Mùa Vọng – Tuần II – Năm B

0
498

Chúa Nhật – Ngày 10 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc 1 : Is 40,1-5.9-11

Bài đọc 2 : 2 Pr 3,8-14

Tin Mừng : Mc 1,1-8

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: Trong sách ngôn sứ Isaia

có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.  Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

GIỚI THIỆU ĐỨC KITÔ

Thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay đã giới thiệu một nhân vật lớn sẽ đến với dân, người mà dân đang ngày đêm mong chờ. Vậy ông đã giới thiệu Đấng ấy như thế nào?

Ông Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên giới thiệu Đức Giêsu cho người khác. Việc giới thiệu Đức Kitô cho người khác của thánh nhân không chỉ dừng lại ở tên tuổi và công việc của Đức Kitô, nhưng để họ nhận ra Đấng đang ở trước mặt họ chính là Đấng mà các sách luật và sách ngôn sứ đã nói đến, Đấng quyền thế đến sau nhưng đã có từ trước.

Theo lẽ thường, con người ta thường dễ đi vào cám dỗ của quyền lực, địa vị và chức tước, đặc biệt hơn khi số người ủng hộ mình một tăng lên thì cơn cám dỗ này ngày một lớn mạnh. Ở đây ta thấy thánh Gioan làm hoàn toàn ngược lại. Khi thấy đám đông tung hô thì ngài liền nói ngay rằng: Đấng mà anh em đang chờ đợi là Đấng hiền hòa và tận tình chăm sóc và dạy dỗ anh em ngay cả khi anh em bị người đời khinh dể. Đối với Người, cây sậy bị dập cũng không nỡ bẻ gãy, tim đèn còn khói cũng không nỡ dập tắt. Người sẽ nâng đỡ anh em lên từ đáy vực thẳm của xã hội. Người cũng không báo oán anh em, nhưng đánh phạt để thức tỉnh anh em trở nên nghĩa thiết với Người. Anh em sẽ thấy Người cư ngụ giữa anh em như những người hàng xóm láng giềng, cùng ăn cùng uống và cùng chia sẻ những công việc thường nhật với anh em.

Lạy Chúa, thánh Gioan đã giới thiệu Đức Kitô cho người khác một cách hoàn hảo, bằng lời xác tín tự đáy lòng không chút nghi ngờ. Xin cho chúng con, những người Kitô hữu, và đặc biệt là những nhà truyền giáo, biết học theo gương thánh Gioan giới thiệu Đức Kitô cho người khác bằng cả niềm tin yêu và lòng hoan hỷ vì đã được biết Chúa và sống tình liên đới với Chúa như tình nghĩa của người cha và người con.

Phaolô Trần Phúc Chân

Thứ Hai – Ngày 11 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 35,1-10

Tin Mừng : Lc 5,17-26

Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giuđê và từ Giêrusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.”

CÁCH TÌM GẶP CHÚA

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, để được chữa lành, người bại liệt phải nhờ đến lòng tin mạnh mẽ của người thân. Hành động “dỡ ngói” cho thấy sự khôn ngoan của những người mong tìm gặp Chúa khi mà Chúa đã bị đám đông che khuất.

Trong đời sống cũng vậy, giữa những bộn bề lo toan, trong những lúc gian nan khốn khổ, … thường thì con người không nhìn thấy Chúa vì con mắt của họ đã bị mọi thứ che khuất. Chúa thì ở rất gần nhưng con người lại nghĩ Ngài đang ở rất xa; Chúa ở ngay bên nhưng con người thường không thấy được Ngài. Người bại liệt được chữa lành vì đã dỡ được mái ngói ngăn cách anh ta với Chúa. Cũng vậy, để đến được với Chúa, chúng ta hãy biết “dỡ ngói ra”. Những tấm ngói đang ngăn cách chúng ta đến với Chúa chính là sự thờ ơ, lười biếng; những sự chia rẽ và bất đồng; những lời tố cáo và chỉ trích người khác.

Để đến được với Chúa, chúng ta cũng cần phải tìm cách để thoát khỏi “đám đông”, thoát khỏi những ràng buộc của trần thế, vì đó là những rào cản chắn lối chúng ta trên con đường tìm đến gặp gỡ Chúa. Đức tin không dừng lại ở lời nói mà còn phải biết hành động. Chúng ta tin Chúa đang hiện diện trong đời sống mình nhưng nếu không chủ động kêu cầu hay tìm đến với Ngài thì thật khó để chúng ta gặp được Ngài.

Như người bại liệt gặp gỡ Chúa và được chữa lành nhờ lòng tin cùng sự khôn ngoan, mỗi người chúng ta, bên cạnh lòng tin, cũng cần tỉnh táo và khôn ngoan trong việc tìm gặp Chúa. Để gặp được Chúa, chúng ta cần phải biết loại bỏ những điều không cần thiết, vứt lại phía sau những ràng buộc thế gian và hơn hết là phải biết dỡ bỏ những thứ ngăn cản ta trên con đường tìm đến với Chúa.

Lạy Chúa, Chúa luôn hiện diện gần bên nhưng chúng con thường không nhận ra Chúa bởi những ngăn cách. Xin Chúa trợ giúp để chúng con luôn biết “dỡ ngói ra” hầu có thể gặp được Chúa trong đời sống và bậc sống của mình.

Giuse Nguyễn Văn Thanh

Thứ Ba – Ngày 12 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 40,1-11

Tin Mừng : Mt 18,12-14

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?  Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

CHIÊN LẠC

Con chiên lạc là dụ ngôn đầu tiên trong một chuỗi ba dụ ngôn của Chúa Giêsu nhằm trả lời những người Pharisêu và những nhà lãnh đạo tôn giáo khác khi họ kết án Chúa Giêsu vì đã đón chào kẻ có tội và ngồi ăn với họ.

Chiên lạc là điều vẫn xảy ra trong nghề chăn chiên. Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh chiên lạc để nói đến những người tội lỗi. Ngài nhấn mạnh rằng, việc đi tìm con chiên lạc, tức là người tội lỗi còn quan trọng hơn những người không bị lạc mất.

Tôi nghĩ rằng, chiên lạc của ngày hôm nay không phải chỉ là những người tội lỗi, mà còn là những người ly giáo, lạc giáo, những người chưa nhận biết Chúa và thậm chí là cả những người Kitô hữu bề bộn với công việc nhưng không biết dành thời gian cho Chúa… Tất cả những con chiên lạc đó Chúa Giêsu đang muốn qui tụ lại thành một đàn chiên.

Việc tìm chiên lạc không phải là trách nhiệm riêng của những mục tử, mà còn là của tất cả mọi người. Việc tìm chiên lạc sẽ đạt hiệu quả nhanh chóng khi người đi tìm tận tâm và chiên lạc có lòng khao khát trở về.

Lạy Chúa Giêsu, ngày nay, chiên lạc đang lang thang khắp nơi và nhiều lúc chúng con cũng là những con chiên lạc. Xin Chúa đưa chúng con trở về và thêm sức cho các vị mục tử và soi lòng cho các chiên lạc để đàn chiên của Chúa sớm được qui tụ về bên Chúa.

FX. Đinh Duy Thiên

Thứ Tư – Ngày 13 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. (Đ).

Bài đọc : Is 40,25-31

Tin Mừng : Mt 11,28-30

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

ÁNH SÁNG NIỀM TIN

Dù sống trong bậc sống nào, ai ai cũng có những ưu tư sầu khổ và gánh nặng riêng. Liệu có ai trong chúng ta có thể tự mình bước qua những đau khổ này một mình mà không cần sự trợ giúp của người khác hay một Đấng mà chúng ta đã, đang và sẽ tin tưởng?

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết mình sẽ phải tin tưởng vào ai và đến với ai để trút nhẹ gánh nặng trên đường lữ hành của trần thế. Chúa Giêsu

cho chúng ta biết mình sẽ làm gì khi đối diện với những sống gió trong cuộc đời. Mọi nỗi ưu sầu, đau khổ hay vất vả mà ta đang mang, hãy để Chúa lo nếu ta biết đến với Ngài, kết hợp với Ngài và tin cậy nơi Ngài. Khát khao và vững tin như thế, tâm hồn chúng ta sẽ được bồi dưỡng bằng “chất dinh dưỡng” thánh thiện nhất và đầy đủ nguồn sung mãn nhất. Qua đó, chúng ta cũng hãy học nơi Đức Kitô, nguồn mạch của sự khôn ngoan, hiền hậu và khiêm nhường. Học được nơi Ngài những điều ấy, chúng ta sẽ sống trọn vẹn với mọi người xung quanh mà không hề lo sợ, né tránh hay rào đón. Vì chưng, sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì hơn loài người rất nhiều và có được kho tàng khôn ngoan ấy, chúng ta không lo lắng khi đối diện với những cơn cám dỗ của Xatan. Sự hiền lành của Ngài cũng đáng cho chúng ta học hỏi rất nhiều; chính sự hiền lành này giúp cho chúng ta hiểu được sự hơn thua trong cuộc sống chóng qua này chỉ là tạm bợ; chỉ có sống hiền hòa với nhau ta mới hiểu hết về nhau và đi đến mọi con đường cùng nhau. Và khiêm nhường là đức tính mà chúng ta nên học đòi nơi Ngài. Vốn dĩ Ngài là Thiên Chúa mà còn hạ mình để trở nên con người như chúng ta thì cớ gì thân phận con người như chúng ta là hơn thua nhau, tự cao tự đại với nhau…

Lạy Chúa, bài học mà Ngài cho chúng con vẫn còn đó, nhưng nhiều khi chúng con quên và đôi khi chúng con cố tình quên để được “chỗ nhất” trong cuộc sống trần thế này. Xin cho chúng con biết nhận ra đâu là chân lý đích thực, đâu là nguồn mạch của mọi sự để hướng đến sự sống nơi thiên quốc.

Gioan Lê Đình Thuần

Thứ Năm – Ngày 14 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. (Tr).

Bài đọc : Is 41,13-20

Tin Mừng : Mt 11,11-15

Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông răng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.

ĐỂ VÀO NƯỚC CHÚA

Một thời đại mới trổi vượt trên tất cả những gì thuộc về quá khứ đã đến, chấm dứt sứ mệnh tiền hô của thánh Gioan Tẩy Giả. Cùng với đó, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy chiến đấu để được vào Nước Thiên Chúa: Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.

Là những Kitô hữu, chúng ta có diễm phúc được sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Có lẽ trong cuộc chiến chống lại các thế lực để được vào Nước Trời, kẻ thù lớn nhất và khó chiến thắng nhất chính là bản thân mỗi người chúng ta. Một khi chúng ta không vượt qua được chính mình thì sẽ rất khó để có thể vượt qua được những cám dỗ của cuộc đời. Có những lúc chúng ta nhận được rất nhiều nhưng lại gặp khó khăn trong việc cho đi, sống cho chính mình nhiều hơn là quan tâm đến người khác.

Thiên Chúa cũng ban cho mỗi người những khả năng khác nhau để chúng ta sử dụng nó nhằm mưu cầu hạnh phúc trong Nước Chúa. Nhưng thay vì tập trung vào những khả năng mà mình đã nhận lãnh để phục vụ Chúa và tha nhân, chúng ta lại luôn lo lắng hay mong chờ về những điều mà mình thua kém người khác. Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người phải dũng cảm đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, từ đó có thể nhận ra mình là ai, mục đích sống của mình trong cuộc đời này là gì. Là con Chúa, chúng ta phải tuân giữ luật Chúa để có thể tiến bước vào sự sống đời đời.

Lạy Chúa, trong tâm tình của Mùa Vọng, xin cho chúng con biết nỗ lực thanh tẩy đời sống của bản thân trước mọi cám dỗ để đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Giuse Trương Vĩnh Tường

Thứ Sáu – Ngày 15 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 48,17-19

Tin Mừng : Mt 11,16-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng; “Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.’ Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

VÔ CẢM

Bài Tin Mừng vỏn vẹn có bốn câu nhưng thánh Mátthêu đã làm nổi bật lên sự dửng dưng, vô cảm của dân Do Thái khi không đón nhận lời kêu gọi sám hối của thánh Gioan Tẩy Giả và Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Trong xã hội chúng ta hôm nay, bệnh vô cảm xem ra quá bình thường và phổ biến. Con người sống với nhau bằng một trái tim lạnh giá, vô cảm xúc; người ta sống ích kỷ, luôn lo lắng vun vén cho bản thân mà không thèm quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh mình.

Vô cảm có nghĩa là không quan tâm, không ngó ngàng đến; tôi vô can với những gì xảy ra trong xã hội, trong gia đình, nơi bạn bè người thân, hay tệ hại hơn là vô can với chính bản thân mình.

Vô cảm, dửng dưng vốn dĩ là một căn bệnh, tuy nhiên căn bệnh này có khi nó sinh ra hậu quả khủng khiếp. Vì căn bệnh này mà ngày xưa dân Do Thái đã từ chối Tin Mừng và đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Ngày nay bệnh vô cảm biến con người thành ra vô lương tâm, vô văn hóa, dẫm đạp lên những chuẩn mực đạo đức vốn có và có khi sinh ra những tên tội đồ man rợ, khủng khiếp.

Lạy Chúa Giêsu, vì tình yêu thương nhân loại, vì muốn cứu rỗi chúng con mà Chúa đã hạ mình mang thân phận thấp hèn của con người. Ấy thế mà biết bao người vẫn không nhận ra Chúa, hay họ cố tình không nhận ra Chúa để tin vào Tin Mừng. Xin Chúa đánh động tâm hồn họ, để ngày càng có nhiều người đón nhận Tin Mừng.

Antôn Chu Văn Nhật

Thứ Bảy – Ngày 16 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Hc 48,1-4.9-11

Tin Mừng : Mt 17,10-13

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” Người đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.

LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH

“Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,11).

Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta mắc sai lầm vì chúng ta không nhận biết đâu là thánh ý của Thiên Chúa hoặc biết nhưng không làm theo thánh ý Ngài mà làm theo ý của mình.

Vậy làm sao để ta có thể nghe được tiếng Chúa? Để nghe được tiếng Chúa nói, điều đầu tiên là ta phải có tâm hồn muốn lắng nghe. Thứ đến là chúng ta phải có sự thinh lặng nội tâm. Thinh lặng giúp ta nghe được tiếng nói của Chúa trong sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống. Thinh lặng cũng giúp ta nghe được tiếng nói của Chúa ngay trong sự cô tịch, cô đơn của cuộc đời. Nhưng chỉ thinh lặng thì chưa đủ, mà đòi hỏi ta cần có một trái tim nhạy cảm và biết yêu thương.

Nếu chỉ nghe Chúa nói thì cũng chưa đủ, mà cần phải làm theo ý muốn của Ngài. Chúng ta thấy trong xã hội ngày nay biết bao người vẫn tin Chúa, vẫn nghe Chúa nói hằng ngày, nhưng họ không làm theo lời Chúa dạy. Người ta chỉ chạy theo sở thích và ý muốn của họ mà thôi nên đã gây ra biết bao tội lỗi và sự dữ.

Vậy làm sao để chúng ta có thể làm theo thánh ý Chúa? Đầu tiên đó chính là chúng ta phải có một tâm hồm khiêm nhường. Khiêm nhường để chấp nhận “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Khiêm nhường để thấy mình bất toàn còn Chúa mới là hoàn hảo và vĩnh cửu. Khiêm nhường giúp ta có thể nói lên như thánh Phaolô rằng: “Tôi sống không phải là tôi sống nhưng chính Chúa sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Lạy Chúa, xin cho chúng con có trái tim rộng mở, nhạy bén và biết thinh lặng để con có thể nghe được tiếng Chúa nói với con mỗi ngày. Xin cho con có một tâm hồm khiêm nhượng để con có thể quên đi cái tôi của mình mà làm theo thánh ý Chúa.

Gioan Hoàng Xuân Hải

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng – Năm B
Bài tiếp theoHai bổ nhiệm Tổng Giám Mục quan trọng trên thế giới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.