Mùa Thường Niên – Tuần IV – Năm A

0
368

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

MỒNG HAI TẾT

Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

Bài đọc 1 : Hc 44,1.10-15

Bài đọc 2 : Ep 6,1-4.18-23

Tin Mừng : Mt 15,1-6

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

LỀ LUẬT VÀ TÌNH YÊU

Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

“Các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt 15,6).

Khi nói đến truyền thống, người ta nghĩ ngay đó là một điều gì đó tốt đẹp được truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Và những thế hệ sau phải gìn giữ, bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó.

Vậy tại sao Chúa lại lên án truyền thống của các người Do Thái xưa. Làm như thế chẳng khác gì Chúa xem thường một truyền thống của một dân tộc, một đất nước hay sao? Vâng, nếu chúng ta đọc tiếp những câu sau của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ thấy được Chúa đã làm đúng. Chúa không lên án truyền thống việc kính nhớ ông bà tổ tiên của người Do Thái xưa, nhưng Chúa lên án lối sống, cách thi hành luật. Họ giữ và thực thi truyền thống theo hình thức chứ không có tâm tình nào: “Dân này thờ ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa ta” (Mt 15,7).

Trong đời tu nhiều khi chúng ta sống và tuân thủ luật lệ như một cái máy. Nhiều khi chúng ta cứ đến giờ là đọc kinh, là đi lễ; chúng ta làm như một cái máy không hồn và cho đó là thánh thiện, là đạo đức. Thật khủng khiếp hơn khi những việc làm mang tính máy móc lại đi vào việc cử hành các bí tích. Nhiều khi chúng ta đi xưng tội, rước lễ theo nội quy, lề luật của Nhà Dòng chứ chưa có cảm thức đúng về mầu nhiệm của những bí tích.

Lạy Chúa, trong cuộc sống, không ít lần chúng con cậy vào truyền thống của mình mà xem nhẹ lời Chúa dạy. Chúng con thi hành điều Chúa dạy theo thói quen, máy móc chứ chưa có cảm thức về nó. Xin Chúa tha thứ và giúp chúng con luôn biết sống theo tiếng Chúa dạy và ý thức hơn khi tham dự vào những mầu nhiệm của Chúa.

Thứ Hai – Ngày 30 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

MỒNG BA TẾT

Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Bài đọc 1 : St 2,4b-9.15

Bài đọc 2 : Cv 20,32-35

Tin Mừng : Mt 25,14-30

… Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!’ Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’

CÓ LÀM MỚI CÓ HƯỞNG

Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

Ngày mồng 3 Tết là ngày Giáo Hội Việt Nam dành riêng để cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Đây là dịp giúp tôi suy nghĩ về sứ vụ lao động của mình và tôi thiết nghĩ, cốt lõi của việc lao động là chiếm được Nước Trời. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về thái độ phải có để từ lao động mà tới được Nước Trời.

Với bốn nhân vật trong bài Tin Mừng, tôi được đánh động bởi lời của người đầy tớ thứ ba: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” (Mt 25,24). Khi đọc câu này, tôi có hai suy nghĩ: Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng thưởng – phạt (hà khắc); thứ hai, Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương (dù Ngài biết có thể không sinh lợi nhưng vẫn giao cho). Sở dĩ người đầy tớ thứ ba chôn nén bạc xuống đất là do ông chỉ nghĩ ông chủ (Thiên Chúa) là người hay thưởng-phạt mà không tin vào lòng thương xót, nhân từ của ông chủ. Vì vậy, ông đã bị chúc dữ. Còn người đầy tớ thứ nhất và thứ hai cảm nhận được ông chủ giàu lòng nhân từ. Ngài đã ban, đã cho họ của cải cách nhưng không. Vì thế, họ đón nhận và đáp trả bằng cách lao động hăng say để sinh lợi trước mặt Ngài, và họ đã được chúc phúc.

Qua hai suy nghĩ trên, tôi nhận thấy thái độ là yếu tố rất quan trọng trước ân sủng của Chúa. Ân sủng, tình thương, lòng nhân hậu của Chúa luôn có đó nhưng thái độ đón nhận và hành động đáp trả của tôi sẽ quyết định số phận của tôi.

Lạy Chúa, trong mọi hoàn cảnh, xin cho con cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa để con được hưởng hạnh phúc bên Chúa mãi mãi.

Thứ Ba – Ngày 31 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Thánh Gioan Boscô, Linh mục. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Hr 12,1-4

Tin Mừng : Mc 5,21-43

Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”…

ĐỨC TIN TRONG HÀNH ĐỘNG

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

Sách Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 28  nói: “Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người, nhờ tin mà con người được ơn cứu độ”.

Tin Mừng Máccô ngày hôm nay đã chỉ cho chúng ta thấy đức tin vào Thiên Chúa có sức mạnh vô biên. Chỉ nhờ tin thôi, một bà bị băng huyết mười hai năm, một bé gái chìm sâu trong giấc ngủ ngàn thu đã có thể lành bệnh và sống lại. Phải chăng chỉ cần tin thôi là sẽ được cứu chữa? Có lẽ tin thôi thì chưa đủ. Giả như ông trưởng hội đường chỉ tin vào Chúa mà không tìm cách gặp Chúa để cầu xin thì liệu con gái ông có sống lại được chăng? Nếu bà bị băng huyết mười hai năm không vì khao khát mà tìm cách chạm đến Chúa thì liệu bệnh của bà có được chữa lành? Ắt hẳn đức tin ở đây đòi hỏi phải có hành động vì “đức tin không hành động là đức tin chết”

(Gc 2,17).

Có lẽ tình yêu đúng nghĩa và hữu dụng khi tình yêu đó đi đôi với hành động. Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa Cha trao phó trong sự tự do và hiến mình vì tình yêu. Thánh Gioan Bosco không chỉ tin vào Thiên Chúa mà còn thể hiện tình yêu đó bằng những hy sinh để có thể cứu được nhiều linh hồn: “Xin cho con cứu được nhiều linh hồn, còn mọi sự khác: của cải, danh vọng, thành công, Chúa cứ cất đi”. Còn chúng ta, chúng ta thể hiện niềm tin của mình vào Chúa như thế nào?

Lạy Chúa, xin Ngài hãy thánh hóa và đánh thức niềm tin đang ngủ mê vì sự đời danh lợi trong mỗi người chúng con, để chúng con có thể hồi sinh trong sự hoán cải, quay về với Chúa trong tình yêu của Ngài.

Thứ Tư – Ngày 01 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : Hr 12,4-7.11-15

Tin Mừng :  Mc 6,1-6

Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy,

nghĩa là làm? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

ĐÓNG KHUNG

Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một thực trạng: Các ngôn sứ, thậm chí chính Ngài không được chấp nhận tại quê hương mình. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên?

Đầu tiên, những người đồng hương biết rõ về gia cảnh, về lịch sử bản thân của Đức Giêsu. Tiếp đến, họ cũng cho rằng mình biết rõ về những đặc điểm nơi tính cách, con người của Ngài. Vì thế, đối với họ, Đức Giêsu không xa lạ gì. Ngài cũng chỉ là một người “tầm thường” như họ mà thôi. Và khi Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng khôn ngoan, khi Ngài làm phép lạ thì họ “vấp ngã” vì Ngài.

Từ thái độ của người dân làng Nadarét,

ta thấy não trạng với cái nhìn đóng khung

về người khác. Khi sống gần một ai đó trong một khoảng thời gian, ta tưởng rằng mình đã biết rõ ràng về họ. Ta đóng khung họ trong quan điểm của mình. Và dù họ có thay đổi thế nào, ta vẫn “nhốt” họ trong quan điểm của ta. Nhưng thử hỏi ta đã hoàn toàn biết rõ về ai chưa? Ngay như chính bản thân mình, nhiều lúc ta cũng chưa hiểu hết con người mình. Giống như tảng băng trôi ba phần nổi bảy phần chìm. Sự thể hiện ra bên ngoài cũng chỉ phản ánh một phần con người của ta, còn đa phần thì bị ẩn giấu. Bởi thế, Gabriel Marcel khẳng định: “Con người là một huyền nhiệm.” Để hiểu một ai đó thì ta phải sống và cảm nghiệm về họ, chứ không chỉ qua vẻ bề ngoài hay một vài kinh nghiệm vụn vặt.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn có cái nhìn rộng mở để thấy được nỗ lực thay đổi nơi anh em. Thay vì xét đoán, xin cho chúng con biết đón nhận, biết đến và sống cùng để cảm nghiệm về anh em mình.

Thứ Năm- Ngày 02 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH – LỄ NẾN. Lễ Kính (Tr)

Bài đọc : Ml 3,1-4 hoặc Hr 2,14-18

Tin Mừng :  Lc 2,22-40

… Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.”…

“CHỜ” VÀ “SỜ”

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trí Long, SVD

Tục ngữ ca dao có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Và người đời có thêm câu tiếp theo là: “Trăm thấy không bằng một sờ”. “Chờ” để được “sờ” Đấng Cứu Thế là tâm trạng của ông Simêôn ở

trước cửa đền thờ trong ngày thánh Giuse

và Mẹ Maria dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa.

Lễ này còn được gọi là lễ nến hay là cuộc gặp gỡ giữa ông Simêôn và Đấng Cứu Thế. Ông Simêôn đã ở đền thờ nhiều năm mòn mỏi: “chờ” Đấng Cứu Thế đến cứu nhân loại khỏi vòng tội lỗi; “chờ” Đấng Lãnh Đạo dẫn dắt con người thoát khỏi nô lệ tội lỗi; “chờ” Đấng là Ánh Sáng soi đường dẫn lối cho muôn dân; “chờ” Đấng là Tình Yêu luôn luôn thương xót và tha thứ; “chờ” Đấng an ủi và nâng đỡ những người thấp cổ bé miệng … Chính giây phút nhìn thấy Mẹ Maria và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, thời gian “chờ” của ông đã mỹ mãn, ông vui mừng vì được “sờ” Chúa Giêsu khi “ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay” (Lc 2,28). Cái cảm giác chờ đợi, hy vọng chuyển thành cảm giác được chạm vào niềm hạnh phúc tuyệt đối. Đối với ông “chờ” để được “sờ” Đấng Cứu Thế là hạnh phúc nhất; không còn hạnh phúc nào hơn nữa, đến nỗi ông sẵn sàng “bình an ra đi vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài” (Lc 2,29-32). Quả thật, Chúa Giêsu là trung tâm của vũ trụ, là ánh sáng ban sự sống, là hy vọng cho mọi thụ tạo, là chiến thắng sự chết để vào vinh quang sự sống. Chúa là Chúa vĩ đại mà trở nên nhỏ bé trong vòng tay của những người tin Chúa.

Lạy Chúa, con tin Chúa vẫn hằng ở cùng con, ở trên đôi tay và trong lòng con. Chúa đã trở nên trẻ thơ, nhỏ bé và đã cho con người bồng bế, nâng nui để cảm nhận tình yêu của Chúa. Xin Chúa cho con cũng biết trở nên nhỏ bé như Chúa để biết thương cảm mọi người, dang tay và rộng lòng đón nhận tha nhân.  

Thứ Sáu – Ngày 03 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Thứ Sáu đầu tháng

Bài đọc : Hr 13,1-8

Tin Mừng :  Mc 6,14-29

[…] Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông

Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới…

LOẠI NGƯỜI NÀO?

Tu sĩ Tađêô Đào Duy Thiện, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy có ba loại người: thứ nhất là kẻ biết tốt xấu nhưng không dám làm theo sự phân định tốt xấu của mình; thứ hai là loại tán tận lương tâm, bất chấp thủ đoạn để thực hiện mưu đồ của mình; thứ ba là người dám lên tiếng cho sự thật dù biết sẽ bị thiệt thân. Ba tuýp người này xoay quanh câu chuyện luân lý trong đó vấn đề “có được lấy vợ của anh mình?” là trọng tâm.

Tác giả Tin Mừng đã dùng từ “phân vân” để diễn tả tình thế của vua Hêrôđê. Ông biết phân vân, chứng tỏ ông còn để cho lương tri của mình lên tiếng. Ông còn “biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông”. Tiếc thay vua Hêrôđê đã mờ mắt trước lạc thú mà làm dữ lánh lành. Bà Hêrôđia và người con gái lại là những kẻ quỉ quyệt, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Đó là một mụ đàn bà tham lam cưới em chồng và nhẫn tâm giết người công chính, một ả con gái chai lì lương tri khi không gớm tay cầm một chiếc đầu người bê bết máu trên mâm. Phần Gioan Tẩy Giả, ông biết mình sẽ gặp nguy khi lên tiếng cho lẽ phải nhưng vẫn kiên quyết làm điều đúng.

Đôi khi tôi thấy mình yếu đuối như loại thứ nhất. Nhưng có lúc tôi thấy mình xấu xa như loại người thứ hai. Và, ít khi tôi thấy mình can đảm sống như loại người thứ ba, dám chết cho sự thật.

Lạy Chúa, xin cho con biết thấy dữ mà tránh, thấy tốt mà làm. Xin cũng cho con biết can đảm để làm người công chính dù có phải thiệt thân, nhưng xin đừng để con trở thành loại người mưu mô, xảo quyệt không từ việc xấu nào.

Thứ Bảy – Ngày 04 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Thứ Bảy đầu tháng

Bài đọc : Hr 13,15-17.20-21

Tin Mừng : Mc 6,30-34

Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

TÌNH YÊU – NỀN TẢNG CỦA CUỘC SỐNG

Tu sĩ Máctinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD

Trong bài hát “Để Gió Cuốn Đi”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng.” Thật vậy, cuộc sống của chúng ta là một sự trải dài của những mối tương quan với nhau. Và tình yêu chính là cầu nối không thể thiếu để gắn kết tất cả mọi người. Thế nhưng, thực tế cuộc sống lại cho thấy một điều hoàn toàn trái ngược. Tình yêu giờ đây đã trở thành một “món hàng” khá xa xỉ mà người ta khó có thể trao tặng nhau.

Chạnh lòng thương là cảm xúc mà Đức Giêsu biểu lộ khi nhìn thấy đám đông dân chúng tìm đến với Người. Mặc cho sự mỏi mệt sau một ngày làm việc, Đức Giêsu không vì thế mà bỏ rơi dân chúng nhưng vẫn tiếp tục dạy dỗ họ, chỉ vì tình yêu thương. Tình yêu là nền tảng cho đời sống mỗi Kitô hữu chúng ta. Chính Đức Giêsu đã đến để dạy cho chúng ta yêu thương như thế nào, cũng như kêu gọi chúng ta hãy sống thương yêu nhau. Sống yêu thương không phải là một công việc khó khăn. Chúng ta có thể thực hiện qua việc sống tinh thần bác ái, yêu thương những người xung quanh ta, nhất là những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi. Tình yêu thương không nằm ở những việc làm lớn lao, nhưng ở nơi có sự hiệp thông, biết chia sẻ và đồng cảm, dù chỉ là những việc làm nhỏ bé.

Thật vậy, tình yêu là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Chính nhờ tình yêu, ta mới là một con người thật sự, nếu không ta chẳng khác nào một cỗ máy, một cỗ máy vô tri.

 Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì tình thương Ngài đã luôn dành cho chúng con, mặc cho chúng con là những người tội lỗi. Cuộc sống với những bộn bề lo toan, làm cho chúng con chỉ còn biết lo nghĩ cho chính mình mà không dám mở lòng ra với tha nhân. Xin ban sức mạnh, để chúng con đủ can đảm mở lòng ra, đón nhận mọi người, như chính Ngài đã đón nhận chúng con.

Bài trướcAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật 3 TN – A
Bài tiếp theoVideo Ý cầu nguyện Tháng 02 – 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.