Thường Niên – Tuần V – B

0
439

Chúa Nhật – Ngày 04 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc 1 : G 7,1-4.6-7

Bài đọc 2 : 1 Cr 9,16-19.22-23

Tin Mừng : Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.  Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO

Bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu làm việc một ngày trọn vẹn ở Caphácnaum. Trước hết, Ngài ở hội đường đi ra và đến nhà hai ông Simon và Anrê, ở đó Ngài chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon đang trong cơn sốt. Đến chiều người ta đưa những kẻ ốm đau, bệnh tật đến và được Chúa Giêsu chữa lành. Sáng sớm hôm sau Ngài đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Cuối cùng Chúa Giêsu nói với các môn đệ đi đến các làng xã khác để rao giảng Tin Mừng.

Bài Tin Mừng cho thấy rõ một Đức Giêsu làm việc hăng say không ngừng nghỉ, với tình yêu thương tha nhân không bờ bến, luôn phó thác cho Chúa Cha qua lời cầu nguyện, và một con người Giêsu luôn sẵn sàng ra đi đến những nơi được Chúa Cha sai đi.

Là tu sĩ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tôi nhận thấy mình cần mang trong mình hình ảnh về một Giêsu luôn hết lòng vì sứ vụ. Tôi thấy mình cần phải trong tư thế sẵn sàng ra đi đến bất cứ đâu. Tuy vậy, đây có lẽ cũng là một điều không mấy dễ dàng cho những ai chưa sẵn sàng dấn thân. Bản thân tôi có thực sự sẵn sàng chưa, hay còn đang lưỡng lự trước những lựa chọn cho ơn gọi truyền giáo? Bài Tin Mừng đánh động  và thúc dục tôi can đảm hơn nữa để sẵn sàng ra đi như chính Chúa Giêsu đã ra đi và sai các môn đệ của Ngài cũng ra đi, đem Lời Chúa đến khắp mọi nơi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng việc sẵn sàng dấn thân cho công cuộc và sứ vụ truyền giáo theo linh đạo của Hội Dòng mà con đã chọn.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD 

Thứ Hai- Ngày 05 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Lễ thánh Agatha, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : 1 V 8,1-7.9-13

Tin Mừng : Mc 6,53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

VỊ THUỐC LÒNG TIN

Đời người gắn bó với bốn chữ: “Sinh-lão-bệnh-tử”, và không một ai có thể thoát khỏi quy luật tự nhiên này, không một ai sinh ra không có tuổi già, không có bệnh tật, và không phải đón nhận cái chết.

Đoạn Tin Mừng thánh Máccô cho ta thấy một khung cảnh nhộn nhịp của đám đông khi họ tiếp cận “Thầy thuốc Giêsu”:

“Khi nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người” (Mc 6,55-56). Có thể thấy, “Thầy thuốc Giêsu” chữa bệnh không giống bất kì vị thầy thuốc nào dưới trần gian. Người chữa bệnh không qua bất cứ vị thuốc nào dưới trần gian, thuốc của Người là “lòng tin” của con bệnh, chỉ cần tin là được khỏi dù bất cứ là bệnh gì.

“Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Dường như đối với Chúa Giêsu, lòng tin chính là một “thứ quyền phép” để ta làm được mọi thứ, nhưng làm sao để ta có một lòng tin dù chỉ bằng hạt cải?

Mỗi ngày tôi luôn tìm kiếm và xây dựng đức tin của mình trên những hành động; những hành động này sẽ cho mọi người thấy những gì tôi tin. Tôi tin những gì Thiên Chúa mặc khải, những gì Ngài truyền dạy, và những gì Ngài muốn tôi làm. Bởi lẽ “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17).

Lạy chúa, xin giúp con xác tín trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và yêu thương trong đức mến, để con có thể ra đi thực thi những điều Chúa truyền.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Ba – Ngày 06 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Thánh Phaolô Miki và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : 1 V 8, 22-23.27-30

Tin Mừng : Mc 7,1-13

Một hôm, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” …

NỘI DUNG HƠN HÌNH THỨC

“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” Nhiều khi chúng ta quá coi trọng những truyền thống do con người đặt ra, lo tuân giữ những tập tục loài người mà sao lãng việc tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa.

Đức Giêsu cảnh báo con người chỉ yêu thích vẻ đẹp hình thức hơn là vẻ đẹp nội dung, chuộng vẻ bề ngoài hơn là nội tâm bên trong. Với Thiên Chúa, Người muốn chúng ta không những phải đẹp về hình thức mà còn phải đẹp trong tâm hồn nữa; đó cũng là điều mà Người muốn cho chúng ta là con cái Người phải thực hiện. Bên cạnh đó, Người cũng cảnh báo chúng ta đừng coi trọng hình thức hơn là nội dung và bản chất của công việc, đặc biệt là trong việc tôn kính Thiên Chúa cũng như các công việc đạo đức khác. Cần chú ý đến cốt lõi của đời sống đạo thay vì quan tâm đến những tục lệ, thói quen để tránh việc chúng ta sao lãng trách nhiệm của mình.

Mặt khác, Người còn nhắc nhở chúng ta cần mau mắn và nhiệt tình hơn trong việc tuân giữ luật Chúa, coi việc thi hành thánh ý Thiên Chúa là nhiệm vụ tiên quyết đối với mỗi người Kitô hữu. Ngoài ra, Đức Giêsu cũng muốn cho các tín hữu biết rằng: luật lệ, truyền thống, tập quán… do con người lập nên đều có thể thay đổi được. Chỉ có một điều chính yếu không thay đổi, đó là giáo huấn của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận thức được những gì là cần thiết và quan trọng cho đời sống đức tin của chúng con.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Tư – Ngày 07 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : 1 V 10,1-10

Tin Mừng : Mc 7,14-23

… Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

CHỌN LỰA

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đối với con người, Ngài hết mực yêu thương và muốn con người nhận thức được điều gì là tốt, điều gì là xấu cho bản thân cũng như trong mối tương quan với những người xung quanh. Quan trọng hơn, Ngài cho con người sự tự do để chọn lựa, nghĩa là cho con người sự tự do thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.

Sự lựa chọn của con người xuất phát từ động cơ bên trong, từ đó làm cho các hành vi của con người trở nên tốt hay xấu như lời của Đức Giêsu: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, ganh tỵ, kiêu ngạo, ngông cuồng…” (Mc 7,20-21). Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói đến những tư tưởng, ý muốn, hành động là trong sáng hay vẩn đục, là tốt hay xấu, là đạo đức hay tội lỗi đều tùy thuộc vào cõi lòng của con người.

Những gì Thiên Chúa tạo dựng cho con người đều tốt đẹp, chỉ vì những ý định, tư tưởng tăm tối của con người mới làm cho nó trở nên xấu xa. Đối với chúng ta, Thiên Chúa cho chúng ta có sự tự do chọn lựa, hay khả năng phân biệt tốt xấu để thi hành thánh ý Người, đó là một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa đã thương ban. Ân huệ tự do mà Thiên Chúa ban lại đòi hỏi chúng ta trách nhiệm phân định để chọn lựa điều đẹp lòng Người.

Để có thể chọn lựa điều đẹp lòng Thiên Chúa, có những lúc chúng ta phải đấu tranh với những lôi kéo nghiêng chiều về sự dữ. Tuy vậy, những ai đủ can đảm để dùng tiếng nói tự do mà Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm con người để chọn lựa điều ngay chính, thì họ sẽ được hưởng niềm an bình nội tâm, một sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Lạy Chúa, vì sự yếu hèn và tội lỗi của bản thân, chúng con đã đánh mất ân sủng là sự tự do nội tâm. Xin ban cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm biết chọn lựa thi hành thánh ý của Ngài để tâm hồn chúng con luôn được an bình, thư thái như con cái Chúa.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Năm – Ngày 08 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Thánh Giêrônimô Êmilianô (Tr),

Thánh Jôsêphina Bakhita, trinh nữ (Tr).

Bài đọc : 1 V 11,4-13

Tin Mừng : Mc 7,24-30

Khi ấy, Đức Giêsu đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy Lạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất khỏi.

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

Người phụ nữ Canaan có người con gái bị quỷ ám; nghe biết Đức Giêsu đi ngang qua, bà liền đến nài van Người rủ lòng thương cứu con gái bà. Tuy nhiên, Đức Giêsu không thèm đoái hoài đến lời bà xin, nhưng với tình thương của người mẹ dành cho con, bà đã gạt qua một bên sự sĩ diện để nài xin Chúa cứu cho kỳ được đứa con gái của mình. Thấy lòng tin của bà vượt lên tất cả Đức Giêsu thốt lên rằng: “bà cứ về đi quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (Mc 7,29).

Sự khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình là nền tảng cho mọi thành công trong cuộc sống và trong sứ vụ. Bà mẹ này đã nhận mình chỉ “xứng đáng ăn vụn bánh của lũ trẻ làm rơi xuống” nên đã đánh động đến lòng trắc ẩn nơi Đức Giêsu. Vì thế điều bà xin cùng Người đã được toại nguyện.

Trong cuộc sống lắm lúc chúng ta cũng bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu; chúng ta cố gắng để tìm ra lối thoát với sức riêng của  mình nhưng đã không thể, dẫn đến tinh thần chán nản, buông xuôi. Cũng có những lúc chúng ta nhớ đến Chúa và nài van Người nhưng lòng tin chúng ta còn yếu kém và thiếu kiên trì nên đã bỏ cuộc và kết quả là tình cảnh càng thêm bi đát hơn.

Học theo gương kiên trì và lòng khiêm nhường của người đàn bà trong Tin Mừng, chúng ta hãy có lòng khiêm tốn cậy trông và phó thác vào bàn tay của Chúa trong mọi sự để Ngài dẫn chúng ta đến với bến bờ của cuộc sống hạnh phúc vui tươi.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để dù trong hoàn cảnh nào chúng con vẫn một mực tin tưởng nơi tình yêu và lòng thương xót của Ngài, để chúng con sống xứng đáng là con cái Chúa.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 09 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Bài đọc : 1 V 11,29-32; 12,19

Tin Mừng : Mc 7,31-37

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

ĐỤNG CHẠM

Một nhóm nhà khoa học đã làm một cuộc thí nghiệm về một nhóm trẻ em. Họ tách các em ra thành hai nhóm. Một nhóm thường được người khác đụng chạm đến. Nhóm kia thì ít được đụng chạm hơn. Và một kết quả rất bất ngờ: sau một thời gian các em ít được đụng chạm trở nên ít năng động hơn, một số khác thậm chí còn rơi vào tình trạng trầm cảm. Nhóm kia thì lại trái ngược hoàn toàn.

Đức Giêsu có cần phải đặt ngón tay vào lỗ tai và lưỡi của người kia thì mới chữa được anh ta không? Hẳn là không! Ngài chỉ cần đứng từ xa và phán một lời thôi thì tức khắc anh ta sẽ được lành. Nhưng nếu như vậy thì sự chữa lành của Ngài không mang nhiều ý nghĩa lắm.

Sự đụng chạm thể hiện tình yêu lớn lao hơn. Chúa không ngại đụng đến những kẻ bị người khác xa lánh. Sự đụng chạm lúc này không chỉ mang ý nghĩa về mặt thân xác nữa, nhưng nó đã đi sâu vào trong tâm hồn người được chữa lành. Được chữa lành về mặt thân xác lại chính là cơ hội để anh ta nhận ra cái sâu xa hơn nơi thông điệp sâu thẳm của Đức Giêsu.

Một thực tế không thể tránh khỏi trong mọi thời đại là vẫn luôn có cả người lành lặn thân xác, và cả những người không được diễm phúc đó. Nhưng, sự hoàn hảo hay bất toàn về mặt thân xác đó sẽ chỉ là yếu tố thứ yếu mà thôi. Một tâm hồn hướng thiện với một thân xác bất toàn thì tốt hơn là một thân xác hoàn hảo với một tâm hồn u tối.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cũng biết đụng chạm đến người khác bằng đôi tay của mình, và đồng thời trao gửi qua đôi tay đó tấm lòng chân thành của chúng con, để yêu thương, đồng cảm, xoa dịu nỗi đau của người khác. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD

Thứ Bảy – Ngày 10 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN V

Thánh Scholastica, trinh nữ, Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1 V 12,26-32; 13,33-34

Tin Mừng : Mc 8,1-10

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đanmanutha.

CHÚA CHĂM SÓC CHÚNG TA

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho cho chúng ta dung mạo một Thiên Chúa đi bước trước trong việc thi thố tình yêu dành cho con người, thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, qua phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương” vì đám đông đã ở luôn với Người để nghe giảng suốt ba ngày liền mà không có gì ăn, và nếu Người giải tán thì họ có thể bị xỉu dọc đường (x. Mc 8,2-3). Do đó, sau khi đã trao ban Lời Hằng Sống, Người còn muốn dưỡng nuôi thân xác họ nữa, dù dân chúng chẳng mở miệng xin. Việc hóa bánh ra nhiều còn là dấu chỉ của lương thực đời đời là chính thân thể Người rồi đây Người sẽ trao ban để dưỡng nuôi linh hồn người lãnh nhận. Đó là sáng kiến của tình yêu nơi Đức Giêsu.

Trong những lúc khó khăn chồng chất, nhiều người tỏ ra mất kiên nhẫn và than trách Chúa: tại sao Chúa lại gởi đến thập giá quá nặng cho họ; người khác lại chán nản thất vọng vì nguyện cầu mãi mà Chúa không đáp ứng; người khác nữa lại cảm thấy bất công vì mình hy sinh nhiều cho Chúa mà chẳng thấy Chúa trả công xứng đáng. Nhưng, Thiên Chúa đã chẳng tha ngay chính Con Một của mình (x. Rm 8,32) vì thương nhân loại, lẽ nào Người còn muốn trao thánh giá cho chúng ta, lại còn không đếm xỉa đến tâm nguyện của chúng ta hay sao? Có lẽ Thiên Chúa biết điều gì thật sự tốt cho con cái Ngài, và Ngài hành động đúng thời đúng buổi, hầu sinh lợi ích lớn nhất cho chúng ta.

Lạy Chúa, Ngài luôn đi bước trước và đã yêu thương chúng con đến cùng. Xin cho chúng ta luôn đặt trọn vẹn niềm tin tưởng, phó thác nơi Ngài, nơi Tình Yêu đã giải cứu linh hồn chúng con. Amen.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Bài trướcNGÔI LỜI MỪNG XUÂN MẬU TUẤT 2018
Bài tiếp theoThánh lễ Tạ ơn Tân Linh mục: Phêrô Hoàng Văn Hiến, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.