Thường Niên – Tuần XXIX – Năm B

0
547

Chúa Nhật – Ngày 21 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Bài đọc 1 : Is 60,1-6

Bài đọc 2 : Cv 1,3-8

Tin Mừng : Mc 16,15-20

Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.

Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.

HÃY ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúa Giêsu là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Chúa Cha, được sai vào trần gian để loan báo Tin Mừng cứu độ; đó là
Tin Mừng yêu thương về Nước Trời cho con người. Người là sứ giả và cũng là sứ điệp Tin Mừng, là người rao giảng và cũng là nội dung của việc rao giảng.  Trước khi về trời Chúa đã ban lệnh truyền cho các tông đồ: “Hãy đi khắp thiên hạ loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo.” Chúa muốn cho mọi người đón nhận ơn cứu độ.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (AG 2) và Giáo Hội luôn ý thức sứ vụ của mình được trao ban từ Chúa Giêsu. Vì thế, nếu không truyền giáo thì Giáo Hội không còn trung thành với bản chất của mình và không vâng theo lệnh truyền của Chúa. Khi thực hiện sứ vụ truyền giáo là Giáo Hội đang sống và làm chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Là người Kitô hữu, chúng ta cộng tác với các công việc truyền giáo của Giáo Hội một cách thiết thực, trước hết bằng lời cầu nguyện, như lời Chúa Giêsu dạy, “các con hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về.” Tiếp đến là bằng những đóng góp cụ thể cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Sau cùng là dấn thân trong các việc làm cụ thể trong các chương trình truyền giáo của giáo hội địa phương và các giáo xứ, hội đoàn, hội dòng và các tổ chức truyền giáo.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người Kitô hữu hăng say trong việc truyền giáo của Giáo hội. Để có thể làm được việc này, xin cho mọi người luôn được tác động và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần như lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.” (Cv 1, 8).

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Thứ Hai – Ngày 22 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Ep 2,1-10

Tin Mừng : Lc 12,13-21

Khi ấy có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CỦA CẢI

Của cải vật chất làm cho cuộc sống con người được sung túc và tiện nghi hơn. Trong một xã hội đề cao đến mức tôn thờ vật chất, người ta bảo nhau: “Có tiền mua tiên cũng được”. Và lắm khi vật chất trở thành như một tiêu chuẩn để người ta đánh giá nhau qua dáng vẻ bên ngoài: xe cộ, điện thoại, trang sức, quần áo, giày dép hàng hiệu …

Trong bài Tin Mừng hôm nay, nhân cơ hội có người đến xin Chúa Giêsu phân xử liên quan đến việc phân chia gia tài: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”, Chúa Giêsu cảnh báo về lòng tham và dạy người ta phải có thái độ đúng đắn khi sử dụng của cải để đừng có ai cậy vào của cải như là một bảo đảm chắc chắn và duy nhất cho cuộc sống.

Qua dụ ngôn về người phú hộ mà Chúa Giêsu cho là đồ ngốc, Ngài không chê khả năng tính toán và sự siêng năng làm ra của cải vật chất của ông ta, nhưng lên án vì khi làm như thế đầu óc ông ta không lúc nào được thanh thản. Đồng thời, khi suốt ngày chỉ lo nghĩ làm sao phải tích trữ của cải cho càng nhiều càng tốt, ông quá bận tâm khư khư muốn giữ lấy tài sản của mình, chỉ biết lo cho mình mà không biết nghĩ đến người khác, chỉ biết tính toán cho cuộc đời này mà quên mất sự ngắn ngủ, mau qua của nó.

Chúa Giêsu không chê trách việc siêng năng làm ra của cải vật chất, nhưng cảnh báo những ai quá vướng bận với nó. Của cải vật chất chỉ thật sự hữu ích khi người ta biết sống tinh thần chia sẻ ở đời này và hướng về hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

Lạy Chúa, xin soi sáng để chúng con biết có thái độ đúng đắn với của cải như là phương tiện đưa chúng con về trời.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Ba – Ngày 23 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Ep 2,12-22

Tin Mừng : Lc 12,35-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

CÙNG CHÚA CHIẾN ĐẤU VỚI CÁM DỖ

Cái phúc dành cho những ai tỉnh thức chờ đợi Con Người đến được Đức Giêsu ví von như hình ảnh “đầy tớ được ông chủ thắt lưng, đưa vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37). Thật là kỳ diệu, từ phận vị người đầy tớ giờ trở nên như một ông chủ để được phục vụ. Trong viễn tượng cánh chung, người tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến sẽ được hưởng phúc Thiên Đàng, tức là diễm phúc của những con người tự do hoàn toàn khỏi mọi gông cùm của nô lệ tội lỗi và sự chết.

Tính bất chợt và bất ngờ của cuộc quang lâm của Con Người làm nên tính khẩn thiết và hệ trọng trong hành động sẵn sàng và tỉnh thức của người sống đạo. Làm sao để vui thú trần gian, cám dỗ của ma quỷ, khốn khổ đau thương của phận người không làm chúng ta quên đi cái phúc Chúa hứa dành tặng những ai tỉnh thức chờ đợi Chúa, không quên đi cuộc canh tân và hoán cải để sống theo tinh thần Tin Mừng.

Trong sự lo toan, bộn bề, và bao gánh nặng bổn phận và sứ vụ, những niềm vui đến bất ngờ mang lại kinh nghiệm hạnh phúc và chan chứa hy vọng nơi cuộc đời, nơi con người, và trong Thiên Chúa. Vì thế, để niềm hạnh phúc Nước Trời mở ngỏ cho những đợi chờ mong ngóng, là hành trang dấn bước trên đường công chính. Gần gũi hơn, những kinh nghiệm an ủi của Chúa trong cầu nguyện, việc nhận ra Chúa can thiệp diệu kỳ trong cuộc đời, sẽ khiến chúng ta thức tỉnh và biết chiến đấu với cám dỗ. Dẫu vậy, sẽ là vô vọng nếu trong cuộc chiến ấy không có sự tham gia của chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin đồng hành với chúng con trong cuộc chiến đấu với cám dỗ, nhất là những cơn cám dỗ làm cho chúng con không còn tỉnh thức đợi chờ Chúa. Amen.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Tư – Ngày 24 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Ep 3,2-12

Tin Mừng : Lc 12,39-48

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

TỈNH THỨC

Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa sẽ quay lại để phán xét thế gian. Và kể từ đó, đã gần hai ngàn năm, con người vẫn ngong ngóng ngày Quang Lâm với nhiều cung bậc cảm xúc: kẻ thì sợ hãi thấp thỏm, người thì háo hức, buồn chồn, kẻ lại thờ ơ, bàng quan. Vậy đâu là thái độ đúng đắn cần có?

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu tiên báo ngày Chúa đến giống như kẻ trộm, đến bất chợt không ai ngờ đến. Phúc cho ai luôn tỉnh thức sẵn sàng; khốn cho kẻ chè chén say sưa. Trong những năm gần đây, truyền thông hết lần này đến lần khác bị dậy sóng bởi tin đồn ngày tận thế. Với thái độ “tỉnh thức”, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin bỗng hóa ra sốt sắng, thay đổi lối sống. Xem ra họ chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón Chúa, nhưng thật sự là Người vẫn chưa đến. Hy vọng bao nhiêu, thì thất vọng bấy nhiêu. Đây quả là một thái độ tỉnh thức lệch lạc, diễn tả một tâm trạng sợ hãi. Thiết nghĩ, ngày Chúa đến phải là ngày hạnh phúc, hân hoan. Làm sao con cái lại sợ hãi cái thời khắc cha mẹ viếng thăm? Làm sao hiền thê lại lo lắng ngày lang quân tới rước? Chúa Giêsu là bạn hữu, là Đấng đã yêu thương chúng ta đến giọt máu cuối cùng, vậy hà cớ chi ta lại sợ hãi khi Người viếng thăm?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng một ngày không xa, chắc chắn Chúa sẽ lại đến thế gian lần nữa, xin cho chúng con một tinh thần hân hoan để chờ đợi ngày đó.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Năm – Ngày 25 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Ep 3,14-21

Tin Mừng : Lc 12,49-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

NÉM LỬA

Lửa là hình ảnh rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của con người và cũng là một biểu tượng sống động, phong phú và giàu ý nghĩa cả trong đời thường và đời sống tâm linh. Bởi thế, Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước đều sử dụng hình ảnh “lửa” để diễn tả nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc cho con người.

Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã sử dụng động từ “ném lửa”: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Như thế, thử hỏi “lửa” mà Đức Giêsu ném vào trần gian ở đây mang ý nghĩa gì? Trước hết, Chúa Giêsu nói điều này với các môn đệ trong bối cảnh là Ngài chuẩn bị đi lên

Giêrusalem để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Do đó, “lửa” ở đây có thể hiểu là cuộc thương khó mà Đức Giêsu sẽ phải chịu để thanh luyện con cái Ítraen. Thứ đến, “lửa” trong bối cảnh này cũng có nghĩa là phép rửa trong Thánh Thần để thanh tẩy và đổi mới đời sống con người chúng ta. Được thanh tẩy bởi nước và “lửa” có nghĩa là bởi nước và Thần Khí làm cho ta trở nên thụ tạo mới, con người mới và sống một đời sống mới. Cuối cùng, “lửa” cũng là biểu tượng của tình yêu. Ném “lửa” vào thế gian, nghĩa là Đức Giêsu đem đến cho thế gian ngọn lửa tình yêu và Ngài ước mong ngọn lửa ấy bùng cháy lên, lan toả khắp, ngự trị trong mỗi tâm hồn và giúp mỗi người cảm thấu và nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người ngay trong chính cuộc đời của mình.

Trong bối cảnh sống thực tế, chúng ta thường ví “lửa” là tình yêu, là sức mạnh của trái tim, là lòng hăng say nhiệt huyết của con người trong đời sống và sứ vụ. Nếu cuộc sống thiếu lửa của tình yêu, lửa của lòng nhiệt huyết thì đời sống trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa và buồn chán.

Lạy Chúa, xin ném lửa tình yêu, lửa của sự thanh luyện, lửa của lòng nhiệt huyết dấn thân vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người để chúng con biết thắp lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong bản thân và cho tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Sáu – Ngày 26 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Ep 4,1-6

Tin Mừng : Lc 12,54-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

ĐẠO ĐỨC GIẢ

Qua đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu đã khiển trách những ai mà Người gọi là “đạo đức giả” về việc tài giỏi nhận xét bên ngoài nhưng lại không thể nhận thức dấu chỉ thời đại, đó là chính Con Thiên Chúa làm người.

Gẫm lại trong đời sống hàng ngày của bản thân, tôi đôi khi cũng thường rơi vào thói xấu mà Đức Giêsu nhắc nhở. Có khi tôi chỉ nhìn thấy nơi những người tôi gặp về tính cách, hình thức bên ngoài nhưng tôi đã vội “gắn mác” cho họ theo cái nhìn chủ quan nơi suy nghĩ của tôi; cũng có khi tôi lại là kẻ võ đoán về các sự việc một cách đầy vội vàng. Chính lúc này, tôi đã trở nên kẻ nhận chìm thay vì làm trổ sinh hoa trái Lời Chúa trong đời sống của một người con Chúa. Những lúc như vậy, tôi đã trở nên người khôn ngoan giả, tự cho rằng mình thấu biết mọi sự chứ không phải là khôn ngoan thật theo ý Chúa.

Vậy thế nào là đạo đức thật và khôn ngoan thật theo ý Chúa? Tác giả Thánh Vịnh nhắc chúng ta rằng: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy” (Tv 111,10). Còn tác giả thư thứ nhất Timôthê lại nhắc chúng ta rằng “người công chính, đạo đức” là người “giàu lòng tin và lòng mến”, “sống nhẫn nại và hiền hòa” (1 Tm 6,11).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết tránh xa thói đạo đức giả, chỉ nhìn thấy những gì bên ngoài mà không nhận ra Chúa nơi mọi sự. Xin giúp con biết sống đạo đức và khôn ngoan thật. Amen.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Thứ Bảy – Ngày 27 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Ep 4,7-16

Tin Mừng : Lc 13,1-9

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

SÁM HỐI

Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt (Lc 13,3). Đó chính là lời mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sám hối tội lỗi của mình để được cứu rỗi.

Chúng ta thường nghĩ rằng, bản thân của ta tốt hơn người khác nên sẽ không gặp những tai họa, hay những chuyện không tốt. Đây chính là thái độ tự cho mình là công chính, tự hào cho mình tốt hơn người khác. Nhưng thật sự trước mặt Thiên Chúa ai cũng đều có tội; không ai đạt được sự thánh thiện mà Thiên Chúa đòi hỏi. Vì thế, không ai có thể cho mình quyền miễn trừ sám hối.

Khi nào chúng ta cần sám hối? Chúng ta cần sám hối ngay từ bây giờ. Thiên Chúa luôn cho chúng ta cơ hội làm lại cuộc đời. Ngài luôn mở lòng yêu thương mời gọi những ai lỗi phạm và sa ngã chỗi dậy. Thế nhưng, cơ hội thì có hạn và đến ngày chỉ còn một cơ hội cuối cùng. Nếu đời chúng ta chỉ còn một tháng, một tuần hoặc một ngày nữa thôi thì sao? Thật bất hạnh vô cùng khi chúng ta đánh mất cơ hội cuối cùng đó.

Sám hối thế nào? Sám hối không chỉ là thú nhận tội lỗi để đón nhận ơn tha thứ, mà còn là sự đổi mới tâm hồn, quyết tâm từ bỏ con đường cũ mà chọn con đường của Chúa Giêsu, đường dẫn tới sự thật và sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình mà thật lòng quay về với Chúa. Xin giúp chúng con có thêm sức mạnh và can đảm để xưng thú tất cả lỗi lầm của con với Chúa và với anh em.

Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Truyền Giáo (CN 29 Thường Niên – Năm B)
Bài tiếp theoHội nghị về Nền báo chí hoà bình tại Vatican: Đồng cảm chứ không chỉ là cảm thông

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây