Mùa Vọng – Tuần I – Năm C

0
446

Chúa Nhật – Ngày 02 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc 1 : Gr 33,14-16

Bài đọc 2 : 1 Tx 3,12 –4,2

Tin Mừng : Lc 21,25-28.34-36

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.

Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

TỈNH THỨC

Chúa Giêsu nhắc nhở “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” (Lc 21,36). Tỉnh thức theo nghĩa đen là bỏ giấc ngủ ban đêm nhằm một mục đích nào đó. Có thể đó là sự kéo dài công việc hoặc tránh khỏi bị kẻ địch bất chợt tấn công hay đề phòng những tên trộm. Tuy nhiên, tỉnh thức mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hôm nay mang một ý nghĩa siêu nhiên: Tỉnh thức để sẵn sàng đón tiếp Chúa khi Ngài đến; tỉnh thức cũng có nghĩa là dù chúng ta sống trong đêm tối nhưng không thuộc về đêm tối. Chúng ta luôn đặt mình trong tình trạng báo động, phải dứt bỏ những thú vui, khoái lạc, dục vọng và con đường tội lỗi là lối dẫn ta tới chỗ diệt vong.

Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta hãy luôn giữ thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Ngài khuyên chúng ta hãy sống một cuộc sống điều độ, khước từ những gì là vô độ tối tăm, và mặc lấy áo giáp thiêng liêng là đức tin, đức mến và lòng cậy trông vào ơn cứu độ của ngày cánh chung.

Có thể nói tỉnh thức là đặc điểm của người Kitô hữu. Nhưng để đạt được sự tỉnh thức không dễ chút nào. Chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện và chiến đấu với thân xác, tập sống tiết độ. Ngày qua ngày chúng ta phải không ngừng chiến đấu với thần dữ là những cơn cám dỗ và dục vọng, là những thứ làm cho con mắt đức tin lu mờ và u mê trong bóng tối.

Lạy Chúa Giêsu, trong vườn cây Dầu Chúa đã cảnh báo các tông đồ “hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. Lời dặn dò năm xưa vẫn còn nguyên giá trị cho chúng con hôm nay. Xin Chúa thêm sức cho chúng con, để chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật,SVD

Thứ Hai – Ngày 03 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC

Lễ Kính (Tr)

Bài đọc : 1 Cr 9,16-19.22-23

Tin Mừng : Mc 16,15-20

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

Hôm nay là lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, một vị thánh lẫy lừng của Giáo Hội về tinh thần truyền giáo; ngài đã được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo. Khao khát của ngài là “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (x.Mc 16,15); đó cũng chính là điều đánh động tôi qua đoạn Tin Mừng ngắn theo thánh Máccô.

Dấn thân loan báo Tin Mừng không chỉ là trách nhiệm nhưng còn là hồng ân lớn lao của người môn đệ Chúa Giêsu. Với vai trò là tu sĩ của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tôi cảm nghiệm rằng điều này còn đòi hỏi bản thân phải sống chứng nhân cách mạnh mẽ hơn nữa. “Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”, lời mở đầu nơi Hiến Pháp Hội Dòng, là kim chỉ nam dẫn tôi dấn bước trên hành trình sứ vụ mình đang được mời gọi.

Trước hết, với sứ vụ học tập mà được coi như là bài sai đầu tiên, tôi đang từng ngày nỗ lực tích lũy kiến thức để đào sâu mầu nhiệm Lời Chúa và Thánh Thể. Thêm vào đó, dấn thân trong công việc mục vụ tạo cho tôi nền tảng về sứ vụ mà bản thân thực hiện trong tương lai. Hành trình này tôi lại luôn được sự chở che từ tình yêu thương nơi đời sống cộng đoàn, với những người luôn sẵn sàng trợ giúp tôi khi cần. Tất cả những điều kiện thuận lợi mà tôi đón nhận đều thúc đẩy tôi nuôi dưỡng và phát triển tinh thần truyền giáo, sẵn sàng ra đi để “mọi loài thọ tạo được nghe Tin Mừng cứu độ” như lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu trước khi về trời.

Lạy Chúa Giêsu, Người đã đến thế gian và đã hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin giúp con luôn biết nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo và theo Người sống chứng nhân giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy,SVD

Thứ Ba – Ngày 04 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc : Is 11,1-10

Tin Mừng : Lc 10,21-24

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

CÁI PHÚC ĐƯỢC THẤY CHÚA

Ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu không chỉ là một ân huệ được ban xuống từ trời, mà là một điều phúc cho những ai muốn bước theo Người. Chính Đức Giêsu đã quả quyết rằng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em đang thấy”.

Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu rằng, các ông đang được diện kiến chính khuôn mặt của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu. Điều mà những người khao khát được thấy như các ngôn sứ và các vua chúa quan quyền đã không thể thấy. Thế nhưng, trong hoàn cảnh sống của mình, các môn đệ lại chưa nhận ra được cái phúc khi được ở cùng, sống với Đức Giêsu như là những môn đệ.

Hơn nữa, các ông cũng chưa hiểu thấu hết các mầu nhiệm mặc khải mà chính Đức Giêsu đã cắt nghĩa. Vậy nên, các ông không thể nhận biết Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Do đó, Đức Giêsu mới nói cho họ để họ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi được sống chung và sống cùng với chính Con Thiên Chúa. Khi được tận mắt nhìn thấy Đấng Tối Cao thì các ông nên phải reo lên như ông Simêon: “Lạy Chúa giờ đây xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con đã được nhìn thấy ơn cứu độ”.

Lạy Chúa, ngày nay chúng con không được nhìn thấy Ngài bằng xương bằng thịt như các tông đồ xưa, nhưng trong con mắt đức tin, chúng con vẫn nhìn thấy Ngài hiện diện ở giữa chúng con. Hơn nữa, nhờ Chúa Thánh Thần chúng con được ăn chính Thịt và uống Máu Ngài qua bí tích tình yêu. Xin cho chúng con luôn cảm thấy hạnh phúc vì luôn sống mật thiết trong mối tương quan với Ngài. Amen.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân,SVD

Thứ Tư – Ngày 05 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc : Is 25,6-10a

Tin Mừng : Mt 15,29-37

Khi ấy, Đức Giêsu đến ven biển hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen. Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

NO THỎA ÂN HUỆ CHÚA

Trong bài Tin Mừng hôm nay tác giả Mátthêu đưa ra một ghi nhận về không gian: “nơi đây hoang vắng.” Các môn đệ thật thực tế, phân bua và đưa ra một lời thoái thác “chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Họ bất lực trước việc tìm kiếm một giải pháp cho tình hình lúc này.

Trước sự bất lực của các môn đệ, Chúa Giêsu thi thố quyền năng và lòng thương xót của Người. Người lại chạnh lòng thương dân chúng vì họ ở với Người ba ngày rồi mà không có gì ăn. Cho họ về, Người sợ họ xỉu dọc đường, nên Người hành động: “Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.”

Chúng ta gặp ở đây chuỗi động từ được dùng trong trình thuật về bí tích Thánh Thể. Rõ ràng tác giả cố ý dùng các công thức của trình thuật đó để giới thiệu trước về bí tích Thánh Thể. Đàng khác, đáng chú ý là việc tác giả dùng cùng một động từ cho cả Chúa Giêsu lẫn các môn đệ: động từ “trao, trao cho,”. Điều này chứng tỏ nhiệm vụ của các môn đệ là tiếp nối hành động của Chúa Giêsu đáp ứng nhu cầu của đám đông dân chúng.

Câu chuyện là một hình ảnh tuyệt đẹp. Chúa Giêsu hiện diện ở trung tâm và là nguồn mạch mọi ơn huệ. Qua sự cộng tác của các tông đồ, Người ban phát các ân huệ thần linh cho đám đông dân chúng. Đám đông ấy vui mừng và hạnh phúc được quy tụ chung quanh Chúa Giêsu và đón nhận ân huệ của Người.

Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với Chúa trong việc phân phát các ân huệ thiêng liêng của Ngài. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính,SVD

Thứ Năm – Ngày 06 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Is 26,1-6

Tin Mừng : Mt 7,21.24-27

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”

XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ

Trong đoạn Tin Mừng kết thúc Bài Giảng Trên Núi hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy tầm quan trọng của việc không chỉ lắng nghe những lời giảng dạy của Người, mà còn đem những giáo huấn đó vào trong cuộc sống.

Theo lẽ thường, ai xây nhà cũng muốn đặt một nền móng vững chắc để ngôi nhà được vững bền dài lâu. Và không ai ngu dại mà xây nhà trên cát để dễ dàng bị nước cuốn trôi. Đối với người Kitô hữu việc sống theo giáo huấn của Chúa chính là nền móng vững chắc cho ngôi nhà tâm hồn. Một khi đời sống người Kitô hữu được đặt nền tảng trên giáo huấn Tin Mừng, thì những cám dỗ hay giông tố cuộc đời khó lòng làm lung lay.

Việc nghe, hiểu, và đón nhận lời giảng dạy của Chúa Giêsu là bước đầu của một tiến trình xây dựng tương quan với Người. Tương quan đó được củng cố nhờ việc sống theo tinh thần Tin Mừng, nghĩa

là sống như Đức Kitô đã nêu gương. Vì thế, việc tuyên xưng danh Chúa ngoài môi miệng vẫn chưa đủ để người ta được kết hợp mật thiết và trọn vẹn với Đức Giêsu.

Thật vậy, mối tương quan với Đức Giêsu cần được xây dựng cách vững chắc dựa trên việc sống theo giáo huấn của Người. Tương quan đó sẽ không thể đứng vững trước sức mạnh của những sức mạnh hữu hình và vô hình, nếu không được đặt nền tảng trên những giá trị của Nước Trời như được thể hiện trong những lời giáo huấn của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hiểu rằng ngôi nhà tương quan của chúng con với Ngài cần phải được đặt trên nền móng vững chắc vì ngôi nhà đó sẽ phải chịu sự thử thách khắc nghiệt của thời gian và không gian; nó sẽ không thể đứng vững nếu chỉ được xây dựng cách sơ sài, qua loa. Xin giúp chúng con xây dựng ngôi nhà đó bằng việc sống theo giáo huấn Tin Mừng. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy,SVD

Thứ Sáu – Ngày 07 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc : Is 29,17-24

Tin Mừng : Mt 9,27-31

Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ : “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?” Họ đáp : “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói : “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ : “Coi chừng, đừng cho ai biết !” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

TÍN THÁC

Sự tăm tối là nỗi đau mà những người mù phải chịu trong cuộc đời của họ. Vẻ đẹp của thế giới hữu hình dường như không còn hiện hữu trong tâm trí của họ. Hơn nữa, khi người ta quan niệm bệnh tật là sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì những người mù bị gạt ra bên lề của xã hội. Họ không có chỗ bám víu nào khác ngoài Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay giúp cho chúng ta thấy được sự tín thác của hai anh mù vào quyền năng của Chúa Giêsu.

Hai người mù không thấy đường đi nhưng vẫn tìm cách đi theo Đức Giêsu về tới nhà. Họ tin chắc rằng Ngài thật là Đấng giàu lòng xót thương nên mới cất lời kêu xin: “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi.” (Mt 9,27) Lời kêu xin của họ vừa thể hiện sự thành khẩn, tín thác, vừa tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hơn nữa, dù họ đã bày tỏ lòng tín thác vào quyền năng của Ngài nhưng Chúa Giêsu lại muốn họ xác tín hơn nữa nên mới hỏi rằng: “các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Lời đáp trả, “chúng tôi tin” là một lời xác quyết niềm tin vững chắc và tuyệt đối của họ. Chúa Giêsu chỉ cần có thế và họ đã được chữa lành.

Ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình, chúng ta biết mình có thể không bị mù về thể xác nhưng biết đâu chúng ta đang mù trong tâm hồn. Chúng ta có nhận ra và tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta? Chúng ta có hoàn toàn tín thác vào Ngài, nhất là những khi chúng ta gặp những chuyện không hay, khi chúng ta bị gạt ra bên lề như hai người mù?

Nếu chúng ta không nhìn thấy con đường hướng đến sự sống đích thực nơi Chúa Giêsu, thì có thể chúng ta đang rơi vào cảnh mù lòa, tăm tối. Nếu chúng ta không khao khát và tín thác tuyệt đối vào Chúa Giêsu, thì chúng đang cần được chữa khỏi bệnh mù tâm hồn.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào quyền năng của Chúa. Xin Chúa chữa lành tâm hồn mù lòa của chúng con để chúng con sống trọn vẹn ân nghĩa với Chúa.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân,SVD

Thứ Bảy – Ngày 08 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : St 3,9-15.20

Bài đọc 2 : Ep 1,3-6.11-12

Tin Mừng : Lc 1,26-38

Khi ấy, Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” […]

VẺ ĐẸP CỨU ĐỘ

Hôm nay Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria, Ðấng được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Một Ngài, Đấng được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu chuộc. Hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội để chiêm ngắm vẻ đẹp cứu độ trần thế của Đức. Vẻ đẹp này là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về sự vượt thắng của Ân sủng trên tội lỗi và sự chết. Vậy, nét đẹp đó là gì? Tại sao Đức Maria được xem như biểu trưng của nét đẹp ấy?

Nhìn vào cuộc đời Đức Maria, từ biến cố xin vâng cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, chúng ta thấy Mẹ hiện lên như đóa hoa tinh tuyền. Ngày thiên sứ loan tin, Mẹ có đôi chút ngỡ ngàng. Tuy nhiên, trước lời trấn an của thiên sứ, sự ngỡ ngàng đó đã nhường chỗ cho sự xác tín của Mẹ vào Thiên Chúa. Mẹ biết rằng mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa, mà nữ tỳ thì chỉ có một nhiệm vụ là làm điều chủ muốn. Chính sự xác tín và nhận rõ thân phận này mà Đức Maria đã hoàn toàn hiến trao cuộc đời mình trong bàn tay Thiên Chúa. Chính sự minh định và xác tín này càng làm cho vẻ đẹp của Mẹ trở nên tinh tuyền, thánh thiện, khiêm tốn cũng như thoát khỏi mọi kiêu căng và tự phụ.

Nét đẹp đó còn được tôn lên với hình ảnh Mẹ đứng im dưới chân cây thập giá. Có người mẹ nào có thể đứng vững khi chứng kiến cái chết của con mình, thế mà, Mẹ vẫn đứng đó. Chính hình ảnh đó làm toát lên sự phi thường của người nữ tỳ năm xưa. Chính hình ảnh đó làm nổi lên niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối của Mẹ vào lời thiên sứ năm nào.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đầu tiên được cứu chuộc bởi Con Mẹ, là người duy nhất được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ, là người nữ tỳ trọn hảo phảng phất vẻ đẹp tinh tuyền, vô tỳ tích. Xin cho chúng con biết cảm nhận được hết vẻ đẹp của Mẹ để chúng con cũng biết sống đẹp như Mẹ.

Phó Tế Giuse Nguyễn Xuân Long,SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng – Năm C
Bài tiếp theoThánh Lễ Tạ Ơn Hồng Ân Vĩnh Khấn của 81 nữ tu và Bổn Mạng Hội Dòng Ảnh Phép Lạ 27-11-2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây