Thường Niên – Tuần XVI – Năm C

0
432

Chúa Nhật – Ngày 21 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Bài đọc 1 : St 18,1-10a

Bài đọc 2 : Cl 1,24-28

Tin Mừng : Lc 10,38-42

Khi ấy, Đức Giêsu vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

NGỒI BÊN CHÚA

Cô Maria đã bị chị mình là cô Mácta “phàn nàn” bởi chỉ ngồi bên Chúa mà không để ý lo công việc. Nhưng Chúa Giêsu lại nói với cô Mácta rằng việc ngồi bên Chúa như Maria mới là điều tốt nhất. Phải chăng Chúa Giêsu muốn nói với tôi hãy chọn ngồi bên Chúa như cô Maria, đừng chỉ lo làm việc như cô Mácta?

Không phải như vậy! Điều Chúa nói với tôi là phải biết cân bằng giữa cầu nguyện và làm việc phục vụ. Chúa muốn tôi phải phân chia sao để không quá vì công việc mà quên cầu nguyện hoặc ngược lại. Thực tế thì nhiều khi tôi bị cuốn vào công việc, học tập mà quên đi cầu nguyện. Tôi bị công việc “điều khiển” mà không hề biết. Hay nhiều khi tôi nghĩ tôi có thể cầu nguyện ngay khi tôi đang làm việc. Đúng, tôi có thể. Nhưng nại vào lý do đó mà không đến bên Chúa để “chìm đắm hoàn toàn” trong Chúa, để nghe tiếng Ngài thì tôi cần xem lại. Bởi chìm đắm trong cầu nguyện giúp tăng sức mạnh gấp bội để tôi có thể đạt được hiệu quả tốt trong công việc.

Còn nếu tôi tập trung quá vào đời sống cầu nguyện mà “quên thực hành” thì tôi thiếu đi sự minh chứng về lòng tin và sự trung thành với Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu có nói người môn đệ sống kết hiệp với Chúa Giêsu là người biết nghe Lời Chúa và đem Lời Chúa vào cuộc sống (x. Mt 7,21). Nếu chỉ nghe Lời Chúa mà quên thể hiện qua công việc cụ thể thì ví như xây nhà trên cát mà thôi (x. Mt 7,24-27). Vậy, tôi cần xây “căn nhà cuộc đời” trên đá qua sự cân bằng đời sống cầu nguyện và đời sống làm việc.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sử dụng ơn khôn ngoan Chúa ban để con biết cân bằng giữa việc ngồi bên Chúa, lắng nghe Lời Chúa với công việc phục vụ của con.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Thứ Hai – Ngày 22 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Thánh Maria Mađalêna – Lễ kính (Tr)

Bài đọc : Dc 3,1-4a hoặc 2Cr 5,14-17

Tin Mừng : Ga 20,1-2.11-18

[…] Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Ðức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Ðức Giêsu

đứng đó, nhưng bà không biết là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Ðức Giêsu gọi bà: “Maria!”

Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri:

“Rápbuni!” (nghĩa là ‘lạy Thầy’). Ðức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” […]

TÌM GẶP CHÚA

Bà Maria Mácđala là một trong những cuối cùng theo Chúa Giêsu lên tới đỉnh đồi Gongôtha (x. Mc 15,40-41) và cũng là người đầu tiên ra viếng mộ Chúa sau ngày sabát (x. Ga 20,1-2). Bà luôn có khát khao được ở với Chúa và khi lạc mất Chúa thì tìm gặp cho bằng được.

Bà Maria Mácđala đã chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và có lẽ đã rất đau khổ khi biết rằng mình đã mất Thầy thật sự. Dẫu vậy, tình yêu lớn lao bà dành cho Chúa đã thôi thúc bà, từ sáng sớm ngày đầu tuần, sau ngày sabát, ra mộ tìm gặp Chúa. Và khi không thấy xác Chúa đâu, bà đã rất buồn khổ, khóc lóc vì tưởng lại mất Chúa thêm một lần nữa, lần này thì mất vĩnh viễn.

Tuy vậy, bà không bỏ cuộc mà tiếp tục cuộc kiếm tìm. Bà dò hỏi hết người này đến người khác chỉ với một mong muốn duy nhất là nhận lại xác Chúa mà thôi: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Có lẽ Chúa Giêsu

thấu tỏ lòng bà, nên đã cho bà được diễm phúc là người đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh, nhưng khi gặp lại rồi bà cũng không được giữ Thầy lại cho riêng mình.

Lắm khi trong cuộc đời ta lạc mất Chúa. Ta cần tìm để gặp được Người. Nếu lòng yêu mến của ta đủ lớn và sự kiếm tìm của ta đủ bền bỉ, ta sẽ gặp được Người. Người vẫn ở đâu đó trong cuộc đời ta, trong những lúc vui buồn sướng khổ của đời ta; nếu ta mở cửa, Người sẽ vào nhà và ở lại với ta.

Lạy Chúa xin cho con luôn kiên tâm kiếm tìm cho đến khi gặp được Chúa.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Ba – Ngày 23 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV

Thánh Birgitta, nữ tu (Tr).

Bài đọc : Xh 14,21-15,1a

Tin Mừng : Mt 12,46-50

Khi Đức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Khi còn ở trong gia đình, chúng ta chỉ biết có cha mẹ, anh em, những người ruột thịt thân cận. Đối với chúng ta, đó đã là một gia đình rộng lớn rồi. Khi lớn lên, lúc có thêm những tương quan xã hội, chúng ta dễ dàng làm quen và có thêm bạn hữu, chúng ta thấy mình thuộc về một gia đình lớn hơn. Bài Tin Mừng hôm nay lại đi xa hơn khi nói về những người thuộc gia đình Thiên Chúa.

Khi Đức Giêsu nói: những ai nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa là anh em, là mẹ Ngài (x. Mt 12,49) thì điều ấy không có nghĩa là Ngài phủ nhận tính huyết thống của mình, hay có ý coi thường tình máu mủ nhân loại, nhưng Ngài muốn mời gọi con người hướng đến một gia đình rộng lớn hơn: Gia đình của Thiên Chúa.

Thật vậy, mỗi chúng ta khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều trở con cái của Thiên Chúa và là thành viên gia đình của Ngài. Chúng ta đều gọi Thiên Chúa là Cha, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một ân huệ. Do đó, chúng ta cũng là anh chị em của nhau. Như thế,  trong đức tin, không còn có chuyện phân biệt người này, người kia, gia đình này, gia đình nọ… nhưng tất cả chỉ còn một niềm tin, một phép rửa, một Cha chung mà thôi.

Tuy nhiên, dù Bí Tích Rửa Tội là cuốn sổ ghi tên các thành viên trong đại gia đình của Thiên Chúa, nhưng tư cách thành viên, sự gắn kết gia đình, tình hiệp thông huynh đệ chỉ được củng cố và bền vững khi mọi thành viên tìm kiếm và thi hành ý muốn của chủ gia đình là Thiên Chúa. Mọi sự phân biệt sang hèn, vùng miền, cao thấp, … đều không phù hợp với tiêu chuẩn của gia đình Thiên Chúa. Nếu mọi thành viên đều chỉ tìm kiếm và thi hành ý Thiên Chúa, thì sẽ tránh được mọi chia rẽ, loại trừ, phân biệt, ghen tỵ, tranh giành trong gia đình Thiên Chúa là Giáo Hội.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau vì chúng con đều là anh em với nhau.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Tư – Ngày 24 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục (Tr).

Bài đọc : Xh 16,1.5.9-15

Tin Mừng : Mt 13,1-9

Khi ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

 NGƯỜI GIEO KHÔNG TIẾC GIỐNG

Một người làm nông nghiệp thực thụ bao giờ cũng biết chọn và chuẩn bị đất kỹ lưỡng để hạt giống có thể nảy mầm phát triển. Câu chuyện người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay có vẻ nghịch lý vì ông vung vãi khiến giống bay khắp nơi, tỷ lệ hạt giống thất thoát quá nhiều. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, tôi thấy người gieo giống này thật quảng đại; ông không tiếc hạt giống và công sức bỏ ra, nên mọi loại đất đều được ông gieo. Phải chăng, ông vẫn trông chờ một cơ may, vẫn nuôi hy vọng có gieo ắt sẽ có gặt?

Từ câu chuyện của người gieo giống, tôi nghĩ đến sứ vụ gieo Lời Chúa. Người gieo Lời phải học nông phu sự quảng đại để mạnh dạn đem Lời Chúa đến mọi nơi và cho mọi người bất kể họ là ai. Nếu một nhà truyền giáo mà sợ mất công phí sức, cứ loay hoay đắn đo xem đâu là “đất tốt” để gieo hạt giống Tin Mừng, ai là người có thể đón nhận đức tin để giới thiệu Chúa cho họ, thì có lẽ cả đời người ấy cũng không truyền giáo được cho một ai.

Bổn phận của tôi là phải tích cực gieo Lời cho những ai tôi có điều kiện gặp gỡ tiếp xúc, vì “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4), nên tôi phải chấp nhận rủi ro khi gặp phải những mảnh đất tâm hồn đầy sỏi đá và gai góc. Tôi có nhiệm vụ gieo Lời, còn người khác đón nhận hay không đó là quyền tự do của họ. Có thể tâm hồn những người đón nhận lời Chúa hôm nay vẫn còn nham nhở sỏi đá, gai góc, nhưng Lời Chúa sẽ biến đổi họ. Chúa sẽ nhặt sỏi đá, chặt đốt những bụi gai cho mảnh đất tâm hồn nên quang đãng, để hạt giống nảy mầm chờ đợi một mùa gặt bội thu.

Lạy Chúa, chúng con là những nhà truyền giáo, xin cho chúng con luôn biết quảng đại và can đảm gieo Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc khó khăn.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Năm – Ngày 25 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV

THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ.

Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 2 Cr 4,7-15

Tin Mừng : Mt 20,20-28

Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được […] Nghe vậy, mười môn đệ kia tỏ ra tức tối với hai anh em. Nhưng Đức Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì  lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy:  Ai làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

CÁM GIỖ QUYỀN LỰC

Trong đời sống xã hội, quyền lực và địa vị là một mục tiêu chính đáng đối với con người. Tuy nhiên, người Kitô hữu được mời gọi bước theo Đức Giêsu để cùng chung chia chén đắng, cùng chia sẻ những đau khổ mà Ngài sẽ chịu hơn là những mong muốn địa vị, quyền thế.

Ngay sau khi Đức Giêsu vừa tiên báo về cuộc thương khó mà Ngài sẽ chịu ở Giêrusalem, người mẹ của Giacôbê và Gioan đến gặp Đức Giêsu để xin Ngài cho hai người con của mình được mỗi người nắm giữ một địa vị cao trọng trong Nước Thiên Chúa. Cũng vậy, cám dỗ quyền thế và địa vị luôn là điều thường trực đối với chúng ta. Cám dỗ ấy khởi đi từ việc chúng ta hiểu sai về hành trình bước theo Chúa Kitô; chúng ta mong chờ quyền thế thay vì hạnh phúc cùng Thiên Chúa.

Quyền thế, địa vị cao trọng cũng đồng nghĩa với cai trị và đàn áp người khác. Chính vì điều này mà Đức Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ: “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy.” Chính Đức Giêsu đã đến để chịu đau khổ, để hiểu và để thông chia với những người hèn mọn nhất, để phục vụ những người yếu đuối nhất, chứ Ngài không dùng quyền lực để cai trị họ. Và như vậy, Ngài đã chiến thắng cám dỗ quyền lực.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn giúp sức để con có thể hiểu được ý nghĩa ơn gọi theo Chúa, và cũng để con dám bước theo đường lối của Chúa khi đối xử với anh em mọi người.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 26 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hc 44,1.10-15

Tin Mừng : Mt 13,16-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

PHÚC CHO ANH EM

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng các ông thật có phúc bởi được nghe, được thấy, được cảm nghiệm những điều cao trọng mà Đức Giêsu mạc khải cho, điều mà nhiều vị ngôn sứ và nhiều đấng công chính đã ao ước mà không được.

Được sinh ra là một con người lành lặn, có thể nhìn, có thể nghe, có thể cảm nhận thế giới và cuộc sống xung quanh đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Thế nhưng, được làm con Chúa lại là một mối phúc lớn lao hơn nữa cho chúng ta. Bởi khi ấy đôi tai của chúng ta không chỉ nghe được âm thanh, cảm nhận được sự hài hòa của các giai điệu mà ta còn nghe được Lời của Thiên Chúa để rồi con người chúng ta được biến đổi mỗi ngày một giống Chúa hơn. Và khi ấy đôi mắt của chúng ta không chỉ nhìn thấy những vẻ đẹp tuyệt vời của vũ trụ, mà qua đó ta còn xác tín rằng đó là những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa và nhận ra tình thương nhiệm mầu mà Thiên Chúa dành cho ta qua công trình yêu thương ấy. Từ cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương qua những điều kỳ diệu trong vũ trụ này, chúng ta mới học biết phải yêu thương mẹ thiên nhiên, yêu thương mọi sự và mọi người màThiên Chúa đã dựng nên.

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính hai thánh Gioakim và Anna, là song thân của Đức Maria. Khi nói đến những người được phúc vì được nghe, được thấy Đức Giêsu, chắc chắn chúng ta phải nói đến Mẹ Maria, là người đầu tiên và là người được phúc nhất. Bởi lẽ Mẹ là người đã sinh hạ, chăm lo, dưỡng dục và nhất là luôn lắng nghe Lời của Đức Giêsu.

Hơn nữa, vì Mẹ Maria là hoa quả của hai thánh Gioakim và Anna, nên chắc hẳn hai ngài cũng được đầy tràn ơn phúc trong vai trò ông bà ngoại của chính Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc lớn lao là được làm con Chúa. Để rồi mỗi ngày sống của chúng con thêm xứng đáng với phẩm giá của con cái Chúa, nhất là khi chúng con biết san sẻ tình yêu thương.

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Bảy – Ngày 27 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVI

Bài đọc : Xh 24,3-8

Tin Mừng : Mt 13,24-30

Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

CÙNG LỚN LÊN

Tại sao Thiên Chúa lại để cho sự dữ xảy ra trên thế giới này? Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay là một câu trả lời thoả đáng cho vấn nạn này.

Thật vậy, thông qua dụ ngôn cỏ lùng, chúng ta có thể hiểu rằng: Chúa nhân từ vẫn để cho sự thiện – sự ác, người tốt – người xấu cùng chung sống trên trái đất này cho đến ngày phán xét, để may ra sự ác, người xấu có thể được biến đổi. Điều đó cho thấy rằng, Thiên Chúa trao cho mọi người những cơ hội, thời gian như nhau để thay đổi.

Mở đầu dụ ngôn, tác giả cho thấy rằng, ông chủ ruộng lúa có một kẻ thù bí nhiệm, hắn hành động lén lút vì “khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” Tuy nhiên, một điều hết sức lạ lùng là ông chủ biết kẻ thù đến, biết kẻ thù gieo cỏ lùng lẫn trong ruộng lúa nhưng ông tại tỏ ra khá bình thản; ông chẳng có một hành động rõ ràng gì để ngăn chặn. Ngay cả khi người đầy tớ phát hiện ra vấn đề, ông vẫn không xao động. Ông vẫn chấp nhận để cỏ lùng được sống chung, được phát triển, được tiếp nhận dưỡng chất như lúa. Điều này có vẻ ông chủ muốn cả hai cùng được sinh trưởng. Vậy, có khi nào ông muốn cỏ lùng biến thành lúa hay không?

Sự thường cỏ lùng không thể biến thành lúa và ngược lại, cho dù bề ngoài lúa và cỏ lùng trông giống nhau. Tuy nhiên, nếu xét trong đời sống tâm linh, điều này có thể: người xấu có thể thành người tốt; sự xấu cũng có thể trở nên bớt xấu hơn nếu được đặt trong một hoàn cảnh thích hợp. Vì không ai hoàn toàn xấu, cũng như không ai hoàn toàn tốt về mọi mặt cả.

Lạy Chúa, vì lòng nhân từ Ngài đã sẵn sàng để lúa và cỏ lùng lớn lên cho tới mùa gặt. Xin cho mỗi người chúng con nhận ra rằng việc Chúa để thiện – ác sống chung như là cách Chúa mời gọi chúng con cộng tác để biến đổi cỏ lùng thành lúa.

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoVIDEO: Nghi Thức Gia Nhập Tập Viện Ngôi Lời Việt Nam 2019 -2020 (15/07/2019)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây