Thường Niên – Tuần X – Năm B

0
318

Chúa Nhật- Ngày 10 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Bài đọc 1 : St 3,9-15

Bài đọc 2 : 2 Cr 4,13–5,1

Tin Mừng : Mc 3,20-25

[…] Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.” Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CỦA CHÚA

Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”  (Mc 3,35). Gia đình là nơi mỗi người được sinh ra và lớn lên. Không có gia đình, con người sẽ phát triển một cách thiếu toàn diện. Tình gia đình luôn là tình cảm thiêng liêng và gắn bó với con người nhất. Chính tình yêu gia đình làm cho mỗi thành viên trở nên gắn kết với nhau. Khi trong gia đình có tình yêu thương gắn kết, mỗi thành viên sẽ hết lòng hết sức vì gia đình, góp phần xây dựng gia đình ngày càng đầm ấm, yêu thương và hạnh phúc hơn.

 Cũng như bao người khác, tôi cũng có gia đình ruột thịt của mình. Tôi rất quý trọng và yêu thương gia đình của mình và luôn muốn gia đình của mình được ấm êm hạnh phúc. Tuy vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho tôi biết, tôi còn thuộc về một gia đình khác, một gia đình còn quan trọng hơn cả gia đình ruột thịt. Đó là gia đình Thiên Chúa. Để làm tròn tư cách thuộc về gia đình này, Chúa muốn tôi phải lắng nghe và đem lời Thiên Chúa ra thực hành. Khi tôi biết sống và thực hành lời Chúa, tôi là người có họ hàng với Chúa Giêsu, có chung lý tưởng với Chúa Giêsu là “luôn thi hành thánh ý của Chúa Cha.”

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con một gia đình ruột thịt và lại còn cho con được thuộc về gia đình của Chúa. Xin Chúa giúp con luôn ý thức mình thuộc về gia đình của Chúa để luôn biết sống lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày. Xin Mẹ Maria cũng giúp con biết noi theo gương Mẹ để luôn lắng nghe và vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Đinh Duy Thiên, SVD

Thứ Hai – Ngày 11 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Thánh Banaba, tông đồ. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Cv 11,21b-26; 13,1-3

Tin Mừng : Mt 5,1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.

“Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.

“Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con”.

THA NHÂN LÀ MỘT HỒNG ÂN

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Tha nhân là một hồng ân.” Lời nhắn nhủ của ngài nghe có vẻ đơn giản, bình thường nhưng là cả một vấn đề đáng để chúng ta phải suy tư.

Người ta nói rằng khoảng cách lớn nhất là từ đôi tai đến bàn tay. Đôi tai để lắng nghe và đôi tay để hành động, nhưng thực tế là đôi tai của chúng ta lại chỉ thích nghe những lời tung hô, còn đôi tay thì giống như giới lãnh đạo Do thái giáo, “Ngay cả ngón tay cũng không buồn động tới”.

Suy niệm về Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi bạn và tôi hãy mở rộng con tim của mình, đón nhận những người nghèo khổ, cô thế cô thân. Ngài tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta dành một chút thời gian lắng nghe và quan tâm tới những người bé mọn, nghèo hèn. Họ đang thực sự cần một bàn tày nâng đỡ, một lời nói yêu thương và một cái nhìn đầy trìu mến từ chính chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một đôi tai biết lắng nghe và một đôi tay biết làm điều tốt lành; xin cho chúng con một quả tim biết yêu thương và phục vụ tha nhân. Cuối cùng, xin Ngài thúc đẩy và khai mở con mắt đức tin của chúng con, để chúng con luôn nhìn thấy tha nhân chính là một hồng ân mà Ngài đã ban tặng cho chúng con.

Tu sĩ Phêrô Trần Thái Đức, SVD

Thứ Ba – Ngày 12 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Bài đọc : 1 V 17,7-16

Tin Mừng : Mt 5,13-16

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

 “MUỐI KITÔ”

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, bản chất của muối là mặn và vai trò của muối là làm cho đời hương vị. Ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó muối vắng mặt trên thế giới này, thì không biết cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào. Nói như thế để thấy được vai trò hết sức quan trọng của muối trong đời sống của chúng ta, và nó quan trọng như thế chính bởi bản chất mặn của nó. Thế nhưng nếu một ngày muối không còn mặn nữa, muối sẽ được gọi là gì? Và muối khi ấy sẽ được dùng để làm gì?

Đức Giêsu đã trả lời: “ Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” Mt 5,13). Đọc và suy gẫm đoạn Tin Mừng, Lời của Đức Giêsu một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tính chất mặn của muối, và muối chỉ hữu dụng khi nó ở đúng bản chất của nó là mặn. Cũng vậy, một khi người Kitô hữu mất đi “muối Kitô” thì đâu còn là Kitô hữu nữa. Vì vậy mỗi người Kitô hữu phải luôn biết cố gắng để giữ vững và làm gia tăng độ mặn của “muối Kitô” qua việc kết hiệp với Đức Kitô và bước đi trên con đường yêu thương và trao hiến mà Người đã đi. Chỉ khi người Kitô hữu được ướp mặn “muối Kitô” thì mới có thể đem “muối Kitô” ướp và làm cho đời thêm vị mặn của công bình và bác ái, của yêu thương và tha thứ, của dấn thân phục vụ mà không tính toán.

Lạy Chúa, sống giữa một xã hội với biết bao trào lưu của thế tục luôn dễ dàng cuốn trôi đi tất cả, xin Chúa giúp chúng con, để chúng con luôn giữ được “muối Kitô” trong mỗi người của chúng con. Để rồi qua chính cuộc sống của mình, chúng góp phần ướp mặn môi trường sống của chúng con bằng tinh thần Tin Mừng. Amen.

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Tư – Ngày 13 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Thánh Antôn Pađôva, linh mục,

tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1 V 18,30-39

Tin Mừng : Mt 5,17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

TINH THẦN MỚI CỦA LUẬT

Luật được coi là lẽ sống, là con đường duy nhất dẫn người Do Thái đến với Thiên Chúa. Bởi vì Luật đó do Thiên Chúa trao ban qua trung gian Môsê. Thêm vào đó, trong đoạn trước của bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã trình bày Đức Giêsu như là một Môsê mới. Vì là Môsê mới nên Tin Mừng hôm nay muốn khẳng định rằng Đức Giêsu đến không phải để bãi bỏ Luật Môsê nhưng là đến để kiện toàn hay nói cách khác, Đức Giêsu đến để làm viên mãn Luật. Vậy Luật có giá trị gì? Đâu là cốt lõi của Luật? Và Luật có đưa con người đến với Thiên Chúa hay không?

Ngay từ đầu đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu đã khẳng định “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Thật vậy, Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được ban qua Môsê. Nhưng Ngài giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa. Cách giải thích của Ngài đem lại một sự tươi mới, dù đôi lúc cách giải thích của Ngài làm cho giới chức Do Thái khó chịu vì giống như cách họ vẫn hiểu lâu nay.

Quả vậy, cách giải thích Luật của Chúa Giêsu thúc đẩy con người tìm về bản chất chân thực của Thiên Chúa, một Thiên Chúa giàu tình yêu, chậm bất bình và hay thương xót. Do đó, cách giải thích của Ngài đưa Luật tới giá trị toàn hảo, giá trị đích thực. Đó cũng chính là cốt lõi của Luật, điều mà Đức Giêsu mời gọi mọi người hãy tuân giữ.

Đức Giêsu cũng mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban, nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh, đậm tình người và giàu quyền uy của Ngài. Do đó, muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời, chúng ta cần tuân giữ Luật theo tinh thần mới  mà Chúa Giêsu đã giải thích.

Lạy Chúa Giêsu, lời chỉ dạy của Ngài về Luật làm cho người Do Thái an vui, hạnh phúc khi đón nhận, xin cho mỗi chúng con nhận ra rằng Luật không phải là ghánh nặng mà chúng con phải mang vác nhưng là cách thức và con đường dẫn chúng con đến gần Chúa hơn. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thứ Năm – Ngày 14 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Bài đọc : 1 V 18,41-46

Tin Mừng : Mt 5,20-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

SỰ CÔNG CHÍNH MỚI

Công chính là đức tính cần thiết và quan trọng với hết mọi người. Đối với người Kitô hữu thì sự công chính này còn cần hơn gấp bội vì nó xuất phát từ chính tình yêu và được xây trên nền tảng tình yêu. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống công chính hơn những người biệt phái: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20). Vậy công chính hơn các Kinh sư và người Pharisêu là công chính như thế nào? Tại sao Đức Giêsu lại kêu mời các môn đệ sống theo lối công chính mới?

Như chúng ta biết, các Kinh sư và người Pharisêu là mẫu gương giữ luật của người Do Thái. Họ được coi như là khuôn mẫu cho luật cũ, là người đạo đức thánh thiện. Họ cũng biểu trưng cho việc tuân giữ tỉ mỉ các lề luật của Thiên Chúa. Do đó, họ luôn được coi là người công chính. Tuy nhiên Đức Giêsu lại mời các môn đệ mình sống theo một lối sống công chính khác.

Nếu luật dạy, hay nói cách khác, nếu các kinh sư và người Pharisêu dạy không được giết người để khỏi bị kết án, thì Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải sống công chính một cách đặc biệt hơn, đó là: không được giận anh em mình, không được mắng anh em mình, không được chửi anh em mình (5,22). Những điều này xem ra là bình thường, không mấy quan trọng nhưng Đức Giêsu lại mời gọi các môn đệ phải tuân giữ nếu không muốn bị kết án. Quả thật, sự công chính mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ sống là sự công chính phát xuất từ chính tình yêu chân thật và không chút vụ lợi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết ý thức lời nói, hành động của mình để qua mỗi việc chúng con làm chúng con có thể phản ánh hình ảnh của Chúa nơi mỗi anh em chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thứ Sáu – Ngày 15 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Bài đọc : 1 V 19,9a.11-16

Tin Mừng : Mt 5,27-32

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục. “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

LÀM CHỦ BẢN THÂN

Luật dân sự chỉ xem xét một người có tội hay không khi hành vi của người ấy đã trở nên rõ ràng, còn luật của Chúa còn bó buộc cả những gì trong sâu thẳm con người: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. Bởi những gì xuất ra từ bên trong mới làm cho con người ra ô uế (x. Mc 7,15). Như thế, Luật Thiên Chúa nhắm đến tận cùng nguồn gốc của tội lỗi là chính nội tâm con người, nơi xuất phát những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người…

Lại nữa, Đức Giêsu đòi hỏi con người phải tránh các nguyên cớ gây nên tội cách triệt để: “Nếu mắt phải anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi…” Đây không phải là một tư tưởng cực đoan chiếu theo mặt chữ nhưng có ý nhắc mỗi người phải làm chủ ngũ quan của mình để tránh phạm tội. Vì ngũ quan là nơi con người nắm bắt sự vật và dẫn người ta đến với những ý hướng xấu, khơi gợi lên những đam mê.

Phải chăng con người không thể thực hiện được những đòi hỏi tuyệt đối là tránh xa mọi tội lỗi? Phải chăng phận người yếu đuối khó có thể làm chủ được giác quan, cảm xúc, ước muốn của mình? Có, mỗi người có thể làm được. Có thể lúc này tôi không thể làm chủ được đời mình nhưng lúc khác tôi có thể làm được. Và từng khoảnh khắc sống tuyệt đối sẽ thêu dệt nên đường đời của tôi. Càng có nhiều khoảnh khắc làm chủ được chính mình, con đường thánh thiện của tôi càng ít bị gián đoạn. Và sẽ có một ngày con đường ấy sẽ trở nên mượt mà, thông suốt.

Lạy Chúa, xin trợ giúp con để những bước nhỏ cố gắng làm chủ bản thân, nhờ ơn Chúa,  con sẽ có thêm can đảm để bước những bước lớn hơn trên con đường hoàn thiện bản thân. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Bảy – Ngày 16 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN X

Bài đọc : 1 V 19,19-21

Tin Mừng : Mt 5,33-37

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

ĐỪNG THỀ THỐT

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thấy có nhiều người hay thề thốt chuyện này chuyện kia. Ngay từ khi có trí khôn, nhiều lần tôi tự hỏi: Tại sao họ lại phải thề thốt như thế? Họ thề thốt để làm gì?

Dần dần tôi khám phá ra rằng người ta thề thốt để tăng độ tin cậy vì con người hay dối lừa nhau. Khi sự gian dối nhau  phổ biến trong xã hội: từ cấp trên đến cấp dưới, từ trong nhà ra ngoài phố, từ trong lòng ra ngoài môi miệng. Mọi mối tương quan đều có thể ẩn chứa sự gian dối. Dối trá đã trở thành một căn bệnh trong xã hội. khi người người nghi ngờ lẫn nhau, người ta mới thề thốt để đảm bảo cho lời nói và việc làm của mình là thành thật. Và để cho lời nói của mình thật đáng tin cậy, người ta không ngần ngại nại đến thần thánh để thề thốt, vì nếu không giữ lời thề họ sẽ bị các thần thánh trách phạt.

Từ xa xưa có lẽ xã hội Do Thái cũng mắc phải căn bệnh gian dối, nên người Do Thái cũng đã có thói quen thề thốt, và khi thề thốt họ thường nại đến Thiên Chúa để minh chứng cho điều mình nói là sự thật. Trong Tin Mừng, chúng ta bắt gặp tình huống vua Hêrôđê Antipa đã thề hứa với cô con gái của bà Hêrôđia (Mt 14,7). Rồi chúng ta cũng bắt gặp tình huống thánh Phêrô đã chối Thầy Giêsu với những lời thề thốt (Mt 26,72.74), vì thánh nhân sợ người ta không tin lời ông nói.

Dù sống giữa muôn vàn sự gian dối, Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm này, đã dạy người môn đệ của Ngài sống thành thật, không gian dối, không thề thốt để biện minh cho lời nói của mình. Bởi vì công dân của Nước Trời là công dân của sự thật: “‘có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì nói ‘không’”; còn ai sống trong gian dối, xảo trả là con cái của ma quỷ, của sự dữ, chứ không phải là con cái của Nước Trời. Cho nên lời thề thốt không có giá trị trong Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa, giữa một xã hội mà hầu như ai ai cũng đều nói dối nên lòng tin giữa người với người bị xuống cấp trầm trọng, xin cho người Kitô hữu chúng con kiên vững và hiên ngang sống theo sự thật.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Năm B
Bài tiếp theoChủ đề của Tổng Tu nghị và Linh đạo Dòng Ngôi Lời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây