Phục Sinh – Tuần VII – Năm C

0
480

Chúa Nhật – Ngày 2 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : Cv 1,1-11

Bài đọc 2 : Ep 1,17-23

Tin Mừng : Lc 24,46-53Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

NIỀM VUI TỪ TRỜI

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong khung cảnh khi các tông đồ đang ngây ngất với niềm vui Chúa Phục Sinh, thì Người được rước lên trời trước mặt các ông. Sự ra đi của Đấng Phục Sinh chắc chắn làm cho các tông đồ cảm thấy ngỡ ngàng và hụt hẫng vì chính lúc này sự hiện diện của Người là nguồn bình an và trợ lực tinh thần lớn lao cho các ông sau biến cố thập giá.

Hiểu được tâm trạng của các đồ đệ, Đấng Phục Sinh đã trấn an tinh thần các ông: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24,49a). Điều Chúa Cha đã hứa là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu đã từng nói: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không đi thì Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em” (Ga 16,7). Như thế, điều Chúa Cha đã hứa là gửi Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần đến. Đó là niềm vui lớn lao từ trời cao mà chỉ khi Đấng Phục Sinh được rước lên cao thì lời hứa của Chúa Cha mới nên trọn. Thánh Thần Thiên Chúa là niềm vui từ trời vì Ngôi Ba Thiên Chúa được sai đến để bắt đầu mở ra cánh cửa, khai mở một thời đại mới, một kỷ nguyên mới, một sứ vụ mới. Điều đó được thấy rõ sau biến cố Ngũ Tuần. Các tông đồ và các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Thần và từ đó mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh và ơn cứu độ cho muôn dân.

Có lẽ trong hành trình đời sống đức tin và ơn gọi truyền giáo của mỗi người chúng ta lắm lúc cũng lâm vào tâm trạng giống như các tông đồ xưa: có khi cũng buồn chán, thất vọng, hụt hẫng, mệt mỏi vì nghĩ rằng Thầy Giêsu đã rời xa mình. Đó là tâm trạng của những người môn đệ thiếu lòng tín thác vào lời hứa của Chúa Cha và sự bảo trợ của Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng, niềm vui từ trời chính là Đấng Bảo Trợ được gửi đến từ Chúa Cha luôn đồng hành, hướng dẫn và đỡ nâng chúng con trong mọi cảnh huống của cuộc đời, đặc biệt là những lúc chúng con gặp khó khăn, thử thách trên hành trình đức tin và thực thi sứ vụ.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Hai – Ngày 3 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Thánh Carôlô Lwanga và các bạn,

tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Cv 19,1-8

Tin Mừng : Ga 16,29-33

Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giêsu rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

CHÚA LÀ SỨC MẠNH TÔI

Tin Mừng hôm nay thuật lại bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong bữa ăn này, Chúa Giêsu đã trút hết những nỗi niềm, tâm tư của mình cho các môn đệ. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo về người môn đệ sẽ phản bội và nói lên lời từ biệt với các môn đệ.

Hiểu được trạng thái buồn lo của môn đệ, Chúa Giêsu muốn cho các ông được thật sự bình an trong tình yêu của Ngài (x. Ga 16,33). Chúa hiểu được các môn đệ sẽ phải chịu muôn vàn thử thách, khó khăn, bách hại, vu khống của thế gian. Vì thế, Ngài mong muốn các môn đệ hãy luôn ở trong Ngài, tin tưởng tất cả vào sự quan phòng của Ngài. Chính điều đó sẽ giúp cho tâm hồn các môn đệ được bình an, dù gặp phong ba bão táp của cuộc đời.

Chúa Giêsu không những báo trước cho các môn đệ mà còn cho cả chúng ta. Chúng ta sẽ bị thế gian cho là những con người ngu si, khờ dại. Chúng ta sẽ phải chịu nhiều hy sinh, nhiều gian khổ, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời và vì Tin Mừng.

Qua tất cả những điều đã xảy ra cho các môn đệ và cho chính Chúa Giêsu, thì lời khẳng định: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33) đủ làm cho các môn đệ và cho chính chúng ta là những người Kitô hữu dám hy sinh tất cả để chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời. “Thầy đã thắng thế gian” chính là vũ khí, là niềm tin của mỗi người Kitô hữu khi mạnh dạn bước theo con đường Chúa đã đi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết tin tưởng và phó thác mọi sự vào trong tay của Ngài. Xin cho chúng con luôn biết can đảm bước theo con đường mà Chúa đã đi để cùng đến đích với Ngài.

Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Thứ Ba – Ngày 4 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 20,17-27

Tin Mừng : Ga 17,1-11a

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha […]

ĐỂ VINH DANH CHÚA

“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha” (Ga 17,4-5a).

Đức Giêsu đã tự hạ mình đến tận cùng, mặc lấy thân nô lệ (x. Pl 2,6-11) khi đến thế gian thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài đã không nói, không làm điều gì tự ý mình nhưng đều bởi ý Cha (x. Ga 17,7-8), cho dầu, tự mình Ngài có thể làm được mọi sự, vì Ngài là Thiên Chúa thật. Hôm nay, trước sự chứng kiến của các môn đệ, Ngài cầu nguyện lớn tiếng hướng về Cha. Việc làm này của Ngài vừa tỏ cho các ông thấy Ngài là Đấng trung gian giữa Chúa Cha và họ, đồng thời cũng để khích lệ họ tiếp nối sứ vụ Cha đã ủy thác qua Ngài, như cách Ngài đã toàn tâm toàn ý chu toàn ý Cha.

Thánh Irênê từng dạy rằng: vinh quang của Thiên là sự sống con người. Chính để con người được sống và sống sung mãn, Đức Giêsu đã hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Là những Kitô hữu, trước hết chúng ta phải luôn tự vấn lòng mình: tôi có đang sống sự sống sung mãn của người làm con cái Chúa không? Kế đến, tôi có đang làm vinh danh Cha trên trời khi biết chu toàn ơn gọi Chúa đã ủy thác cho tôi, đó là làm cho người khác nhận biết và yêu mến Cha? Nghĩa là, cách nào đó, trong từng ngày sống tôi có thể hiện đức ái, sự quan tâm, thiện chí hòa giải, và tình liên đới với tha nhân không? Tôi có đang sống như một người được Chúa yêu thương và biến đổi từng ngày không?

Lạy Chúa, xin nâng đỡ con từng ngày để con đủ sức thi hành ý Chúa.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Tư – Ngày 5 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Thánh Bônifatiô, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Cv 20,28-38

Tin Mừng : Ga 17,11b-19

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.  Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

CẢM NGHIỆM YÊU THƯƠNG

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu thương của Người đối với các môn đệ một cách đặc biệt như tình thương của người cha dành cho con cái của mình. Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các môn đệ những ơn cần thiết và gìn giữ các ông trong đức tin, che chở các ông khỏi thế gian và thánh hiến các ông theo sự thật, nhằm giúp các ông tránh được mọi sự cám dỗ của thế gian này.

Vâng! Có thể nói Chúa Giêsu rất hiểu tâm lý các môn đệ của mình. Ngài biết trước những khó khăn thử thách sẽ xảy đến với các ông và Ngài sợ các ông sẽ đau buồn, chán nản, dễ ngã lòng, không đứng vững trước những sóng gió của thế gian nên Ngài đã xin Chúa Cha những ơn cần thiết nhằm giúp các luôn trung thành với sứ mạng được trao phó.

Việc đọc và suy niệm bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm và thấu hiểu được tình thương của Thiên Chúa dành cho mình. Dù trong cuộc sống có nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách đang chờ đợi mình phía trước, nhưng với niềm xác tín vào Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta tin rằng Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ và bảo vệ chúng ta trong tình yêu thương của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin giữ gìn con trong lời chân lý của Chúa, giúp chúng con biết sống theo Lời Chúa để được thánh hiến mà thuộc về Chúa.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Năm – Ngày 6 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Thánh Norbertô, giám mục (Tr).

Bài đọc : Cv 22,30.23,6-11

Tin Mừng : Ga 17,20-26

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành […]

HIỆP NHẤT

Hiệp nhất là khao khát của tất cả các gia đình, các tổ chức, các quốc gia, và cũng chính là ưu tư của chính Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay kể lại rằng: trước khi rời bỏ thế gian về với Chúa Cha, Chúa Giêsu lưu luyến và lo lắng cho đàn chiên nhỏ mà Ngài mới thành lập. Người đã cầu nguyện với Chúa Cha để xin ơn hiệp nhất, hiệp nhất như Cha ở trong Con.

Trải qua gần hai ngàn năm, đàn chiên của Chúa Giêsu giờ ra sao? Lời cầu nguyện của Người có hiệu nghiệm chăng? Thực tế cho thấy rằng, Giáo Hội Công Giáo là một trong những tôn giáo có tổ chức chặt chẽ và hệ thống bậc nhất thế giới. Cơ cấu phẩm trật được thiết lập một cách hệ thống và nhất quán trải rộng khắp thế giới mà không hề bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý hay văn hóa. Các thành phần từ giáo dân, các giám mục, linh mục cho đến giáo hoàng đều đồng thanh tuyên xưng một đức tin, một giáo lý; chia sẻ với nhau cùng một gia sản; kín múc cùng một nguồn mạch bí tích. Hội Thánh Công Giáo vẫn đứng vững và còn tăng trưởng dẫu trải qua biết bao cuộc bách hại, đối mặt với nhiều lạc thuyết cũng như các trào lưu thế tục. Tự sức mình, với sự mỏng dòn yếu đuối của phận người, làm sao có thể làm được điều này nếu không dựa vào sức mạnh của Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội chính là hiền thê mà Ngài rất đỗi yêu thương, xin đoái thương nhìn đến những vết thương mà Giáo Hội đang chịu đựng, xin thanh tẩy và chữa lành Hiền Thê Ngài.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Sáu – Ngày 7 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 25,13b-21

Tin Mừng : Ga 21,15-19

[…] Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

TÌNH YÊU BAO DUNG

Tình yêu là nhịp cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Đó cũng là điều kiện mà chính Đức Giêsu khi trao phó Giáo Hội của Ngài cho Phêrô đã đòi hỏi.

Đức Giêsu đã hỏi Phêrô đến ba lần trong cùng một ngữ cảnh: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Đức Giêsu không xét thân thế của Phêrô, không đòi ông phải có tài cán này nọ nhưng chỉ đòi hỏi tình yêu của ông dành cho Ngài. Đức Giêsu thấu hiểu được sự yếu đuối và bất toàn nơi con người của Phêrô. Ông đã ba lần chối Thầy, đã bỏ trốn khi Thầy bị bắt. Sự yếu đuối và bất toàn của Phêrô đối với Đức Giêsu chỉ là những cái thứ yếu, thậm chí là điều cần thiết để rèn luyện ông trở nên một người lãnh đạo thực thụ trong tương lai. Vì vậy, ba lần Đức Giêsu chất vấn Phêrô về tình yêu của ông dành cho Ngài như là cơ hội để ông bày tỏ lòng mến và sự trung thành.

Trong cuộc sống, khi một ai đó có lỗi, mọi người thường nhìn họ ở khía cạnh tiêu cực. Tại sao chúng ta không bắt chước Đức Giêsu để đối xử với tha nhân. Tha thứ bằng tình yêu bao dung luôn là động lực giúp họ vượt qua những yếu đuối, là cơ hội giúp họ tìm thấy con đường mới, hy vọng mới để bước đi. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô thánh Phaolô có viết: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Trong tình yêu, chúng ta được nối kết với Thiên Chúa, được giao hòa với tha nhân và đó là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ở trần gian.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trong tình yêu như Chúa đã dạy vì khi chúng con yêu thương nhau là chúng con đang loan truyền tình yêu của Chúa giữa lòng nhân loại.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Bảy – Ngày 8 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 28,16-20.30-31

Tin Mừng : Ga 21,20-25

Khi ấy, ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. […]

THEO THẦY TRONG SỰ PHỤC TÙNG

Chúa Giêsu đã đưa ra cho thánh Phêrô một mệnh lệnh. Mệnh lệnh này không chỉ dừng lại ở việc bước theo Người cách đơn thuần nhưng bao hàm ý nghĩa lớn lao. “Phần anh, hãy theo Thầy” là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đòi buộc nơi thánh Phêrô sự đáp trả và phục tùng trong sự sắp đặt của Người trước khi Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.

Thánh Phêrô là một mục tử, cũng là một tội nhân đã được tha thứ, sau lại được Chúa Giêsu cắt đặt làm người coi sóc Hội Thánh của Người. Cảm giác rằng thánh Phêrô sau khi đã trải qua những nốt thăng trầm của cuộc đời làm môn đệ Chúa, đã cảm nghiệm được sự tin tưởng và ưu ái của Chúa Giêsu đối với mình, cho nên ngài đã đáp trả lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu cách vô điều kiện, trở nên mẫu mực trong phận vụ của người mục tử đích thực.

Sự đáp trả bằng cách phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa đòi hỏi nơi thánh nhân việc nhận lãnh trách nhiệm lớn lao và đầy thử thách (x. Ga 11,52). Sự phục tùng còn thể hiện qua việc ngài chấp nhận cái chết để tôn vinh Thiên Chúa khi chịu tử đạo để làm chứng cho đức tin của mình.

Với chúng ta cũng vậy, để bước theo Chúa Giêsu, không có cách nào hơn cho bằng hy sinh cuộc đời mình cho sứ vụ mà Người đã giao phó. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần lãnh trách nhiệm “thu phục người ta”, phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa trong trách vụ của mình.

Lạy Chúa, chúng con còn yếu đuối khi chưa dám dấn thân cho sứ vụ của Chúa, xin cho chúng con biết can đảm nhận lãnh trách nhiệm và thực thi việc loan báo Tin Mừng của Chúa với niềm hăng say và vui tươi.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên – Năm C
Bài tiếp theoĐức Thánh Cha bắt đầu chuyến viếng thăm Rumani

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.