Phục Sinh – Tuần III – Năm B

0
414

Chúa Nhật – Ngày 15 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc 1 : Cv 3,13-15.17-19

Bài đọc 2 : 1 Ga 2,1-5a

Tin Mừng : Lc 24,35-48

`… Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

THÂN XÁC PHỤC SINH

Khi nhắm mắt lìa đời, linh hồn thánh thiện thanh thoát bay lên Ngai Tòa Thiên Chúa trong hạnh phúc vô biên; nó đã thoát khỏi cái thân xác nặng nề, thoát khỏi cõi trần tục ô nhơ. Vậy mà Giáo Hội lại tuyên tín một điều xem ra có vẻ gây ra sự hụt hẫng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy, Amen”. Có phải sẽ hẩm hiu biết bao khi linh hồn vinh hiển lại mặc lấy thân xác? Ta phải hiểu sự phục sinh của thân xác như thế nào?

Sự phục sinh của Chúa Kitô đem lại cho chúng ta một lời giả đáp khá rõ ràng. Quả thật, như Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết thế nào, thì những kẻ theo Người cũng trỗi dậy như thế ấy; như Đức Kitô mặc lấy thân xác vinh hiển thế nào, thì những kẻ theo Người cũng mặc lấy thân xác vinh hiển thế ấy. Thân xác trần tục giống như hạt lúa gieo vào lòng đất, mục nát và tan biến; thân xác vinh hiển lại ví như cây lúa trĩu nặng bông mọc lên từ chính hạt lúa mục nát ấy.  Có thể nói một cách nôm na, thân xác giống như đầy tớ trung tín, còn linh hồn ví được như ông chủ. Khi còn ở thế gian, ông chủ và đầy tớ này đã sống khăng khít biết bao. Thế nhưng khi lìa đời, ông chủ đã bỏ người đầy tớ mà lên cõi vĩnh hằng. Câu chuyện kết thúc thật buồn! May thay, câu chuyện đã không kết thúc như vậy, nhưng cuối cùng họ đã đoàn tụ để cùng chung hưởng vinh phúc.

Lạy Chúa Giêsu phục Sinh, xin cho chúng con biết sử dụng thân xác như là một đầy tớ trung tín của linh hồn. Để sau này cả xác và hồn đều được trọng thưởng.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Hai – Ngày 16 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 6,8-15

Tin Mừng : Ga 6,22-29

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

SỰ TÌM KIẾM ĐÍCH THỰC

Tìm kiếm là một hành trình dài của con người kể từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Nói theo ngôn ngữ của đức tin: tìm kiếm là hành trình, là ơn gọi, là thao thức của con người muốn tìm và hướng đến Đấng là nguồn của mọi sự thiện hảo.

Tin Mừng Gioan hôm nay chỉ dẫn cho chúng ta biết cách tìm kiếm, một sự tìm kiếm đích thực của ơn gọi làm người: tìm kiếm Thiên Chúa (x. Ga 6,29). Thánh Gioan mô tả dân chúng tìm Chúa Giêsu, chỉ vì  đã được ăn no nê mà thôi (x. Ga 6,26). Đức Giêsu hướng họ đến một sự kiếm tìm để gặp gỡ điều viên mãn hơn, đó chính là tìm kiếm sự sống đời đời (x. Ga 6,27). Đây mới là sự tìm kiếm đích thực của đời người. Vì rằng, chỉ khi con người gặp được Đấng là nguồn và là cùng đích thì họ mới có thể thôi chuỗi ngày rong ruổi kiếm tìm.

Thật vậy, ước vọng đạt đến hạnh phúc là ước vọng chính đáng của con người, nhưng cũng chính niềm khao khát này mà con người không ngừng tìm kiếm, không ngừng chạy đua, để rồi nhiều khi đánh mất cả chính mình mà chỉ có được một thứ hạnh phúc tạm bợ. Nhu cầu về tiền bạc, địa vị, danh lợi và bao nhu cầu cá nhân khác dễ đẩy nhu cầu tìm Chúa, gặp Chúa xuống hàng thứ yếu, hay thậm chí Ngài không có chỗ trong chuỗi tìm kiếm của con người. Đấng là cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu lại bị đánh đổi bởi vài thứ hạnh phúc chóng qua. Đây không chỉ là cám dỗ của dân Ítraen thuở xưa, mà con là cám dỗ của con người thời nay, đồng thời cũng là cám dỗ thường trực của những người sống đời thánh hiến.

Lạy Chúa, xin chỉ dẫn và ban ơn cho chúng con, để chúng con ý thức rằng Ngài là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, và để chúng con tìm kiếm chỉ duy Ngài mà thôi.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Ba – Ngày 17 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 7,51-8,1a

Tin Mừng : Ga 6,30-35

Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

BÁNH TRƯỜNG SINH

Chúng ta hay nghe câu: “Có thực mới vực được đạo” hay trong Kinh Lạy Cha: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”. Dường như đối với con người, lương thực là thứ thiết yếu để duy trì sự sống.

Trong bài Tin Mừng người Do Thái đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6, 34). Đối với người Do Thái, thứ bánh mà họ đề cập đến chỉ là một thứ lương thực bình thường, một thứ lương thực cho thể xác. Họ chưa thể biết đến một loại lương thực trường sinh để thỏa mãn cơn đói thiêng liêng của họ. Khi Đức Giêsu khẳng định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4), Người muốn ám chỉ bản thân Người là bánh trường sinh mà mỗi người chúng ta đang cần đến.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn loay hoay tìm kiếm những thứ chu cấp cho bản thân, nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng: “ Đừng lo cho cuộc sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của người, còn tất cả những thứ kia người sẽ thêm cho” (Mt 6, 25. 33).

Lạy chúa, mỗi ngày chúng con vất vả tìm kiếm những thứ lương thực chóng qua để nuôi sống thân xác, nhưng chúng con đâu biết rằng, đến với Chúa tâm hồn chúng con mới được thõa mãn. Xin Chúa soi trí mở lòng để chúng con nhận ra chính Chúa là Bánh Trường Sinh mà chúng con cần phải tìm kiếm.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Tư – Ngày 18 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 8,1b-8

Tin Mừng : Ga 6,35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

Trong diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu đã làm cho mọi người ngỡ ngàng, kinh ngạc và không thể hiểu được khi Người tuyên bố: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

Đến trần gian làm người trong một thời khắc và khung cảnh lịch sử mà đại đa số dân chúng là những người nghèo khổ, hơn ai hết Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi vất vả của những người mà việc có đủ của ăn của uống hàng ngày là một nhu cầu cấp thiết. Và hẳn Chúa Giêsu không đánh lừa họ khi nói về một thứ lương thực trường sinh mà khi ăn vào sẽ không còn đói, uống vào sẽ không còn khát. Vậy thứ lương thực Chúa Giêsu hứa ban là gì mà kỳ diệu vậy?

Đối với Chúa Giêsu, cơm bánh nuôi sống con người, nhưng con người sống không chỉ sống nhờ cơm bánh (x. Mt 4,4; Lc 4,4). Xưa trong sa mạc hoang vu và khô cằn, Thiên Chúa vẫn có thể nuôi sống dân Ngài nhờ manna nhưng Thiên Chúa muốn con người hiểu rằng người ta sống còn cần “nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3; Mt 4,4).

Lương thực của Chúa Giêsu là thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Ga 4,34), mà ý muốn của Chúa Cha là người ta tin vào Chúa Giêsu để được thông phần sự sống thần linh, để “được sống muôn đời” và “sống lại trong ngày sau hết” (6,40).

Chúa Giêsu đón nhận tất cả mọi người, “không loại trừ ai”, “không để mất một ai”, dù cao sang hay hèn mọn, giàu có hay nghèo túng, vì mọi người đều là con cái của Chúa Cha và đáng được chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết tín thác vào Chúa để được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Và xin cho con biết mở rộng vòng tay đón nhận anh chị em con, để họ cũng được gia nhập đại gia đình Con Thiên Chúa mà được sự sống vĩnh cửu. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Năm – Ngày 19 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 8,26-40

Tin Mừng : Ga 6,44-51

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

TÔI LÀ BÁNH HẰNG SỐNG

Khi nhìn những người đang yêu ta có thể thấy nơi họ có những điểm chung. Một trong những điểm chung nổi bật nhất là những người này thường tìm mọi cách để làm cho người mình yêu được hạnh phúc; họ sẵn sàng không quản ngại nắng mưa, khó nhọc, thậm chí hy sinh cả chính bản thân mình nhằm đem tới cho người mình yêu một cuộc sống ngập tràn tiếng cười. Hình ảnh này ta có thể bắt gặp rất rõ nơi những bậc làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng trong gia đình.

Mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại được tóm gọn trong câu Kinh Thánh “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga3,16). Và cũng chính Người Con ấy, trong khung cảnh bài Tin Mừng hôm nay, hứa với đám đông, cũng là hứa với chúng ta hôm nay rằng: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Bánh ấy chính là thân mình Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người và cũng chính là Thiên Chúa. Bánh ấy giờ đây được thể hiện trọn vẹn nơi Thánh Thể.

Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa vẫn đang tự hiến thân mình cho sự sống của thế gian, và cho tôi. Tiếc rằng, nhiều khi tôi đã không ý thức được trọn vẹn ý nghĩa của quà tặng vô giá này. Vì thế, nhiều lần tôi đến với Thánh Lễ như là một nghĩa vụ chứ không phải đến để đón nhận Bánh Sự Sống cho cuộc đời hiện tại, cho sự sống tương lai, và cho hạnh phúc  viên mãn trong ngày sau hết của tôi.

Lạy Chúa, xin cho con ý thức rằng Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể, để mỗi khi con rước Chúa vào lòng, con được trở nên một với Chúa. Xin ban thêm lòng tin cho con, để con thực sự nhận ra được giá trị món quà là trọn vẹn con người của Chúa dành cho con và cho anh chị em con. Amen.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 20 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 9,1-20

Tin Mừng : Ga 6,52-59

Khi ấy, người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.

THÔNG PHẦN SỰ SỐNG THẦN LINH

Trong lịch sử loài người đã có biết bao bậc đế vương hằng khao khát đi tìm cho kỳ được phương thuốc trường sinh bất tử, nhưng họ đều thất bại trong vô vọng. Cuối cùng, tất cả đều tuân theo quy luật tất yếu của sự sống là sinh, lão, bệnh, tử. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho mọi người một phương thuốc trường sinh. Ngài mời gọi người tin hãy đến ăn và uống thịt máu của Ngài để được sự sống đời đời.

Đầu óc con người duy lý thời nay chỉ tin nhận những điều được coi là có cơ sở khoa học rõ ràng. Vì thế, đối với những ai chưa có đức tin, có lẽ họ cũng sẽ phản ứng như các môn đệ xưa kia: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. Thậm chí, có người có thể nghĩ người nói câu này bị bệnh hoang tưởng.

Với Chúa Giêsu, Ngài dám nhận Ngài đúng thật là “Bánh Hằng Sống” bởi vì Ngài chính là Sự Sống; Ngài đến từ Cha, Đấng Hằng Sống. Hơn nữa, Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại để minh chứng điều Ngài tuyên bố. Qua cái chết và sự sống lại, Chúa Giêsu đã trở nên, nơi bí tích Thánh Thể, nguồn lương thực nuôi sống người tín hữu trên đường về quê trời. Như vậy, nhờ đức tin tôi cũng được mời gọi liên kết với Đức Giêsu qua việc rước Mình và Máu Chúa hằng ngày. Thánh Thể chính là thần dược trường sinh mà Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Xin khơi dậy trong con tình yêu và lòng ước ao kết hợp với Chúa để mỗi ngày nhờ biết chạy đến nhận lãnh với Chúa mà con được thông phần sự sống thần linh của Chúa.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Bảy – Ngày 21 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN III

Bài đọc : Cv 9,31-42

Tin Mừng : Ga 6,51.60-69

Tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu

đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”[…]

LỜI NÀY CHƯỚNG TAI QUÁ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mặc khải cho dân chúng và các môn đệ đi theo Ngài về sự thật của mầu nhiệm Thánh Thể, một sự thật khiến họ không khỏi bàng hoàng, thậm chí bỏ cuộc vì không chấp nhận nổi.

Sự thật ở đây chính là việc Đức Giêsu

muốn tiên báo về cuộc khổ nạn của người. Trong cuộc khổ nạn ấy, Ngài trở thành một “con chiên bị đem đi sát tế” (Is 53,7) để đền tội cho dân. Nhưng trong cuộc sát tế này có chút ngược lại với truyền thống Do Thái. Thông thường máu và thịt[mỡ] được đốt làm của lễ toàn thiêu để dâng cho Thiên Chúa. Thế nhưng theo lời Đức Giêsu, thịt Ngài lại trở nên của ăn. Chính điều này đã làm cho dân chúng và một số môn đệ không thể tin nổi.

Quả vậy, thịt và máu Đức Giêsu không chỉ là của ăn, mà là của ăn đem lại cho con người sự sống đích thật. Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì. Của ăn chỉ có thể nuôi sống xác thịt, còn mình và máu Đức Giêsu liên kết với lời của Người là thần khí đem lại sự sống thần linh, sự sống viễn mãn đích thực cho con người.

Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu, nghe qua thật là chướng tai và khó chấp nhận. Việc người ta yêu nhau đến độ sẵn sàng trao hiến tất cả, kể cả chấp nhận cái chết, để người mình yêu được sống, cũng là thực tế mà không phải cũng có thể hiểu và thực hiện trong cuộc sống. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu cũng là chân lý không dễ hiểu thấu, chấp nhận và sống theo. Chỉ những ai yêu thật lòng đến độ sẵn sàng tự trao hiến tất cả may ra mới có thể hiểu thấu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu hết lòng để có thể hiểu được thế nào là mầu nhiệm tình yêu trao hiến trong Bí tích Thánh Thể.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm B
Bài tiếp theoTóm Lược Tông Huấn Hân Hoan Nhẩy Mừng của Đức Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây