Thường Niên – Tuần XXXII – Năm A

0
272

Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Không cử hành lễ thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo

Bài đọc 1 : Kn 6, 12-16

Bài đọc 2 : 1Tx 4,13-18

Tin Mừng : Mt 25,1-13

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!’ Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!’ Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

 KHÔN NGOAN HAY KHỜ DẠI

Khôn ngoan hay khờ dại là do cách sống của mỗi người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy được sự khôn ngoan và khờ dại của các cô trinh nữ đi đón chú rể. Có năm cô được cho là khôn ngoan, bởi vì các cô luôn trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng cả đèn lẫn dầu để phòng khi chú rể đến trễ. Còn năm cô khờ dại, bởi vì các cô đã thiếu sự chuẩn bị trong trách vụ và bổn phận của mình; khi chú rể đến trễ, các cô không kịp đón rước để rồi phải nói: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng chú rể đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ tôi cũng như mỗi người: hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ, mang đèn nhưng đồng thời luôn biết trữ dầu. Dầu ở đây chính là thái độ sống sẵn sàng và tỉnh thức, sống giây phút hiện tại với những nỗ lực hoàn thiện chính mình, chu toàn việc bổn phận với lòng yêu mến và dấn thân. Dầu sẽ bị vơi đi do những chểnh mảng, những yếu đuối của tính xác thịt. Chính vì vậy, hàng ngày ta phải luôn luôn biết “châm dầu”, qua sự bền bỉ và liên lỉ trong cầu nguyện, trong sự dấn thân, hy sinh cho sứ vụ và ơn gọi của mình. Có như thế tôi mới có thể dẹp bỏ đi tính ích kỷ, chểnh mảng, lười biếng để trở nên tiếng nói ngôn sứ cho thời đại ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tỉnh thức và khôn ngoan, biết “châm dầu” mỗi ngày để canh tân đời sống của chúng con, hầu chúng con xứng đáng để trở nên những tiếng nói ngôn sứ cho thời đại này.

Micae Trần Quốc Thạch

Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Bài đọc : Kn 1,1-7

Tin Mừng : Lc 17,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng! Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng! Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”

SỰ THA THỨ

“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó (Lc 17,4).

Lời dạy trên của Đức Giêsu là một điểm nhấn quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay. Quả thế, Đức Giêsu mong muốn giữa con người với nhau cần có sự tha thứ. Vì trong cuộc sống, mọi sự đều liên tục xảy ra, những hiểu lầm, xung đột liên tục xảy ra không chỉ một mà là nhiều lần. Vì thế, Chúa muốn các môn đệ cũng như chúng ta hôm nay hãy mở rộng lòng mình, rộng mở trái tim để tha thứ, để gửi trao tình yêu, lòng quảng đại đến tất cả mọi người, nhất là những người có lỗi với ta. Chúng ta hãy tha thứ và học cách tha thứ vì tất cả mọi sự tha thứ giữa con người với nhau đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sở dĩ con người có thể tha thứ cho nhau được là vì Thiên Chúa đã tha thứ cho con người và chính Thiên Chúa cũng dạy và muốn con người tha thứ cho nhau.

Tha thứ chính là biểu đạt của tình thương yêu. Tha thứ là chấp nhận tình yêu. Vì, trước hết, tha thứ là yêu thương chính mình; sau nữa là yêu thương người được tha thứ. Chúng ta hãy gửi trao tình yêu trong trái tim đến với chính mình và người khác bằng hành động tha thứ. Tình yêu chính là con người, là bản chất của chúng ta. Hãy để cho tình yêu được lan tỏa, được hoạt động theo trái tim đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tha thứ dù chúng con đã nhiều lần xúc phạm nhau trong cuộc sống thường ngày. Vì chúng con biết rằng, chúng con cũng nhận được sự tha thứ của Chúa qua từng giờ sống của chúng con.

Giuse Nguyễn Văn Thanh

Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Bài đọc : Kn 2,23-3,9

Tin Mừng : Lc 17,7-10

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các Tông Đồ rằng: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?  Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

TINH THẦN PHỤC VỤ ĐÍCH THỰC

“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Lời Chúa hôm nay không nói đến quan hệ chủ tớ, qua đó đề cao bổn phận và tinh thần phục vụ của người Kitô hữu trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Chúng ta, những người Kitô hữu, không chỉ có bổn phận với nhau mà còn có bổn phận với Thiên Chúa. Tuy Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Chúa vẫn muốn chúng ta được cộng tác với Ngài qua công việc bổn phận, bác ái, phụng sự Chúa… Nhưng nhiều khi chúng ta lại dễ trở nên tự đắc, lên mặt sau những gì đã làm được. Chúng ta tưởng rằng mình tài giỏi nên vênh vang, mà quên mất những điều ta làm được là do Chúa giúp qua người này người khác. Vì thế, Chúa muốn chúng ta đừng tự hào tự đắc khi đã chu toàn bổn phận của mình. Và hãy nhớ, tinh thần phục vụ đích thực là phục vụ Chúa trong anh em cách khiêm tốn. Khi chúng ta biết phục vụ cách khiêm

tốn, chúng ta không những đạt được niềm vui lớn lao: “Khi biết cho đi là khi lãnh nhận” mà còn làm cho khuôn mặt của Đức Kitô được tỏ lộ hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và cho chúng con được cộng tác với Ngài, xin cho chúng con sau khi chu toàn bổn phận biết thưa với Chúa: “Chúng con là những đầy tớ vô dụng, chúng con đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

Phanxicô X. Đinh Duy Thiên

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Bài đọc : Kn 6,1-11

Tin Mừng : Lc 17,11-19

Khi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

TỰ DO

Nhìn vào lịch sử thế giới, mọi ngọn nguồn của các cuộc đấu tranh là đòi tự do, bình đẳng và quyền lợi. Từ những cuộc đấu tranh này, khát khao tự do có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với nhân loại.

Tự do là một khái niệm dùng trong triết học chính trị, mô tả tình trạng khi một cá nhân không bị sự ép buộc, có cơ hội để lựa chọn và hành động theo đúng với ý chí, nguyện vọng của chính mình.

Chúa Giêsu chữa những người bị bệnh phong hủi. Về phương diện thể lý, những người bệnh phong hủi được lành bệnh. Nhưng trước mặt những người Do Thái, những người này được thanh tẩy khỏi một căn bệnh bị xem là ô uế. Đối với Chúa Giêsu, khi chữa những người bệnh phong hủi, Ngài không những cho họ được khỏi bệnh, được thanh sạch, mà còn phục hồi địa vị của họ trong xã hội, cho họ được tự do làm con cái Thiên Chúa, được thờ phượng Ngài cùng với dân Chúa.

Tôi, bạn và tất cả mọi người có tự do làm con cái Thiên Chúa chăng? Hay chúng ta đang bị nô lệ cho những thói quen xấu, cho tính ích kỷ, hay tệ hơn là nô lệ cho tội lỗi?

Lạy Chúa, chúng con muốn ca tụng Chúa luôn mãi nhưng nhiều lần vì những hạn chế của xác thịt, chúng con vẫn còn bị nô lệ cho tội lỗi. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con tự do làm con cái Chúa.

Gioan Lê Đình Thuần

Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Bài đọc : Kn 7,22-8,1

Tin Mừng : Lc 17,20-25

Khi ấy, người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

THIÊN CHÚA ĐANG Ở ĐÂU?

Trên hành trình đức tin, có  bao giờ chúng  ta tự hỏi Thiên Chúa có thật không? Ngài đang ở đâu?

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca trình thuật cho ta thấy, những người Pharisêu đang ở bên cạnh Đức Giêsu mà không nhận ra Người là Thiên Chúa. Họ đang đợi trông một Triều Đại, một Đấng Cứu Thế theo kiểu trần thế. Còn Chúa Giêsu lại khẳng định rằng Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa họ mà họ không nhận ra.

Còn tôi thì sao? Giữa cuộc đời có biết bao sự dữ, tai ương, hay khi đứng trước những con người có hoàn cảnh quá nghiệt

ngã… đôi lúc tôi cũng tự hỏi, Chúa ơi, Ngài đang ở đâu? Chúa có thấu chăng cho những con người này? Hoàn cảnh của họ quá nghiệt ngã, không thể tưởng nổi Chúa ơi! Nhưng rồi trong những biến cố đó, trong những cảnh đời nghiệt ngã đó, tôi lại nhận thấy có một Đấng vô hình, tốt lành, chân thật và công minh đang ở trong tôi, trong anh, và trong mọi người. Ngài đang vẫy gọi, đang đợi chờ, đang thôi thúc chúng ta đến để chia sẻ tình yêu và lòng thương xót của Ngài cho anh em đồng loại, vì Chúa cũng đang chịu đau khổ và đang bị thế gian loại bỏ trước khi Ngài quang lâm lần thứ hai.

Lạy Chúa, xin hãy củng cố lòng tin nơi mỗi chúng con, nhất là lúc chính chúng con hay anh em đồng loại không tìm ra lối thoát.

Phêrô Hoàng Quốc Việt

Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Thánh nữ Êlisabét Hungari. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Kn 13,1-9

Tin Mừng : Lc 17,26-37

… “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

TỈNH THỨC

Thế giới hôm nay do ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục và tiêu thụ nên con người thích sống cảnh nhung lụa với những thú vui khoái lạc. Con người đang cố bám lấy những giá trị trần tục thay vì thực tại Nước Trời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải hướng đến Nước Trời vì giờ của Chúa có thể đến theo cách không ai ngờ tới. Cái chết thì chắc chắn, giờ chết thì vô định.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi luôn sẵn sàng tỉnh thức chờ Chúa đến. Tỉnh thức trong đời sống cầu nguyện, gắn bó cuộc đời mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi bắt đầu một công việc gì, chúng ta phải đặt mục tiêu cho công việc của mình. Sống trên đời cũng vậy, mục tiêu của chúng ta là Nước Trời. Điều đó không có nghĩa là tôi buông xuôi đời này, nhưng tôi phải sống cuộc đời này với đầy đủ ý nghĩa. Tôi phải kết hiệp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, qua thái độ tôi sống với anh em, qua những công việc bác ái tôi làm, qua sự công bằng khi đối xử với người khác. Nói cách khác, tôi sống trọn vẹn với giây phút hiện tại; đó là sự thức tỉnh chờ đợi Chúa đến, là sự chuẩn bị tốt nhất của tôi ở đời này để tôi được vào Vương Quốc Tình Yêu. Và nếu Chúa có gọi thì tôi sẵn sàng đáp: Lạy Chúa, này con xin đến.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tỉnh thức để con gắn bó cuộc đời mình với Chúa. Xin cho con biết nhìn nhận rằng chỉ mình Chúa mới là Đấng Cứu Độ duy nhất của cuộc đời con.

Carôlô Nguyễn Đình Giá

Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXII

Bài đọc : Cv 28,11-16.30-31

Tin Mừng : Mt 14,22-33

Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

ĐẾN VỚI CHÚA

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc thánh Phêrô xin đi trên mặt nước mà đến với Chúa, nhưng vì kém lòng tin nên thánh nhân đã chìm khi bước tới Chúa.

Hình ảnh thánh Phêrô ngày xưa cũng chính là hình ảnh mỗi người chúng ta hôm nay. Khi chúng ta gặp sóng gió trong cuộc đời, chúng ta nghi ngờ tình thương và quyền năng của Chúa. Không ít lần chúng ta đã bị sóng gió cuộc đời nhấn chìm chỉ vì thiếu lòng tin vào Chúa, thiếu lòng mến đối với Người. Và không ít người đã từ bỏ Chúa chỉ vì khi gặp sóng gió cuộc đời; họ thiếu lòng cậy trông vào Chúa.

Thánh Phêrô ngày xưa cũng nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa khi gặp sóng to gió lớn. Tuy nhiên, thánh nhân đã không vì thế mà từ bỏ Chúa, nhưng ngược lại, ngài kêu cầu Chúa giúp và đã vững tin hơn vào Chúa nhờ vượt qua những gian truân ấy.

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con đang khao khát được đến gần Chúa. Thế nhưng, trên con đường đến với Chúa nhiều khi chúng con bị sóng gió cuộc đời nhấn chìm chỉ vì thiếu lòng tin và lòng mến Chúa. Xin Chúa thứ tha và ban thêm đức tin cho chúng con, để nhờ đó, chúng con biết vượt qua sóng gió cuộc đời, và vững tin vào Chúa hơn.

Gioan Hoàng Xuân Hải

Bài trướcTình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi – Hiệp thông trong Cộng đoàn
Bài tiếp theo500 năm sau Cuộc Cải Cách, còn gì để kỷ niệm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây