Mùa Vọng – Tuần IV – Năm C

0
333

Chúa Nhật – Ngày 23 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN IV

Bài đọc 1 : Mk 5,1-4a

Bài đọc 2 : Hr 10,5-10

Tin Mừng : Lc 1,39-45

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

THĂM VIẾNG

Qua đoạn Tin Mừng, thánh Luca đã diễn tả một cuộc gặp gỡ đầy ân phúc giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần… Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 41.43).

Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI từng nói, “Trong đức tin, Mẹ đã bước liều trong hi vọng”. Có lẽ trong đức tin Mẹ đã tìm được “niềm vui tràn đầy” và Mẹ đã đem “niềm vui tràn đầy” này chia sẻ với bà chị họ của mình là Êlisabét. Cuộc gặp gỡ này tuy ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa giữa hai bà mẹ; nó không chỉ diễn tả niềm vui sướng của bà Êlisabét, nhưng còn tác động đến đứa trẻ trong bụng bà Êlisabét, thể hiện qua hành động “nhảy lên vui sướng” của đứa trẻ.

Cuộc gặp gỡ này không chỉ mang tính thân ái giữa con người với con người, nhưng nó còn diễn tả cuộc gặp gỡ thánh thiêng của những con người trần tục với Đấng Thánh của Thiên Chúa. Mẹ Maria không những đem niềm vui của mình, nhưng còn đem Chúa đến cho gia đình bà Êlisabét. Mẹ trở thành nhà truyền giáo đem Chúa đến để giới thiệu cho tất cả mọi người.

Đối với tôi, một tu sĩ truyền giáo, liệu tôi có như Mẹ Maria dấn thân đến với mọi nơi, mọi miền để giới thiệu Chúa cho mọi người, để mọi người biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em của nhau.

Lạy Chúa, nhiều người chưa biết Chúa; họ trông ngóng để đón nhận Chúa, nhưng họ chưa có cơ hội nhận ra Ngài. Xin cho con có sự dấn thân, từ bỏ những tiện nghi của bản thân, thay vào đó là những tiện nghi của nhà truyền giáo, để con có thể đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Hai – Ngày 24 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN IV

Bài đọc : 2 Sm 7,1-5.8b-12.14a-16

Tin Mừng : Lc 1,67-79

Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Dacaria, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”

ÂN BAN

Nhìn lại lịch sử cứu độ chúng ta thấy dường như đó là lịch sử gắn liền với những cặp vợ chồng hiếm muộn. Qua đó Chúa cho thấy tỏ lộ quyền năng, ân sủng và tình thương đối với dân Ngài.

Khởi đầu Chúa mời gọi một cụ già Ápraham rất đạo đức và giàu có, nhưng cầu xin mãi vẫn không có con. Cho đến khi đã cao niên Chúa mới nhậm lời, bà Xara vợ ông có thai và sinh con. Đến câu chuyện về sự ra đời của Samson cũng là ân ban của Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta đến với đôi vợ chồng già hiếm muộn, đó là ông bà Dacaria và Êlisabét. Tất cả chúng ta đều biết được con người và hoàn cảnh của ông bà. Họ là người đạo đức, thuộc dòng dõi tư tế, nhưng lại không có con. Khi đã già, Chúa lại ban cho ông bà sinh con trai, đó là ông Gioan Tẩy Giả.

Hôm nay, khi bà Êlisabét vợ ông sinh con, sau thời gian bị câm, nay ông mở miệng cất lời ca tụng Thiên Chúa. Ca tụng Chúa vì Ngài đã làm biết bao việc lớn lao nơi những con người bé nhỏ.

Qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta hãy noi gương gia đình ông bà Dacaria và Êlisabét trong đời sống đạo. Dù ở hoàn cảnh nào vẫn trung tín với niềm tin vào Chúa. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta vẫn sống trung tín với Chúa và tin rằng Chúa có chương trình của Ngài và chương trình ấy đã và đang thực hiện nơi con người nhỏ bé của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cuộc sống của chúng con được thêu dệt bằng những chuỗi ngày tạ ơn Chúa. Tạ ơn vì tất cả những gì chúng con có đều là ân ban nhưng không của Chúa. Amen.

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Ba – Ngày 25 – Tháng 12

LỄ CHÚA GIÁNG SINH

Lễ trọng

Bài đọc 1 : Is 52,7-10

 Bài đọc 2 : Hr 1,1-6

Tin Mừng : Ga 1,1-18

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. […] Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Giáng sinh là một quà tặng mà Thiên Chúa dành cho loài người. Thiên Chúa đã ban Con Một yêu dấu của Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Mầu Nhiệm Nhập Thể là bằng chứng về một tình yêu vĩnh cửu và trổi vượt hơn tất cả mọi tình yêu.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia tiên báo ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho dân Do Thái khi Giêrusalem được giải thoát. Bài đọc thứ hai trích từ thư Hípri lại khẳng định địa vị cao trọng của Con Thiên Chúa làm người. Còn lời tựa bài Tin Mừng Gioan hôm nay giúp chúng ta nhận thức sự uy nghi của mầu nhiệm Nhập Thể. Trước khi Chúa Giêsu sinh làm người thì Người đã là Người Con trong Thiên Chúa, là phản ánh vẻ huy hoàng của Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, hình ảnh vô hình của Thiên Chúa vô hình.

Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta được mời gọi suy niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể. Vì yêu nhân loại nên Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để cứu chuộc tội lỗi của con người. Cho nên, khi suy niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta cũng phải biết yêu thương tha nhân, sẻ chia cơm áo với những người nghèo khó, yêu thương nâng đỡ những người bất hạnh trong cuộc sống, tha thứ và đón nhận những người tội lỗi. Hình ảnh thấp hèn, đơn sơ khó nghèo của Hài Nhi nằm trong máng cỏ sẽ giúp chúng ta ý thức hành động của mình trước những đam mê, cám dỗ của cuộc sống.

Lạy Chúa, xin Chúa thánh hóa tâm hồn mỗi người chúng con biết nhận ra lỗi lầm của mình, và luôn biết chạy đến với tình yêu của Ngài để được yêu và sẻ chia tình yêu ấy cho tha nhân.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Tư – Ngày 26 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH STÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : Cv 6,8-10

Tin Mừng : Mt 10,17-22

Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Chúng con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường. Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.

VÌ DANH THẦY

Vì danh Thầy là lời đã đánh động tôi qua đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu trong lễ kính thánh Têphanô, vị  tử đạo tiên khởi hôm nay.

Cuộc đời mỗi người luôn là những sự chọn lựa khi đứng trước những biến cố. Tốt và xấu, sự sống và cái chết, những mặt đối lập mà không phải dễ dàng cho sự chọn lựa. Chọn lựa sống trung tín với  Thiên Chúa cho đến cùng, dù phải chấp nhận cái chết, lại càng là một sự chọn lựa đầy thách đố.

Tôi đã có dịp được tham dự lễ kính thánh Anrê Năm Thuông, một trong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, người nổi tiếng với lời tuyên bố: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi thà chịu chết chứ làm sao tôi bước qua được”. Ngang qua hình ảnh này, tôi có cơ hội đào sâu hơn về ý nghĩa đời sống ơn gọi và sứ vụ của mình. Ai cũng có thể biết được rằng, mạng sống là quý giá. Với bản năng, ai cũng khát khao được sống, được an bình và sợ bị người khác xâm hại đến tính mạng bản thân. Nhưng theo niềm tin, thì còn một đời sống đáng quý hơn để lựa chọn, đó là sự sống đời đời. Giờ đây, tôi đâu bị đòi hỏi phải tử đạo như thánh Têphanô khi xưa nhưng vẫn có những phương thế khác cho đời sống đức tin của bản thân. Mỗi ngày tôi vẫn được mời gọi chết cho những yếu đuối, những thói hư tật xấu có thể khiến bản thân mất đi hạnh phúc vĩnh cửu. Hơn nữa, đó còn là phương cách để tôi luôn rèn luyện bản thân để nên vững vàng hơn trong đời thánh hiến và sứ vụ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng nói nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì sẽ chẳng thể nào trổ sinh bông hạt. Nhờ lời khẩn cầu của thánh Têphanô, xin giúp con luôn đủ sức vượt qua mọi thử thách, dám chết đi cho những yếu đuối và tội lỗi để hăng say dấn thân làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Amen.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Thứ Năm – Ngày 27 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH Tin Mừng.

Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 1 Ga 1,1-4

Tin Mừng : Ga 20,2-8

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ.  Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

Đỉnh điểm của Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng là chính cuộc Vượt Qua Cứu độ của Ngài. Dưới con mắt của những người tin, lời chứng về ngôi mộ trống của hai người môn đệ củng cố cho niềm tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh. Điều cốt yếu là tôi có tin và hiểu lời tiên báo của Chúa Giêsu rằng Ngài sẽ sống lại hay không mà thôi.

Trình thuật của Tin Mừng hôm nay gây cho tôi ấn tượng mạnh về bà Maria Macđala. Là người được Chúa thương tha thứ, bà cảm mến và bước theo Chúa như một người môn đệ. Ngay cả khi Chúa đã được mai táng trong mồ đá, dường như Maria Mácđala vẫn theo Người, và trong tâm khảm bà vẫn ẩn chứa một niềm hy vọng. Niềm hy vọng đó thúc bách bà ra viếng mộ Chúa lúc trời còn sáng sớm. Tảng đá chặn cửa mồ đã lăn sang một bên, khăn liệm đã bị bỏ lại. Đây là hình ảnh cho thấy Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết.

Chúa Phục sinh là đỉnh điểm của mầu nhiệm Thiên Chúa Cứu Chuộc nhân loại. Từ đây những ơn lành của Người được tuôn đổ dồi dào cho nhân loại. Chính cuộc Vượt Qua của Đức Kitô giờ đây mở ra niềm hy vọng cho những ai tin tưởng vào lời hứa của Người sẽ được sống lại ngày sau hết.

Người “môn đệ kia” đã thấy gì và đã tin như thế nào? Tin Mừng để ngỏ cho người đọc liên tưởng về người môn đệ chỉ thấy những gì người khác thấy, nhưng ông lại tin rằng Chúa đã phục sinh. Ông tin không nhờ bằng chứng mà tin với tình yêu.

Lạy Chúa, xin cho ơn lành phục sinh lan toả trên thế giới còn nhiều hận thù chia rẽ hôm nay. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 28 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO.

Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 1 Ga 1,5-2,2

Tin Mừng : Mt 2,13-18

[…] Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.  Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

ĐAU BUỒN VÀ VINH QUANG

Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,2 độ richter tạo ra những cơn sóng thần cao đánh vào bờ biển của hơn 10 quốc gia quanh Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của hơn 300 ngàn người. Ngay sau ngày Giáng Sinh, ngày lễ của niềm vui và bình an là không khí đau thương, tang tóc bao trùm khắp nơi, không chỉ tại 10 quốc gia quanh Ấn Độ Dương mà trên khắp thế giới, đến nỗi có một bài báo đã chạy tít:“Lạy Chúa, Ngài ở đâu giữa cơn cuồng phong khốc liệt?”.

Hôm nay, trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, ngày lễ Các Thánh Anh Hài, tử đạo, nhắc nhở ta về giá trị của sự đau khổ. Cách đây 2000 năm những bà mẹ tại Bêlem phải đau khổ khóc thương nhìn con mình bị giết chỉ vì sự tức giận và tính ích kỷ của một bạo chúa. Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt, cái chết của những nạn nhân vô tội, chưa có ý thức và tự do. Ngày nay, không chỉ nhiều bà mẹ, mà cả chúng ta cũng khóc thương cho những đứa trẻ chết vì hàng trăm lý do khác nhau: chiến tranh, hận thù, và vì tội ác của con người… Và có vô số những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, bị cướp mất tuổi thơ. Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài, và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ.

Sự đau khổ bởi thảm họa sóng thần năm 2004 là do thiên nhiên, nói lên sự đau buồn, còn cái chết của các trẻ nhỏ ở Bêlem lại là cái chết để hướng đến vinh quang muôn đời. Mặc dù khi bị giết các trẻ nhỏ không có ý thức và tự do, nhưng giờ đây các em được vui hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Đứng trước những em nhỏ và bà mẹ chịu nhiều thiệt thòi trong thời đại này, tôi được thôi thúc đóng góp một cái gì đó để phần nào bù đắp yêu thương nơi các em và nơi các bà mẹ chịu bất hạnh. Như thế, mới có thể trả lời rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi các em; Ngài vẫn luôn hiện diện, thông qua những hành động yêu thương của tôi cũng như mọi người.

Lạy Chúa, xin thương nhìn đến những trẻ em trên khắp thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc, yêu thương, những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột và buôn bán. Xin Ngài thương bảo vệ gìn giữ. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Bảy – Ngày 29 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Bài đọc : 1 Ga 2,3-11

Tin Mừng : Lc 2,22-35

[…] Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Ítraen, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Ítraen dân Chúa”.Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Ítraen phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

NIỀM VUI CÓ CHÚA

Đền Thờ hôm ấy rất đông những người đi dự lễ, đứng gần đó chắc hẳn có những tư tế, những thầy thông luật, những người Pharisêu. Họ cũng đã nhìn thấy Hài Nhi Giêsu trong tay Mẹ Maria, nhưng họ không nhận ra Hài Nhi đó là ai! Trái lại, một cụ già Simêon tuổi đã cao, mắt đã mờ, nhưng kỳ diệu thay, lại nhìn thấy đôi vợ chồng nghèo hèn chỉ có một cặp bồ câu để làm của lễ lại đang sở hữu một kho tàng vô giá là Đấng Cứu Thế.

Cụ Simêon đã bồng ẵm Hài Nhi trên tay và vui mừng tuyên xưng đức tin: “Xin cho tôi tớ Chúa được an bình ra đi. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân” (Lc 2,30). Là một Kitô hữu, tôi tự hỏi: Có bao giờ tôi cảm nhận được niềm vui khi nắm giữ một kho tàng vô giá trong tay? Kho tàng ấy chính là Đức Giêsu, ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho những kẻ thành tâm tìm kiếm Ngài.

Là kitô hữu, tôi được diễm phúc rước chính Vua Trời ngự vào cung lòng mình mỗi ngày, nhưng tự hỏi tôi có biết cảm tạ Chúa sau khi được Ngài ngự vào lòng không? Có bao giờ tôi cảm nhận được niềm vui về hồng ân sự sống mà tôi đang có? Đã bao giờ tôi thấy tha nhân là một món quà, để rồi mình cất lời tạ ơn Thiên Chúa? Niềm vui mừng và bình an của cụ già Simêon làm tôi nhớ câu nói của Blaise Pascal “Hạnh phúc không ở trong ta, và cũng chẳng phải là ở ngoài ta. Hạnh phúc chỉ có trong Chúa, và khi đã tìm thấy hạnh phúc thì nó ở khắp mọi nơi”.

Lạy Chúa, có những may mắn đến trong đời như một điều kỳ diệu mà con không sao hiểu được. Lúc này đây, con nhận thấy may mắn lớn nhất của con là được biết Chúa là Chúa của con và thật hạnh phúc vì có Chúa là gia nghiệp đời đời. Xin cho con luôn biết nói lời chúc tụng tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Năm C
Bài tiếp theoHoạt động ngoại giao của phái đoàn Tòa Thánh tại Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.