Thường Niên – Tuần XI – Năm B

0
366

Chúa Nhật – Ngày 17 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc 1 : Ed 17,22-24

Bài đọc 2 : 2 Cr 5,6-10

Tin Mừng : Mc 4,26-34

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.” Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” […]

HẠT GIỐNG

Đối với những người nông dân, hình ảnh hạt giống thật gần gũi và quen thuộc. Họ có kinh nghiệm để biết phân biệt hạt giống tốt hay xấu và gieo xuống loại đất nào thì phù hợp và cho năng suất cao. Khi ta ngắm nhìn đồng lúa trĩu hạt, đẹp đẽ, thơ mộng bao nhiêu, thì hình ảnh của những người nông dân đi gieo hạt giống lúc khởi đầu lam lũ, vất vả tương phản bấy nhiêu. Những hạt giống nhỏ bé được gieo xuống đất giờ đây đã sinh lợi được gấp hàng chục, hàng trăm lần, báo hiệu một mùa bội thu sắp đến.

Với hình ảnh quen thuộc của hạt giống gieo vào lòng đất, Chúa Giêsu đã diễn tả mầu nhiệm Nước Trời bằng một lối nhìn dễ hiểu, dễ nắm bắt.  Nước Trời cũng tựa như hạt giống gieo vào lòng đất, mặc cho người gieo có thức hay ngủ, thì hạt giống vẫn âm thầm mọc lên và tăng trưởng nhờ năng lực riêng của nó. Đây cũng là hình ảnh Tin Mừng đi vào thế giới; hình ảnh Lời Chúa được gieo vào lòng người. Khởi điểm của hạt giống hoàn toàn tương phản hoàn toàn với tương lai của nó; hình ảnh bé nhỏ ban đầu đã trở thành một cây to lớn đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ. Tin Mừng của Đức Giêsu cũng  vậy: lúc đầu được ban cho một nhóm nhỏ là các môn đệ, nhưng giờ đây nó đã lan truyền đến cho muôn dân muôn nước trên cõi đất này.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng một lối nhìn lạc quan tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, cách riêng trong đời sống làm chứng tá và loan báo Tin Mừng. Một khởi đầu có thể khiêm tốn, nhỏ bé và yếu đuối khi đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng Chúa sẽ làm cho hạt giống của Lời trổ sinh và phát triển đến không ngờ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành những người thợ đi gieo hạt giống Lời cho thế giới một cách trung thành. Những lúc đối diện với khó khăn, thử thách lúc khởi sự, xin cho chúng con ý thức rằng luôn có Chúa quan phòng để hạt giống mọc lên.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Hai – Ngày 18 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 1 V 21,1-16

Tin Mừng : Mt 5,38-42

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.”

ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN NHƯ THIÊN CHÚA MUỐN

Trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) là một đòi hỏi có tính triệt để. Đây không phải là một sự so sánh hầu có thể nói con người có khả năng hoàn thiện như Thiên Chúa, nhưng là một lời mời lên đường tìm kiếm lại dung mạo con người buổi ban đầu “mang hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa” (St 1,27). Trở về với “hình ảnh Thiên Chúa” cũng có nghĩa là trở về phận vị những con người tốt đẹp không biết đến sự xấu xa và loại trừ, nhưng đón nhận nhau như anh chị em trong nhà của Thiên Chúa.

Trước mặt Thiên Chúa không có sự khác biệt giữa người thân cận với kẻ thù. Cả hai đều là những người đón nhận ân huệ của Ngài cách dồi dào. Xatan và đồng lõa của nó là “kẻ thù” của Thiên Chúa. Giả như Thiên Chúa nhìn vào chúng ta không bằng ánh mắt của người Cha nhìn vào đứa con thì hẳn nhiên chúng ta là kẻ thù của Ngài vì chúng ta đã phạm tội khi thỏa hiệp với Xatan. Khi đồng bàn với phường thu thuế, tội lỗi và gái điếm (x.Lc 15,2), Đức Giêsu đã không coi họ như những kẻ xấu xa nhưng coi họ như những nạn nhân bị khinh bỉ, ruồng bỏ bên lề xã hội cần được cứu chữa. Ngài đã hòa mình với họ không phải trong cái xấu nhưng là sự đồng cảm trong nỗi đau thương của kẻ bị người đời xa lánh. Chính Ngài đã mang Nước Thiên Chúa và sự công bình của Thiên Chúa vào giữa thế gian, để nơi đó không còn ai bị loại trừ và sự thù ghét cũng tiêu tan.

Nên hoàn thiện, vì thế, là cố gắng có được cung cách đón nhận người khác bằng con tim Thiên Chúa, và nhìn “kẻ thù” như thể Thiên Chúa nhìn họ. Muốn vậy trước hết phải nhận ra mình đã được Ngài đón nhận và nhìn chúng ta bằng ánh mắt của người Cha. Một khi không nhìn người khác như kẻ thù, chúng ta sẽ thấy anh em trong nhau.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn anh chị em bằng con mắt yêu thương vô điều kiện của Chúa, để mỗi ngày con trở nên hoàn thiện như Chúa muốn.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Ba – Ngày 19 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 1 V 21,17-19

Tin Mừng : Mt 5,43-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

HÃY YÊU KẺ THÙ

Yêu và được yêu là những nhu cầu không thể thiếu và có thể nói là đó là nhu cầu căn bản của con người. Tuy nhiên, yêu người mình yêu và yêu người yêu mình là điều thường tình trong đời sống. Còn yêu người ghét mình hay yêu kẻ thù của mình thì đó mới là điều đáng nói và vượt trên qui luật thường tình trong tương quan giữa người với người. Qui luật dị thường và không tưởng đó đối với con người lại trở thành luật sống bình thường đối với Đức Giêsu.

Lời Chúa Giêsu hôm nay mời gọi các môn đệ và tất cả mọi người chúng ta “hãy yêu kẻ thù”. Xem ra lời mời gọi của Đức Giêsu không mấy thực tế đối với quan niệm sống hay tâm thức của các môn đệ cũng như đối với luật lệ xã hội con người. Trong thực tế, con người thường đối xử với nhau theo luật duy công bằng, nghĩa là vay – trả, yêu – ghét, ơn nghĩa – thù oán rõ ràng. Điều này cũng được ghi lại khá chi tiết trong luật Cựu Ước: “mắt đền mắt, răng đền răng.” Còn theo kiểu nói dân gian của người Việt thì “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, luật lệ duy công bằng hay báo thù cũng chẳng giải quyết được tận căn và thấu đáo của mọi vấn đề giữa con người đối với nhau mà nó còn chồng chất và kéo dài sự oán hận và thù ghét. Do đó, Đức Giêsu đã kiện toàn luật duy công bằng và báo thù đó với một tinh thần mới, nghĩa là lấy tình thương hoá giải mọi vấn đề, lấy ơn đền oán, lấy sự bao dung tha thứ thay cho “sống để dạ, chết mang theo”. Đức Giêsu đã hiện thực lời mời gọi “hãy yêu kẻ thù” bằng cả một đời sống yêu thương và tha thứ cho tất cả mọi người, ngay cả khi họ phản bội, xỉ nhục, đánh đòn, đóng đinh và giết Ngài trên thập giá “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đầy ắp tình thương và rộng lượng như Chúa để con sẵn sàng yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người con không thích, những người con không phục và cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Tư – Ngày 20 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 2 V 2,1.4.6-14

Tin Mừng : Mt 6,1-6.16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh […]

CHỈ MÌNH CHÚA BIẾT LÀ ĐỦ

Khi làm các việc lành phúc đức, người ta vẫn thường có khuynh hướng muốn cho người khác biết đến. Chính vì thế, không lạ gì khi trên các bàn quỳ, các ghế đá, tượng đài Đức Mẹ… ta thấy có ghi tên của những người dâng cúng. Tâm lý chung của con người là vậy. Thế còn đối với những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ được đòi hỏi phải có thái độ và cách hành sử như thế nào trong các việc lành của mình để được coi là đúng, được Thiên Chúa trả công xứng đáng?

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta những con người thường làm các việc lành phúc đức. Họ thực hành các việc đạo đức của mình trong tất cả mọi chiều kích: Đối với tha nhân, họ làm việc bố thí; đối với Thiên Chúa, họ cầu nguyện; và đối với bản thân, họ ăn chay. Trước mắt người đời, họ quả là những con người đạo đức thánh thiện. Thế nhưng trước mặt Chúa Giêsu, họ lại không được đánh giá cao. Các việc làm của họ về bản chất là tốt đẹp, nhưng mục đích, ý hướng của họ lại xấu xa. Họ làm tất cả những việc đó cốt là để cho người ta thấy, người ta khen. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã kết án họ, xem họ là những kẻ “đạo đức giả”, và cho biết phần thưởng của họ ở trên trời cũng bị lấy đi.

Trong các việc lành phúc đức, Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta ý hướng ngay lành và chân thật của mình: làm cho Chúa và chỉ Chúa biết là đủ. Khi chúng ta khoe khoang, tìm kiếm danh lợi trong các việc lành của mình, là chúng ta đang phá hủy đi món quà quý giá ở trên thiên quốc mà lẽ ra Thiên Chúa sẽ ban tặng cho ta.

Lạy Chúa, với tính thích khoe khoang phô trương, đã bao lần chúng con trở thành những kẻ “đạo đức giả”, và các việc làm tốt đẹp của chúng con cũng trở thành vô ích. Xin Chúa cho chúng con biết âm thầm thực hiện trong ý hướng ngay lành của mình, hầu đáng được hưởng phần thưởng mà Chúa sẽ ban cho chúng con trong cuộc sống mai sau.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 21 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Thánh Luy Gônzaga, tu sĩ. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hc 48,1-14

Tin Mừng : Mt 6,7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

CẦU NGUYỆN

Con người cần nước, lương thực phẩm để nuôi dưỡng thể chất trong đời sống thường ngày như thế nào, thì đối với người Kitô hữu, cầu nguyện cũng là thứ lương thực thiết yếu không thể thiếu để nuôi dưỡng đời sống tâm linh như thế.

Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cách thức cầu nguyện. Người dạy các ông hãy thưa vắn tắt với Chúa là Thiên Chúa, đừng dài dòng nhiều lời như những người kinh sư và luật sĩ, vì Cha trên trời biết các ông cần gì và muốn gì rồi. Người không dạy các ông cách cầu nguyện cầu kỳ hoa mỹ nhưng Người dạy các ông cầu nguyện bằng kinh “lạy Cha”, một kinh hết sức đơn giản nhưng thật sâu sắc.

Qua lời kinh “lạy Cha” mà chúa Giêsu đã dạy, chúng ta cảm nhận được mối dây thân thiết tình cha con với Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm hạnh phúc được làm con Thiên Chúa. Khi đọc kinh “lạy Cha”, chúng ta bày tỏ một niềm tin son sắt vào Thiên Chúa yêu thương gần gũi như một người cha đang ở cùng chúng ta. Đồng thời, chúng ta còn tín thác vào sự tha thứ của Thiên Chúa để từ đó chúng ta cũng có thể thể hiện lòng quảng đại tha thứ của chúng ta đối với tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, cầu nguyện là thần dược liên kết mật thiết chúng con với Chúa, và là lương thực, nguồn sống vĩnh hằng để nuôi dưỡng đời sống tâm linh  của chúng con. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Sáu – Ngày 22 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 2 V 11,1-4.9-18.20

Tin Mừng : Mt 6,19-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?”

CON MẮT

Là một bộ phận trên thân thể như bao bộ phận khác, nhưng con mắt được ví như cửa ngõ để cho thế giới bên ngoài đi vào trong tâm hồn con người. Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu lại ví nó như đèn của thân thể. Vậy tại sao nó lại quan trọng với mỗi chúng ta như vậy?

Về phương diện khoa học, trong năm giác quan, thị giác là cái giúp người ta tiếp xúc với mọi vật bên ngoài đầu tiên. Vì thế, thông tin về hình ảnh cũng như màu sắc được gửi tới não bộ thông qua con mắt. Về phương diện luân lý, con mắt đưa tâm trí con người tới những đam mê, tới những khoái cảm bên trong; tâm trí tĩnh hay động cũng bởi con mắt mà ra.

Nếu để con mất tiếp xúc với những điều tốt lành, những điều thiện hảo ắt hẳn tâm trí chúng ta sẽ trở nên trong sáng, yên bình và bớt đi xao động trước những đam mê. Ngược lại, nếu để nó tiếp xúc với những cám dỗ bên ngoài, thì tâm trí sẽ bị chi phối bởi những ước muốn tăm tối, không lành mạnh. Hậu quả là nhân cách hiện hữu của chúng ta có thể bị tổn hại; con mắt có thê đầu độc tâm hồn là vậy.

Điều Chúa Giêsu mong muốn là các môn đệ hãy dùng đôi mắt của mình để nhận ra giá trị giới hạn và mau qua của những giá trị vật chất trên trần gian và hãy hướng đôi mắt đến những thực tại bền vững trên trời là nơi mà không có gì có thể làm hao mòn hoặc lấy mất. Vì thế hãy để cho đôi mắt chúng ta chiêm ngưỡng những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa hơn là những ảo ảnh phù du của trần gian này.

Lạy Chúa, xin cho con biết gìn giữ đôi mắt trong sự yêu mến điều thiện hảo của Ngài, để tâm trí con luôn thuộc trọn về Ngài mà không bị vướng víu vào những ảo ảnh của những đam mê xấu trong cuộc trần này. Amen.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Thứ Bảy – Ngày 23 – Tháng 6 – Năm 2018

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XI

Bài đọc : 2 Sb 24,17-25

Tin Mừng : Mt 6,24-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: […] Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? […] Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA

Bài Tin Mừng hôm nay như một lời phản tỉnh cho mỗi người: Đừng quá chú trọng đến của cải, vật chất nơi trần gian này nhưng hãy tin vào Đấng có thể biết tất cả mọi nhu cầu của chúng ta.

Cơm ăn, áo mặc, nước uống… là nhu cầu hết sức bình thường mà bất kỳ ai cũng cần đến. Đức Giêsu không bảo rằng những thứ ấy không cần thiết, nhưng Ngài bảo chúng ta đừng quá bận tâm tìm kiếm những thứ nay còn mai mất này. Ngài mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha toàn năng và hết mực yêu thương, Đấng thừa biết chúng ta cần gì. Chính Người cũng đang chăm lo cho từng thụ tạo mà Người tạo dựng nên. Ngay cả những thứ xem ra con người ít quan tâm đến như cỏ dại, hoa huệ… cũng được Cha trang hoàng lộng lẫy. Vì thế, hãy để tâm tìm kiếm thực tại vĩnh cửu, đừng lo lắng về những gì thuộc về trần thế, bởi những thứ ấy Người sẽ ban thêm cho.

Lối sống bận rộn của cuộc sống hiện đại nhiều khi cũng tác động lên đời sống của người Kitô hữu. Chúng ta cũng dễ bị cuốn theo vòng xoáy tìm kiếm của cải vật chất phục vụ cho nhu cầu cuộc sống mà quên đi việc tìm kiếm Nước Trời. Đức Giêsu trấn an và thức tỉnh chúng ta để chúng ta có thể hướng tầm nhìn về trời cao, nơi chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm kiếm Chúa trước rồi những của cải vật chất Ngài sẽ ban cho sau. Xin đừng để những của cải thế gian làm mờ mắt chúng con.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 11 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoThánh Lễ Khấn Trọn Đời – Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam 14/6/2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.