Phục Sinh – Tuần IV – Năm B

0
380

Chúa Nhật – Ngày 22 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Bài đọc 1 : Cv 4,8-12

Bài đọc 2 : 1 Ga 3,1-2

Tin Mừng : Ga 10,11-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

MỤC TỬ DUY NHẤT

Chúa Nhật IV Phục Sinh nhắc nhớ cách đặc biệt về Chúa Giêsu – vị Mục Tử Nhân Lành. Chúng ta lại tiếp tục được nghe Tin Mừng Gioan chương 10, diễn từ về người mục tử nhân lành. Câu hỏi được đặt lại là: Chúa Giêsu có phải là mục tử duy nhất của đời tôi hay không?

Có lẽ câu hỏi này không phù hợp đối với mỗi người Công Giáo, nhất là lại trở nên dư thừa đối với những người đi tu. Bởi vì, ngay từ nhỏ, mỗi người đã được học đạo, lớn lên trong bầu khí kinh lễ của gia đình, sống trong sự thực hành Lời Chúa và bao nhiêu sự uốn nắn khác. Những điều đó đã cho mỗi Kitô hữu một câu trả lời rõ ràng rằng: Đức Giêsu chính là vị Mục Tử của đời mình. Thế nhưng, liệu có phải lúc nào trong cuộc đời ta cũng xem Ngài, và chỉ coi Ngài là mục tử tốt lành duy nhất của đời mình hay không? Điều đó không mấy người dám mạnh dạn khẳng định.

Vì rằng, khi đời là màu hồng với bao thành công rực rỡ, tôi thấy theo Chúa thật tuyệt vời; nhưng cũng có lắm người đã ngủ quên trong vinh hoa, tự thưởng cho mình một niềm kiêu hãnh, tự đắc, thậm chí xem những thành công đó là do sự lao nhọc và công sức của bản thân, để rồi Chúa chẳng thấy đâu trong chuỗi thành công và hạnh phúc của đời họ. Khi đời là chông gai, nhiều người đã chạy đến cùng Chúa để kêu cầu Danh Ngài, để xin Ngài ban ơn giáng phúc; nhưng cũng có lắm người gục ngã, thiếu niềm tin, dẫn đến trách móc Chúa, thậm chí bỏ đạo vì họ nghĩ Chúa đã gửi thánh giá quá nặng cho họ; Chúa đã bỏ họ!

Lạy Chúa, xin dạy con biết khẳng định và xác tín lại cuộc đời theo Chúa của mình. Giữa bao nhiêu tiếng gọi, giữa bao nhiêu ông chủ, giữa bao nhiêu con đường, xin dạy con chọn nghe tiếng Chúa, đi con đường của Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành của đời con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 11,1-18

Tin Mừng : Ga 10,1-10

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

Mục Tử nhân lành

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là cửa chuồng chiên, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua cửa mà vào thì sẽ được sống. Người Mục Tử Nhân Lành sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả chấp nhận cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài biết từng con chiên và từng con chiên biết Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.rong cuộc đời của Chúa Giêsu, một trong những phương pháp sư phạm của Ngài khi rao giảng Tin Mừng chính là phương pháp ẩn dụ. Tức là, mượn hình ảnh của thiên nhiên, động vật để nói lên một chân lý thuộc về Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử, đàn chiên và cửa chuồng chiên để nói lên mối tương quan giữa Ngài và dân Ítraen. Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Do Thái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.

Do đó, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trong cuộc sống, hãy làm mới lại mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời, luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình biết về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con được biết Chúa như chính Chúa đã biết chúng con. Amen.

Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD

Thứ Ba – Ngày 24- Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Thánh Fiđêlê Sigmaringen, linh mục, tử đạo.

Bài đọc : Cv 11,19-26

Tin Mừng : Ga 10,22-30

Khi ấy, ở Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn. Người Do Thái vây quanh Đức Giêsu và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

CHIÊN TA THÌ NGHE TIẾNG TA

Những người Do Thái tỏ ra sốt ruột muốn Chúa Giêsu khẳng định cách rõ ràng xem Người có phải là Đấng Kitô theo như họ trông chờ không. Chúa Giêsu

không trả lời thẳng những thắc mắc của họ nhưng hé lộ cho họ thấy căn tính thật sự của Người là mục tử và chỉ những ai thuộc về đàn chiên của Người mới có thể nghe và hiểu những gì Người mặc khải.

Con người hôm nay cũng chẳng khác gì dân Do Thái xưa; họ muốn được nhìn thấy phép lạ nhãn tiền từ Thiên Chúa, họ muốn thử thách Thiên Chúa. Đôi khi, họ chối bỏ sự hiện diện của Thiên  Chúa trong cuộc đời của mình.

Không chỉ những người vô thần, mà ngay cả những con Chiên mà Đức Kitô đã chuộc bằng giá máu, những người đã được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần cũng không tin vào Người. Họ muốn cuộc đời của mình phải đầy hoa hồng; nếu được như ý mình thì họ ca ngợi Thiên Chúa không ngừng, còn ngược lại họ cứ hỏi: “không biết có Thiên Chúa thật hay không?”.

Trước sự đòi hỏi đó, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng những việc Ngài làm là nhân danh Chúa Cha, và Ngài cũng khẳng định Ngài là con Thiên Chúa và chỉ những con chiên của Ngài mới biết và nghe được tiếng Ngài trong cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết đón nhận thánh ý Ngài trong cuộc đời của con, và luôn ý thức rằng Ngài luôn hiện diện bên con như mục tử chăm sóc cho đàn chiên của mình.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Võ Hữu Cường, SVD

Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Thánh Máccô, Tác Giả Sách Tin Mừng Lễ Kính

Bài đọc : 1 Pr 5,5b-14

Tin Mừng : Mc 16,15-20

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

BÀI SUY NIỆM 1: LOAN BÁO TIN MỪNG

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Chúa Giêsu đã là người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, đã vâng phục Chúa Cha để thi hành sứ mạng trong tình yêu. Vì muốn toàn dân đều được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời, Người đã lệnh truyền cho các môn đệ “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (x.Mc 16,15).

Trong kỳ mục vụ hè vừa qua, tôi may mắn được sống trong tâm tình của Giáo phận Quy Nhơn mừng Năm Thánh hồng ân – kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng, 400 năm để tạ ơn Thiên Chúa, tri ân tiền nhân và hướng tới tương lại. Đồng thời  đó cũng là cơ hội để nhìn lại những gì đã làm được và chưa làm được trong suốt thời gian qua.

Gẫm lại mới thấy rằng, các vị tiền nhân đã làm được quá nhiều điều cho con cháu: ngôn ngữ, chữ viết, Tin Mừng cứu độ. Qua đó tôi có dịp nhìn lại mình: nội chu toàn đạo hạnh cũng còn chưa xong, nói chi tới việc loan báo Tin Mừng. Chúa ban cho đôi chân để “đi” rao giảng Tin Mừng thì tôi lại ưa nhảy nhót hơn. Chúa cho đôi tay, trái tim để chở che, yêu thương, tôi lại thích dùng nó để bám víu những thú vui trước mắt. Tuy vậy,  những phút hồi tâm giúp tôi nhận ra Chúa vẫn bên cạnh, vẫn chờ đợi đứa con trở về mà đôi khi tôi cảm thấy Người như đang ở đâu xa lắm.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mời gọi con, một kẻ khả năng hạn chế với hành trang là nhiều thiếu sót, đến với Người, làm môn đệ của Người. Xin luôn trợ giúp, đỡ nâng để con luôn trung tín trong đời thánh hiến và sẵn sàng dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Amen.

BÀI SUY NIỆM 2: LÀM THỂ NÀO ĐỂ THI HÀNH TỐT LỆNH TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH?

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc16,15). Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu nhắn gửi đến các môn đệ: hãy đi loan truyền sứ điệp Phục Sinh, sứ điệp truyền giáo cho muôn người.  Họa lại gương Thầy Giêsu, Hiến pháp Dòng Ngôi Lời cũng muốn mỗi tu sĩ phải thuộc nằm lòng điều này: Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta. Tôi muốn mượn lời của Chúa Giêsu Phục Sinh nói với các môn đệ năm xưa, để suy niệm một khía cạnh nhỏ về tầm quan trọng của sứ điệp truyền giáo này.

Trước hết, đây là một lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục Sinh muốn các môn đệ của Người phải thi hành. Tuy nhiên, bằng cách nào người môn đệ của Chúa có thể thực hiện sứ điệp mà Người muốn nhắn gửi?

Đọc lại Tin Mừng, ta thấy rằng Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho các môn đệ rằng:Nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỷ, nói được các thứ tiếng lạ, họ sẽ cầm được rắn trong tay, và dẫu cho uống nhầm thuốc độc họ cũng sẽ vô hại (Mc16,17).Như vậy, để thực hiện được sứ điệp truyền giáo này, người môn đệ phải làm nhân danh Chúa, nhân danh Đức Kitô Phục Sinh. Phải nhân danh Ngài trong mọi trường hợp. Như thế, Ngài muốn người môn đệ theo Ngài, phải làm mọi việc cốt để danh Ngài được rạng rỡ vinh quang. Thế nhưng, để cho danh Ngài được vinh quang, người môn đệ ấy phải thu mình nhỏ lại, trong cách nói năng hiền hòa, khiêm tốn trong cách ứng xử, và có một trái tim đầy lòng nhân hậu. Nói như Đức giáo hoàng Phanxicô: “người mục tử phải thấm đẫm mùi chiên, biết thật rõ mùi chiên, để chữa lành và xoa dịu vết thương từng con chiên một. Con chiên nào lạc đàng, người mục tử phải dẫn về. Con chiên nào đau khổ, người mục tử phải làm sao để chiên vơi bớt khổ đau. Để từ đó, người mục tử thấy Chúa ở trong chiên, nhân danh Chúa để cho chiên được sống và sống dồi dào. Hiểu được như thế, người mục tử sẽ không còn nhân danh bản thân mình trong khi thi hành sứ vụ.”

Tuy nhiên, để làm được như thế, có lẽ Chúa muốn người môn đệ phải biết đặt trọn hồn mình trong lòng thương xót của Chúa, bám rễ sâu trong Ngài bằng chiêm niệm, nhất là phải có đức tin thật vững. Đức tin mà Chúa Giêsu đã từng nói rằng: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh  em không làm được(Mt 17,20).

Thiết nghĩ, người môn đệ để có thể truyền giáo bằng sứ điệp Phục Sinh của Chúa cho người khác, chỉ khi họ xây dựng cho mình đời sống thiêng liêng kết hợp mật thiết với Chúa, như cành nho kết hợp với thân nho, để dựa vào mạch nhựa sống của thân mà nuôi sống cành nho, và biết đặt trọn đời mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh qua những khó khăn, thử thách, cám dỗ hay những hiểm nguy phải đối mặt.Nói khác hơn, người môn đệ theo Thầy Giêsu phải có đời sống thật nhân bản, đời sống thiêng liêng thật sâu sắc, đời sống trí thức thật đúng theo đường hướng của Giáo hội và đời sống mục vụ với trái tim mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước. Đó là 4 điều căn bản và quan trọng trong tông huấn PASTORES DABO VOBIS mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn nhắn gửi đến các mục tử của mình. Và đó cũng là 4 chiều kích mà mỗi tu sĩ Ngôi Lời, giai đoạn Học viện phải nổ lực và sống đúng theo đường hướng đào tạo này.

Với tôi, có lẽ khoảng thời gian Học viện, quá trình đào luyện về học vấn, đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, nhân bản cùng với mục vụ, đó là khoảng thời gian thích hợp để tôi luyện bản thân về ơn gọi truyền giáo, xây dựng và nuôi dưỡng nó. Bởi lẽ, nếu không có nền tảng vững chắc, thì đời sống truyền giáo sau này sẽ khó vượt qua thách đố và dễ dẫn đến tuyệt vọng trên bước đường truyền giáo. Vì lẽ đó, tôi ý thức được tầm quan trọng của khoảng thời gian được đào luyện trong giai đoạn này. Muốn vậy, tôi thiết nghĩ người đồng hành, cùng với anhem và sự nỗ lực của bản thân, nhất là sự trợ giúp của ơn Chúa, sẽ giúp tôi nên tốt hơn trong sứ vụ. Tôi không dám chắc mình sẽ trở thành nhà truyền giáo cách trọn hảo để thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày, cùng với sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh, sẽ giúp tôi trung thành với sứ vụ mai này.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, bài Tin Mừng hôm nay là một nhắc nhở cho con trong sứ vụ truyền giáo, lệnh truyền Chúa dạy năm xưa,cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng con phải thực hiện hôm nay. Xin Ngài hãy ban thêm những ơn cần thiết cho chúng con trong cuộc sống hằng ngày, trong sứ vụ tu luyện, học tập và đào luyện bản thân nên tốt hơn và mỗi ngày nên giống Ngài hơn, biết bám vào Ngài, biết sống tình bác ái huynh đệ và xây dựng mối tương quan hài hòa với mọi người chúng con gặp gỡ.

Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh sưởi ấm tâm hồn chúng con và giúp chúng con biết sống lan tỏa Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người, bằng đời sống chứng tá của chúng con. Và xin chúc lành cho ơn gọi truyền giáo của mỗi người chúng con.

Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,13-25

Tin Mừng : Ga 13,16-20

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

PHẢN BỘI

Bài Tin Mừng này mang một màu sắc của đau buồn khi Chúa Giêsu nói, “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”. Lời tiên báo này cho thấy điều sắp xảy đến với Thầy trò Giêsu.

Chúa Giêsu hé mở phần nào về sự phản bội của môn đệ. Dù trước khi chọn các môn đệ, Chúa cầu nguyện, cân nhắc rất kỹ mới chọn lựa, thế nhưng sự phản bội vẫn xảy ra. Sự phản bội thường làm người ta đau đớn; sự phản bội của người môn đệ thân tín lại càng làm Chúa Giêsu tổn thương biết chừng nào.

Nhìn lại trong cuộc đời dâng hiến, dẫu ta đã tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm nhưng có những lúc ta đã quay gót lại với Chúa khi ta lỗi đến lời khấn, khi trái tim không dành trọn cho Đấng Tình Quân Giêsu.

Trong đời sống cộng đoàn, có những khi ta đã ganh ghét nhau, hơn thua nhau từng chút nhỏ, soi mói nhau trong cái nhìn của sự ích kỷ… dù trước đó ta là những người bạn thân thiết của nhau.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng bao giờ phản bội Chúa và phản bội nhau. Xin cho chúng con biết nhìn nhau trong cái nhìn của yêu thương, nhìn nhau trong cái nhìn của từ ái, để chúng con học đón nhận nhau với tất cả lòng thành và trái tim đầy ắp sự bao dung và nghĩa tình.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,26-33

Tin Mừng : Ga 14,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

LÒNG ANH EM ĐỪNG XAO XUYẾN

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến cuộc chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Sau ba năm làm môn đệ Thầy Giêsu, cùng ăn, cùng uống, cùng theo Thầy đi rao giảng khắp nơi, bây giờ Thầy bỏ các môn đệ mà về với Chúa Cha, hỏi sao các ông không buồn cho được! Chúa Giêsu hiểu rõ nỗi buồn lẫn nỗi lo âu, mất phương hướng của các môn đệ, nên Ngài lập tức an ủi các ông. Ngài cho các ông biết cuộc chia ly này chỉ là tạm thời: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó”. Thế nên, Chúa muốn các ông không những không buồn vì điều đó mà trái lại phải vui mừng, phải đặt niềm tin tưởng và chờ đợi Ngài trở lại đón các ông đi.

Lời động viên, trấn an của Chúa hẳn đã mang đến sự bình an cho các môn đệ, tất nhiên vẫn còn Tôma, hình như ông còn thắc mắc về nơi mà Thầy sẽ đi, nên ông đã hỏi: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Một lần nữa, Chúa củng cố niềm tin và vạch ra phương hướng cho các ông: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Như vậy, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không chỉ muốn tâm hồn các môn đệ được bình an, nhưng Ngài còn muốn khích lệ các ông hãy hướng lòng về Nước Trời. Và Ngài cũng xác định cho các ông biết Ngài chính là con đường dẫn tới Chúa Cha.

Lạy Chúa, trong cuộc sống, nhiều khi chúng con cũng mất phương hướng, buồn bã và thất vọng, những lúc đó xin cho chúng con nhớ lại lời Chúa an ủi các môn đệ để chúng con vững tin tiến bước về với Chúa bằng con đường Giêsu.

Tu sĩ Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 4

MÙA PHỤC SINH – TUẦN IV

Bài đọc : Cv 13,44-52

Tin Mừng : Ga 14,7-14

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm […]

HẠNH PHÚC KHI BIẾT CHÚA

Từ xưa đến nay, con người không ngừng tìm kiếm chân lý. Không riêng gì những người có niềm tin vào thần thánh, mà cả những người không tin có thần thánh cũng khao khát đạt đến chân lý. Nếu ước mơ của con người là đời sống hạnh phúc thì chân lý là cửa ngõ để bước vào niềm hạnh phúc ấy. Bởi lẽ làm sao một người có thể sống hạnh phúc nếu không biết bản thân mình từ đâu mà đến, sẽ đi về đâu, đâu là mục đích sau cùng của cuộc sống? Đức tin Kitô giáo dạy cho chúng ta biết nguồn hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, vì thế con đường đạt tới hạnh phúc là con đường tìm gặp và kết liên với Thiên Chúa.

Khao khát được diện kiến Thiên Chúa đã làm cho ông Philípphê phải thốt lên: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện ”. Hỏi như vậy vì ông vẫn chưa nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15). Câu hỏi đặt ra là tại sao sống bên Thiên Chúa thật mà ông Philípphê vẫn không thể nhận ra Người? Có lẽ cách mà ông hình dung về Thiên Chúa khác với cung cách của Đức Giêsu, hoặc nhãn quan ông nhìn vào Đức Giêsu không khác gì nhãn quan ông nhìn vào các thực tại và kỳ vọng trần thế, bởi đó tâm hồn ông bị che khuất khỏi nguồn chân lý thật vốn có thể được nhận biết bằng một con tim đơn sơ, phó thác.

 Hôm nay chúng ta nhận mình tin Chúa và biết Chúa nhưng biết đâu cái biết của chúng ta chỉ đơn thuần là sách vở? Thiết nghĩ một sự nhận biết Thiên Chúa tất yếu phải đụng chạm đến được con tim qua kinh nghiệm gặp gỡ trong cầu nguyện và những biến cố buồn vui của cuộc sống. Sẽ là không biết Thiên Chúa nếu Thiên Chúa đó vẫn còn xa lạ với vận mệnh của cuộc đời mỗi chúng ta.

Lạy Chúa xin giúp con biết không ngừng tìm gặp Chúa trong mọi giây phút của cuộc sống con và để cho Ngài biến đổi con. Amen.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Bài trướcMột nét Văn hóa trong Lễ Phục Sinh của người SLOVAKIA
Bài tiếp theoGiáo xứ Tầm Ngân – Hồng Ân Đức Tin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.