Mùa Chay – Tuần V – Năm C

0
318

Chúa Nhật – Ngày 7 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc 1 : Is 43,16-21

Bài đọc 2 : Pl 3, 8-14

Tin Mừng : Ga 8,1-11

[…] Lúc đó, các Kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đi đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

NGOẠI TÌNH

“Ngoại tình” đang nổi lên như một hiện tượng đáng báo động trong xã hội hiện đại ngày nay. Chính vì thế, tôi bị đánh động bởi hình ảnh “người phụ nữ ngoại tình” trong Tin Mừng hôm nay.

Nhìn dưới góc độ xã hội, gia đình được coi là tế bào của xã hội, là tổ ấm, là trường học đầu tiên… Tin Mừng thì cho thấy tính bất khả phân ly của liên kết vợ chồng (x. Mt 10,9). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì dành ưu tiên cho mục vụ về gia đình trong giai đoạn từ năm 2016 – 2019 với chủ đề: “Niềm vui tình yêu gia đình” để đồng hành với các gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ.

Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, vợ chồng bất hòa, có khi đưa tới sự đổ vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình và sự phát triển toàn diện của con cái. Những điều đau lòng ấy vẫn xảy ra hằng ngày do một nguyên nhân không nhỏ chính là tội “ngoại tình”.

Khi liên tưởng đến đời sống tu trì của bản thân, tôi cũng đã kí kết hôn ước với Chúa qua lời khấn dòng. Do đó, tôi phải có sự thủy chung tuyệt đối với vị “Hôn Phu” của mình là Đức Kitô. Tuy nhiên, tôi vẫn còn bị những cám dỗ của thế gian bủa vây, khiến tôi phạm tội “ngoại tình”, tôi đang thất tín và bất trung với Chúa vậy. Hình ảnh người phụ nữ ngoại tình hôm nay một lần nữa nhắc nhở tôi sống  chung tình với một mình Thiên Chúa là Đấng mà tôi đã kí kết giao ước.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết chung thủy với Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Tu sĩ Antôn A Bảo, SVD

Thứ Hai – Ngày 8 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62

Tin Mừng : Ga 8,12-20

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Pharisêu rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”. Người Pharisêu nói với Đức Giêsu: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!” Người trả lời: “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Ðấng đã sai tôi. Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Ðấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi”. Họ liền hỏi Người: “Cha ông ở đâu?” Đức Giêsu đáp: “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi”. Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Ðền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.

CHÚA LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI?

Chúa Giêsu cố gắng mạc khải cho người Pharisêu về thiên tính của mình “Tôi là ánh sáng thế gian…” nhưng họ không hiểu. Một cuộc đối thoại mà hai bên không cùng quan điểm, không cùng chí hướng thì những khúc mắc, nghi ngờ, hiểu lầm… không thể tháo cởi được. Chính sự bất đồng này khiến người Pharisêu càng thêm tức tối và họ chờ dịp thuận tiện để ra tay bắt Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống, có lúc tôi bị khủng hoảng đức tin khi đối diện với những đau khổ. Tôi cảm thấy thất vọng, chán nản và kêu trách Chúa. Tôi càng cố gắng cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa bao nhiêu thì tôi càng cảm thấy thất vọng, chán nản bấy nhiêu. Như một phản ứng tự nhiên, tôi thu mình lại và tạo cho mình một vỏ sò vô hình bao phủ tâm hồn tôi. Khi ấy, tôi bắt đầu có những hành động hoặc suy nghĩ tiêu cực: Tại sao mình được sinh ra trên thế gian này? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Sống vậy có đáng sống không?… Những lúc như thế, tôi thấy mình thật giống như người Pharisêu. Tôi đi tìm Chúa theo cách của tôi chứ tôi không tìm kiếm hay hiểu Chúa như Chúa là. Chúa nói một đằng tôi tìm Chúa một nẻo nên tôi không bao giờ gặp thấy Người.

Chúa Giêsu là ai đối với cuộc đời tôi?  Làm thế nào tôi có thể tìm gặp Người? Cả cuộc đời tôi là hành trình đi tìm câu trả lời cho những khắc khoải này.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ơn đức tin để xác tín Chúa là ai đối với cuộc đời con; ơn khôn ngoan để  biết tìm gặp và yêu mến Chúa; và lòng dũng cảm để có thể vượt thắng những thử thách trong cuộc sống theo Chúa.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

Thứ Ba – Ngày 9 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Ds 21,4-9

Tin Mừng : Ga 8,21-30

[…] Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

HY SINH VÀ TỪ BỎ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cái chết của Người trên thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”. Người nói về cái chết và qua cái chết, Người tỏ cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa là Đấng hằng Hữu, là Đấng chân thật.

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, xuống thế làm con người, từ bỏ địa vị cao sang quyền thế, hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Đó là vì tình yêu. Thiên Chúa không thể làm được một việc, đó là Ngài không thể ngừng yêu. Như vậy, tin cũng là chấp nhận từ bỏ liên tục để học theo, bước theo Chúa Kitô, vác thập giá theo Người.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi một hy sinh đồng nghĩa với một từ bỏ: từ bỏ cái sai để chọn cái đúng, từ bỏ cái xấu để chọn cái tốt, hay từ bỏ cái tốt để chọn cái tốt hơn. Có nhiều thứ để hy sinh. Có khi hy sinh chỉ mang tính vật chất như tiền bạc, của cải, … nhưng bên cạnh đó, có những hy sinh mang tính tinh thần như thời gian, tài năng … Dù vậy, hy sinh nào dù nhỏ cũng ít nhiều mang lại lợi ích cho bản thân cũng như tha nhân. Người Kitô hữu, nhất là những tu sĩ, bước theo Đức Giêsu là chấp nhận hy sinh từ bỏ, vác thập giá đi theo Người, để vươn đến cùng đích là tình yêu và hạnh phúc với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thúc đẩy và lôi kéo chúng con hướng lòng lên Chúa Cha, là Thiên Chúa thật, giúp chúng con sẵn sàng hy sinh từ bỏ để xứng đáng làm con Thiên Chúa.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Tư – Ngày 10 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Đn 3,14-20.24-25.28

Tin Mừng : Ga 8,31-42

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”[…]

Ở TRONG LỜI TA

Phân đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong khung cảnh cuộc tranh luân giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái ở trong đền thờ, sau khi Chúa đe phạt dân Do Thái vì họ không tin lời Người.

Động từ “ở lại” có nghĩa là ở lại trong một căn nhà, một khung cảnh thời gian hay không gian, hoặc là ở lại trong ai đó theo nghĩa tình cảm. Vậy “ở lại trong Lời Ta” có nghĩa là để Lời Chúa làm căn nhà, làm không gian, thời gian và làm đối tượng yêu thương của ta.  Quả thực, ở lại trong Lời Chúa là lắng nghe, thực hành và duy trì mãi mãi sự lưu lại đó. Khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta mới thông hiểu điều Chúa dạy, mới cảm thấu sự thật của Chúa. Chỉ có sự thật của Chúa mới làm cho chúng ta sống đúng phẩm giá và tự do của con cái. Vì “sự thật sẽ giải phóng anh em”, mà “Lời Chúa là sự thật.”

Lời Chúa là ánh sáng chỉ dẫn chúng ta sống và tuân giữ luật Chúa như lời Thánh Vịnh dạy: “Lời Chúa là ánh sáng dọi bước chân con.” Và Lời Chúa là sức sống để nuôi dưỡng chúng ta, “ai giữ Lời Ta thì có sự sống đời đời.” Vì thế, khi chúng ta ở trong Lời Chúa, sức sống Lời Chúa sẽ dưỡng nuôi và hướng dẫn ta để ta không làm nô lệ cho tội lỗi. Nhận thức mình là con cái Thiên Chúa thì phải biết lắng nghe Lời Chúa, nếu không thực hành thì chúng ta chỉ là kẻ mang danh con cái Chúa theo hình thức mà không có thực chất.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta trong tâm tình Mùa Chay. Chúng ta được kêu gọi sám hối trở về trong Lời Chúa, trong phẩm giá con cái Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức thân phận yếu đuối cần có ơn Chúa nuôi dưỡng để tâm hồn chúng con luôn tìm gặp thấy Chúa và ở lại trong Lời Chúa, ở lại trong chính Chúa.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Thứ Năm – Ngày 11 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Thánh Stanislaô, giám mục, tử đạo.

Bài đọc : St 17,3-9

Tin Mừng : Ga 8,51-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’ Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Ápraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do Thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Ápraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

THỰC HÀNH LỜI

Bài Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái về thân thế của Người. 

Mở đầu cuộc đối thoại, Đức Giêsu nói: “Nếu ai giữ lời tôi, thì muôn đời sẽ không phải chết” (Ga 8,51). Chúa Giêsu khẳng định rằng ai tuân giữ Lời Người, nghĩa là đặt niềm tin vào Người và tiếp nhận Người thì được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Người với Chúa Cha. Chúa Giêsu không bao giờ giới thiệu mình mà không quy chiếu về Chúa Cha. Đối với Chúa Giêsu, tất cả lời nói, việc làm và tư cách của Người đều phát xuất từ Chúa Cha, Đấng đã sai phái Người: “Chính Cha tôi tôn vinh tôi; Ngài là Đấng mà các ông xưng là Thiên Chúa của các ông” (Ga 8,54).

