Thường Niên – Tuần XIII – Năm C

0
464

Chúa Nhật – Ngày 30 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Bài đọc 1 : 1 V 19,16b.19-21

Bài đọc 2 : Gl 4 31b-5,1.13-18

Tin Mừng : Lc 9,51-62

Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.

Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT

Điều kiện tiên quyết để một vận động viên có thể đạt được huy chương vàng đó chính là quá trình tập luyện không ngừng nghỉ. Vậy đối với người theo Chúa thì điều kiện tiên quyết là gì?

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Lc 9,58). Theo Chúa không phải để tìm kiếm sự ổn định về kinh tế hoặc tìm kiếm địa vị, danh lợi, và điều kiện tiên quyết để theo Chúa là phải biết chấp nhận sự từ bỏ, thoát khỏi mọi ràng buộc của cải vật chất, hay những cám dỗ của thế gian. Như vậy, theo Chúa không thể là quyết định bồng bột, thiếu suy nghĩ, hay mang tính nhất thời.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi tôi nhìn lại mục đích theo Chúa của mình. Phải chăng tôi theo Chúa là để tìm kiếm danh lợi, địa vị? Hay theo Chúa với mục đích phàm tục nào khác nữa? Chúa cho ta thấy rằng theo Chúa không phải để tìm kiếm những điều đó. Nhưng theo Chúa là để giúp ta gạt bỏ con người đầy tham sân si của mình, đồng thời dám bước theo Chúa với hành trình của thập giá, của sự hy sinh, của từ bỏ, của sự thực thi bác ái và yêu thương.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết ý thức đâu là cùng đích và là cứu cánh thực sự của chúng con, hầu chúng con biết từ bỏ để sống cho xứng đáng với ơn gọi làm môn đệ Chúa.

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

Thứ Hai – Ngày 1 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Bài đọc : St 18, 16-33

Tin Mừng : Mt 8,18-22

Khi ấy, thấy xung quanh có đám đông, Đức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia. Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Đức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”

CHÚA LÀ CÙNG ĐÍCH

Đã là con người, ai mà chẳng mong muốn mình có một cuộc sống sung túc, ổn định và bình an. Đó là một ước mơ bình thường và nhưng cũng rất chính đáng. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại cho thấy cuộc sống của người môn đệ khi theo Ngài đòi hỏi phải đương đầu với những cam go, thử thách.

Điều trước tiên mà người môn đệ của Chúa tìm kiếm không phải là để được an nhàn, nâng cao giá trị bản thân nhưng là cùng với Chúa bước vào một cuộc sống phiêu lưu, cùng Chúa trải nghiệm một cuộc xuất hành. Người môn đệ phải lấy Chúa làm trung tâm, coi Ngài là mục đích của đời sống. Đạt được Đức Kitô thì người môn đệ theo Chúa mới có thể gọi là “an cư lạc nghiệp”; đó mới được gọi là “nơi” ở đích thực và vĩnh cửu.

Trong thực tế, nhiều khi ta theo Chúa để đạt được cái gì đó mà không phải là Chúa. Người xưa theo Chúa để được ăn uống no nê hay là vì tò mò muốn xem Chúa làm phép lạ. Cũng có người theo Chúa vì mục đích để lấy vợ lấy chồng. Có người đi tu để được học hành đến nơi đến chốn. Điều đó có thể là mục đích công cụ trong những bước đầu gặp gỡ Chúa, nhưng để tin theo Đức Kitô đến cùng, chúng ta được mời gọi tìm kiếm chính Chúa mà thôi.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta hãy tự kiểm điểm chính bản thân: Tôi đã thật sự dành cho Chúa một tình yêu đích thực và tinh tuyền chưa? Tôi đã làm mọi việc vì Chúa vì tha nhân chưa hay chỉ vì những lợi ích cá nhân thôi? Tôi đã thật sự lấy Chúa làm trung tâm đời sống của mình chưa?

Lạy Chúa, xin dạy con biết phụng sự Chúa không vì phần thưởng nào khác mà chỉ vì Chúa mà thôi.

Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD

Thứ Ba – Ngày 2 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Bài đọc : St 19,15-29

Tin Mừng : Mt 8,23-27

Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên, biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

ĐIỂM TỰA

Trong cuộc sống mưu sinh, con người cần lắm một điểm tựa tinh thần để vươn lên trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn, việc chọn lựa một điểm tựa nhiều khi quyết định tới hạnh phúc của một đời người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng chỉ khi có bàn tay của Thiên Chúa quan phòng chúng ta mới thực sự bình an.  Thật vậy, Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ vất vả chèo chống con thuyền giữa biển hồ lúc sóng to gió lớn. Họ sử dụng khả năng và kinh nghiệm của mình để chèo chống con thuyền mà quên đi Chúa đang ở giữa họ.

Cũng thế, hành trình đời người tựa chiếc thuyền lênh đênh giữa biển khơi. Người ta phải chèo chống “con thuyền đời” để vượt qua bao lớp sóng. Lúc gặp khó khăn, thay vì đặt niềm tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, người ta lại đặt niềm tin của mình nơi những giá trị hữu hạn của trần gian. Nhưng những giá trị ấy làm sao cứu rỗi con người được? Vua Salomon đã chẳng bằng một bộng huệ ngoài đồng (x. Mt 6,30), vậy cớ gì lại đặt niềm tin nơi những gì chóng tàn ấy! Chỉ có Thiên Chúa mới là điểm tựa vững chắc đem lại nguồn bình và hạnh phúc cho mọi người mà thôi. Người luôn hiện diện bên ta, cả trong những giây phút tăm tối của cuộc đời. Dù có lúc tưởng chừng như Người đang “ngủ” hay “vắng mặt” nhưng chỉ cần tin, thuyền đời ta vẫn êm trôi. Người vẫn hằng nói với ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27). Vì thế, là Kitô hữu, chúng ta biết rằng, duy chỉ nơi Người ta mới tìm thấy điểm tựa đích thực đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho mình.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết vững tin vào Ngài giữa mọi cảnh huống xảy ra trong đời.

Tu sĩ Giuse Maria Phạm Văn Thế, SVD

Thứ Tư – Ngày 3 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ. Lễ kính (Đ)

Bài đọc : Ep 2,19-22

Tin Mừng : Ga 20,24-29

Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

NGƯỜI MÔN ĐỆ DUY LÝ

Thánh Tôma thuộc Nhóm Mười Hai và là một trong những môn đệ đã đồng hành với Thầy suốt ba năm trường với tư cách là bạn và là môn sinh (Ga 15,15).

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã diễn tả thánh Tôma như là một tông đồ đại diện cho mẫu người duy lý. Các tông đồ nhìn thấy Chúa sống lại và tường thuật lại nhưng ông vẫn không tin, ông  muốn được thấy Chúa cách trực tiếp. Đức Giêsu Kitô Phục sinh sẵn sàng cung cấp bằng chứng như thánh Tôma đòi hỏi, nên tám ngày sau, Người đã hiện ra với ông và cho ông được thấy tận mắt, sờ tận tay.

Sự duy lý của thánh Tôma đã bị phá tan khi diện đối diện với Đức Giêsu Kitô Phục sinh; ông đã thoát ra khỏi thái độ cứng cỏi và thốt lên một lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.”

Qua câu chuyện của thánh Tôma, tác giả Gioan muốn cung cấp cho chúng ta, đặc biệt là những người duy lý, một bằng chứng thể lý nhưng rất thuyết phục về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Nếu không thì những người duy lý ngày hôm nay có thể cho rằng: sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô chỉ là chuyện hoang tưởng của một nhóm tông đồ nhà quê và ít học.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho con đức tin, nhưng nhiều lúc con còn cứng lòng tin. Xin làm tan chảy sự cứng cỏi trong con, để con đặt trọn niềm tin vào Chúa, nhờ thế con có thể mạnh dạn lặp lại lời tuyên xưng của thánh Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Năm – Ngày 04 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Thánh nữ Êlisabeth Bồ Đào Nha (Tr)

Bài đọc : St 22,1-19

Tin Mừng : Mt 9,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” – bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

ĐỨC TIN VÀ PHÉP LẠ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi được đánh động bởi sức mạnh niềm tin của tập thể. Vì niềm tin này, Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” (Mt 9,3).

Trước tiên, đức tin này được hình thành qua việc họ cảm nhận một sức hút rất mãnh liệt đến từ Đức Giêsu, là Đấng đầy quyền năng và yêu thương, là Đấng mà họ vẫn khao khát tìm kiếm. Thứ đến, với lòng khát khao tìm kiếm này, họ vững niềm tin và chấp nhận vượt qua khó khăn để mang người bại liệt đến với Đức Giêsu. Trước lòng tin mãnh liệt như thế, Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành người bại liệt cả hồn lẫn xác. Nhờ vậy, đám đông càng xác tín vào Thiên Chúa.

Nhiều tín hữu thời nay dễ tin vào những dấu lạ theo lời đồn. Chẳng hạn, khi nghe tin Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ khóc hay một thánh nào đó làm phép lạ… thì người ta tìm cách tuôn đến để cầu khấn và xin ơn. Người ta dễ tin vào những dấu lạ theo lời đồn, và cũng dễ đánh mất niềm tin khi những nhu cầu của mình không được đáp ứng.

Còn với tôi, nhiều khi những cám dỗ về vật chất hay những ước muốn sai trái vẫn đang cản trở tôi từng ngày. Chúng kéo tôi xa dần niềm tin vào Chúa, làm cho tôi không thấy những phép lạ mà Chúa đã và đang thực hiện trong cuộc sống quanh mình.

Lạy Chúa, xin cho con sự can đảm để sống tín thác vào Chúa dù cho cuộc sống có nhiều khó khăn. Qua đó, con nhận ra phép lạ của Chúa trong từng giây phút cuộc đời con, mà mạnh dạn sống chứng nhân cho Tin Mừng là phép lạ yêu thương vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 5 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Thánh Antôn M. Zaccaria, linh mục.

Bài đọc : St 23,1-4.19.24,1-8.62-67

Tin Mừng : Mt 9,9-13

Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là

Mátthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

KHOAN DUNG VỚI NGƯỜI TỘI LỖI

Ai đó đã từng nói rằng: Trước khi làm thánh chớ quên làm người. Thật vậy, con người thì luôn mang trên mình những yếu hèn, khuyết điểm, lầm lỗi, nhưng điều quan trọng là biết nhận ra những thiếu sót để sửa chữa.

Người tội lỗi là người vi phạm nguyên tắc đạo đức, tôn giáo. Theo quan niệm của người Do Thái xưa, những người thu thuế cũng được xếp chung hàng với người tội lỗi. Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại gặp gỡ những người thu thế, tội lỗi, cùng ăn uống và trò chuyện với họ. Điều này làm cho những nhà thông luật và những người Pharisêu có cái nhìn không mấy thiện cảm về Đức Giêsu. Họ có thái độ dè bỉu, khinh thị và thắc mắc: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”

Đức Giêsu hòa nhập với những người thu thuế, tội lỗi nhưng không có nghĩa là Ngài tán thành tội lỗi của họ. Chúa Giêsu muốn mỗi người có cái nhìn cảm thông, thương xót với người tội lỗi hơn là cái nhìn khắt khe, kết án họ. Chúa Giêsu ghét bỏ tội lỗi nhưng lại cảm thông và yêu thương các tội nhân.

Chúng ta vẫn mang trong mình những yếu đuối, và do đó, chúng ta vẫn thường phạm tội. Thế nhưng, mỗi lần như thế, từ trong thẳm sâu tâm hồn, lòng ta vẫn có khao khát muốn quay về, muốn thay đổi? Nhiều khi ta cảm thấy mặc cảm tộ lỗi, bị cô lập, bị dè bỉu, bị xa lánh khiến ta dễ lún sâu vào tội lỗi hơn. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta dùng tấm lòng nhân hậu, khoan dung mà hoán cải người có tội hơn là lên án, dè bỉu, xa lánh.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn nhận những khuyết của nhau để giúp nhau sửa đổi, để hoàn thiện bản thân. Xin giúp chúng con biết nhìn những điều tích cực nơi anh em để chúng con biết nói những lời tốt đẹp đầy tình người, tình yêu thương với nhau hầu giúp nhau hoán cải thật lòng.

Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 6 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Thánh Maria Gôretti, trinh nữ, tử đạo.

Bài đọc : St 27,1-5.15-29

Tin Mừng : Mt 9,14-17

Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

ĂN CHAY

Đối với người Do Thái ngày xưa, ăn chay là một việc đạo đức truyền thống, mà chỉ những người thánh thiện mới thực hành hằng tuần. Tuy vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta thấy lúc nào mới là thời điểm thích hợp để ăn chay.

Bối cảnh Tin Mừng là việc Chúa Giêsu đang dùng bữa với những người tội lỗi và thu thuế thì những môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi về việc tại sao môn đệ Người không ăn chay. Ta cũng dễ dàng hiểu được rằng môn đệ ông Gioan và những người Pharisêu ăn chay, mà Chúa Giêsu là một bậc thầy có tiếng tăm nhưng môn đệ Người lại không ăn chay. Sự thắc mắc này cũng là một điều hợp lý trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo đương thời.

Nhưng Chúa Giêsu đã cho họ một cái nhìn mới về việc ăn chay, đó là phải ăn chay đúng thời điểm: “Chẳng lẽ khách dự tiệc lại ăn chay khi chàng rể còn ở với họ?” Đồng thời, việc ăn chay là để thể hiện sự đạo đức, thánh thiện chứ không phải là sự phô trương. Thật vậy, những môn đệ ông Gioan cho rằng mình đạo đức thánh thiện khi ăn chay và tỏ ra phô trương khi cũng muốn người khác học theo lối  đạo đức như mình.

Nhìn lại bản thân mình, đôi khi chúng ta cũng muốn phô trương khi làm việc này việc nọ. Chúng ta lấy mình làm tiêu chuẩn xét đoán người khác, bắt người khác phải làm như mình mới là hay, là tốt lành. Chính thái độ này làm chúng ta trở nên tự kiêu và tự mãn với chính mình. Như thế, chúng ta trở nên lầm lạc và sống không đúng với những gì Chúa Giêsu mong muốn nơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lấy Chúa làm thước đo cho mọi giá trị, mọi việc làm chứ không phải lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn để phô trương hay xét đoán người khác. Xin cho chúng con được đổi mới, như rượu mới được đựng trong bầu da mới.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 13 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 14 Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.