Thường Niên – Tuần VI – Lễ Tro, B

0
300

Chúa Nhật – Ngày 11 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46

Bài đọc 2: 1 Cr 10,31 – 11,1

Tin Mừng : Mc 1,40-45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

TIN TƯỞNG TRONG KHIÊM TỐN

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Sự tin tưởng và thái độ khiêm tốn của người phong hủi đã khiến Đức Giêsu chạnh lòng thương mà chữa cho anh ta được sạch.

Xuyên suốt trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng, khi Đức Giêsu chữa bệnh hay làm các phép lạ, điều kiện đầu tiên Ngài đòi hỏi chính là lòng tin. Người phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay đã thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng và sự tự do của Đức Giêsu. Anh ta rất khao khát được sạch bệnh nhưng không vì thế mà cho mình cái quyền được áp đặt. Nhưng tiên vàn, người phong hủi đặt sự chọn lựa và quyền tự quyết trong tay Đức Giêsu. Bởi vì anh ta biết rằng, nếu Đức Giêsu muốn Ngài sẽ làm được mọi sự và nếu Ngài không muốn thì anh có xin cũng chỉ là vô ích. Đó là một thái độ khiêm tốn và khôn ngoan trong cách thể hiện niềm tin của mình. Chính thái độ ấy đã chiếm được cảm tình và tình thương của Đức Giêsu để rồi bệnh của anh được sạch, không phải theo ý muốn của anh nhưng là xuất phát từ ý muốn của chính Đức Giêsu.

Chúng ta hãy bắt chước thái độ của người phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay mỗi khi chúng ta cầu xin. Một thái độ khiêm tốn nhưng đầy phó thác, một lòng tin mạnh mẽ nhưng cũng rất thành tâm. Chúng ta hãy xin cho ý Chúa được thực hiên hơn là xin cho những điều chúng ta muốn được toại nguyện. Vì Thiên Chúa biết rõ điều gì là tốt đẹp nhất cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một trái tim khiêm hạ đơn thành để con biết lắng nghe và nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc đời con.    

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Hai – Ngày 12 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : Gc 1,1-11

Tin Mừng : Mc 8,11-13

Khi ấy, những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

PHÉP LẠ

Điều gì khiến những người Pharisêu khó tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến? Phép lạ hoá bánh ra nhiều những hai lần, nhưng họ vẫn “chê” đó là dấu lạ “dưới đất” và có lần họ đã xuyên tạc là Ngài dựa vào quyền thế của Bêendêbun để thực hiện. Thế nên họ đã “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”.

Đức Giêsu không làm dấu lạ để biểu diễn hay phô trương. Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng. Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài, nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ. Ngay từ đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu cũng đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do Thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Xatan: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi” (Mt 4,7; x. Đnl 6,16).

Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu: phép lạ của một đời sống vâng phục thánh ý Chúa với tất cả tình yêu thương và hy sinh phục vụ. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.

Qua đoạn Tin Mừng rất ngắn này, chúng ta soi mình trong những hành vi của người Pharisêu: Có bao lần chúng ta đến với Chúa để hạch hỏi Người: Tại sao? Vì sao điều đó lại xảy ra với con? Hoặc có khi nào chúng ta đòi Chúa phải cho con điều này, ban cho con ơn kia, thì  con mới tin Chúa, hay mới giữ đạo? Có bao giờ chúng ta đã thử thách Chúa, khi không tin tưởng phó thác vào Ngài mà chỉ cậy dựa trên địa vị hay của cải đời này?

Lạy Chúa, xin dạy con đừng chạy theo những kiểu phép lạ hào nhoáng bên ngoài, mà tìm kiếm những phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong chính đời sống hàng ngày của con. Amen.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Ba – Ngày 13 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VI

Bài đọc : Gc 1,12-18

Tin Mừng : Mc 8,14-21

Khi ấy, các môn đệ Đức Giêsu quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”.

COI CHỪNG MEN GƯƠNG MÙ

Chúng ta dạy cho con trẻ những điều hay lẽ phải. Dạy cho chúng đừng bắt chước bạn bè làm điều xấu. Còn đối với người lớn, khi thấy ai làm một điều gì đó mà không theo lẽ thường thì ta cảm thấy khó hài lòng. Thế nhưng, xã hội ngày hôm nay lại nhan nhản những gương mù gương xấu, đến nỗi nhiều khi người ta xem đó là những điều bình thường.

Trong bài Tin Mừng hôm này, Chúa Giêsu muốn căn dặn các môn đệ hãy coi chừng. Coi chừng các gương mù gương xấu cũng như lối sống giả hình của những người thuộc nhóm Pharisêu và Hêrôđê. Chúa Giêsu muốn các môn đệ giữ cho tâm hồn ngay chính. Ngài cũng đã nhiều lần cảnh báo các môn đệ về những ảnh hưởng xấu mà nhóm Pharisêu và Hêrôđê thường làm như họ nói mà không làm, hoặc không tin vào lời và quyền năng Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu.

Ngay lúc này, Chúa Giêsu đang nói với tôi, với chúng ta hãy coi chừng. Hãy coi chừng sự chai lì lương tâm của chính mình. Vì một khi lương tâm chai lì thì người ta dễ dàng chấp nhận điều xấu và bỏ qua điều tốt đẹp nên làm đó là sự chân thật, sự công bằng và tình thương. Hãy coi chừng, để đời sống của mỗi người trong chúng ta không bị thứ men gương mù gương xấu thâm nhập vào trong con người mình. Chúa mời tôi hãy sống tử tế, giúp đỡ những người đang cần mình để cùng nhau sống xứng đáng là con cái Cha trên trời và là anh chị em với nhau.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức về việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa mỗi ngày, để chúng con biết lánh xa các việc làm gây gương mù, gương xấu đến người xung quanh. Xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra thực hành là sống chân thật, yêu thương và giúp đỡ người khác.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Thứ Tư – Ngày 14 – Tháng 2

LỄ TRO

Giữ chay và kiêng thịt

Bài đọc 1 : Ge 2,12-18

Bài đọc 2 : 2 Cr 5,20-6,2

Tin Mừng : Mt 6,1-6.16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.  Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

CÕI ĐỜI ĐỜI

Trong ánh mắt Thiên Chúa, đời sống con người chỉ tựa như làn gió thoảng, như bông hoa sớm nở tối tàn. Kiếp sống dương gian chẳng khác nào một chấm nhỏ trong cõi đời đời, cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Ngày Lễ Tro hầu nhắc nhở các tín hữu ý thức được thân phận mỏng dòn, nhờ đó biết ăn năn thống hối mà chuẩn bị cho cõi trường sinh.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy mối quan tâm của Chúa Giêsu không phải là những giá trị của người đời, nhưng là của Thiên Chúa. Người dạy chúng ta cách cầu nguyện, bố thí, ăn chay theo tinh thần Nước Trời chứ không theo tinh thần thế gian. Tinh thần thế gian thì tìm kiếm hư danh, phô trương và kiêu ngạo. Ngược lại, tinh thần Nước Trời lại yêu chuộng những gì là bé mọn, kín đáo và khiêm nhường. Thật buồn thay những ai sống theo tinh thần thế gian, bởi phần thưởng chỉ phù du và ngắn ngủi biết bao! Phúc thay ai sống theo tinh thần Nước Trời, vì chưng phúc lộc của họ thật lớn lao và bền vững cho đến muôn đời.

