Phục Sinh – Tuần III – Năm C

0
363

Chúa Nhật – Ngày 5 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc 1 : Cv 5,27b-32.40b-41

Bài đọc 2 : Kh 5,11-14

Tin Mừng : Ga 21,1-14

[…] Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. […]

KINH NGHIỆM GẶP CHÚA

Kinh nghiệm rất cần thiết đối với đời sống con người. Trong đời sống tâm linh, có một loại kinh nghiệm rất quan trọng mà mỗi người Kitô hữu cần có đó là kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong cuộc đời mình.

Dù có đủ kinh nghiệm đánh cá trên biển hồ Tibêria, nhưng các ông vẫn nghe lời một người lạ có lẽ chẳng mấy kinh nghiệm gì nói với các ông: Này các chú, cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. Các ông làm theo và phép lạ đã xảy ra.

Trước mẻ cá lạ lùng, môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21,7a). Tại sao môn đệ Gioan nhìn vào mẻ cá lạ lùng mà nhận ra Chúa với thân xác phục sinh của Ngài trong khi tất cả các môn đệ khác đã từng sống với Ngài lại không nhận ra? Bởi đâu ông có được kinh nghiệm này? Bởi ông là môn đệ được Chúa thương chăng? Có lẽ chưa đủ, mà ắt hẳn Gioan phải có mối thân tình cách đặc biệt với Chúa. Nó được đan dệt từ một lòng tin chân thành, lòng yêu mến Thầy mình thực sự (một tình yêu Agape trao hiến), thì Gioan mới có được kinh nghiệm sâu sắc và nhạy bén về Chúa như vậy.

Vậy, để có được một kinh nghiệm nhạy bén về Chúa như Gioan, tôi cần được nuôi dưỡng bằng sự kết hiệp và tháp nhập cuộc đời tôi vào Chúa. Tôi không ngừng đến với Ngài qua Lời và Thánh Thể mỗi ngày với niềm tin yêu và khiêm cung.

Lạy Chúa, bao nhiêu thứ của thế gian này đang vây bủa, giam hãm và che phủ lên cuộc đời và con mắt đức tin của con, con như đang mù lòa trong đêm tối của sự dữ. Xin ánh sáng Phục Sinh của Chúa khai sáng và chữa lành con để con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố đời con.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Thứ Hai – Ngày 6 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 6,8-15

Tin Mừng : Ga 6,22-29

[…]. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm kiếm Người. Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nó: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thầy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? “Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.

TÌM CHÂN LÝ ĐÍCH THỰC

Trong bài Tin Mừng hôm nay đám đông dân chúng tìm Đức Giêsu và hỏi Người điều gì cần thiết phải làm để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn. Người trả lời họ: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.

Đối với người Do Thái, thật khó để họ tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Vì dựa vào Kinh Thánh, họ tin rằng Đấng cứu thế phải là một Mêsia xuất phát từ Thiên Chúa, đầy quyền năng, chứ không đơn thuần là con của một bác thợ mộc. Vì thế, họ ra công tìm Đức Giêsu chỉ vì muốn được no thoả cơm bánh.

Biết lòng dạ họ như thế, Đức Giêsu đã tỏ cho họ biết rằng chính Ngài là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận. Ngài hiện diện giữa họ và có quyền năng ban cho họ lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh chứ không đơn thuần là lương thực hư nát mà họ vẫn thường dùng. Vì thế, điều mà Chúa Giêsu mong muốn nơi họ là hãy ra công tìm chân lý đích thực là tin vào Ngài, Con Thiên Chúa hằng hữu.

Lời dạy dỗ của Chúa Giêsu cho dân Do Thái cũng chính là cho mỗi người chúng ta. Sống thời hiện đại, chúng ta tìm sức mạnh hão huyền nơi các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và chạy theo giá trị vật chất chóng qua làm lu mờ ý nghĩa đích thực của cuộc sống và quên đi căn tính Kitô hữu. Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại mình, và tìm chân lý đích thực là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa chứ không phải chỉ chạy theo những lương thực hư nát.

Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa xã hội đầy lấm lem bụi trần, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, soi dẫn lối đi của con để con tìm đến Chúa là giá trị đích thực, trường tồn của cuộc đời chúng con.

Tu sĩ Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD

Thứ Ba – Ngày 7 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 7,51-8,1a

Tin Mừng : Ga 6,30-35

Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Đức Giêsu đã tiên báo về mầu nhiệm Thánh Thể mà người sẽ thiết lập cho nhân loại.

Dân chúng đòi Chúa làm một phép lạ để cho họ thấy và tin. Họ đã dùng câu chuyện manna ngày xưa trong sa mạc để chất vấn Chúa Giêsu, nhưng Ngài cho biết manna mà tổ tiên họ ăn là thứ lương thực mau hư nát. Đồng thời, Chúa chỉ cho dân chúng một thứ lương thực mà ai ăn vào thì sẽ không phải chết là chính là Thịt và Máu Chúa. Thịt và Máu Chúa Giêsu chính là thứ bánh “Thiên Chúa trao ban, là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Chúa Giêsu đến thế gian chính là để ban phát thần lương  đó hầu nuôi dưỡng linh hồn con người. Quả thực, Thánh Thể là bánh trường sinh, là chính Thịt và Máu của Chúa, để những ai tin và đón nhận thì sẽ được thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa, sự sống đời đời.

Hằng ngày lương thực trường sinh vẫn được trao ban qua Bí Tích Thánh Thể, thế nhưng tôi lại đi tìm kiếm thứ bánh khác, dẫu biết ăn rồi sẽ lại đói. Tôi luôn chạy theo những của cải vật chất để nuôi dưỡng thân xác mà không nuôi được linh hồn. Ước mong lời Chúa hôm nay thức tỉnh tôi để tôi cảm nhận được lời Chúa, để mau mắn chạy đến với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Ước gì tôi luôn có lòng tin tưởng, sốt mến khi đón nhận Mình và Máu Chúa, để chính nguồn lương thực trường tồn ấy đem lại cho tôi sự sống muôn đời.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng chính Mình và Máu Chúa mới là lương thực trường sinh nuôi dưỡng linh hồn chúng con.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD

Thứ Tư – Ngày 8 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 8,1b-8

Tin Mừng : Ga 6,35-40

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

LÒNG TIN

Trong những mối quan hệ ở đời như bà con, thân hữu, láng giềng gần xa hay bạn bè, đồng nghiệp, việc chúng ta được yêu mến hay bị ghẻ lạnh, thành công hay thất bại, đều dựa trên yếu tố lòng tin.

“Tin” hay “tín” là đức thứ năm trong “ngũ thường” của Nho giáo. Nó là chuẩn mực để đánh giá nhân cách mỗi người. Tin là gắn bó, là ký thác, không nghi ngờ.

Lòng tin đặc biệt quan trọng để tạo lập các mối quan hệ. Nó làm cho tương giao của con người thêm gắn bó. Nó kéo những tấm lòng xích lại gần nhau. Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, tình cảm gia đình hay bằng hữu ngày càng mặn nồng bền chặt cũng vì tin nhau. Lòng tin mang lại cảm giác an toàn, hứa hẹn tình cảm sâu sắc và thành công ở đời. Đó là tương quan giữa người với người. Đức Giêsu thì quả quyết: “Ai tin vào tôi… sẽ được sống muôn đời” – một sự đảm bảo chắc chắn ở đời này và đời sau.

Thật vậy, Chúa Giêsu quả quyết cách chắc chắn rằng “những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời”. Tin vào Đức Giêsu là trao phó hoàn toàn cuộc đời mình trong tay Người, chỉ tìm kiếm và thi hành ý của Người mà thôi. Tin vào Đức Giêsu là để cho Người khoả lấp cơn đói, cơn khát của tâm hồn bằng lương thực Lời Chúa và Thánh Thể, để được thông phần vào sự sống thần linh của Người. Tin vào Đức Giêsu là dám đánh liều cuộc đời mình để thực thi sứ mạng của Người, sứ mạng Người được Thiên Chúa trao phó, là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, muôn nước mà cứu độ toàn thể nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết ký thác đời con cho Ngài, đặt hết lòng tin nơi Ngài, và sẵn sàng thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Ngài đã đón nhận từ Chúa Cha.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Thứ Năm – Ngày 9 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 8,26-40

Tin Mừng : Ga 6,44-51

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Thánh Tôma Aquinô nói rằng: “Cứu cánh tối hậu của con người chính là sự sống đời đời.” Muốn đạt được sự sống đời đời, con người cần phải tin vào Đức Giêsu và đón nhận Thịt Máu Người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai phương thức để đạt được sự sống đời đời. Đó là, “Ai tin thì được sự sống đời đời” (6,47) và “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời (6,50). Tin vào Chúa Giêsu là đặt trọn sự tín thác nơi Người, sống trong ân nghĩa của Người. Ăn bánh từ trời là được chia sẻ sự sống thần linh với Người. “Tin” và “ăn bánh” là bảo đảm cho sự sống đời đời. Hai phương thế này liên kết chặt chẽ với nhau.

Thật vậy, tin vào Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải thường xuyên chạy đến với Ngài để lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Bởi lẽ, đời sống của chúng ta không thể tồn tại và viên mãn nếu không hiệp thông với hiến tế hy sinh của Đức Kitô. Hiến tế này là một món quà yêu thương, là nơi nuôi dưỡng đức tin, là phương tiện để giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng tội lỗi, khỏi thế lực của sự dữ, lối sống vô luân, thiếu nhân bản và đạo đức. Chỉ trong Thánh Thể, chúng ta mới tìm thấy sự sống đích thực, một sự sống hiệp thông yêu thương nên một với Chúa và với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, tin vào Ngài và lãnh nhận Mình Máu Ngài là điều kiện giúp chúng con được hưởng sự sống đời đời. Tuy nhiên, chúng con là những con người yếu đuối, dễ sa chước cám dỗ, chỉ biết sống hưởng thụ mà không chăm lo đời sống vĩnh cữu. Xin Ngài đừng bỏ rơi chúng con nhưng ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, lòng yêu mến Thánh Thể mãnh liệt để sống kết hiệp với Ngài.

Phó tế Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 10 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 9,1-20

Tin Mừng : Ga 6,52-59

Khi ấy, người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.

SỐNG MUÔN ĐỜI

Sống muôn đời hay sống trường sinh là ước muốn của con người mọi thời, từ vua chúa cho đến thứ dân. Nhưng chưa ai trên cõi đời này đạt được điều đó cho dù họ đã vất vả tìm kiếm. Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại giới thiệu cho chúng ta một cách thế để có được sự sống muôn đời: ăn thịt và uống máu của Ngài.

Đối với người Kitô hữu, “sống muôn đời” không có nghĩa là không phải nếm sự chết, mà là được sống lại. Đức Giêsu đã tự hiến mình trên thập giá, đã chết thật để giao hòa ta với Thiên Chúa bằng máu của Người và đã sống lại thật. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu là đón nhận, gắn bó và nên một với Ngài, được chia sẻ sự sống thần linh của Người, sự sống phục sinh của Người. Đức Giêsu không còn là một con người hoàn toàn ở bên ngoài chúng ta, nhưng Người trở thành một thực tại sống động ngay trong tâm hồn chúng ta; sự sống của Người dưỡng nuôi đời sống của ta.

Chúa Kitô không phải còn là  Đức Giêsu lịch sử của quá khứ, mà là Đấng Phục Sinh đang sống động trong mối tương quan mật thiết với ta, tại đây và lúc này. Mỗi khi rước Mình và Máu Chúa Kitô trong từng Thánh Lễ, chúng ta để cho sự sống phục sinh của Người tiếp tục tuôn chảy và sống động trong từng hơi thở của chúng ta. Thánh Phaolô đã cảm nhận và xác tín sâu xa điều này khi tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết kết hiệp với Chúa mỗi ngày qua Bí tích Thánh Thể là lương thực đem lại cho chúng con phúc trường sinh.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Thứ Bảy – Ngày 11 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 9,31-42

Tin Mừng : Ga 6,51.60-69

Tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”[…]

CHƯỚNG TAI GAI MẮT

Sau khi nghe Đức Giêsu nói về Bánh Hằng Sống, một số môn đệ đã bỏ Người mà đi. Lý do là vì họ cảm thấy “chướng tai”, không thể chấp nhận những giáo huấn của Người.

Là những người đang bước theo Đức Giêsu trong đời sống tu trì, chúng ta vẫn thường gặp những điều “chướng tai gai mắt”, và nhiều khi chúng trở thành duyên cớ cho chúng ta từ bỏ con đường ơn gọi của mình.

Trước hết, những điều “chướng tai” đó có thể là những giáo lý của Đức Kitô. Có những giáo huấn của Người chúng ta cảm thấy ngược đời, không khả thi. Những giới luật như yêu thương, tha thứ, và trên hết là ba lời khuyên Phúc Âm nhiều khi làm cho chúng ta cảm thấy bất lực, không thực hiện được. Từ đó sinh ra nghi ngờ, thất vọng và không còn muốn bước theo Người nữa.

 Kế đến, có những thứ “chướng tai” xuất phát từ những anh em trong cộng đoàn. Những thói hư tật xấu, những lời nói, cử chỉ của anh em nhiều khi rất “chướng tai gai mắt” đối với chúng ta. Những điều đó đã làm cho đời sống tu trì của chúng ta trở nên ngột ngạt, khó chịu. Vì thế, có người đã rút lui; họ rút lui không phải vì Chúa cho bằng vì chính anh em mình.

Những người trung thành theo Chúa đến cùng là những người biết đón nhận và khám phá ra được những giá trị nằm trong những sự “chướng tai gai mắt” đó. Đối với họ, những khó khăn, khó chịu là phương thế để thanh luyện để đức tin trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn. Đó cũng là những điều cần thiết để rèn luyện nhân đức, tập tính kiên nhẫn, chịu đựng, biết yêu thương, tha thứ và quảng đại hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận tất cả những sự trái ý trong đời sống của mình để có thể theo Chúa đến cùng.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm C
Bài tiếp theoTu sĩ Antôn Mai Phùng, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây