Thường Niên – Tuần VII – Năm C

0
316

Chúa Nhật – Ngày 24 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc 1 : 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23

Bài đọc 2 : 1 Cr 15,45-49

Tin Mừng : Lc 6,27-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” […]

YÊU KẺ THÙ

Trong đời sống chúng ta thường có cảm tình với những ai giúp đỡ, yêu thương chúng ta. Những kẻ chống phá, hận thù, ghen ghét, hiếm khi ta có cái nhìn thân thiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu có một cái nhìn, một đạo lý hoàn toàn khác, hoàn toàn siêu nhiên là “yêu kẻ thù”.

Lời dạy của Chúa Giêsu “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” là lệnh truyền không dễ thi hành. Dù rằng đó là một nghĩa cử rất cao đẹp, nhưng mấy ai có thể làm được điều này. Những kẻ ghét tôi, làm phiền hay xúc phạm đến tôi thì thật khó để nói lời yêu. Bởi yêu kẻ thù thì tôi phải vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. Nhưng đó lại là con đường mà Đức Giêsu đang mời gọi tôi bước đi.

Bước theo là tôi trở nên giống “vóc dáng” của Người, “nói” Lời của Người. Tất cả Người đã gói gọn cho tôi trong chữ “yêu”. Lời yêu buộc tôi phải vượt ra khỏi cái tôi ích kỷ, vượt lên trên tình cảm tự nhiên hay phản ứng tự nhiên, để gắn kết với thế giới siêu nhiên. Lời yêu mà tôi không chỉ dành cho những người thương mến, mà còn trải rộng đến địch thù và kẻ ghen ghét. Lời yêu mà tôi cần gạt bỏ tính tự ái, học lấy tính khiêm tốn, nhẫn nhục. Chỉ có như vậy, tôi mới thực sự đến gần được anh em. Chỉ có tha thứ, tôi mới mang bình an đến cho mọi người. Cũng chỉ lời yêu đó mới thực sự làm nên hình ảnh tôi là con cái Thiên Chúa. Đây là cách thế tốt đẹp nhất, là phương thế hoàn hảo nhất để tiêu diệt hận thù và minh chứng rằng tôi đang bước theo con đường của Đức Kitô, Đấng yêu thương và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh mình (x. Lc 23,34).

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con khi con còn là tội nhân. Xin giúp con vượt lên chính mình mà yêu thương mọi người, nhất là những người con còn chưa có cái nhìn thân thiện, để mỗi ngày con nên giống Chúa hơn.

Tu sĩ Giuse Maria Phạm Văn Thế, SVD

Thứ Hai – Ngày 25 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 1,1-10

Tin Mừng : Mc 9,14-29

[…] Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. […]

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay diễn tả hành trình đức tin của một người cha có đứa con bị quỷ ám.

Khởi đầu, có thể ông đã nghe nói về vị Thầy Giêsu quyền năng chữa được các bệnh tật. Có lẽ ông đã lặn lội đi tìm nhưng tiếc là ông đã không gặp được vị Thầy đó ngay từ đầu, nên ông đã nhờ các môn đệ của Người trừ quỷ cho con của ông. Nhưng các môn đệ không trừ nổi.

Đức tin của ông có lẽ bị suy giảm khi các tông đồ không thể trừ được quỷ câm cho con trai ông. Nhưng khi gặp Đức Giêsu, đức tin của ông dần dần tăng lên. Ông đã không ngần ngại xin Đức Giêsu chữa cho con mình; đồng thời, ông còn khiêm tốn nài xin Đức Giêsu tăng thêm lòng tin cho ông.

Trong hành trình đức tin của mình, nhiều lúc tôi xác quyết vào tình thương của Chúa, xác quyết cách mãnh liệt đến nỗi tôi can đảm bước đi trên con đường dâng hiến. Tuy nhiên, rất nhiều lần tôi nhận thấy đức tin của mình cũng thật yếu kém: qua những thất bại hay qua những thăng trầm trong cuộc sống, những lúc như thế dường như tôi chẳng thấy Chúa đâu cả; dù đã có xác quyết về đức tin nhưng không tránh khỏi tác động đưa tôi ra khỏi tương quan thân mật với Chúa, nghi ngờ tình thương của Chúa dành cho mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết khiêm tốn ra nhận sự yếu tin của mình, để trên hành trình đức tin, con luôn nhớ đến Chúa, luôn vững tin vào Chúa. Xin Chúa tăng thêm lòng tin để con vượt thắng những yếu đuối của thân phận mỏng dòn, biết khiêm tốn và tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Chúa.

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Ba – Ngày 26 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 2,1-11

Tin Mừng : Mc 9,30-37

[…] Đức Giêsu đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ mầu nhiệm tuyệt đỉnh của tình yêu. Đó chính là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, mầu nhiệm đưa con người đến vinh quang và hạnh phúc muôn đời.

Đứng trước lời loan báo về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, các môn đệ không những không hiểu mà còn sợ hãi. Điều này chứng tỏ, các môn đệ dù đã ở với Thầy một thời gian nhưng cũng không hiểu gì về Thầy của mình. Đôi mắt họ vẫn còn u tối. Như những người Do Thái đương thời, họ vẫn quan niệm về Đấng Kitô là Đấng mang lại quyền lực và vinh quang cho con người. Do đó, điều Chúa Giêsu loan báo thật quá xa lạ đối với các môn đệ.

Lời loan báo của Chúa Giêsu về cuộc tử nạn và phục sinh có lẽ không chỉ các môn đệ không hiểu, mà ngay cả nhiều người Kitô hữu ngày nay cũng không hiểu. Bởi vì, có những người là Kitô hữu nhưng không thuộc về Chúa. Họ coi ngày Chúa Nhật là ngày nghỉ ngơi; thay vì nghĩ về Chúa, họ chỉ hướng lòng về những cuộc vui, những buổi dã ngoại hay những bữa tiệc linh đình. Những người này tham dự Thánh Lễ với một tâm trạng mệt mỏi và không chú ý gì Lời Chúa. Họ là những con người thuộc về thế gian dù mang danh là Kitô hữu. Điều này thật đúng với lời Chúa nói: “Ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,16). Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh mà Chúa Giêsu dành riêng cho mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám từ khước mọi sự thuộc về thế gian mà bước vào cuộc tử nạn và hy vọng cũng được phục sinh với Ngài.

Tu sĩ Phêrô Đinh Hứa Quốc Thịnh, SVD

Thứ Tư – Ngày 27 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 4,12-22

Tin Mừng : Mc 9,38-40

Khi ấy, ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

RA KHỎI ÓC HẸP HÒI

Trong cuộc sống hằng ngày, lắm khi con người dễ bị tác động bởi óc cục bộ, bè phái, mà đánh mất tính khách quan để nhận thấy cái hay nơi người khác. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng bị óc hẹp hòi, tư tưởng phe nhóm chi phối. Và Chúa Giêsu đã nhân cơ hội mà dạy cho các ông một bài học.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ đừng ngăn cản người ta khi họ thực thi điều tốt vì danh Chúa. Ngài biết rõ công việc của những người trừ quỷ này là do quyền năng của Thiên Chúa. Một khi ai đó có những suy nghĩ và hành động vì mục đích và ý hướng ngay lành  thì họ luôn được đón nhận và quý trọng, cho dù họ không thuộc phe nhóm của mình.

Vì thế, chúng ta đừng ngăn cản họ và cũng đừng giới hạn họ trong việc hưởng hạnh phúc Nước Trời. Vì Nước Trời không giống như người ta vẫn thường hiểu ở một phạm vi nơi chốn hay bị giới hạn bởi một tôn giáo nào khác. Chúng ta không nên đóng khung Nước Thiên Chúa trong bất kỳ phạm vi giới hạn nào, thay vào đó, Nước Thiên Chúa cần được mở rộng luôn mãi.

Lạy Chúa, chúng con thường có những thói quen sống đóng khung Nước Thiên Chúa trong những quan niệm của mình và luôn nhìn người khác dưới con mắt đầy giới hạn để đánh giá họ là tốt hay xấu. Chúa là Đấng thấu suốt tâm can con người, xin cho chúng con luôn biết bám vào Chúa là sự hiểu biết tròn đầy để qua đó chúng con có thể hiểu và yêu mến, trân trọng những người chúng con gặp gỡ trong cuộc đời.

Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD

Thứ Năm – Ngày 28 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 5,1-10

Tin Mừng : Mc 9,41-50

[…] “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ DỨT BỎ

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy gột rửa bản thân, tiêu trừ những thói hư tật xấu để được hưởng hạnh phúc và bình an.

Hằng ngày nơi bệnh viện có biết bao nhiêu ca phẫu thuật cắt bỏ một phần thân thể để cứu mạng sống hoặc kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân. Sự sống thân xác quan trọng nhưng sự sống tâm hồn còn quan trọng hơn. Nếu sự sống tâm hồn bị đe doạ bởi những nguy cơ gây nên tội, thì cần phải loại bỏ cách dứt khoát: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… Nếu chân anh làm có cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy móc nó đi…”

Thật vậy, Chúa muốn chúng ta phải thật sự dứt khoát với tội lỗi. Ngài không đòi buộc chúng ta bỏ đi những bộ phận thân thể hiểu theo nghĩa đen, nhưng phải cắt bỏ những thứ làm duyên cớ cho chúng ta mất ơn nghĩa với Chúa. Chúa muốn ta phải dứt khoát rũ bỏ chúng, dù biết rằng việc từ bỏ đó đôi khi khiến chúng ta đau đớn. Nhưng có như vậy chúng ta mới nhận lãnh được nguồn ơn cứu độ.

Thiên Chúa vẫn hằng luôn mong đợi chúng ta dứt khoát với con đường tội lỗi mà quay trở lại cùng Ngài. Chính sự dứt khoát từ bỏ ấy sẽ đem lại cho chúng ta sự sống trong bình an, hoan lạc và xứng đáng với phần thưởng Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót. Cuộc đời con còn nhiều “cớ vấp ngã” cần phải loại bỏ, những thứ làm con mất ơn nghĩa với Chúa. Xin Chúa giúp con mỗi ngày biết hy sinh, từ bỏ để được hưởng ân huệ Chúa ban.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 1 – Tháng 3

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 6,5-17

Tin Mừng : Mc 10,1-12

[…] Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

NGOẠI TÌNH

Khi xã hội ngày càng hiện đại, cuộc sống con người được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao thì con người ngày càng chạy theo xu hướng hưởng thụ, thỏa mãn những dục vọng, đam mê thể xác.  Điều này đã để lại nhiều hệ quả xấu trong xã hội. Một trong những hệ quả đó là việc ngoại tình ngày càng tăng.

Hôn nhân một vợ một chồng là một trong những đặc tính của hôn nhân Công Giáo. Vì thế, những hành vi tìm kiếm thỏa mãn thể xác ngoài hôn nhân, ngoại tình… đều vi phạm đến bí tích mà Chúa Giêsu đã lập ra. Trong xã hội hôm nay, tình trạng ngoại tình không còn xa lạ mà dường như đã trở thành một xu thế. Xu thế đó xuất phát từ sự khao khát thỏa mãn dục vọng, ham mê “của lạ”, “chán cơm thèm phở” của nhiều người. Nó đã phá tan hạnh phúc của không biết bao nhiêu gia đình. Đồng thời, nó cũng xúc phạm đến Chúa và bí tích tình yêu mà Ngài đã thiết lập. Phá vỡ kết cấu gia đình cũng chính là phá vỡ tình yêu, mối tương quan giữa chúng ta với chính Chúa.

“Ngoại tình” không chỉ xảy ra trong đời sống gia đình nhưng còn xảy ra trong đời sống đức tin. Có thể chúng ta không ngoại tình trong thân xác hay tư tưởng hiểu theo nghĩa đen nhưng chúng ta có thể đang “ngoại tình” theo một nghĩa khác. Đó là những lúc chúng ta phạm tội. Chúng ta chọn lựa vật chất, dục vọng thay vì chọn lựa Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta đặt tình yêu cho tạo vật cao hơn cho Thiên Chúa. Một tình yêu mất trật tự. Chính lúc đó chúng ta cũng đang “ngoại tình”, dan díu với thụ tạo, phản bội lại tình yêu vô bờ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa dành cho chúng con thật lớn lao nhưng chúng con vẫn hàng ngày ngoại tình, xúc phạm đến Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết trọn tình với Chúa.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Tùng, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 2 – Tháng 3

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 17,1-15

Tin Mừng : Mc 10,13-16

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

HÃY CÓ TÂM HỒN TRẺ THƠ

Tin Mừng hôm nay cho thấy tình yêu thương cách đặc biệt mà Chúa Giêsu dành cho các trẻ nhỏ. Ngài cũng đề cao những ai có tâm hồn của trẻ thơ và xem đó là tiêu chuẩn để được vào Nước Trời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15).

Đối với Chúa Giêsu, tâm hồn đơn sơ, trong sáng và lòng tín thác của các em vào bố mẹ chúng chính là gương sáng để các Kitô hữu bắt chước trong tương quan với Thiên Chúa. Tinh thần đơn sơ như trẻ em giúp chúng ta biết ngạc nhiên trước những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa vượt ngoài trí hiểu của con người. Cũng như các trẻ thơ không bao giờ hoài nghi về tình thương mà bố mẹ dành cho chúng, chúng ta cũng cần có một tâm hồn trẻ thơ để tín thác vào tình thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hơn nữa, một tâm hồn đơn sơ, trong sáng còn là cách thế để chúng ta có thể dễ dàng đón nhận Nước Thiên Chúa. Và phó thác như trẻ nhỏ là có niềm tín thác không chút hoài nghi và khiêm hạ để trao dâng về Chúa cả cuộc đời mình, để cho ý Chúa được thực hiện.

Thế giới hôm nay có biết bao trẻ em bị đối xử tệ, bị bạo hành, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm nhưng người ta lại quá vô tâm, vô cảm và tàn nhẫn với các em. Các em như là hình ảnh của Đức Giêsu đang tiếp tục bị hành hạ, đánh đòn và đóng đinh trên thập giá. Các em như là hình ảnh của một Nước Trời đang bị người lớn chối từ và chà đạp. Mỗi Kitô hữu được mời gọi đón tiếp và học nơi các trẻ em tâm hồn đơn sơ và phó thác để được gặp chính Chúa và được cả Nước Trời.

Lạy Chúa,“như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).  Xin Chúa ban cho con có được một trái tim biết yêu thương, nhất là với các trẻ nhỏ và cũng xin cho con có được tâm hồn như trẻ nhỏ, ngõ hầu được Chúa đoái thương chuẩn nhận là công dân của Nước Trời vinh phúc.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 7 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoXuân “đi ra”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây