Mùa Vọng – Tuần III – Năm B

0
528

Chúa Nhật – Ngày 17 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc 1 : Is 61,1-2a.10-11

Bài đọc 2 : 1 Tx 5,16-24

Tin Mừng : Ga 1,6-8.19-28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai ?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô.”

LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ

Sứ mạng của ông Gioan Tẩy Giả là đến để làm chứng để mọi người nhờ ông mà tin vào Đức Giêsu. Còn chúng ta làm thế nào để làm chứng cho Đức Kitô?

Trước hết là việc nhận biết Chúa Kitô. Không thể cho người khác điều mà mình không có. Cũng vậy, tôi không thể làm chứng cho người khác về Đức Kitô nếu như tôi chưa nhận biết Ngài. Là một Kitô hữu đã lâu, nhưng có lẽ sự hiểu biết về Đức Kitô của tôi chỉ mới dừng lại ở mức thông tin, về con người lịch sử của Ngài. Còn sự hiện diện của Ngài cũng như mối tương quan giữa Ngài với tôi như thế nào, thì tôi lại chưa cảm nghiệm được. Làm chứng cho người khác về Đức Kitô, không chỉ là cung cấp cho họ các thông tin về Đức Kitô, về các giáo lý của Ngài, mà còn là chia sẻ những cảm nghiệm về sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống nữa. Chỉ khi nào tôi thấy được Ngài hiện diện ở trong cuộc sống của tôi, thì khi đó lời chứng của tôi mới có giá trị và thuyết phục được người khác.

Thứ đến là việc loan báo về Đức Kitô. Con người ta thường khi khám phá ra một giá trị hay chân lý nào đó thì cảm thấy vui thích và muốn cho người khác biết. Acsimet,

khi khám phá ra định luật về sức đẩy của nước, đã mừng rỡ reo lên: “Ơrêka! Ơrêka!”:

Ta tìm ra rồi! Ta tìm ra rồi! Là Kitô hữu, chúng ta đã một lần nào đó thấy được Chúa Kitô, để rồi thuật lại cho người khác một cách say sưa, phấn khích như Acsimet chưa? Chúng ta ít dám nói về Thiên Chúa, là vì chúng ta chưa “sờ”, chưa “đụng” được Ngài. Chỉ khi nào chúng ta cảm nếm được Ngài, thấy Ngài hiện diện trong cuộc sống, khi đó chúng ta mới dám loan báo và chứng thực cho Ngài với tất cả sự xác quyết và chắc chắn của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một chứng nhân tuyệt vời về việc làm chứng cho Đức Kitô, đó là thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đã thấy, đã “đụng” được vào Đức Kitô, chính vì thế ông làm chứng về Chúa Kitô một cách say sưa, quyết liệt, đến nỗi cuối cùng đã hy sinh cả chính mạng sống mình để bảo vệ cho lời chứng đó.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp chúng con thấy được Ngài, nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống như thánh Gioan xưa. Khi đã nhận ra được sự hiện diện của Ngài, xin cho chúng con từ bỏ, hy sinh tất cả,  để sống cho một mục đích duy nhất, là làm chứng cho Ngài, để cho muôn dân nhận biết Ngài.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Hai – Ngày 18 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Is 7,10-14; Rm 1,1-7

Tin Mừng : Mt 1,18-24

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:  Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

SỰ KHÔN NGOAN CỦA THÁNH GIUSE

Đọc bài Tin Mừng tôi thấy thánh Giuse

đã phải đứng trước một tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi mà người vợ mình chưa hề chung sống bỗng dưng mang thai. Tố giác cũng không được mà sống chung cũng chẳng xong. Vậy thánh nhân đã làm gì để vượt qua thử thách này?

Tôi tin rằng, cuộc sống thinh lặng và chiêm niệm của thánh nhân đã giúp ngài đón nhận mọi sự mà không nóng giận. Ngài có thể tố giác người bạn mình theo luật, đánh đập vợ mình theo thói đời, đuổi vợ mình ra khỏi nhà… Ngài có thể làm tất cả những điều đó nhưng ngài đã không làm, vì ngài còn có chỗ để bám víu tốt hơn những việc làm kia, đó là đi tìm thánh ý của Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó mà ơn soi sáng từ Thiên Chúa đã đến với ngài qua giấc mơ.

Thiết nghĩ rằng chỉ những người có đời sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hằng ngày mới có thể nhận ra được điều này. Không những nhận ra thánh ý mà ngài còn thực thi thánh ý một cách trọn hảo. Ngài đón Mẹ Maria về nhà, chăm lo cho Mẹ trong những ngày thai nghén, mang nặng đẻ đau. Ngài làm chỗ dựa tinh thần cho Đức Maria, cũng như cùng với Đức Maria nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu trưởng thành trong ân nghĩa với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết học đòi bắt chước thánh Giuse, luôn  tìm thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảng sống, cho dù có phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là trong đời dâng hiến. Vì con tin rằng Chúa không nỡ đặt lên vai con những gánh nặng mà con không đủ sức mang vác. Xin cho con biết làm mọi sự hầu làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Thứ Ba – Ngày 19 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Tl 13,2-7.24-25a

Tin Mừng : Lc 1,5-25

[…] Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan […]

LÒNG THƯƠNG XÓT

Tin Mừng thánh Luca hôm nay diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người công chính là gia đình ông Dacaria. Ông bà đã cao tuổi mà vẫn sinh được thánh Gioan Tẩy Giả là người có sứ vụ đặc biệt: dọn đường cho Chúa Giêsu Kitô đến cứu độ trần gian.

Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp tôi thêm xác tín vào lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại. Lịch sử cứu độ đã chứng minh điều này. Quả thật, Thiên Chúa không ngừng tác động và can thiệp vào lịch sử qua các biến cố của nhân loại. Người đã chọn và gọi các tổ phụ, các ngôn sứ để chuẩn bị cho Người Con yêu quý là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để cho con người thấy và cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lòng thương xót đó vẫn trải dài trong lịch sử cho từng người. Tôi cũng cảm nhận được lòng thương xót đó cách rõ nét qua ơn gọi của mình. Tôi nhận thấy Người đoái thương nhìn đến tôi dù tôi là kẻ bất xứng và yếu hèn.

Quả vậy, tôi ý thức rằng, những ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi không phải do phẩm chất và đạo đức của cá nhân, cũng không do tài năng mà chính là do lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót của Chúa đã tác động nơi những người có trách nhiệm, những người hướng dẫn tôi trong việc chọn lựa vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Từ đó tôi biết sống kết hiệp với Chúa hơn qua việc cử hành các bí tích cũng như dấn thân và làm chứng về lòng thương xót của Người cho tha nhân.

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa về lòng thương xót vô bờ bến của Người. Trong tâm tình tri ân cảm tạ, con quyết sống xứng đáng với lòng thương xót mà Người đã dành cho con.

 Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Tư – Ngày 20 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Is 7,10-14

Tin Mừng : Lc 1,26-38

[…] Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÂN SỦNG VÀ SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA

Đằng sau mỗi câu chuyện Kinh thánh, tôi khám phá ra một Thiên Chúa của ân sủng. Ân sủng đến như một món quà, vì công trạng của con người không thể đạt được hay đáng được như thế. Do đó, trong câu chuyện Truyền Tin này, tôi xin được chia sẻ về câu nói của sứ thần: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Với người môn đệ của Đức Kitô, việc nhận lấy thập giá mà đi theo Người bằng cách yêu thương và phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người khó ưa, quả là không hề dễ đối với chúng ta, những con người bất toàn và yếu đuối. Có những lúc tôi cho là “không thể” khi đứng trước những khó khăn của cuộc sống. Tôi quên dành chỗ cho Thiên Chúa để ân sủng Ngài trở thành sức mạnh cho tôi.

Thật vậy, có lúc tôi phải đương đầu với những khó khăn, đau thương trong cuộc sống của riêng mình cũng như trong mối liên hệ với người khác. Đôi khi tôi cảm thấy mình bất lực, vì thấy mình dính bén với những thọ tạo, những cái làm tôi trở thành nô lệ cho những ràng buộc mà tôi muốn thoát ly. Và thường tôi cũng thấy mình đứng trước những bức tường dửng dưng, ích kỷ, và cảm thấy đuối sức trước những biến cố xem ra vượt trên sức mình.

Trong những lúc đó, tôi cầu nguyện và cảm thấy sức mạnh lời Chúa có thể giúp tôi. Tôi thấy Đức Giêsu để cho tôi có được kinh nghiệm về tình trạng bất lực của mình; Ngài không phải có ý làm tôi nản lòng, mà để giúp tôi hiểu hơn rằng “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”, hầu chuẩn bị cho tôi nghiệm được quyền năng lạ lùng của ơn Chúa. Quyền năng  này tỏ rõ khi và chỉ khi tôi khiêm tốn nhận rằng sức mình hèn mọn và giới hạn.

Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ khiêm hạ để thực hiện chương trình lớn lao của Chúa.

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Thứ Năm – Ngày 21 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Dc 2,8-14 hoặc Xp 3,14-18;

Tin Mừng : Lc 1,39-45

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc

chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

ĐÓN NHẬN VÀ CHIA SẺ NIỀM VUI

Tin Mừng trình thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabét. Nhìn thoáng qua, đây cũng chỉ là một cuộc gặp gỡ bình thường giữa hai người chị em, nhưng đây lại là cuộc thăm viếng mang một chiều kích đặc biệt, vì họ đang cưu mang vị Tiền Hô và Ngôi Lời Nhập Thể. Niềm vui gặp gỡ của bà Êlisabét là niềm vui được Thiên Chúa viếng thăm.

Bà Êlisabét được tràn đầy Thánh Thần nên khẳng định về Đức Maria rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Bản thân bà Êlisabét được Chúa đoái thương và thực hiện điều kỳ diệu là tặng ban cho bà người con ở tuổi mà không ai nghĩ rằng chuyện sinh nở còn xảy đến với bà. Kinh nghiệm bản thân giúp bà nghiệm ra tình thương của Chúa tuyệt vời như thế nào đối với những ai tin tưởng vào Ngài.

Niềm vui được chia sẻ sẽ tăng lên gấp bội. Đức Maria đã không cất giữ trong lòng niềm vui vì được cưu mang Chúa Giêsu, nhưng mẹ đã vội vã mang niềm vui đến cho người khác. Là Kitô hữu, là người mang Chúa Kitô trong tâm hồn mình, chúng ta không thể giữ Chúa làm niềm vui của riêng mình, mà cần làm cầu nối để Chúa đến được với người khác. Ngang qua những biến cố lớn nhỏ của cuộc sống, chúng ta được mời gọi khám phá và đón nhận những niềm vui Chúa gởi đến trong đời ta, và cố gắng đáp lại ân huệ đó với trọn niềm vui; đồng thời sẵn sàng và hăng hái sẻ chia niềm vui đó trong tư cách là sứ giả và là chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa giữa lòng đời.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã gieo niềm vui vào lòng mỗi người chúng  con. Xin cho chúng con biết làm cho niềm vui ấy được lan tỏa qua những việc làm bác ái, những hành động yêu thương, sẻ chia, và cảm thông, để tình Chúa, tình người luôn được hiện diện và lan tỏa trên trần gian này.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Sáu – Ngày 22 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : 1 Sm 1,24-28

Tin Mừng : Lc 1,46-56

Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.” Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

BIẾT MÌNH ĐỂ NHẬN RA TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

Socrates ở thế kỷ thứ V trước công nguyên có câu nói thức tỉnh con người mọi thời đại: “Hỡi người hãy tự biết mình”. Lão Tử  cũng từng viết trong Đạo Đức Kinh: “Tri nhân giả trí; tự tri giả minh.” (Biết người là trí (khôn); biết mình là sáng suốt), nhằm đề cao tầm quan trọng của việc mỗi người tự nhận biết bản thân mình. Tinh thần này hôm nay chúng ta gặp được nơi Đức Maria qua lời kinh Magrificat. Sau khi được người chị họ ca ngợi hết lời, Mẹ đã không vênh váo, tự mãn về bản thân, nhưng là chúc tụng, ngợi khen Chúa.

Quả vậy, Mẹ nhận ra sự nhỏ bé, bất toàn của bản thân và nhận ra những việc lớn lao Chúa đã và đang thực hiện nơi cuộc đời của Mẹ, đặc biệt nhất là sứ mạng cưu mang và sinh ra Con Thiên Chúa. Tâm tình này chúng ta cũng bắt gặp nơi ông Dacaria. Sau hơn chín tháng thinh lặng, khi đặt tên cho con trai là Gioan, ông liền nói lại được và cất lời chúc tụng, ngợi khen Chúa. Hay nói như thánh Phaolô: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10).

Tâm tình biết ơn, chúc tụng, ngợi khen Chúa rất cần thiết đối với chúng ta, như trong Kinh Tiền Tụng Chung IV diễn tả: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ.”

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria để biết nhận ra tất cả những gì chúng con có được là nhờ ân ban nhưng không của Chúa. Qua đó, chúng con biết ca tụng Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời của chúng con.

Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Bảy – Ngày 23 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Ml 31-4.23-24

Tin Mừng : Lc 1,57-66

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.” Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.  Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

BÀN TAY CHÚA PHÙ HỘ

Những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa cho thấy bàn tay nhiệm mầu của Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Ngài, cách riêng qua cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả.

Bàn tay Chúa đã can thiệp để thánh Gioan Tẩy Giả được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, bởi một đôi vợ chồng già không còn khả năng sinh nở theo lẽ tự nhiên. Ông Dacaria không tin nên đã phải câm nín để có thể chiêm nghiệm về những kỳ công Chúa làm trên gia đình ông.

Bàn tay Chúa đã soi dẫn để ông Dacaria và bà Êlisabét cùng thống nhất đặt tên cho con trẻ là Gioan, nghĩa là “Thiên Chúa thi ân”. Cả hai ông bà đều xác tín rằng những gì đã và đang xảy đến cho gia đình mình đều xuất phát từ ân sủng Thiên Chúa ban. Một khi xác tín như thế thì ông Dacaria mới được mở miệng để ca tụng Chúa.

“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây, quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66). Cuộc đời của thánh Gioan luôn có bàn tay Chúa phù hộ. Có ơn Chúa hộ phù, thánh nhân không thể sống theo ý riêng của mình, nhưng đi trong ý định nhiệm mầu của Chúa. Suốt đời ngài chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, mời gọi người ta đến với Đấng Cứu Độ. Ngài chấp nhận “lu mờ” để Đấng Cứu Độ được “nổi bật lên” trong lòng người ta (Ga 3,39).

Lạy Chúa, xin cho con mở to đôi mắt đức tin để nhận thấy những điều kỳ diệu mà tay Chúa đã và đang thực hiện trong cuộc đời con, trong gia đình và cộng đoàn con, để con luôn đi trong đường lối Chúa và cuộc đời con là một bài ca tụng những điều kỳ diệu Chúa làm để cứu độ chúng con.

Lm. Gioan B. Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm B
Bài tiếp theoĐức Thánh Cha tiếp kiến các Đại sứ mới của 7 nước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.