Theo lẽ tự nhiên thì khi yêu mến ai, ta thường giữ hình ảnh và lời nói của người ấy trong tâm trí của ta. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa Giêsu thì hình ảnh và lời của Ngài cũng sẽ ở lại trong lòng trí chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giêsu mời gọi ta đi xa hơn: “ở lại trong Lời của Ngài” (x. Ga 8,31). Đó là một lời mời gọi, đồng thời cũng là một minh chứng cho tư cách môn đệ đích thật của Chúa Giêsu. Khi được bao bọc bởi Lời Chúa, người môn đệ sẽ biết sự thật là chính Chúa Kitô; chính Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi tội và làm cho chúng ta trở nên con người tự do.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận và tuân giữ Lời của Chúa, để chúng con biết yêu và thuộc trọn về Chúa. Xin nâng đỡ và tiếp sức cho chúng con, để chúng con được “ở lại trong Lời của Chúa”, mà trổ sinh hoa trái.

Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Thứ Sáu – Ngày 12 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Gr 20,10-13

Tin Mừng : Ga 10,32-42

Khi ấy, người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó […]

BƯỚC THEO THẦY

Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay đánh động tôi bởi câu: “Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36).

Đường đời là một hành trình tiến về phía trước, nơi mình được mời gọi. Con đường đó không chỉ là thảm hoa hồng nhưng còn là những đoạn chẳng hề bằng phẳng, thậm chí còn có những dốc cao, ổ voi, ổ gà, những khúc ngoặt… khiến người đi phải ngần ngại. Đôi khi ta biết rõ con đường có những chướng ngại nhưng ta vẫn phải vượt qua vì mục tiêu đã chọn. Chúa Giêsu cũng đã trải qua kinh nghiệm đó khi Người làm bao phép lạ chữa lành cho dân nhưng họ vẫn tìm cách bắt bớ và muốn giết Người. Nhưng không phải vì thế mà Người chùn  bước, Người sẵn sàng tiến lên vì yêu thương và vâng phục Chúa Cha.

Hình ảnh vị Thầy Chí Thánh, Chúa Cao Cả mà còn chịu bao nỗi khổ đau như nhắc nhở tôi về con đường đời sống ơn gọi của mình. Chúa đang gọi tôi bước theo Chúa, sống cho Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp đời tôi. Để rồi mai này Chúa dẫn đưa tôi đi xa hơn, đến những vùng đất mới. Nơi ấy chắc chắn sẽ không thiếu những thăng trầm, đau thương, vất vả. Trong đời sống sứ vụ tương lai, tôi sẽ không thể nào tránh khỏi những khó khăn về khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực, não trạng… Nhưng nếu tôi ý thức được Đức Kitô là đích điểm của đời mình, tôi sẽ sống thanh thoát hơn, không bám chấp vào những thứ phù vân, đủ can đảm để vượt qua mọi thử thách.

 Lạy Chúa Giêsu, xin ở với con trong từng ngày sống. Xin Chúa luôn dẫn dắt con để con có thái độ kiên quyết dấn thân trong đời tu và trong sứ vụ.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Thứ Bảy – Ngày 13 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Thánh Martinô I, giáo hoàng, tử đạo.

Bài đọc : Ed 37,21-28

Tin Mừng : Ga 11,45-57

Sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là vị thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.[…]

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

 “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Câu nói của vị thượng tế Caipha như thể một sáng kiến khôn ngoan và vì dân vì nước. Tuy nhiên, câu nói này lại che đậy một kế hoạch nham hiểm nhằm giết người vô tội để thỏa lòng ghen tương, đố kỵ.

Tuy vậy, trong chương trình của Thiên Chúa, câu nói đó lại trở thành lời tiên tri loan báo về Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng sẽ chết để trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn dân. Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Chính cái chết của Người đã tiêu diệt thần chết là sự hận thù. Người đã chết và đã phục sinh để cho chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Chúa.

Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy suy ngắm mầu nhiệm tình yêu của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Người, để mỗi người hãy tự phản tỉnh và canh tân đổi mới. Đồng thời, một khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, người Kitô hữu được mời gọi sống chứng tá cho tình yêu đó bằng cách can đảm đứng về phía sự thật, chống lại những gian dối, và bất công trong xã hội, để những người kém may mắn nhất vẫn được yêu thương, che chở.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết để chúng con được sống. Xin ban cho chúng con tấm lòng bao dung quảng đại, để chúng con biết làm chứng cho Chúa, sống yêu thương và tha thứ như Chúa vẫn hằng tha thứ cho chúng con.

Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Mùa Chay – Năm C
Bài tiếp theoMột thầy dòng Phanxicô thắng giải giáo viên giỏi nhất thế giới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây