Thường Niên – Tuần II – Năm C

0
390

Chúa Nhật – Ngày 20 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc 1 : Is 62,1-5

Bài đọc 2 : 1 Cr 12,4-11

Tin Mừng : Ga 2,1-11

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăn hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào các chum”. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh hãy múc và đem cho ông quản tiệc!” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

PHÉP LẠ TÌNH YÊU

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana nhằm công khai sứ vụ của Người. Phép lạ hoá nước thành rượu tại tiệc cưới là dấu chỉ Chúa Giêsu sẽ thiết lập bí tích hôn nhân sau này.

 Đức Giêsu luôn quan tâm và chúc phúc cho cuộc sống hôn nhân. Theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày; tiệc cưới mà thiếu rượu giữa chừng  đã đẩy gia chủ và đôi vợ chồng trẻ vào một tình huống bối rối và khó xử. Nhưng Chúa đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon làm vui lòng thực khách và cứu gia chủ khỏi bẽ mặt.

Thời nay đời sống hôn nhân phải đối diện với nhiều thách đố, dễ gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ngày mới cưới thì tình nghĩa vợ chồng mặn nồng như ly rượu nồng tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau rượu nhạt tình phai, thậm chí hết luôn cả rượu tình nồng thắm thuở ban đầu. Ở Cana, khi người ta thiếu rượu, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho họ có rượu dồi dào. Ngày nay Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ này cho những ai thực tâm cầu xin Ngài với tất cả niềm tin. Xin cho những người đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân gia đình cũng biết thực lòng tin vào Chúa, nhờ lời chuyển cầu hiệu quả của Đức Mẹ, để phép lạ tình yêu vẫn được tiếp diễn trong đời sống gia đình.

Lạy Chúa, xin Chúa ban phúc lành cho các gia đình và nâng đỡ những gia đình đang thiếu rượu nồng tình yêu.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Hai – Ngày 21 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo.

Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Hr 5,1-10

Tin Mừng : Mc 2,18-22

Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”

ĐỪNG SỐNG GIẢ HÌNH

Giữ chay là một điều tốt và cũng là một phương thế để hướng tâm hồn ta lên Thiên Chúa. Bài Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay cho chúng ta thấy,  những người Pharisêu vừa giữ chay, vừa khiển trách Chúa Giêsu cùng các môn đệ của Ngài, vì không giữ chay.

“Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Những người Pharisêu làm một việc đạo đức và họ tự cho mình cái quyền chất vấn những người không sống đạo đức theo kiểu của họ. Họ ăn chay như một hình thức cốt để người ta trông thấy mà khen ngợi. Chúa Giêsu đã từng lên án cách sống giả hình này (x. Mt 6,16).

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng giống những người Pharisêu sống hình thức bên ngoài, sống giả hình giả bộ. Chúng ta đọc kinh và xem lễ hàng ngày nhưng khi có sự va chạm hay xảy ra mâu thuẫn bất đồng với anh chị em thì chúng ta khó lòng tha thứ và làm hòa với nhau. Hoặc khi chúng ta dạy người khác sống yêu thương, tha thứ … để sống chu toàn luật của Thiên Chúa nhưng chúng ta lại sống bất đồng, gây chia rẽ, nói xấu người này, chê bai người khác.

Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta hãy chú trọng đến nội dung hơn là hình thức bên ngoài, đem Lời Chúa ra thực hành chứ đừng giữ luật Chúa một cách hình thức.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra giá trị đích thực của Lời Chúa, để con biết đem ra thực hành chứ đừng nghe và giữ Lời Chúa như một hình thức để phê phán hoặc chê bai người khác.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Ba – Ngày 22 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : Hr 6,10-20

Tin Mừng : Mc 2,23-28

Vào một ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

TINH THẦN CỦA LUẬT

Khi đi băng qua cánh đồng lúa, các môn đệ của Đức Giêsu bứt lúa ăn, còn những người Pharisêu thì phàn nàn về điều không được phép trong ngày sabát chiếu theo luật. Đức Giêsu “bênh” các môn đệ của mình và tuyên bố rằng “Con Người làm chủ ngày sabát”. Vậy phải chăng Thiên Chúa được quyền miễn trừ luật mà Người đã ban?

 Trong trình thuật sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng thế giới trong sáu ngày. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi; Người tự giới hạn mình lại để trao cho con người quyền cai quản thế giới. Qua luật ngày sabát, Thiên Chúa mời gọi con người cũng hãy trở nên giống hình ảnh Người; đó là biết nghỉ ngơi, giới hạn quyền của mình để đất đai cũng được nghỉ ngơi và muôn vật được sinh sôi nảy nở. Như thế, luật ngày sabát vì sự sống, chứ không phải hạn chế sự sống; ngày sabát được tạo ra là để phục vụ cho con người, chứ không phải con người trở nên nô lệ cho ngày sabát (x. Mc 2,27).

Vậy, Đức Giêsu đã không tự tiện muốn làm gì thì làm trên luật Người đã ban, nhưng chỉ cho thấy tinh thần mà luật nhắm đến thì quan trọng hơn là việc tuân giữ luật theo mặt chữ một cách máy móc: Luật là vì sự sống con người.

Lạy Chúa, trong đời sống đức tin, chúng con phải tuân giữ nhiều giới luật. Xin cho chúng con hiểu tinh thần của luật để Lề Luật không phải là cái ách trói buộc chúng con, và để Lề Luật không phải là gánh nặng mà chúng con đặt lên vai nhau.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Tư – Ngày 23 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Bài đọc : Hr 7,1-3.15-17

Tin Mừng : Mc 3,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.

ĐỨC ÁI VƯỢT TRÊN TẤT CẢ

Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người bại tay hôm nay cho chúng ta thấy đức ái vượt lên trên tất cả lề luật. Vẫn biết ngày sabát là ngày hưu lễ, không được làm việc xác, nhưng việc chữa lành và cứu sống một con người luôn được đặt ưu tiên, không chậm trễ vì tất cả sứ vụ của Chúa Giêsu đến trần gian là để chữa lành và cứu sống.

Thánh Phaolô đã từng thốt lên trong 1 Cr 13,1-4: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Đối với thánh Phaolô, luật đức ái là luật vượt lên trên mọi lề luật.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc chúng ta soi mình qua ba mẫu người. Thứ nhất, chúng ta cũng như người bại tay bởi tội lỗi làm tê liệt. Chúa đến để cứu chúng ta. Từ đó chúng ta dám đưa tay ra với tha nhân đang đau khổ đang cần đến chúng ta. Thứ hai, có lúc chúng ta lại thấy mình như những người đạo đức hình thức trong bài Tin Mừng: luôn rình rập, lấy luật lệ để trói buộc nhau. Nhân danh luật bóp chết cả sự sống của tha nhân. Thứ ba, chúng ta theo tinh thần của thánh Phaolô về bài ca đức ái, đặc biệt chúng ta theo gương Chúa Giêsu để sống lề luật với tất cả tinh thần yêu mến.

Lạy Chúa, xin cho trái tim chúng con luôn nối kết với Thánh Tâm Ngài để chúng con sống và thi hành đức ái qua đời sống của chúng con. 

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Năm – Ngày 24 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hr 7,25 – 8,6

Tin Mừng : Mc 3,7-12

Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

ĐẾN VỚI CHÚA

Lẽ thường tình của cuộc sống, khi ta mến mộ hay cảm phục ai đó, ta luôn muốn tìm gặp và muốn biết về người đó nhiều hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô cho ta biết: Đám đông dân chúng từ các vùng khác nhau lũ lượt đi theo và tìm gặp Đức Giêsu. Họ đến với Ngài không chỉ để được chữa lành, nhưng còn để được ban bình an và chúc phúc, bởi họ đã nghe và chứng kiến những việc tốt đẹp mà Đức Giêsu đã làm cho muôn dân.

Hành động lũ lượt kéo nhau đến với Đức Giêsu của đám đông dân chúng, gợi cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ. Là Kitô hữu, chúng ta đã sống thái độ nào đối với Thiên Chúa? Chúng ta đã thật sự đến với Ngài bằng một tấm lòng chân thật và tâm tình yêu mến hay chưa? Hay chúng ta chỉ đến với Ngài nơi nhà nguyện, nơi nhà thờ, còn khi ra khỏi đó chúng ta lại sống với một lối sống hoàn toàn khác: đố kỵ, ghen ghét, dối trá…? Đến với Đức Giêsu không chỉ nơi nhà nguyện, nhà thờ, nhưng còn gặp gỡ Ngài trong tha nhân nữa. Chúng ta được mời gọi và thôi thúc sống với một trái tim rộng mở, sẵn sàng cảm thông và chia sẻ với những khó khăn lầm lỗi của anh chị em mình, sẵn sàng tha thứ và biết mang niềm vui đến cho nhau.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết sống với những điều tốt đẹp để không chỉ làm vui lòng Chúa, nhưng còn là tấm gương để lôi cuốn mọi người đến với Chúa.

Lạy Chúa, xưa đám đông dân chúng đã lũ lượt kéo đến bên Chúa để được nghe Lời Hằng Sống và để được chúc lành, xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, gặp gỡ Chúa mọi nơi mọi lúc.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Sáu – Ngày 25 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Phaolô Tông Đồ

Trở Lại. Lễ Kính (Tr).

Bài đọc : Cv 22,3-16 hoặc Cv 9,1-22

Tin Mừng : Mc 16,15-18

Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

LỆNH TRUYỀN TRUYỀN GIÁO

Trình thuật Lời Chúa hôm nay nằm trong khung cảnh Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục hiện ra với các Tông Đồ để trao ban bình an, củng cố đức tin và sai đi. Điều đó cho thấy rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dừng lại nơi biến cố khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng vẫn còn tiếp diễn. Đó là lý do tại sao Đấng Phục Sinh trao lệnh truyền truyền giáo cho các Tông Đồ và các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Đấng Phục Sinh đã trao ban một mệnh lệnh mang tính khẩn thiết và phổ quát, không còn biên giới của sự giới hạn về đối tượng cũng như không gian và thời gian. Lệnh truyền của Người là truyền giáo, nghĩa là loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của ơn cứu độ, Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Địa điểm loan báo Tin Mừng không còn bị giới hạn ở một địa danh hay nơi chốn nào cụ thể mà là “khắp tứ phương thiên hạ”, nghĩa là đi muôn nơi. Đối tượng của việc loan báo Tin Mừng cũng không chỉ dừng lại nơi những con chiên lạc nhà Israel hay đóng khung ở một đối tượng cụ thể nào đó mà là “cho mọi loài thọ tạo”. Điều đó cho thấy viễn tượng truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới hôm nay là đi muôn nơi và đến với muôn dân, không phân biệt lương giáo, chủng tộc, màu da, giai cấp, …

Là thành viên của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, lệnh truyền truyền giáo của Thầy Giêsu vẫn còn vang vọng và thúc bách chúng ta dấn thân trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay. Điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta hãy mạnh dạn, can đảm và nhiệt huyết lên đường, ra khỏi cái vỏ bọc an toàn của bản thân và nơi mình đang sống để mang hạt giống Tin Mừng tình yêu, Tin Mừng của ơn cứu độ, Tin Mừng của sự giải thoát đến với người khác.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con hoàn thành ơn gọi và sứ mạng truyền giáo cao cả mà Chúa đã uỷ thác.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Bảy – Ngày 26 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN II

Thánh Timôthê và Thánh Titô, giám mục. Lễ Nhớ (Tr).

Bài đọc : 2 Tm 1,1-8 hoặc Tt 1,1-5

Tin Mừng : Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.  Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’”

CÁCH THỨC TRUYỀN GIÁO

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu được phần nào cách thức truyền giáo. Truyền giáo là phải chủ động đến với người khác, chứ không phải chờ người ta đến với mình. Chúa Giêsu đã thực hiện và đã hướng dẫn cách thức này một cách cụ thể cho các môn đệ của mình.

Chúa Giêsu đã sai 72 môn đệ của mình ra đi truyền giáo. Ngài không bảo các ông vào trong các hội đường để rao giảng, nhưng Ngài muốn các ông hãy đến sống cùng, sống với và ở lại như thành viên trong một gia đình. Các ông hãy ăn uống tất cả những gì người ta dọn cho; chữa lành những người đau yếu bệnh tật và chúc lành cho họ. Nhờ đó, Tin Mừng sẽ được rao truyền và dễ dàng được đón nhận nhiều hơn, vì sức mạnh của Tin Mừng không còn là sự áp đặt từ bên ngoài nữa, mà được khởi đi từ một sức sống mãnh liệt nơi các môn đệ lan tỏa đến những người lắng nghe các ngài. Qua đó, Tin Mừng sẽ giúp cho những người nghe có sự biến đổi và bén rễ sâu trong tâm hồn họ.

Hơn nữa, muốn truyền giáo có hiệu quả thì trước hết chúng ta phải thật sự là “con cái của sự bình an”. Chúng ta phải có bình an trong mình thì mới có thể đem bình an cho người khác. Theo thánh Luca, sự bình an này được liên kết với ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho mọi người. Người môn đệ phải là chứng nhân của Tin Mừng bình an thì mới có năng lực lan tỏa an bình đến mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban bình an cho chúng con để chúng con có thể đem Tin Mừng bình an của Chúa cho người khác.

Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoĐức Giám mục Anphongsô Nguyễn Hữu Long đã về với Giáo phận Vinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.