Thường Niên – Tuần XIII – Năm B

0
482

Chúa Nhật – Ngày 01 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Bài đọc 1 : Kn 1,13-15; 2,23-24

Bài đọc 2 : 2 Cr 8,7.9.13-15

Tin Mừng : Mc 5,21-43 hoặc (Mc 5,21-24.35b-43)

Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Talitha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

TIN MỪNG

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, cả hai trường hợp được Đức Giêsu chữa lành đều xuất phát từ niềm tin cách chắc chắn và chân thành. Người đàn bà bị băng huyết và con gái ông trưởng hội đường đều nằm trong tình cảnh đau đớn vì bệnh tật và cái chết. Họ mong ước và khát khao được chữa lành, được cứu sống.

Trong cuộc sống ngày hôm nay cũng thế, chúng ta cũng đang phải trải qua nhiều đau đớn, gian khổ, thất bại của kiếp người. Và tùy theo cách phản ứng, có người chạy đến bác sĩ, có người khác lại chạy đến bói toán giải hạn, cũng có người thậm chí từ bỏ và tử tự. Thế nhưng, chúng ta quên mất một người Cha vẫn hằng yêu thương và dõi theo bước đường của ta. Chỉ cần chạy đến với Ngài, tin tưởng, phó thác cách chân thành, chắc chắn Ngài sẽ cứu ta.

Chính tôi đã kinh nghiệm điều này cách rõ ràng trong suốt hai tháng thực tập truyền giáo tại Nga. Ngôn ngữ, văn hóa, con người nước Nga rất khó khăn để có thể hội nhập. Có những lúc tôi thấy chán nản và thất vọng, nhưng khi chạy đến bên Chúa, tôi cảm thấy an toàn và vững tin.

Lạy Chúa, giữa cuộc sống bộn bề và nhiều khó khăn, xin Chúa ban thêm niềm tin, sự cậy trông và lòng mến sắt son cho chúng con. Và xin Chúa tha thứ và chữa lành tâm hồn chúng con.

Tu sĩ G.B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

Thứ Hai – Ngày 02 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Bài đọc : Am 2,6-10.13-16

Tin Mừng : Mt 8,18-22

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng vây quanh Người, thì Người ra lệnh sang qua bờ bên kia. Một luật sĩ đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”. Một môn đệ khác thưa Người rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. Chúa Giêsu trả lời: “Con hãy theo Ta, và hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”.

NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU

C on người ngày nay có huynh hướng  muốn kiếm tiền thật nhanh và hưởng thụ thật nhiều. Người ta luôn nghĩ về bản thân mình và luôn muốn làm sao có lợi nhất cho mình. Nhưng Chúa Giêsu trong Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi người môn đệ của Ngài sống lối sống từ bỏ. Không những Ngài dạy các môn đệ như thế, nhưng chính Ngài đã sống lối sống tự hủy như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi cho tín hữu Philípphê: “Đức Giêsu

 Kitô vỗn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Do đó, Ngài đòi buộc những ai muốn theo Ngài phải đi con đường từ bỏ như Ngài.

Thái độ sống từ bỏ, không bám víu vật chất, dám nói “không” với những lợi lộc trần gian nơi công sở, trường học, chợ búa… là thái độ của người đặt niềm tín thác vào Chúa Giêsu, chứ không phải vào của cải vật chất trần gian. Vì tín thác vào Chúa, họ hoàn toàn trao phó đời mình vào bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa. Cho nên, người môn đệ của Chúa Giêsu sống giữa thế gian nhưng không theo thế gian; sống giữa những thực tại trần thế nhưng tâm hồn luôn hướng về quê hương ở trên trời.

Tuy nhiên, lối sống từ bỏ không phải là lối sống dễ dàng, bởi lẽ như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã khuyên: “Bỏ tất cả để theo Chúa mà chưa bỏ mình thì chưa bỏ gì cả, vì chính bạn sẽ dần dần quơ góp lại những gì bạn đã bỏ trước”. Việc từ bỏ chính mình đòi hỏi sự trợ giúp rất nhiều của Chúa. Chính Ngài sẽ trợ giúp người môn đệ của Ngài, giúp họ thanh luyện tâm hồn khỏi những vướng bận và bám víu vật chất để luôn sống thanh thoát giữa cuộc đời này.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng con đường theo Chúa là con đường từ bỏ và hy sinh mỗi ngày. Nhưng chúng con là những con người yếu đuối, mỏng giòn; nhiều lúc chúng con ngã quỵ trước những thanh luyện của Ngài trên con đường từ bỏ. Lạy Chúa, xin trợ giúp chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Ba – Ngày 03 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : Ep 2,19-22

Tin Mừng : Ga 20,24-29

Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN

Đức Kitô Phục Sinh vẫn là một mầu nhiệm đối với con người mọi nơi và mọi thời. Có lẽ nhiều người thời nay vẫn đặt vấn đề như thánh Tôma ngày xưa: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  (Ga 20,25).

Không chỉ vào thời Chúa Giêsu mà ngay thời đại hôm nay, con người vẫn luôn tự hào về khả năng hiểu biết và lý trí của mình; cái gì cũng có thể kiểm chứng, tìm ra nguyên nhân của nó bằng con đường lý trí hay khoa học thực nghiệm. Khoa học và kỹ thuật càng phát triển, con người càng làm được những điều lớn lao thì con người lại càng đánh giá mọi sự dựa trên những bằng chứng rõ ràng. Tuy vậy, vũ trụ bao la này đâu chỉ dừng lại ở thế giới khả giác mà người ta có thể nhận biết bằng các giác quan, hay có thể nhờ suy luận bằng lý trí mà có thể thấu hiểu được hết mọi sự. Những gì con người biết, thấy hay tri giác được chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi mà thôi. Ngay cả triết gia Immanuel Kant cũng phải kinh ngạc bởi bầu trời đầy sao và tiếng lương tâm con người.

Thánh Tôma cũng muốn kiểm chứng về Thầy của mình, muốn thấy dấu đinh nơi tay chân Thầy, thọc tay vào cạnh sườn bị đâm thâu của Thầy thì mới chịu tin là Chúa đã phục sinh. Tuy nhiên, thật là phúc cho những ai tin một cách đơn sơ và chân thành, tin với tất cả sự tín thác, tin mà không cần bằng chứng. Đức tin vẫn là con đường mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa cho nhân loại.

Lạy Chúa, xin ban cho con biết khiêm tốn để nhận thấy mình bất toàn. Xin cho con biết tin tưởng, cậy trông vào sự hiện diện và quyền năng của Chúa ngay cả khi giác quan không cảm thấy gì; xin cho con được phúc dành cho người không thấy mà tin.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Thứ Tư – Ngày 04 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Thánh nữ Êlisabeth Bồ Đào Nha (Tr).

Bài đọc : Am 5,14-15.21-24

Tin Mừng : Mt 8,28-34

Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia, và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khó chúng tôi sao?” Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.”  Người bảo: “Đi đi!” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám.  Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

TƯƠNG PHẢN

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy có hai mẫu người đến với Chúa. Mẫu người đầu tiên là hai người bị quỷ ám, và mẫu người thứ hai là dân chúng trong thành. Cả hai đều đến với Chúa Giêsu, nhưng lại tương phản cách rõ ràng, một bên đến để xin Chúa cứu nguy, và một bên là xua đuổi.

Hai người bị quỷ ám là những con người đau khổ. Họ sống trong trạng thái “nửa tỉnh nửa mê”, nên khi vừa thấy Chúa bản năng sống trỗi dậy; họ bất chấp con quỷ trong mình đang khước từ, và sẵn sàng chạy đến với Chúa để được chữa lành. Còn dân chúng trong thành, khi nghe tin heo bị chết (do quỷ nhập vào), họ xót xa vì mất của, mất tài sản, và cho rằng Chúa là mối họa cần phải tránh xa.

Từ đây, khi nhìn vào cuộc sống đời thường, chúng ta cũng lắm khi giống như đám đông dân chúng trong thành. Biết, thấy, và nghe rõ về quyền năng, cũng như tấm lòng yêu thương của Chúa nhưng chúng ta lại mãi “cân đo đong đếm” giữa lợi ích cá nhân và Thiên Chúa. Chúng ta từ chối không làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, mà thay vào đó là những hành động chạy theo tiêu chuẩn lợi ích của bản thân, của gia đình, của làng xóm, và thậm chí là của xứ đạo.