 Lạy Chúa Giêsu, trong ngày chay tịnh, xin cho lễ phẩm con dâng Ngài không phải là những công trạng mà thế gian ban tặng, nhưng là những giọt nước mắt, mồ hôi rơi xuống trong thầm lặng thống hối, ăn năn.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Toàn, SVD

Thứ Năm – Ngày 15 – Tháng 2

Thứ Năm Sau Lễ Tro

Bài đọc : Đnl 30,15-20

Tin Mừng : Lc 9,22-25

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

ĐAU KHỔ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về con đường thập giá mà Người sẽ phải đi qua để có thể bước vào trong vinh quang phục sinh. Đối với Chúa Giêsu, con đường khổ nạn chính là nấc thang đưa tới sự phục sinh vinh quang.

Tự bản chất bất cứ ai trong chúng ta cũng đều ngại khổ, sợ khó, dễ nản lòng. Chính vì thế, khi đối diện với cánh cửa của sự đau khổ, chúng ta thường quay đầu bước trở lại. Như vậy, lời nhắc nhở của Đức Giêsu, cũng như chính Ngài đã bước đi trước, luôn luôn thách thức và mời gọi chúng ta bước đi theo Ngài.

Thế nhưng, đó cũng chỉ là lý thuyết, vì một điều đơn giản là năm nào cũng nghe, cũng biết, và cứ tới Mùa Chay thì lại ăn năn, xưng tội, và rước lễ. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thực sự thay đổi để bước theo Đức Giêsu chưa? Tất nhiên là chưa hoặc chưa thật sự triệt để!

Để có thể theo Đức Giêsu trên con đường khổ giá, chúng ta phải thực sự đối diện với con người của mình, phải sẵn sàng từ bỏ những tiện nghi, thoải mái, dễ dàng. Điều này chắc chắn sẽ đau, sẽ khổ, sẽ mệt mỏi và dễ thất bại. Nhưng đó là cánh cửa lớn thật sự mà ta phải bước qua trong cuộc đời theo Chúa.

Lạy Chúa, chúng con đang bắt đầu bước vào hành trình sửa mình, hành trinh cắt tỉa để mình trở nên đẹp hơn. Xin Chúa ban ơn Thánh Thần là nguồn mạch khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con luôn kiên trì và quyết tâm nhiều trên con đường bước qua khổ giá để đến vinh quang như Chúa. Amen.

Tu sĩ G.B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 16 – Tháng 2

MỒNG MỘT TẾT MẬU TUẤT

TẾT NGUYÊN ĐÁN

CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

Lễ Giao Thừa

(Ds 6,22-27; 1 Tx 5,16-26.28; Mt 5,1-10)

Lễ Tân Niên (Mẫu 1)

Bài đọc 1 : St 1,14-18;

Bài đọc 2 : Pl 4,4-8

Tin Mừng : Mt 6,25-34

Mẫu 2

(Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48)

Mẫu 3

(Is 11,1-9; Cl 3,12-17; Ga 14,23-27)

Khi ấy, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? […] Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

ĐỪNG QUÊN ĐIỀU CHÍNH YẾU

Câu chuyện kể về một người phụ nữ có một đứa con. Cô rất thương con và hy sinh tất cả vì con. Một ngày nọ đang bế con đi kiếm sống thì đột nhiên bị lạc vào một cái hang động đầy vàng bạc. Cô nghe có tiếng nói: ngươi chỉ có 8 phút để lấy những gì cần thiết, nhưng đừng quên cái chính. Người mẹ thả đứa con xuống và lấy vàng vào giỏ hết sức có thể. Đến khi có tiếng báo hết giờ, người mẹ kịp ôm vàng chạy ra ngoài và cánh cửa liền đóng lại. Ngay lúc đó người mẹ chợt nhận ra là mình bỏ quên đứa con trong hang động, nhưng tất cả đã quá muộn, cánh cửa đã đóng lại vĩnh viễn.

Chúng ta đang đứng ở vạch xuất phát của một năm. Khởi đầu một năm mới này, chúng ta trào tràn niềm vui, nhưng cũng không ít những ưu tư, trăn trở không biết năm mới này sẽ như thế nào đây. Lời nguyện nhập lễ cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng; Ngài là chủ tể của thời gian và mọi loài mọi vật.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa. Việc quan quan trọng nhất, đó là, trước hết chúng ta hãy “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”(Mt 6,33). Đó là điều qua trọng nhất của chúng ta. Chúng ta hãy ý thức rằng đừng vì lo toan sự đời như “hạt giống rơi vào bụi gai” mà quên mất điều chính yếu.

Lạy Chúa, chúng con đang đứng trước vạch xuất phát của một năm mới với tất cả niềm vui cùng với sự chuyển mình của cảnh sắc đất trời. Chúng con cũng có nhiều âu lo cho hiện tại và tương lai. Chúng con xin tiếp tục phó thác cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho chúng con trong năm mới này. Amen.

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Bảy – Ngày 17 – Tháng 2

Thứ Bảy Sau Lễ Tro

MỒNG HAI TẾT

Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

Bài đọc 1 : Hc 44,1.10-15

Bài đọc 2 : Ep 6,1-4.18-23

Tin Mừng : Mt 15,1-6

[…] Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, người đó phải chết”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)”, rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau”.

THỜ CHA KÍNH MẸ

Nếu nhìn vào mối tương quan giữa con cái với cha mẹ giữa thời xưa và nay, ta thấy có nhiều thay đổi. Trước đây, khi thấy cần thiết, cha mẹ có thể cầm roi để sửa dạy con cái. Khi cha mẹ về già, con cái thường sống cùng hoặc bên cạnh để chăm sóc, phụng dưỡng. Ngày nay thì khác. Con cái có thể kiện cha mẹ ra tòa chỉ vì dùng ngọn roi để răn dạy. Rồi vì sợ liên lụy, phiền hà mà con cái không muốn sống chung với cha mẹ; chúng gửi cha mẹ vào các viện dưỡng lão. Tất cả những thay đổi đó đang làm cho mối tương quan tình nghĩa giữa cha mẹ với con cái bị rạn nứt; những giá trị tốt đẹp của nền đạo hiếu cũng đang bị mai một, xuống cấp.

Trong ngày mùng hai Tết hôm nay, Giáo Hội dành riêng để kính nhớ các bậc sinh thành nên chúng ta; nhắc nhớ chúng ta về công ơn của các ngài, cũng như những bổn phận và nghĩa vụ mà chúng ta phải có đối với các ngài.

Cũng như con cái thời nay đã quên đi bổn phận đạo hiếu của mình, các kinh sư và những người Pharisêu thời Chúa Giêsu

cũng đã coi nhẹ giới luật thảo kính cha mẹ. Vì những truyền thống khác, họ đã không phân biệt được đâu là những giới luật cốt yếu, căn bản, quan trọng cần phải giữ, phải đề cao. Chúa Giêsu đã cho họ biết rằng hiếu thảo với cha mẹ là “điều răn của Thiên Chúa”, vượt xa và có giá trị hơn hẳn so với những luật truyền thống mà con người lập ra. Chính vì thế, không thể biện minh cho việc không phải thảo hiếu cha mẹ dù với bất kỳ lý do nào.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng lấy những lý do này nọ để trốn tránh bổn phận đạo hiếu của mình. Những lúc như thế, chúng ta đang thể hiện sự vô ơn, bất hiếu của mình; cũng như đang coi nhẹ, xem thường giới răn “thảo kính cha mẹ” – một giới răn mà chính Chúa Giêsu

trong bài Tin Mừng hôm nay đã nhấn mạnh và đề cao.

Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng con về tầm quan trọng của đạo hiếu, đạo làm con. Xin cho chúng con biết ra sức chu toàn bổn phận làm con của mình đối với các bậc sinh thành nên chúng con. Khi chu toàn như thế là chúng con đang “đền bù tội lỗi và tìm thấy kho tàng của mình”.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 6 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoHọp mặt Quý Ông Bà Cố Dòng Ngôi Lời thuộc các Tỉnh Cao nguyên Trung Bộ, lần thứ I

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.