Thường Niên – Tuần V – Năm C

0
410

Chúa Nhật – Ngày 10 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc 1 : Is 6,1-2a,3-8

Bài đọc 2 : 1 Cr 15, 1-11

Tin Mừng : Lc 5, 1-11

[…] Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Gia-côbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

TỪ BỎ VÀ ĐI THEO

Tháng 4 – 2017, trang web “Hoa hậu Mêxicô” đã đăng tải tin tức về việc cựu hoa hậu Esmeralda Solis Gonzalez gia nhập Dòng Thừa Sai Thánh Clara. Khi trên đỉnh cao sự nghiệp, cô đã từ bỏ tất cả để tận hiến cuộc đời cho Chúa. Tin này lan truyền nhanh trên mạng xã hội, tạo sự chú ý tại Mêxicô.

Tin Mừng hôm nay cũng kể cho chúng ta mẫu gương của bốn môn đệ đầu tiên đã từ bỏ mọi sự đi theo Chúa. Đó là các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Kinh ngạc trước uy quyền của Chúa Giêsu, và khi được mời gọi, họ đã “bỏ hết mọi sự mà theo Người”.

Chúa đã chọn các ông vào hàng ngũ tông đồ không vì các ông tài giỏi nhưng chọn họ vì yêu và vì họ là những con người đơn sơ, khiêm nhường và chất phác. Cả bốn ông đều sẵn sàng bỏ nghề nghiệp, gia đình mình để theo Chúa. Từ bỏ một điều gì đó không phải vì nó xấu, nhưng chỉ vì trong hai điều tốt ta chọn cái tốt hơn. Cả nữ tu Gonzalez và bốn môn đệ đầu tiên đều đã từ bỏ công danh sự nghiệp để theo Chúa, là điều tốt hơn.

Thật vậy, các môn đệ đã trở thành những chứng nhân của Chúa ở trần gian, giúp cứu rỗi nhiều người. Việc trở thành nữ tu của cựu hoa hậu Gonzalez tạo hiệu ứng đạo đức đẹp trong xã hội đang tục hóa ngày nay.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Ngài cũng thương mời gọi con bước theo Ngài. Ngài biết sự bất toàn, yếu đuối của con, xin ban niềm tín thác để con rao truyền tình yêu Ngài cho muôn dân.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 11 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Đức Mẹ Lộ Đức (Tr).

Bài đọc : St 1,1-19

Tin Mừng : Mc 6,53-56

Khi qua biển rồi, Đức Giêsu và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghennêxarét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

CHẠM ĐẾN CHÚA GIÊSU

Trong cuộc sống, có nhiều đụng chạm thân thể giữa người với người. Có những đụng chạm thể lý dẫn đến tội lỗi và gây đau khổ cho người khác, nhưng cũng có nhiều đụng chạm thể lý đem đến sự an ủi, sẻ chia, vỗ về và chữa lành cho tha nhân.

Hôm nay, thánh Máccô đã mô tả cách rất ngắn gọn việc chữa bệnh của Chúa Giêsu qua việc đụng chạm. Ngài viết: “Bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6,56). Điều này không những làm người Do Thái ngày xưa kinh ngạc mà còn làm cho người thời nay ngạc nhiên nữa. Bởi vì, mặc dù y học hiện đại đã chữa được rất nhiều bệnh mà trước đây nhân loại phải bó tay, nhưng vẫn còn đó những căn bệnh lạ và hiểm nghèo mà con người phải thúc thủ. Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền chỉ bằng một sự đụng chạm thể lý; không có một bệnh tật nào mà Người không chữa được. Do đó, chúng ta có thể nói rằng điều này cho thấy Chúa Giêsu có một năng lực phi thường mà loài người không thể có được. Năng lực ấy cho thấy Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, Đấng có quyền năng trên bệnh tật, trên con người và trên ma quỷ.

Ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều có những căn bệnh phần xác lẫn những căn bệnh phần hồn. Nhưng liệu chúng ta có ý thức được tình trạng bi đát này không? Thứ đến, liệu chúng ta có chịu khó chạy đến và đụng chạm vào Chúa để được chữa lành hay không?

Lạy Chúa, Chúa vẫn luôn hiện diện bên con. Ngài vẫn luôn hiện diện trong Kinh Thánh, Lời của Ngài. Ngài vẫn luôn hiện diện nơi các bí tích. Ngài vẫn luôn hiện diện nơi những người anh chị em đang sống chung quanh con. Nhưng đôi lúc con đã giả điếc làm ngơ. Con đã không chạy đến với Ngài nơi những địa chỉ đáng tin cậy ấy để đụng chạm vào Ngài và được Ngài chữa lành. Xin Chúa thứ tha và đụng chạm vào người con để con được chữa lành những căn bệnh thể xác lẫn các căn bệnh thiêng liêng trong tâm hồn con.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Ba – Ngày 12 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 1,20-2,4a

Tin Mừng : Mc 7,1-13

Khi ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” […]

ĐẠO ĐỨC GIẢ

Có nhiều căn bệnh như: AIDS, sars, H5N1, viêm gan, ung thư… đang đe dọa mạng sống của con người mỗi ngày. Nhưng ngoài những căn bệnh về thể lý đáng sợ ấy còn có một căn bệnh nguy hiểm hơn đó là căn bệnh “đạo đức giả”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã lên án bệnh đạo đức giả của nhóm Pharisêu và một số kinh sư, bởi vì họ nói mà không làm. Họ viện cớ truyền thống mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa (x. Mc 7,13). Họ chỉ chú trọng làm sạch những thứ bề ngoài như: rửa tay, rửa chén, rửa đồ đạc… mà quên mất việc tẩy rửa tâm hồn.

Từ xa xưa, cha ông ta đã có những thành ngữ, ca dao rất thấm thía để vạch mặt kẻ “đạo đức giả”: “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”; hoặc “Bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao”. Như những người Pharisêu và kinh sư, bản thân tôi nhiều lúc còn mắc phải căn bệnh “đạo đức giả” này, nhất là những lúc tôi muốn che dấu những thiếu sót và những sai phạm của mình. Với sự khéo léo, tôi có thể che giấu những lỗi lầm với mọi người xung quanh, nhưng làm sao có thể che mắt Chúa là Đấng luôn thấu suốt mọi điều bí ẩn trong lòng tôi?

Lạy Chúa Giêsu, con xin lỗi Chúa vì những lần giả hình khiến cho anh chị em xung quanh con phải thất vọng và khiến Chúa phải buồn lòng. Xin Chúa ban ơn và soi sáng cho con, để con có thể nhận biết đâu là giá trị thực mà quyết tâm sống theo chân lý của Ngài.

Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 13 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 2,4b-9.15-17

Tin Mừng : Mc 7,14-23

Khi ấy, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!” Khi Đức Giêsu đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. Người nói với các ông: “[…] Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

CỘI NGUỒN CỦA SỰ Ô UẾ

Dân ca Nam Bộ có câu hò rất ý nghĩa khi nói về lòng người “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.” Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng phơi bày sự thật về sự ô uế nơi lòng người khi Người phán rằng “không có cái gì bên ngoài có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người phát ra mới là cái làm cho con người ra ô uế.”

 Nguồn gốc của cái xấu không xuất phát từ thực phẩm, hay nước uống, hay từ các công trình của Thiên Chúa, mà đến từ chính tâm hồn tự do của con người. Chúa Giêsu cũng giải thích rõ ràng rằng “vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu.” Như thế, nguồn gốc thâm sâu nhất của tội lỗi chính là lòng người. Lòng có chất chứa những ý nghĩ xấu, người ta mới thể hiện qua những hành vi xấu xa của mình.

Tự bản chất, Thiên Chúa luôn lan tỏa sự thiện hảo; Người tạo dựng con người và muốn con người được thông phần vào sự thiện hảo ấy. Nhưng thay vì hướng đến những điều thiện, những điều tốt đẹp để làm sống động hình ảnh Thiên Chúa, thì lòng con người lại phô bày sự xấu xa, thủ đoạn và trái ngược với hình ảnh Đấng Thiện Hảo. Thật vậy, với những điều xấu xa, con người đã bóp méo hình ảnh cao quý về một Thiên Chúa thiện hảo.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng mọi điều xấu đều có điểm xuất phát đầu tiên chính là nội tại của tâm bất minh. Xin Chúa ban cho chúng con một tâm hồn thánh thiện, một trái tim trong sạch, để mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng con đều lan tỏa sự thiện hảo của Chúa đến cho những người xung quanh.

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 14 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Thánh Cyrillô, đan sĩ và thánh Mêthôđiô, giám mục. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : St 2,18-25

Tin Mừng : Mc 7,24-30

Khi ấy, Đức Giêsu đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy Lạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất khỏi.

VƯỢT BIÊN CƯƠNG

Sống trên đời, con người cần có mối tương quan với nhau. Không ai có thể sống một mình, bởi “không ai là một hòn đảo”.

Người đàn bà xứ Xyri trong bài Tin Mừng hôm nay là người ngoại giáo. Bà rất can đảm, sẵn sàng vượt qua rào cản về cả địa lý, văn hóa, tôn giáo để đến nài xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái mình. Hơn nữa, bà có một thái độ khiêm tốn khi đối diện với thử thách của Chúa

Giêsu: “không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”

Chúa Giêsu là Đấng cứu độ phải đến; Ngài đã vượt qua biên giới của Do Thái Giáo để đến với hết thảy mọi người. Ngài trao ban tình yêu cho con người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa… Những hình ảnh này giúp chúng ta nhận thấy mình cần có hai thái độ:

Với Thiên Chúa: Chúng ta cần vượt qua rào cản của sự cám dỗ lười biếng, của tự ti để đến với Ngài; đồng thời can đảm, khiêm tốn thể hiện lòng thành, suy phục và tin tưởng Ngài tuyệt đối.

Với tha nhân: Chúng ta cần có tâm tình của Chúa Giêsu, loại bỏ rào cản tôn giáo, văn hóa cùng những luật lệ khác để đến với tha nhân bằng tất cả tình yêu chân thành.

Là những môn đệ của Đức Giêsu và luôn mang trong mình sứ mệnh truyền giáo, chúng ta cần “vượt biên cương” để xây dựng mối tương quan tốt đẹp với Chúa và với tha nhân hầu có thể làm chứng tá Tin Mừng sống động cho những người chưa biết Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết vượt qua cám dỗ lười biếng, thiếu lòng tin  và trông cậy để luôn chạy đến bên Chúa trong mỗi giây phút đời con. Xin cũng giúp con “vượt biên cương” của cái tôi ích kỷ để đến với tha nhân bằng tình yêu mà Chúa dành cho con.

Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 15 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 3,1-8

Tin Mừng : Mc 7,31-37

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

KHUYẾT TẬT CẢ HỒN LẪN XÁC

Con người bị khuyết tật về thể lý đã là một đau khổ, nhưng bị khuyết tật về tâm linh thì càng đau khổ hơn. Nếu bạn gặp gỡ những người khuyết tật, hay chính bạn bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó, thì hẳn bạn sẽ cảm nhận rõ nỗi đau này.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô trình thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người vừa điếc vừa ngọng. Có thể nói, anh thanh niên này đã nhận được một hồng ân lớn lao. Thứ nhất, anh được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh về thể lý, trả lại cho anh một thể xác hoàn chỉnh. Thứ hai, anh còn được Chúa Giêsu chữa lành về tâm hồn.

“Ngọng – điếc” về thể lý khiến con người vất vả biết bao nhiêu trong những sinh hoạt đời thường, nhưng “ngọng – điếc” về tâm linh khiến con người xa lìa Chúa. Bởi lẽ khi đó, chúng ta không biết Chúa nói gì và đáp trả lời mời gọi của Ngài ra sao.

Tạ ơn Chúa vì tôi chẳng bị khiếm khuyết về thể xác như chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng tiếc thay, tôi lại bị khiếm khuyết về tâm linh. Nhiều lần tôi làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa, giả như mình bị điếc khi mải mê đi theo lạc thú trần gian, tiền tài và danh vọng. Vì thế, tôi luôn trốn tránh khi tuyên xưng đức tin, hay mang Chúa đến cho mọi người qua tiếng nói ngôn sứ của mình.

Lạy Chúa, tuy con không bị khiếm khuyết về thể lý nhưng con lại bị khiếm khuyết về tinh thần. Xin chữa lành con cả hồn lẫn xác, để con không còn bị ràng buộc và trở thành nô lệ cho tội lỗi nữa.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 16 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : St 3,9-24

Tin Mừng : Mc 8,1-10

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” Các môn đệ thưa Người : “Ở đây,  trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đanmanutha.

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Tin Mừng thánh Máccô hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Sở dĩ Chúa làm như vậy là vì Người đã chạnh lòng thương xót họ. Lòng thương xót đã khiến Người không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước sự đói khát của đám đông dân chúng đi theo Người.

Chúa Giêsu đã thương xót họ, biết họ như bầy chiên không người chăn dắt, hơn hết là Ngài biết họ đang đói (x. Mc 8,2). Đây chính là trái tim thương xót của Chúa, trái tim chất chứa sự cảm thấu tình người. Ngài đã thể hiện một tình yêu chan chứa, tình yêu đi bước trước, không cần con người phải thổ lộ. Ngài không chỉ quan tâm đến linh hồn mà còn chăm lo cả phần xác của mỗi người. Phép lạ này làm thoả mãn khát khao của dân chúng. Phép lạ này là sự dâng hiến bản thân Ngài cho muôn người, vì phép lạ này là hình ảnh tiên trưng của mầu nhiệm Thánh Thể sau này.

Qua đây, Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy biết cảm thông và chia sẻ cho người khác, cho dù đó chỉ là một sự đóng góp nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng với lòng thương xót và quyền năng của Chúa, nó sẽ trở thành vô cùng lớn lao và quý giá.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu chúng con và yêu đến cùng, xin tuôn đổ đầy lòng chúng con nguồn tình yêu bao la của Chúa. Xin cho chúng con biết trao gửi tình yêu ấy đến với tha nhân hầu cho thế giới tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoTrực tiếp Thánh lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận Hà Tĩnh và Mừng ngày thành lập Giáo Phận Hà Tĩnh, Đức cha Phaolô nhận sứ vụ mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.