Thường Niên – Tuần VI – Năm C

0
463

Chúa Nhật – Ngày 17 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc 1: Gr 17,5-8

Bài đọc 2: 1 Cr 15,12.16-20

Tin Mừng : Lc 6,17.20-26

[…] Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

SƯỚNG VÀ KHỔ

Quan niệm Phật Giáo cho rằng “Đời là bể khổ”. Điều này phản ánh thực tế là cuộc sống luôn có vô vàn đau khổ, bất hạnh. Đã sống thì ắt phải trải qua đau khổ. Vậy điều gì sẽ giúp chúng ta sống lạc quan và hy vọng trong một thế giới ngập tràn đau khổ này?

Bài Tin Mừng hôm nay không nói cho chúng ta biết phải làm sao để hết khổ, nhưng giúp chúng ta mặc cho đau khổ một ý nghĩa sâu xa; đó là niềm hy vọng. Quả vậy, niềm hy vọng chính là lời hứa cứu độ cho những ai bây giờ đang nghèo khổ, và khóc than: “Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Đó chính là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng của những ai đang chịu đau khổ nhưng vẫn trung thành với Chúa. Khi đó, những khó khăn, thử thách hay đau khổ sẽ trở nên những phương tiện tốt để thanh luyện con người yếu hèn của ta.  Nó cũng là những cơ hội tốt để chúng ta  biết động lòng trắc ẩn và chia sẻ, ủi an những ai đang trong cơn thử thách.

Chúa Giêsu cũng đưa ra lời cảnh báo cho những người giàu có và sung sướng ở đời này. Không phải cứ sung sướng, hạnh phúc ở đời này thì đời sau cũng thế. Của cải hay những thứ tương tự như thế ở thế gian này không phải là “tấm vé thông hành” cho ta vào Thiên đàng để hưởng hạnh phúc mai sau.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết phân định đâu là đau khổ tạm thời và đâu là hạnh phúc đích thực để chúng con phấn đấu cho hạnh phúc ấy.

Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Thứ Hai – Ngày 18 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 4,1-15.25

Tin Mừng : Mc 8,11-13

Khi ấy, những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

CỨNG LÒNG

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô đã trình bày cho chúng ta biết về cuộc tranh luận của những người Pharisêu với Chúa Giêsu. Mặc dù những người Pharisêu kia đã được chứng kiến tận mắt những dấu lạ Chúa Giêsu làm, nhưng họ vẫn không chịu tin vào những việc Người làm. Chính vì thế, họ đã tìm cách để thử Người qua việc xin Người làm một dấu lạ: “Họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người” (Mc 8, 11b).

Chúa Giêsu chán ngán trước thái độ cứng tin của người Pharisêu. Bởi Ngài biết rằng họ xin dấu lạ không phải để củng cố đức tin mà là để thử thách Người. Họ không có thiện chí để tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa. Thật ra, Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ: hóa bánh ra nhiều, trừ quỷ, phục sinh kẻ chết… Thế nhưng, những người Pharisêu vẫn cứng lòng, không chịu tin, không chịu đón nhận. Vì thế, Ngài đã không ngần ngại trả lời rằng: “Tôi bảo thật các ông: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả” (Mc 22,13a).

Thái độ của người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay nhiều lúc cũng chính là thái độ của mỗi người chúng ta đối với Thiên Chúa. Có lẽ không ít lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đã cứng lòng, thậm chí dám thử thách và đòi hỏi Thiên Chúa làm cho ta những điềm thiêng dấu lạ. Đã có những lúc, chúng ta cả gan dám mặc cả và ra điều kiện với Thiên Chúa như những người Pharisiêu kia.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con. Xin mở rộng tấm lòng con để con luôn tin vào những chân lý mà Chúa dạy.

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 19 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 6,5-8.7,1-5.10

Tin Mừng : Mc 8,14-21

Khi ấy, các môn đệ Đức Giêsu quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”.

MEN TỐT VÀ MEN XẤU

Từ bao đời, con người đã biết giá trị hay là tác dụng của các loại men. Người ta dùng men để ủ bột làm làm nên những tấm bánh thơm ngon, nên những bình rượu ngon, nên những hộp sữa chua có lợi cho hệ tiêu hóa… Bên cạnh đó, lại cũng có những thứ men làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, như khi thức ăn để lâu giờ bị mốc và lên men.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đề cập đến một thứ men, nhưng lại khác hẳn với những thứ men thông thường và Ngài nhắc các môn đệ phải đề phòng, tránh xa: đó là men Hêrôđê và men Pharisêu. Đây là loại men gì? Tại sao lại phải tránh xa? Chúng ta biết, người Pharisêu và phái Hêrôđê thường sống nệ hình thức, kiêu căng, giả hình, coi truyền thống hơn cả luật Chúa; họ đam mê tiền của, thú vui quyền lực…Đó là những thứ men độc hại mà Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ hãy đề phòng, tránh xa.

Các môn đệ đang bị lây nhiễm bởi thứ men này, khi các ông cứ mãi bàn tán về chuyện quên mang theo bánh. Điều đó cũng cho thấy các ông vẫn đang nặng về vật chất, về thế tục. Thấy các ông chỉ lo tấm bánh vật chất mà quên đi tấm bánh tinh thần, quên đi Lời giáo huấn của Thầy, Đức Giêsu lập tức nói: “Anh em hãy coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê.” Lời cảnh báo các môn đệ xưa cũng chính là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta hôm nay, khi chúng ta cũng thường sống nệ về hình thức, giả hình, coi truyền thống hơn cả luật Chúa, và mãi lo tìm tấm bánh vật chất mà quên tấm bánh Lời Chúa và Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu, giữa bao lo toan trong cuộc sống, xin giúp chúng con biết hướng lòng về thực tại tối cao nhờ tấm bánh Lời Chúa và Thánh Thể. 

Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 20 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : St 8,6-13.20-22

Tin Mừng : Mc 8,22-26

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đến Bếtxaiđa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”

ĐỨC TIN SINH HOA TRÁI

Cuộc sống êm đẹp làm cho con người cảm thấy không cần cậy nhờ đến ai. Cũng vậy, tinh thần và thể lý an bình khiến người ta quên mất sự khao khát điều thiện. Nhưng một khi con người bị khiếm khuyết về mặt tinh thần hay thể lý thì sự khao khát được lành lặn luôn là niềm khao khát lớn nhất trong cuộc sống.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy sự khao khát được chữa lành không nằm hệ tại nơi cá nhân người bị mù mà còn nơi những người thân cận đưa anh mù đến để được Đức Giêsu chữa lành. Thánh Máccô thuật lại rằng: “Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta” (Mc 8, 22). Một cách nào đó, đức tin không chỉ giúp ta xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa mà còn giúp ta đi bước trước để đến với anh chị em mình, những người đang cần ta mang họ đến với Chúa bằng chính đời sống của ta.

Thật vậy, đức tin không thể lớn lên nếu như ta chỉ giữ riêng cho mình. Muốn đức tin ngày càng trưởng thành thì ta phải biết đem đức tin đó sẻ chia với những người xung quanh ta bằng những việc làm cụ thể như những người thân cận của anh mù đã đưa anh ta đến với Đức Giêsu để được chữa lành. Thánh Giacôbê Tông đồ đã từng nói: “Đức tin không có hành động thì quá là đức tin chết” (Gc 2,17). Đức tin, nếu không được thể hiện ra bằng hành động đức ái, sẻ chia, thì chỉ là một đức tin lý thuyết, không có sức mang lại cho ta ơn cứu độ.

Lạy Chúa, chúng con xác tín rằng Ngài vẫn chờ đợi đức tin mỗi người chúng con lớn lên trong tình liên đới với mọi người xung quanh. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, đức tin cần phải được lớn lên bằng những việc làm yêu thương giúp đỡ cụ thể đối với những người xung quanh con.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Thứ Năm – Ngày 21 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Thánh Phêrô Đamianô, giám mục,

tiến sĩ Hội Thánh (Tr).

Bài đọc : St 9,1-1

Tin Mừng : Mc 8,27-33

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ rời Bếtxaiđa để đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

THẦY LÀ AI?

Trước khi quyết định một điều gì hệ trọng, thông thường người ta phải suy nghĩ và bàn hỏi với những người có kinh nghiệm. Hỏi để biết rõ điều mình cần biết; hỏi để đưa ra những chọn lựa chính xác. Câu chuyện mà tác giả Tin Mừng Máccô thuật lại cho chúng ta hôm nay cũng vậy; Chúa Giêsu đã đặt ra một câu hỏi rất quan trọng cho các môn đệ, để các ông xác định rõ mục đích của mình khi theo Ngài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Sau khi nghe các môn đệ thuật lại việc dân chúng nói về mình là ai, Chúa Giêsu đã trực tiếp chất vấn các ông. Chúa đã không hỏi các ông xem họ có yêu mến Ngài không, họ đã làm được bao nhiêu việc bác ái cho tha nhân hay đơn giản là Chúa đã rao giảng những gì. Chúa chỉ cần các ông hiểu rõ về Đấng mà các ông đang đi theo là ai. Qua đó, Chúa thấy được sự xác tín của từng môn đệ với Chúa, là sự gặp gỡ cá vị giữa họ với Người.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng đang thì thầm với mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Lúc đó, bạn sẽ trả lời sao với Chúa? Có lẽ, mỗi người sẽ có những đáp án cho riêng mình khi nói về Ngài: Thầy là đấng yêu thương, Thầy là một người cha hay Thầy là một người bạn… Mỗi câu trả lời là cả một sự cảm nghiệm riêng tư của mỗi người trong tình yêu với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trên bước đường theo Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa là ai và cảm nghiệm được Chúa đang là gì với con, để mỗi ngày con biết sống và làm đẹp lòng Chúa hơn.

Tu sĩ Antôn P. Trần Khắc Phúc, SVD

 

Thứ Sáu – Ngày 22 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

Lễ kính (Tr)

Bài đọc : 1 Pr 5,1-4

Tin Mừng : Mt 16,13-19

Khi ấy, Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” […]

ĐỨC TIN LÀ MỘT ÂN BAN

Thánh Anselmo đã nói: “Thiên Chúa là Đấng mà người ta không còn có thể nghĩ ra Đấng nào cao cả hơn được nữa”. Quả thật, trí óc của con người chúng ta hạn hẹp không thể nào nắm bắt trọn vẹn sự hiểu biết về Ngài được. Nhưng qua sự mặc khải của Thiên Chúa cho dân Ngài một cách tiệm tiến thì con người mới biết Ngài là ai.

Nhờ vào sự mặc khải của Thiên Chúa nên tông đồ Phêrô mới có thể trả lời được câu hỏi của Chúa Giêsu. khi Người hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 15-16). Chính nhờ vào mặc khải của Thiên Chúa, ông Phêrô đã tuyên xưng đức tin của mình cách mạnh dạn, đã chìm đắm trong tình yêu đối với Thiên Chúa, và ngài đã minh chứng cho tình yêu ấy bằng cả chính mạng sống của mình.

Thiên Chúa là một Thực Tại Tối Cao, là một mầu nhiệm vượt quá sức hiểu biết của con người. Với lý trí hạn hẹp của con người thì càng đi sâu tìm hiểu về Ngài, ta càng cảm thấy mình chẳng thể hiểu được gì. Đến với Ngài, lý trí con người đóng một vai trò quan trọng nhưng nó không phải là duy nhất, mà còn cần đến một đức tin sâu xa, lòng yêu mến, sự dấn thân, khao khát tìm kiếm Ngài với cả đời sống và thái độ đạo đức. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng trọn hảo mới đáp ứng và khỏa lấp mọi khát vọng nơi con người. Chính vì lẽ đó mà con người cần phải có sự khao khát dấn thân khám phá, đào sâu để có được sự hiểu biết tràn đầy và viên mãn hơn mà tin yêu Ngài hơn.

Lạy Chúa, chúng con xác tín rằng đức tin không phải chỉ là một nỗ lực tìm kiếm của chúng con mà chính là nhờ ân ban của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết khao khát, và đặt mối tương quan kết thân với Ngài như là nền tảng, là nguồn mạch và là cùng đích của sự sống nơi mình.

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 23 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo.

Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Hr 11,1-7

Tin Mừng : Mc 9,2-13

Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.”  Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. […]

BIẾN HÌNH VỚI CHÚA                                       

Lịch sử cứu độ được dệt bằng những cuộc ra đi. Khi xưa các tổ phụ đã mau mắn từ bỏ mọi sự và ra đi khi nghe tiếng Chúa gọi. Và để tiếp tục chương trình cứu độ, chính Chúa Giêsu cũng đã làm một cuộc ra đi. Ngài đã rời bỏ địa vị làm con Thiên Chúa để đến cư ngụ giữa loài người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mạc khải vinh quang Nước Thiên Chúa cho các môn đệ thân tín để củng cố lòng tin cho họ vào sứ mệnh của Ngài. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ phải xác tín rằng hành trình cứu độ của Chúa là phải bước qua đau khổ đến vinh quang, từ cái chết nhục nhã trên cây thập giá đến sự phục sinh vinh hiển. Con đường Chúa Giêsu đã đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài.

Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc ra đi. Đó là một cuộc đổi mới, là hành trình đầy gian nan và thử thách. Vốn dĩ, cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, là những cái chết cho chính con người của mình. Cái chết ấy như những hạt lúa mì rơi vào lòng đất, thối đi và sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24). Cái chết ấy hướng chúng ta tới vinh quang sự sống đời sau.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy tự vấn chính mình: Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thật sự khao khát biến đổi đời tôi theo ý Chúa muốn không?

 Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cũng biết thanh luyện và biến đổi đời mình qua những thử thách, gian nan trong cuộc sống để bước vào vinh quang với Chúa.

Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 6 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoSứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.