Lạy Chúa, trên hành trình lữ hành trần thế này, có lúc chúng con đi lạc xa đường lối của Chúa vì mải miết chạy theo những vật chất cuộc sống. Xin Chúa nâng đỡ, hướng dẫn, và chữa lành cho chúng con. Amen.

Tu sĩ G.B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

Thứ Năm – Ngày 05 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Thánh Antôn Maria Zaccaria, linh mục (Tr).

Bài đọc : Am 7,10-17

Tin Mừng : Mt 9,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” – bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

SAO LẠI NGHĨ XẤU NHƯ VẬY!

Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?”. Đó là câu hỏi Chúa Giêsu dành cho những kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay khi họ thắc mắc về những việc làm của Người. Nó cũng như một câu hỏi thức tỉnh bản thân tôi vì cách sống, cách suy nghĩ của mình với anh em, với tha nhân trong cuộc sống.

Các kinh sư có vẻ không mấy bận tâm về một người bại liệt được Chúa Giêsu chữa lành cách lạ lùng; họ chỉ bận tâm về lời tuyên bố của Chúa Giêsu “con đã được tha tội rồi”. Họ cho rằng đó là một lời nói phạm thượng vì một con người như Chúa Giêsu lại tự cho mình có quyền tha tội là quyền tối thượng của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu “chữa lành” và “tha tội” đều như nhau, vì một đàng, Người là Thiên Chúa; đàng khác, nếu quan niệm của người Do Thái cho rằng bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt vì tội lỗi, thì chữa bệnh là một cách tha tội vậy. Vấn đề là các kinh sư không nhận thấy việc tốt lành Chúa Giêsu làm cho người bệnh mà chỉ tìm cách bắt lỗi Người.

Trong cuộc sống yêu người này, ghét người kia là chuyện bình thường, nhưng nhiều khi những phán đoán của tôi cũng bị ảnh hưởng, bị chi phối vì những tình cảm yêu ghét đó. Bản thân tôi nhiều khi ngồi xét mình lại tôi cảm thấy mình giống các kinh sư trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nghĩ xấu cho những anh em mà tôi cảm thấy không vừa lòng. Còn người tôi thích thì dù việc họ làm có sai rõ ràng tôi cũng gật đầu cho qua hay coi như chuyện nhỏ. Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo cả, chính bản thân tôi cũng thế. Tôi phải cầu nguyện, cố gắng sửa đổi bản thân mình nhiều hơn nữa để có cái nhìn bao dung, thiện cảm hơn với tất cả mọi người, kể cả những người tôi không thích.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn nhận những điều tốt đẹp nơi anh em con. Xin cho con tự biến đổi mình để có thể hòa với tất cả anh em chứ không phải bắt tất cả anh em phải biến đổi vì một mình bản thân con. Xin Chúa hãy nâng đỡ và giúp  con trong sự quyết tâm này. Amen.

Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 06 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Thánh Maria Gôretti, trinh nữ, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Am 8,4-6.9-12

Tin Mừng : Mt 9,9-13

Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

ĐỨNG DẬY ĐI THEO NGƯỜI

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã làm một chuyện có vẻ rất nguy hiểm, đó là Ngài dám thu nhận một người thu thuế tên là Mátthêu làm môn đệ. Với tấm lòng rộng mở, đầy tràn tình thương và sự chân thành, Chúa đã khơi gợi nơi ông niềm khao khát hướng thiện, chứ không để ông ngụp lặn mãi trong tiền tài vật chất vốn đã bị pha trộn với gian dối, tội lỗi và sự nhơ nhuốc.

Được Chúa kêu gọi, ông Mátthêu đã đáp lại; ông không ngần ngại bỏ lại bàn thu thuế phía sau để đi theo Chúa và được đổi đời. Từ một người bị người đời khinh bỉ và bị liệt vào hàng tội lỗi và nhơ bẩn, bây giờ ông đã trở thành một người công chính với danh hiệu “Ân Sủng của Chúa” (“Mátthêu” có nghĩa là “Ân Sủng của Chúa”).

Có những lúc chúng ta cũng vì miếng cơm manh áo, vì kế sinh nhai mà phải ngụp lặn trong sự gian dối, tội lỗi, nhưng một khi Chúa đã thức tỉnh niềm khát khao hướng thiện nơi thẳm sâu cõi lòng, thì bạn và tôi đã có được sự quyết tâm đầy quả cảm và dứt khoát như thánh Mátthêu để thoát khỏi vũng lầy của gian dối, tội lỗi hay chưa? Chỉ khi ta can đảm bước trên con đường chân thật, ngay thẳng, thì Chúa mới có thể biến đổi ta từ một kẻ lấm lem, nhơ nhớp thành con người của “Ân Sủng của Chúa”.

Thật thế, đến với Chúa, ông Mátthêu đã tìm được ý nghĩa cho đời mình. Cũng vậy, đến với Chúa, ta sẽ được sống dồi dào, sống trọn vẹn. Nhưng, làm sao nghe được tiếng gọi ân tình của Chúa? Làm sao ý chí ta đủ mạnh, tâm tư ta đủ sáng để dứt khoát đứng dậy, rời khỏi nơi ta đang ở để đến với Ngài? Hẳn sẽ rất cần nơi tôi, nơi bạn một tâm hồn khiêm tốn và thẳng thắn đủ để thấy rõ và chấp nhận thân phận tội lỗi của mình,

Lạy Thánh Tâm từ bi lân tuất và chan chứa tình thương, xin cất tiếng gọi con lần nữa và nhiều lần nữa trong đời con, xin kiên trì lôi kéo và biến đổi con, xin nhẫn nhịn đỡ nâng và dẫn đưa con đi trọn lộ trình Chúa muốn cho con. Amen.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Bảy – Ngày 07 – Tháng 7 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIII

Bài đọc : Am 9,11-15

Tin Mừng : Mt 9,14-17

Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

ĂN CHAY VỚI TÂM TÌNH NÀO

Ăn chay là một trong những việc đạo đức mà những người Do Thái sùng đạo thường thực hành. Có lẽ Chúa Giêsu không phản bác việc ăn chay, nhưng ăn chay như thế nào, với tinh thần nào mới là điều Ngài quan tâm.

Trước hết, khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, Người đã vào hoang địa ăn chay “ròng rã bốn mươi đêm ngày” (x. Mt 4,2). Đối với Chúa Giêsu, chay tịnh là một phương thế để hãm mình, cầu nguyện và tìm kiếm thi hành thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Chúa Giêsu không phi bác việc ăn chay, nhưng Người ăn chay với tinh thần nào?

Nếu người Do Thái ăn chay như một hình thức đạo đức trong khi mong chờ chàng rể Mêsia, thì đối với Chúa Giêsu, Người chính là Chàng Rể đã đến và đang sống giữa họ, nên người ta không cần phải ăn chay theo lối cũ nữa, vì không còn phù hợp với tinh thần mới, tinh thần sống niềm vui tiệc cưới Nước Trời. Sự hiện diện của Chàng Rể Giêsu là dấu hiệu của niềm vui, hy vọng và hân hoan nên người ta không cần và không nên ăn chay trong bầu khí u buồn.

Hơn nữa, theo lời tiên báo của Chúa Giêsu thì rồi đây sẽ đến lúc Chàng Rể bị đem đi, bị loại trừ và giết chết thì lúc đó người ta mới cần ăn chay. Là những Kitô hữu, chúng ta vừa sống trong niềm hân hoan vì Chàng Rể Giêsu đã nhập thể làm người, mang Tin Mừng bình an và yêu thương đến cho nhân loại; đồng thời, chúng ta cũng ăn chay để bày tỏ sự nuối tiếc và hối hận vì những tội lỗi của nhân loại đã khiến Chàng Rể Giêsu bị đem đi. Tuy nhiên, chúng ta không ăn chay trong nỗi âu lo, tuyệt vọng mà trong niềm hy vọng Chàng Rể Giêsu sẽ trở lại để mang đến niềm vui trọng vẹn trong tiệc vui Nước Trời thời cánh chung.

Lạy Giêsu, xin cho chúng con hiểu và thực hành tinh thần ăn chay đích thực trong khi mong chờ Chúa trở lại trong ngày quang lâm.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 13 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoDòng Ngôi Lời: Tổng Tu Nghị và các chiều kích Đặc Sủng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.