫn tin vào Người.

Hình ảnh anh mù hôm nay giúp tôi tự vấn lại đức tin của mình trên con đường theo Chúa. Đôi khi tôi không dám nhận tôi là tu sĩ vì tôi sợ mọi người cười hay coi thường, khi tôi không dám tuyên xưng đức tin của mình. Những người không Công Giáo mà tôi quen biết hay bạn bè tôi, mỗi khi họ thắc mắc vì thấy tôi tốt nghiệp chương trình đại học đã lâu mà tôi chưa đi làm và còn độc thân, tôi đều trả lời đơn giản là tôi đang đi học. Họ định hỏi tiếp thì tôi cố gắng nói vui vài ba câu, sau đó tôi bỏ đi chỗ khác. Mỗi lần như thế tôi suy nghĩ lại và tôi cảm thấy rất hối hận; tôi muốn khi gặp họ tôi nói thẳng cho họ biết tôi là một tu sĩ. Một điều xem ra đơn giản mà tôi vẫn chưa làm được. Tôi còn phải học anh mù để biết tuyên xưng đức tin của mình trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần  để con có đủ can đảm nhìn lại bản thân con, nhìn lại cuộc sống con và xin cho con có đủ sự xác tín để biết tuyên xưng đức tin cách vững vàng cho xứng đáng là một Kitô hữu, một tu sĩ. Amen.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Thứ Ba – Ngày 20 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc :  Kh 3,1-6.14-22

Tin Mừng : Lc 19,1-10

Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

ĐỤNG CHẠM ĐẾN TÂM HỒN

Ông Dakêu là một người giàu có và quyền lực nhưng lại bị người Do Thái coi là người tội lỗi vào thời ấy. Họ khinh thường, xa lánh và bị cô lập về tinh thần; ông chịu nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn tưởng chừng như bế tắc. Vậy mà cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông khi Người chạm tới tâm hồn ông.

Khi Chúa Giêsu ngỏ lời muốn vào nhà ông, “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Chúa Giêsu” (Lc 19,6). Niềm vui của ông không chỉ dừng lại ở đó mà ông còn thể hiện ra ở hành động: “ Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi đền gấp bốn” (Lc 19,8). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã đụng chạm đến tâm hồn của ông Dakêu và làm nên một sự biến đổi kỳ diệu, một sự thức tỉnh của tâm hồn.

Câu chuyện về ông Dakêu thúc đẩy tôi nhìn lại tương quan của tôi với Chúa và với anh em. Khi gặp Chúa Giêsu, ông Dakêu đã được biến đổi hoàn toàn để biết chia sẻ cho người nghèo và đền bù những thiếu sót trong quá khứ. Chỉ khi tôi để cho Chúa đụng chạm đến tâm hồn tôi, tôi mới thật sự được biến đổi để biết sống cho anh em mình hơn. Những ích kỷ nhỏ nhen, ghen ghét, bất hòa, chia rẽ hay bất mãn trong đời sống cộng đoàn sẽ được hóa giải nếu tôi để cho Chúa đụng đến trái tim tôi và biến đổi thành con tim biết sống và hy sinh cho người khác.

Lạy Chúa, sự đụng chạm tâm hồn đúng lúc của Chúa đã làm thay đổi cuộc sống của ông Dakêu. Xin Ngài cũng cho con cảm nhận được sự đụng chạm đó của  Chúa trong cuộc sống hằng ngày của con, để con có thể biến đổi bản thân theo ý Chúa muốn và biết sống vì tha nhân.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Thứ Tư – Ngày 21 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ

Bài đọc :  Dcr 2,14-17

Tin Mừng : Mt 12,46-50

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”  Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

DÂNG MÌNH

Tin Mừng hôm nay có thể khiến cho nhiều người mến mộ Mẹ maria bối rối. Trong khi Mẹ Maria háo hức muốn gặp con trai, thì Chúa Giêsu lại phản ứng với câu hỏi lạnh lùng: “Ai là mẹ Tôi?”. Thay vì trả lời rằng mẹ tôi là bà Maria, Chúa Giêsu lại nói rằng mẹ tôi là những người thực thi ý Chúa Cha. Phải chăng Mẹ Maria sẽ nhói đau với câu nói này của Chúa Giêsu?

Gắn bó suốt hơn ba mươi năm, Mẹ Maria hiểu rất rõ con trai mình; Người là con Mẹ, nhưng cũng là Con Một Thiên Chúa. Với trọng trách trên vai, Mẹ biết con Mẹ phải hy sinh những cảm tình gia đình để dồn hết cho sứ vụ. Hơn nữa, khi đáp lời xin vâng, Mẹ cũng đã hoàn toàn từ bỏ ý riêng, từ bỏ những an ủi mang tính con người, để chỉ còn chú tâm cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Đọc thoáng qua bài Tin Mừng hôm nay, nhiều người sẽ nghĩ Chúa Giêsu lạnh lùng với Mẹ Maria, nhưng thực sự không phải vậy. Quả thật, khi Chúa Giêsu nói mẹ tôi là những người thực thi ý Cha trên trời, thì câu nói này cũng hàm ý khen ngợi Mẹ Maria, bởi vì mẹ là người hằng đáp lời xin vâng với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, vì Nước Trời, Chúa Giêsu và Mẹ đều đã dâng hiến trọn vẹn, một bên dâng hiến mạng sống, bên kia dâng hiến trái tim tan nát tựa lưỡi đòng đâm thâu. Trong ngày lễ kính nhớ việc Mẹ dâng mình, xin Chúa giúp chúng con biết dâng hiến đời sống chúng con để làm cho ý Cha thể hiện và Nước Cha trị đến.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Năm- Ngày 22 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Kh 5,1-10

Tin Mừng : Lc 19,41-44

Khi ấy, Đức Giêsu đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, thì khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

KHÓC THƯƠNG

Giọt nước mắt rơi xuống cũng có nhiều lý do: có người khóc vì quá hạnh phúc và vui sướng; có người khóc vì quá đau khổ và buồn tủi; có người khóc vì một giây phút chạnh lòng thương trước tình cảnh đáng thương và bi đát của một người nào đó… Hôm nay, thánh Luca ghi lại giây phút cảm xúc rơi lệ của Đức Giêsu khi dự báo về ngày tàn của thành thánh Giêrusalem.

Tại sao Chúa Giêsu lại khóc thương thành Giêrusalem? Ngài khóc thương thành thánh có lẽ cũng có nhiều lý do. Xét trên bình diện một con người bình thường, Giêrusalem là thủ đô của đất nước mà Ngài đã sinh ra và lớn lên; đó là một nơi chốn rất quen thuộc và chất chứa nhiều kỷ niệm của những lần đi hành hương. Bởi vậy, Chúa Giêsu không thể không thổn thức và rơi lệ khi chứng kiến thành Giêrusalem, thành đô tráng lệ, một đền thờ linh thiêng, một trung tâm sinh hoạt tôn giáo đang sẽ bị dày xéo và tàn phá dưới gót giày ngoại xâm và sẽ bị bình địa không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Một lý do khác quan trọng hơn làm cho Đức Giêsu phải thổn thức rơi lệ không chỉ vì ngày tàn của thành thánh Giêrusalem đã gần kề mà vì sự mê muội và lòng chai dạ đá khó đổi thay của dân thành. Ngài khóc thương họ vì sự cố chấp và chai cứng lòng tin, sự mục nát và băng hoại từ bên trong của đời sống dân Chúa. Và điều đó làm cho họ mù loà không nhận ra, không tin và không đón nhận Ngài.

Có lẽ Đức Giêsu cũng đang khóc thương mỗi người chúng ta giống như khóc thương dân thành Giêrusalem vậy! Đó chính là những khi chúng ta sống cố chấp và ù lì trong bóng tối, trong tội lỗi, trong những thói hư tật xấu của mình; là những lúc chúng ta sống như thể không có Chúa hiện diện trong cuộc đời, sống không có niềm tin và niềm hy vọng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tỉnh táo và biết mở lòng để nhận ra Chúa và nhận biết giờ Chúa viếng thăm. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Sáu – Ngày 23 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc : Kh 10,8-11

Tin Mừng : Lc 19,45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA

Những kẻ buôn bán trong khuôn viên Đền Thờ trong bài Tin Mừng hôm nay là ai, nếu không phải là những người được các tư tế cho phép?

Đức Giêsu đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ: “Nhà Cha ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”! Những người lãnh đạo được ưu tiên vào đó để thờ phượng Đức Chúa. Tuy nhiên ở đây, thay vì chỉ dành cho việc thờ phượng Chúa, những người này lại biến một khu vực Đền Thờ thành nơi họp chợ, nơi buôn bán đổi chác. Chợ búa thường là nơi của mánh lới, lừa lọc và móc túi, trộm cướp chọn nơi họp chợ đông người để dễ bề kiếm chác.

Đối với dân Ítraen, Đền Thờ là nơi thánh thiêng hơn tất cả mọi nơi khác, vì nơi đó có Đức Chúa ngự trị, là nơi con người gửi gắm thân phận và cuộc đời mình cho Ngài qua những lời kinh, lời cầu nguyện. Những kẻ buôn bán đã không những đẩy Chúa ra khỏi nhà của Người, mà còn đẩy Người ra khỏi con tim và niềm hy vọng của cộng đồng những người tin yêu và trông cậy nơi Thiên Chúa.

Hơn nữa, theo thánh Phaolô, thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19); vì vậy, phải luôn giữ mình trong sạch, xứng với nơi Thiên Chúa ngự trị. Khi tôi biến thân xác tôi thành nơi họp chợ huyên náo, nơi trộm cướp nương thân, thì sao còn xứng để Thiên Chúa viếng thăm?

Dù tiền bạc và vật chất là không thể thiếu cho cuộc sống trần gian, nhưng một khi con người đẩy Thiên Chúa ra khỏi con tim mình để dành chỗ cho những thứ ấy, điều còn lại sẽ là sự bất bình an khi xa rời Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết giữ mình trước những quyến rũ của cuộc đời, để đừng xa lìa Chúa là mối lợi tuyệt vời, là bình an cho con cả ở đời này và đời sau. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 24 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng (Đ).

Bài đọc 1 :  Kn 3,1-9

Bài đọc 2 : 2 Cr 4,7-15

Tin Mừng : Mt 10,17-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

VÌ DANH THẦY

Khi đối diện với sự bắt bớ, Chúa Giêsu cảnh giác và dạy các môn đệ: “Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy, nếu người ta bắt bớ Thầy thì người ta cũng bắt bớ các con.”

Khi được đầy Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ cũng đầy can đảm để làm chứng cho Chúa Giêsu, đa số các ông đã đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng. Sau đó, Giáo Hội tiếp nối các tông đồ trên hành trình truyền giáo và làm chứng. Quả thật, Tin Mừng được loan báo đến đâu thì máu tử đạo đổ ra làm chứng tới đó. Từ Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi đến đâu thì máu đào của chứng nhân tử đạo đổ ra để tưới gội cho hạt giống mọc lên như lời của thánh Téctulianô “Máu các thánh tử đạo đổ ra là hạt giống sinh ra các Kitô hữu.”

Từ khi Tin Mừng được rao giảng trên quê hương đất nước Việt Nam từ thế kỷ 16 mãi đến thế kỷ 19, suốt 300 năm từ thời Hậu Lê đến thời các Chúa Nguyễn, Giáo Hội gặp rất nhiều cấm cách và bách hại. Nhất là các thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức: khoảng 130.000 người Công Giáo bị bách hại và xử tử bằng nhiều hình thức khác nhau: trảm, bá đao, lăng trì, thiêu đốt… Trong số đó có 117 vị tử đạo đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh vào ngày 19.6.1988. Bất chấp mọi nhục hình tàn bạo, các chứng nhân tử đạo Việt Nam sẵn sàng và vui vẻ đón nhận thập giá, đau khổ và đổ máu để làm chứng cho Đạo Chúa và Tin Mừng như lời sách Khôn Ngoan dạy: “Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.” (Kn 3,5)

Lạy Chúa, xin cho mọi người tín hữu Công Giáo Việt Nam biết luôn noi gương các bậc tiền bối của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày bằng những hy sinh nhỏ nhặt và làm chứng cho Chúa là đường là sự thật và là sự sống.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 33 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoThường Huấn Linh Mục – Tu Sĩ Ngôi Lời Việt Nam, năm 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây