Mùa Thường Niên – Tuần I – Năm A

0
346

CHÚA NHẬT, NGÀY 8 THÁNG 1

CHÚA NHẬT – CHÚA HIỂN LINH Lễ – Trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Is 60,1-6

Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6

Tin Mừng : Mt 2,1-12

…Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

HÃY NHÌN NHỮNG DẤU CHỈ

Tu sĩ Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ Hiển Linh hôm nay là lời mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân và đời sống chứng nhân của mỗi người chúng ta.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã loan báo hình ảnh Giêrusalem mới, tiên trưng cho Giáo Hội (x.Is 60,1-6). Trong bài đọc II (Ep 3,2-6), Thánh Phaolô lại loan báo về “mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa” nay được tỏ lộ cho muôn dân. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu thuật lại việc các nhà đạo sĩ nhận ra dấu chỉ của Chúa là ánh sao lạ để tìm tới thờ lạy Hài Nhi và dâng lên Người lễ vật. Để nhận ra ánh sao lạ đó, chắc hẳn các nhà đạo sĩ cũng phải luôn để tâm suy nghĩ và tìm dấu chỉ trong cuộc sống. Ngày nay, cũng có biết bao ánh sao lạ, tức là biến cố, là dấu chỉ thời đại mà Chúa cũng đang muốn chúng ta phải để tâm suy nghĩ hầu nhận ra ý Chúa trong cuộc sống.

Là những Kitô hữu, cách riêng là những tu sĩ, chúng ta cũng được mời gọi là những ánh sao soi dẫn người khác đến với Chúa, cách riêng là những người chưa nhận biết Chúa. Vậy, chúng ta đã là ánh sao mà Chúa muốn hay chưa? Hay chúng ta đang là bóng tối, là gương mù gương xấu?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra ý Chúa qua các ánh sao là những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Xin cho chúng con cũng biết làm chứng cho Chúa bằng những ánh sao là gương sáng và việc lành chúng con làm, hầu dẫn đưa mọi người đến với Chúa.

THỨ HAI, NGÀY 9 THÁNG 1

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – Lễ Kính

Bài đọc : Is 42,1-4.6-7 (hay Cv 10,34-38)

Tin Mừng : Mt 3,13-17

Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

SỐNG THEO GƯƠNG THẦY

Tu sĩ Gioan B. Trần Vui, SVD

Có thể nói rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô khác hẳn với tư tưởng của loài người, từ việc Nhập Thể và Giáng Sinh, đến sứ vụ công khai, rồi sự kết thúc cuộc đời bằng cuộc thương khó và cái chết trên thập giá. Việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan hôm nay là một ví dụ điển hình trong chương trình cứu độ đó.

Khi Đức Giêsu đến xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa thì ông rất ngỡ ngàng vì ông ý thức rằng: Chúa Giêsu là Đấng mạnh hơn ông, trổi vượt hơn ông đến nỗi việc xách dép cho Ngài ông cũng không đáng. Hơn nữa, Ngài sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần trong khi Gioan chỉ làm phép lửa bằng nước. Thế nhưng đó lại là cách thức cứu chuộc của Thiên Chúa qua Đức Kitô như một Người Tôi Trung đã được tiên báo trong sách ngôn sứ Isaia; sẵn sàng đến chia sẻ thân phận khốn cùng, nghèo hèn của kẻ tội lỗi và chịu chết để cứu muôn dân.

Đức Giêsu đã không giữ khoảng cách với họ, mà là đến giữa họ. Ngài đồng hành với họ, ở bên cạnh họ và chăm sóc họ như cách diễn tả của Thánh Phaolô: mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta (Rm 8,3). Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, người tín hữu đã nhận lấy sứ vụ giới thiệu Chúa và tình yêu của Ngài cho nhân loại bằng cách hòa mình vào để chia sẻ cuộc sống với họ, chứ không phải là đứng từ trên để phê phán, thống trị.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hướng tới tha nhân và đồng hành với họ trong cuộc sống, nhất là những người tội lỗi, đau khổ, bất hạnh.

 THỨ BA, NGÀY 10 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc 1 : Hr 2,5-12

Tin Mừng : Mc 1,21b-28

… Trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

KHI ĐỨC GIÊSU XUẤT HIỆN

Tu sĩ Giuse Trần Thanh Hải, SVD

Theo mạch văn Kinh Thánh, chúng ta biết đây là lần đầu tiên Đức Giêsu xuất hiện và giảng dạy trong hội đường Caphácnaum. Tiếp đó, Người chữa lành một người bị quỷ ám. Mọi người nghe đã sửng sốt và kinh ngạc về lời giảng dạy cũng như uy quyền của Người. Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền (Mc 1,27).

Tại sao mọi người sửng sốt và kinh ngạc? Bởi Đức Giêsu xuất hiện và giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. Các kinh sư là những người chỉ giảng dạy theo truyền thống của tiền nhân, dạy một cách máy móc và rập khuôn, lắm khi còn chất thêm gánh nặng lề luật cho dân. Còn Đức Giêsu giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa; Người không chỉ nói trên môi miệng, nhưng còn bằng chính đời sống và hành động của Người.

Tiếp đến, sự xuất hiện của Đức Giêsu là một mối đe dọa cho sự tồn vong của thần ô uế. Người dùng quyền năng của Thiên Chúa mà đẩy lùi thần ô uế và tẩy trừ sự xấu. Vì thần ô uế không nói được, nên nó nhập vào con người để nói và con người lệ thuộc thần ô uế, trở thành phát ngôn viên cho thần ô uế. Do đó, Đức Giêsu xuất hiện để giải thoát cho con người. Vậy, khi Đức Giêsu xuất hiện thì con người được hưởng niềm vui, hạnh phúc và bình an.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xác tín hơn nữa vào sứ vụ của Đức Giêsu. Ước gì Người luôn xuất hiện và chiếm hữu trí óc, môi miệng và cung lòng mỗi người. Để nhờ đó, Người có thể phá tan những vực sâu tăm tối mà thần ô uế đã dựng lên trong cõi lòng chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ mau mắn để đón nhận giáo huấn của Người cách chân thành và hữu hiệu.

Lạy Chúa, xin Chúa ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng con biết đặt niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, vì Người là vị Thầy vĩ đại, đầy quyền năng và hay thương xót; và vì Người là niềm hy vọng giải thoát duy nhất của tất cả chúng con.    

THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc 1 : Hr 2,14-18

Tin Mừng : Mc 1,29-39

Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy !” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

CẦU NGUYỆN ĐỂ GẦN CHÚA

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Chín, SVD

Trong bài Mừng hôm nay, thánh Máccô cho chúng ta biết: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu ta thấy Ngài rất bận rộn: giảng ở hội đường xong, Ngài chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của ông Simôn Phêrô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện. Dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

Chúa Giêsu rất đề cao sự cầu nguyện vì như thế Ngài mới gặp gỡ và trò chuyện thân tình với Cha của Ngài. Chúa Giêsu

đã lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của việc cầu nguyện: Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, dành thời gian để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện, để chúng con gần Chúa và nghe tiếng Chúa hướng dẫn trong cuộc sống chúng con.

THỨ NĂM, NGÀY 12 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : Hr 3,7-14

Tin Mừng : Mc 1,40-45

Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

XIN CHÚA CHỮA LÀNH

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Ai đã từng một lần tận mắt chứng kiến bệnh phong thì mới hiểu và cảm nhận được nỗi đau khổ của người mắc bệnh này. Một căn bệnh gặm nhấm thân xác từ từ một cách đau đớn. Họ không chỉ đau đớn về thân xác nhưng còn tổn thương về cả tinh thần, khi mọi người tìm cách xa lánh.

Qua đoạn Tin Mừng này, phần nào chúng ta cảm nhận được nỗi đau khổ của người bệnh phong và nỗi đau khổ đó đã được Chúa Giêsu để mắt tới. Thánh Luca đã dùng cụm từ rất ý nghĩa “động lòng thương” để nói lên tình thương của Chúa Giêsu dành cho người bệnh phong nói riêng và cho nhân loại nói chung. Cụm từ này không mang nghĩa nhất thời của sự rung cảm, hay là một sự thương hại mang tính nhân loại, nhưng đây là tình thương xuất phát từ trái tim cực thánh của Chúa Giêsu. Lòng thương xót của Chúa biểu tỏ đến tột cùng trên thập giá khi trái tim Người đã chịu đâm thâu để chữa lành những tổn thương trong tâm hồn của nhân loại.

Ngày nay, con người thường ít mắc bệnh phong ở trên thân xác, nhưng lại thường mắc nhiều “bệnh phong” trong tâm hồn. Các bệnh phong của con người ngày nay như sự dửng dưng, vô cảm đối với những anh chị em bất hạnh đang sống quanh mình, lòng thù hận, sự ghen ghét, đố kỵ, lòng ích kỷ hẹp hòi… Những căn bệnh này đưa đến hậu quả nghiêm trọng hơn là bệnh phong trên thân xác, một thế giới lạnh lẽo bởi thiếu vắng tình thương.

Lạy trái tim Chúa Giêsu, xin hãy lấy lòng thương xót Chúa tưới gội tâm hồn con và cho con cảm nhận được sự dịu mát của trái tim Chúa, để tâm hồn con được hân hoan mang tình yêu Chúa đến với mọi người.

THỨ SÁU, NGÀY 13 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Thánh Hilariô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (Tr)

Bài đọc : Hr 4,1-5.11

Tin Mừng : Mc 2,13-17

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

ĐỨC TIN và ĐỨC ÁI

Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sự cuồng nhiệt của những người đến với Đức Giêsu, với một nỗi khao khát mãnh liệt để được nhìn thấy Ngài. Người ta đã đến xem, đến để nghe Ngài giảng dạy chật cứng, đầy nhà và tràn ra cả ngoài đường, đến nỗi người muốn đến chữa bệnh cũng không thể vào được.

Chúng ta thấy niềm tin luôn là yếu tố, là điều kiện để Chúa cho phép lạ xảy ra. Chúa tha tội và chữa lành cho người bại liệt dựa trên đức tin của những người thân, bè bạn và của chính anh. Vì thế, phép lạ này là kết quả của đức tin tập thể. Ở đây ta thấy người bất toại không thể tự mình đến gần Đức Giêsu được. Anh đã cần đến sự trợ giúp của những người khác. Và Đức Giêsu đã làm phép lạ để biểu lộ tình thương của Ngài. Việc những người thân phải vất vả, khó khăn mới đưa được người bệnh vào cũng là dấu hiệu của sự biểu lộ niềm tin.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn muốn nhắc nhở chúng ta vượt ra khỏi bản thân để đi đến với tha nhân và giúp đỡ họ. Đức tin và đức ái phải luôn đi liền với nhau. Đồng thời, những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho Chúa và như vậy chúng ta đang tích lũy công phúc cho Nước Trời mai sau. Như sách Châm Ngôn đã nói: Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ trả lại xứng với việc đã làm (Cn 19,17).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nhận tình thương và lòng nhân hậu của Chúa, học hỏi nơi Ngài, để đến với tha nhân với lòng thương xót.

THỨ BẢY, NGÀY 14 THÁNG 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : Hr 4,12-16

Tin Mừng : Mc 2,13-17

Khi ấy, Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

CHÚA CHẲNG BỎ RƠI AI

Tu sĩ Antôn P. Cao Xuân Thành, SVD

Ơn gọi của ông Mátthêu, hay còn gọi là Lêvi, có phần đặc biệt hơn so với các Tông Đồ khác, vì ông là một người thu thuế, lại làm việc cho đế quốc Rôma, nên người Do Thái coi ông là người tội lỗi.

Chúa đến và gọi ông ngay tại nơi làm việc. Chúa nói với ông “Hãy theo Ta” (Mc 2,14). Ông đã đồng ý, đi theo tiếng gọi của Người. Đó là điều bất ngờ đối với ông bởi ông bị người dân tẩy chay, nhưng nay được Chúa để ý, mời gọi làm môn đệ Người. Thế nhưng người Pharisêu lại lên án Đức Giêsu vì Người đã đồng bàn với những người tội lỗi (Mc 2,16). Và Chúa đã dạy cho họ một bài học, bài học về tình thương của Thiên Chúa: Người mạnh khỏe không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Thiên Chúa luôn tha thứ và hoán đổi cuộc đời của những người tội lỗi, biến họ thành những con người mới.

Đến hơi thở cuối cùng trên thập giá, toàn thân bị đòn roi tả tơi, không còn hình tượng con người nữa, nhưng Người vẫn cầu xin Chúa Cha tha tội cho những người làm hại và đóng đinh mình. Hơn thế nữa, tình yêu và lòng tha thứ lớn đến nỗi Người quên luôn tất cả những tội lỗi của “kẻ trộm lành” và đón anh vào cung lòng yêu thương: Ngày hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng cùng Ta.

Tất cả mọi tội lỗi đều được thứ tha nếu chúng ta biết quay về với Chúa Giêsu. “Kẻ trộm lành” là một ví dụ điển hình cho sự ăn năn trở lại đó! Cần nhớ rằng Thiên Chúa luôn đợi chờ chúng ta trở về, cánh cửa của lòng thương xót luôn rộng mở chào đón những đứa con tội lỗi biết sám hối, ăn năn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận những sai lỗi của mình để trở về với đường ngay nẻo chính. Và sẽ không bao giờ là muộn nếu chúng con biết quay về. Xin Chúa luôn mở rộng vòng tay để đón nhận con cái Ngài.

Bài trướcBài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ Hiển Linh 06/01/2017
Bài tiếp theoVideo Những hoạt động dịp Lễ Chúa Giáng Sinh 2016 tại các giáo phận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.