Thường Niên – Tuần VIII – Năm B

0
296

Chúa Nhật – Ngày 27 – Tháng 5

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : Đnl 4,32-34.39-40

Bài đọc 2 : Rm 8,14-17

Tin Mừng : Mt 28,16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

CÓ CHÚA Ở CÙNG

Chúa Giêsu Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ trên một ngọn núi tại Galilê: trao cho các ông sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” và hứa sẽ ở cùng các ông “mọi ngày cho đến tận thế”.

Ngay từ đầu Tin Mừng, tác giả Mátthêu đã hé mở về căn tính của Đức Giêsu qua lời mạc khải của sứ thần về một Đấng Emmanuel, một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Giờ đây vào lúc kết thúc Tin Mừng, Đức Giêsu Phục Sinh cho thấy Người thật là Đấng Emmanuel, một Thiên Chúa sẽ ở cùng các môn đệ luôn mãi trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Vì thế, tất cả những ai thực hiện lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, đem Tin Mừng Đức Giêsu giới thiệu cho muôn dân để họ cũng tin vào Người và trở thành môn đệ của Người, đều được Chúa Phục Sinh “ở cùng” cho đến ngày tận thế. Như vậy, các sứ giả Tin Mừng sẽ không bao giờ lẻ loi, cô độc, dù lắm khi họ phải đối diện với nhiều thách đố, khó khăn, thử thách, vì Chúa Kitô Phục Sinh luôn ở cùng họ.

Một khi tin chắc rằng Đấng Phục Sinh luôn ở với mình, các sứ giả Tin Mừng có thêm động lực và sự can đảm để hăng hái thi hành sứ vụ. Đấng Phục Sinh ở cùng không phải để loại bỏ những hiểm nguy, nhưng tiếp thêm sức mạnh giúp sứ giả vượt qua nguy hiểm; Người ở cùng không phải để loại bỏ những bất toàn, yếu đuối, thậm chí là tội lỗi của sứ giả, nhưng bổ sức bằng phương dược tha thứ và yêu thương để sứ giả can đảm đứng dậy mỗi khi vấp ngã, trở về sau những lúc lạc bước, hay nhận ra mình bất toàn yếu đuối để không tự mãn chỉ dựa vào sức riêng của mình, nhưng biết sống khiêm nhường, phó thác.

Lạy Đấng Emmanuen, con tin Chúa vẫn ở cùng con, ở trong con trên mọi nẻo đường sứ vụ mà con được sai đi. Xin cho con luôn xác tín sự hiện diện cách sống động của Người với con, để con không cô đơn khi một mình, không lùi bước khi gặp khó khăn, không chán nản khi gặp thất bại, vì Người là “Thiên Chúa ở cùng con”. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Hai – Ngày 28 – Tháng 5

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

Bài đọc : 1 Pr 1,3-9

Tin Mừng : Mc 10,17-27

Khi ấy, Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải…

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Đối với người Kitô hữu, điều gì là quan trọng và có ý nghĩa nhất? Đó hẳn phải là Nước Trời hay còn gọi là Nước Thiên Chúa nơi có sự sống đời đời.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh anh thanh niên tốt lành, đạo đức, tuân giữ lề luật từ thuở bé; anh khao khát đi tìm sự sống đời đời nên mới hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Thế nhưng, khi anh được Chúa chỉ cho cách vào Nước Trời rằng “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” thì anh lại buồn rầu mà bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Người thanh niên đã gặp phải rào cản thực sự và đã không dám đánh đổi, không dám từ bỏ để đạt được mục đích.

Chúng ta luôn mong sự sống vĩnh cửu nhưng lại không muốn đánh đổi, từ bỏ chỗ dựa là của cải đời này. Lòng gắn bó với của cải đã trở nên một rào cản khiến chúng ta mất tự do. Của cải đã làm lu mờ, che lấp đi điều quan trọng và ý nghĩa nhất. Đến bao giờ người ta mới thôi tìm kiếm sự sống đời đời? Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí. Khi và chỉ khi buông bỏ hết mọi sự mới có cơ hội tiếp cận Nước Trời; nếu không, đến suốt đời chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy điều mà lòng chúng ta vẫn luôn khát khao và tìm kiếm.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ để có được sự sống vĩnh cửu nơi Nước Trời.

Tu sĩ Đaminh Dương Nguyễn Quốc Huỳnh, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 29 – Tháng 5

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

Bài đọc : 1 Pr 1,10-6

Tin Mừng : Mc 10,28-31

Khi ấy, ông Phêrô lên tiếng thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

ĐÒI HỎI

Bình thường khi làm gì con người ít nhiều cũng nghĩ đến cái lợi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho gia đình, cộng đoàn hay quê hương mình. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy Giêsu, sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn. Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy, Phêrô đã đại diện anh em đặt câu hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10, 28), vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).

Có lẽ câu hỏi mà thánh Phêrô đặt ra cũng là câu hỏi của không ít người bước theo Chúa Giêsu. Nói cách khác, có lẽ nhiều người môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã so đo tính toán với Chúa như thế. Tôi cũng vậy, là tu sĩ đang trong hành trình bước theo Chúa, lắm lúc tôi cũng đòi hỏi Chúa: Chúa coi, trong khi những người bạn của con ở ngoài đời đã dựng vợ gả chồng, đã công thành danh toại, đã trở thành ông này bà nọ mà con lại đi khấn hứa sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm, vậy con sẽ được gì đây?”. Tôi cứ so đo tính toán với Chúa mà quên rằng điều quan trọng nhất khi đi theo Chúa là phải biết nhận ra lời mời gọi Chúa dành cho tôi, sự đòi hỏi Chúa muốn nơi tôi và tôi phải đáp lại như thế nào trước lời mời gọi đó.

Bài Tin Mừng hôm nay giúp tôi khám phá ra đòi hỏi mà Chúa muốn tôi thực hiện là biết từ bỏ “nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng”, để rồi nhờ sự từ bỏ đó, tôi sẽ “nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm”, nghĩa là tôi sẽ có một gia đình lớn hơn, đông anh chị em hơn trong cùng một đức tin, có cùng một Cha. Bất cứ nơi đâu tôi học tập, sống và phục vụ, nơi đó là nhà và có những anh chị em của tôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương con, đã ban cho con được ơn làm con cái Chúa và gọi con đi theo Chúa. Xin Chúa cho con ngày càng cảm nghiệm sâu xa hơn ý nghĩa của sự từ bỏ để bước theo Chúa, nhận thấy những cái mất và những cái được trong cuộc sống của con, để từ đó con biết sống an vui, không so đo tính toán với Chúa hay với anh em con.

Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD

Thứ Tư – Ngày 30 – Tháng 5

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

Bài đọc : 1 Pr 1,18-25

Tin Mừng : Mc 10,32-45

[…] Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

TINH THẦN PHỤC VỤ

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, một cuộc hành trình hoàn tất công cuộc cứu độ của Thiên Chúa vì ở đó Ngài sẽ trải qua đau khổ, tủi nhục và chịu chết thật đau thương. Trong khi Thầy Giêsu dẫn các môn đệ tiến về Giêrusalem cách quả cảm và cương quyết để chấp nhận cái chết vì yêu thương nhân loại thì các môn đệ lại tìm cách để được ngồi bên hữu và bên tả Thầy.

Nhân sự kiện này Chúa Giêsu dạy các tông đồ rằng theo Chúa không phải để tìm kiếm chức quyền danh vọng, vì sứ mạng của Chúa Giêsu không phải là thiết lập vương quyền trần thế, nhưng là cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ nạn thập giá, nên người theo Chúa cũng phải hy sinh từ bỏ mình, chấp nhận chén đắng thập giá với Chúa Giêsu. Người ích kỷ hẹp hòi, chỉ chú ý đến danh dự và quyền lợi của mình thì không thể là môn đệ của Chúa Giêsu được.

Quả thật, sống trong một xã hội vội vã, ồn ào, náo nhiệt, tôi đã bị cuốn hút vào vòng xoáy của sự hưởng thụ. Tôi thích được có danh, có tiền, có chỗ đứng trong xã hội như các môn đệ, thích ngồi chỗ danh dự, thích được người ta phục vụ mình hơn là mình phục vụ người khác. Trái lại, Chúa muốn mời gọi tôi hãy cởi bỏ con người ích kỷ của mình mà ra đi phục vụ người khác bằng con đường hy sinh, phục vụ như Chúa Giêsu đã dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con là những kitô hữu của Chúa, biết mang lấy tinh thần của Chúa, biết từ bỏ tính ích kỷ của mình, để con luôn nghĩ đến nhu cầu lợi ích của người khác và dấn thân phục vụ mọi người như Chúa đã phục vụ.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD

Thứ Năm – Ngày 31 – Tháng 5

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABET

Lễ kính (Tr).

Bài đọc : Xp 3,14-18a

Tin Mừng : Lc 1,39-56

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi […]

NHẬN RA GIÁ TRỊ CỦA SỰ THĂM VIẾNG

Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc thăm viếng của Đức Maria dành cho người chị họ của mình.

Cuộc thăm viếng này không phải là một sự thăm viếng bình thường, nhưng chúng mang ý nghĩa: công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cứu chuộc (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI). Cuộc thăm viếng này còn mở ra cho chúng ta một ý nghĩa khác: nếu chúng ta biết ra khỏi chính mình mà đến với tha nhân, qua những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, những người đang sống trong bất công và phục vụ họ thì khi đó tình yêu tha nhân sẽ trở thành tình yêu dành cho Thiên Chúa. “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa sẽ ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới trở nên hoàn hảo” (1 Ga 4,12). Chưa dừng lại ở đó, tường thuật về việc viếng thăm này còn nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thánh Gioan: “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng liền nhảy lên vui sướng” (Lc 1,44).

Như vậy, một đàng cuộc thăm viếng của Đức Maria đối với bà chị họ Êlisabét là sự công bố lòng thương xót của Thiên Chúa muốn đến để cứu chuộc nhân loại qua việc nhập thể trong lòng Đức Maria.  Đàng khác, cuộc thăm viếng còn cho thấy cuộc gặp gỡ đầy niềm vui giữa hai gia đình, hai bà mẹ, và trên hết là giữa hai người con vĩ đại: Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả.

Lạy Chúa, xin cho lời Chúa hôm nay đánh động tâm hồn chúng con, để chúng con nhận ra giá trị của mỗi cuộc thăm viếng mà chúng con dành cho nhau. Xin cho chúng con biết mang Chúa, mang sự bình an, tình yêu của Chúa đến cho những người mà chúng con viếng thăm.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Thứ Sáu – Ngày 01 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

Thánh Justinô, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : 1 Pr 4,7-13

Tin Mừng : Mc 11,11-26

[…] Đức Giêsu nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’ mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”.

THA THỨ MÃI

Người ta vẫn thường nói: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là đã là người thì không ai hoàn hảo cả. Chính vì thế, trong cuộc sống thường nhật, ta không thể tránh khỏi những lúc rơi vào lầm lỗi. Nhưng điều quan trọng là ta ứng xử như thế nào trước lỗi lầm của mình hoặc người khác. Tha thứ để lòng được thanh thản bình an hay ôm thù hận trong lòng để tự làm tổn thương mình và người khác đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người chúng ta.

Quả thật, Thiên Chúa luôn ban cho con người sự tự do để lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, giữa tha thứ hoặc không thứ tha. Tuy nhiên, Chúa Giêsu luôn mời gọi và dạy dỗ chúng ta phải sống tinh thần tha thứ một cách triệt để. Chúa dạy chúng ta, khi người khác xúc phạm đến mình thì ta phải thứ tha cho họ không chỉ một, hai lần nhưng là thứ tha không có giới hạn. Khi được hỏi về số lần phải tha thứ, Chúa Giêsu đã trả lời thánh Phêrô rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Ta biết rằng, trong văn hóa Do Thái thì con số bảy là con số hoàn hảo nhất, nên 70 lần 7 không có nghĩa là tha 490 lần mà là tha hoài và tha mãi.

Cũng vậy, trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy thực thi sự tha thứ đối với người khác: “Khi cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với  ai thì hãy tha thứ cho họ, để Cha anh em cũng tha thứ cho anh em”(Mc 11,25). Vậy, là một Kitô hữu,

chúng ta phải làm gì để sống tinh thần tha thứ như lời Thầy Chí Thánh đã đòi buộc? Trước hết, mỗi người chúng ta phải ý thức rằng, chúng ta là những con người yếu đuối, mỏng dòn và dễ sa ngã, nhưng mỗi lần ta sa ngã Thiên Chúa vẫn yêu thương, và rộng lòng bỏ qua cho ta tất cả. Vì thế, ta cũng phải bỏ qua cho nhau. Đồng thời, ta cũng cần hiểu rằng: tha thứ cho người khác không phải là điều dễ làm, nên nếu không có ơn Chúa trợ giúp thì chúng ta sẽ không thể làm được. Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên cầu nguyện để xin Chúa trợ giúp và kín múc nơi Ngài nguồn mạch tình yêu, nhờ đó ta có thể biết cảm thông và thứ tha cho người khác nhiều hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một trái tim yêu thương để con luôn biết yêu thương và thứ tha cho mọi người như Chúa đã dạy con. Amen.

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Bảy – Ngày 02 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII

Bài đọc : Gđ 17.20b-25

Tin Mừng : Mc 11,27-33

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ lại vào Giêrusalem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” Đức Giêsu đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời‘, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘ Do người ta ‘ ?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Đức Giêsu liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần mở đầu trình thuật về sứ vụ của Đức Giêsu tại Giêrusalem. Tại đó, Chúa Giêsu bị người giới chức Do Thái chất vấn: Ông hãy cho chúng tôi biết ông lấy quyền gì mà làm những việc đó, ai cho ông quyền làm những việc ông đã làm?  Đáp lời, Chúa Giêsu đặt cho họ câu hỏi: Phép rửa ông Gioan là do Thiên Chúa hay do người phàm? Sau khi bàn tính, họ quyết định không đưa ra câu trả lời.

Những tính toán của các ông cho ta hiểu rằng, các ông bắt bẻ Đức Giêsu chỉ vì các ông thấy khó chấp nhận mặc khải của Ngài về Nước Thiên Chúa. Quả thật, sứ vụ của Chúa Giêsu là loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, nhưng một phần do lòng chai đá, phần vì lòng tự kiêu tự đại của những kẻ có chức quyền, họ không những không đón nhận những lời rao giảng của Đức Giêsu mà còn xúc phạm đến Con Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ, khi nghe biết Đức Giêsu chữa lành những người bệnh và làm các phép lạ ở Galilê, các kinh sư ở Giêrusalem xuống đó và bêu riếu rằng Đức Giêsu dựa thế quỷ vương Bêendêbun để trừ quỷ (Mc 3,22-27).

Quả thật, những người có quyền thế và tự cho rằng mình là bậc khôn ngoan thông thái thường rất khó chấp nhận những ai trổi vượt hơn mình, nhất là khi người đó lại xuất thân từ một gia đình thợ mộc nghèo nàn. Và rồi dù họ có khôn ngoan thông thái, thì cũng không thể trả lời được câu hỏi của Đức Giêsu. Vì thế, chính Đức Giêsu đã cảm tạ Thiên Chúa Cha vì không mạc khải kế hoạch của Người cho những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.

Lạy Chúa, xin cho con biết bỏ thói kiêu căng, nhưng biết nhìn nhận sự yếu kém của mình để có thể đón nhận lời Con Chúa dạy, đón nhận những người chung quanh con cách chân thành. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi (Thường Niên – Tuần 8 – Năm B)
Bài tiếp theoLễ Giỗ mãn tang cha Phaolô Ngô Hành, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.