Mùa Chay – Tuần IV – Năm C

0
603

Chúa Nhật – Ngày 31 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc 1 : Gs 5,9a.10-12

Bài đọc 2 : 2Cr 5,17-21

Tin Mừng : Lc 15,1-3.11-32

[…] Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng […]

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Tin Mừng hôm nay cho thấy tình yêu của cha đối với con của mình. Người cha đã tôn trọng tự do và đã chiều theo ý muốn của con khi con muốn được chia gia tài. Rồi khi con ăn chơi hết gia tài quay về, người cha không tức giận nhưng đã hết sức vui mừng đón con trở về và trao cho con những thứ tốt đẹp nhất. Đó là tình thương và lòng nhân hậu của người cha dành cho đứa con hoang đàng trở về.

Tình thương của người cha dành cho con chính là tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân biết sám hối và quay về với Ngài. Khi phạm tội, chúng ta đi hoang, bỏ Chúa và đi theo đường lối của mình. Chúa vẫn luôn yêu thương và chờ đợi chúng ta quay về với Ngài, để đón nhận ơn tha thứ. Khi chúng ta sám hối và quay về với Chúa, Ngài rất vui mừng và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. 

Lời kinh năm thánh lòng thương xót nhắc chúng ta về tình thương tha thứ của Thiên Chúa: “Chúa đã cứu Giakêu và Mátthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc, đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna

không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo; đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa, và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn”.

Vì thế, mỗi lần chúng ta mắc phải sai lầm, chúng ta hãy thành thật đến với Chúa qua Bí tích Hòa Giải, để được Chúa thứ tha. Đồng thời, chúng ta học hỏi nơi Ngài để biết đến với anh chị em mình với lòng thương xót, để tha thứ, ủi an và nâng đỡ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình thương của Chúa đối với chúng con, qua đó, giúp chúng con luôn biết hoán cải và canh tân đời sống của mình; đồng thời, giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của người cha nhân hậu để sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con.

Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Thứ Hai – Ngày 1 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Is 65,17-21

Tin Mừng : Ga 4,43-54

[…] Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê.

SỐNG ĐỨC TIN

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu về lại Cana và chữa lành cho con trai của một viên sĩ quan Rôma đang nguy tử. Ông này đã nghe biết về quyền năng của Người qua các phép lạ nên đến xin Người chữa cho con mình. Đức tin của ông không những đã cứu được con ông mà còn dẫn cả gia đình ông đến việc đón nhận đức tin.

Chúng ta đều đã sống đức tin từ năm này qua năm khác. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng tin vào quyền năng của Thiên Chúa, và có lẽ cũng đã có những lúc chúng ta ước gì Chúa làm những phép lạ lẫy lừng để xóa bỏ bất công, bạo tàn trong xã hội, để những người chống đối đạo, nhạo báng Chúa phải kính sợ và tin theo. Quả thực, đây đó khắp nơi cũng đã có những phép lạ qua Đức Maria, và nhiều người ngoại đã theo đạo.

Là những người tin, chúng ta phải làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa dù chúng ta không thể làm được điều gì phi thường. Nhưng điều phi thường nhất mà Thiên Chúa đã làm có lẽ là Người để cho quyền năng được hóa thân trong sự yếu đuối nơi Đức Giêsu nhập thể, là chứa đựng cái vô biên trong cái hữu hạn. Bởi đó, chúng ta cũng được mời gọi, trước là để cho sức mạnh Thiên Chúa biểu lộ trong sự yếu đuối của chúng ta khi chúng ta tín thác hoàn toàn nơi Người; sau nữa là lên đường để tìm gặp Chúa trong nơi anh chị em, dù là người tin hay chưa tin, tìm ý Chúa trong những gì thường nhật bằng con mắt đức tin. Khi chúng ta gặp được Chúa trong cuộc đời, người ta sẽ thấy Chúa trong chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp con biết bước đi nhờ ánh sáng đức tin soi đường để gặp Ngài nơi những điểm hẹn của Chúa.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Ba – Ngày 2 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN IV

Thánh Phanxicô Paola, ẩn tu.

Bài đọc : Ed 47,1-9.12

Tin Mừng : Ga 5,1-3a.5-16

Nhân một dịp lễ của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi! […]

KHAO KHÁT

Bàì Tin Mừng hôm nay trình thuật lại việc Chúa Giêsu vì chạnh lòng thương, mà Ngài đã cứu chữa một người bại liệt trong ngày sabát. Chính qua hành động yêu thương này mà Ngài bị những người Do Thái chống đối, vì họ cho rằng Ngài đã không tuân giữ luật ngày sabát.

Có lẽ Chúa Giêsu đã quan sát thấy cảnh náo động, tranh giành, chen lấn nhau xuống hồ nước Bếtdatha để được chữa lành; và Ngài cũng thấu hiểu tâm trạng thấp thỏm của người bại liệt mong có ai đó đưa anh xuống hồ, nên mặc dù anh chưa van xin nhưng Chúa Giêsu đã ngỏ lời trước: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Đã bao lâu anh khát khao được chữa lành, giờ đây anh đã được toại nguyện.

Có thể nói, với quyền năng của Ngài, Chúa Giêsu chỉ cần phán một lời thì anh có thể đứng lên và đi lại được … nhưng Ngài lại bảo: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Ngài cần sự hợp tác của anh, cần anh thể hiện lòng khao khát được cứu chữa, để giúp anh được lành mạnh. Để được Chúa chữa lành, điều đầu tiên người bại liệt cần có là lòng khao khát ra khỏi bệnh tê bại lâu năm, để đứng thẳng và bước đi.

Còn chúng ta, liệu rằng chúng ta có đủ khao khát được chữa lành, đủ can đảm bước ra khỏi những thói quen xấu để được lành mạnh về đàng thiêng liêng? Mùa Chay là cơ hội để chúng ta nhìn ra những què quặt, bất toại, tê liệt trong tâm hồn và biết quay trở về với Chúa với lòng khát khao để được Chúa chữa lành.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm sống điều mình quyết tâm trong Mùa Chay thánh này, quyết trở về với Chúa với lòng khát khao để được Chúa chữa lành.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Tư – Ngày 3 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Is 49,8-15

Tin Mừng : Ga 5,17-30

Sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sabát, Đức Giêsu tuyên bố với người Do Thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Đức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý […]

BÍ MẬT BA NGÔI

Giới chức tôn giáo Do Thái xưa xem Đức Giêsu như là một kẻ lộng ngôn, một kẻ sách động, còn đám đông dân chúng lại coi Người là một ngôn sứ, là Đấng Mêsia. Thế còn chính Đức Giêsu, Người tự nói gì về chính mình?

Có thể nói rằng bài Tin Mừng hôm nay là một lời bộc bạch về nguồn gốc sứ vụ của Đức Giêsu. Đối với người Do Thái, lời bộc bạch này ví như tiếng sét bên tai, không thể chấp nhận được. Đối với người Kitô hữu, lời bộc bạch này lại là một mặc khải vĩ đại từ trời cao. Quả thật, trong tâm thức người Do Thái, trong vũ trụ càn khôn này Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra, không có thần nào khác nữa. Còn đối với các Kitô hữu, nhờ Ngôi Lời Nhập Thể, bí mật trời cao nay được vén mở, rằng Thiên Chúa không hề đơn độc; Người có một người Con Chí Ái. Người Con này hằng làm theo ý Chúa Cha, nên Chúa Cha yêu thương Chúa Con và trao toàn quyền xét xử cho Chúa Con.

Đi xa hơn nữa, Ngôi Lời Nhập Thể còn tỏ lộ cho con người biết rằng: từ thuở đời đời, khi trời đất chưa có hình hài, khi vạn vật còn chưa hiện hữu, khi con người chưa được tạo thành, Thiên Chúa vẫn luôn hạnh phúc trong tình yêu ngôi hiệp giữa Cha – Con – Thánh Thần. Đây chính là chân lý thẳm sâu, không do lý trí phàm nhân khám phá, nhưng bởi mặc khải mà Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đến mặc khải cho biết.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, cảm tạ Chúa vì đã mạc khải những điều cao cả cho những kẻ bé mọn như chúng con đây. Xin tôn vinh và chúc tụng Chúa đến muôn đời.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Năm – Ngày 4 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN IV

Thánh Isiđôrô, giám mục.

Bài đọc : Xh 32,7-14

Tin Mừng : Ga 5,31-47

[…] Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến […]

CHỨNG TÁ

“Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5,36). Hành động là điều minh chứng có sức thuyết phục hơn gấp nhiều lần lời nói. Nó cũng là cơ sở, là thước đo để người ta kiểm chứng cho lời nói.

Chúng ta đang sống trong một thế giới có rất nhiều nơi đang còn thiếu vắng tình yêu và lòng quảng đại. Biết bao người đang đứng trước những khó khăn trong cuộc sống. Họ cần lắm những bàn tay nhân ái giúp đỡ. Thế nhưng, một thực trạng chúng ta vẫn thường thấy đó là những lời nói sáo rỗng của những nhà cầm quyền. Người ta chỉ thích những lời đao to búa lớn, thích hô hào những ngôn từ mỹ miều, còn việc bắt tay vào làm thì xem ra còn trái ngược với lời họ nói.

Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta qua cuộc sống và cung cách phục vụ của Ngài. Lời Ngài rao giảng luôn có sức thuyết phục và khiến người nghe tin tưởng vì những lời Ngài nói luôn được thể hiện qua hành động. Là những người bước theo Đức Giêsu trên con đường sứ vụ của Ngài, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Chúng ta đi loan báo niềm vui cứu độ nhưng điều quan trọng là mỗi chúng ta phải trở nên một chứng nhân sống động cho điều chúng ta rao giảng. Nếu chúng ta chỉ nói cho hay thì rồi ra điều chúng ta rao giảng cũng chỉ là những lý thuyết suông. Điều chúng ta rao giảng chỉ là những ngôn từ chạm đến tai người nghe chứ chưa chạm đến trái tim và không làm biến đổi được cuộc đời họ. Chúng ta hãy đi vào cuộc đời họ, chia sẻ những khó khăn và hãy yêu thương họ bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho lời chúng con rao giảng luôn được kiện toàn bằng đời sống chứng tá của chúng con để nhân loại nhận ra tình yêu cứu độ của Ngài.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Thứ Sáu – Ngày 5 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN IV

Thánh Vinh Sơn Ferrê, linh mục.

Bài đọc : Kn 2,1a.12-22

Tin Mừng : Ga 7,1-2.10.25-30

[…] Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

NGÀI LÀ AI?

Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt lõi đối với mỗi người Kitô hữu. Người vẫn thường hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Những người Do Thái thường hay tranh luận về nguồn gốc của Đức Giêsu. Họ tưởng rằng mình biết rõ Kinh Thánh, nhưng lại không biết rằng trong Kinh Thánh có nhiều chỗ vượt quá trí hiểu của con người. Một đàng, họ biết nguồn gốc nhân loại của Người; đàng khác, họ lại không biết về nguồn gốc thần linh của Người. Chính vì vậy, trong khi họ tranh luận về nguồn gốc của Ngài, Chúa Giêsu đã lên tiếng xác định: Ngài xuất phát từ Thiên Chúa.

Với chúng ta, việc khám phá ra Đức Giêsu là ai là điều tối cần thiết trong việc tìm kiếm ơn cứu độ. Chính thánh Gioan đã viết: “Sự sống đời đời hệ tại hiểu biết Thiên Chúa chân thật và biết Đức Giêsu là Đấng mà Chúa sai đến” (Ga 17,3). Chúng ta khó có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nếu chúng ta cảm thấy thỏa mãn khi dựa vào một số kiến thức về giáo lý của bản thân như những người Do Thái.

Để khám phá ra Đức Giêsu là ai, chúng ta cần dựa vào những lời Chúa nói và cả những việc Chúa làm để có thể nhận ra tình thương, ý muốn và công việc của Chúa. Chúa cảnh báo chúng ta khi chúng ta chỉ sống với Chúa theo hình thức bên ngoài, khi chúng ta chỉ nhìn Chúa theo quan niệm và nhu cầu riêng của mình. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải có những hành động, lời nói, cử chỉ cũng như cách sống để thu hút sự chú ý của người khác và tạo cho họ khát vọng tìm đến chân lý đích thực nơi Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con biết làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống chứng nhân của con. 

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Bảy – Ngày 6 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Gr 11,18-20

Tin Mừng : Ga 7,40-53

Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.  Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy. Người Pharisêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” […]

LẮNG NGHE

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta phải biết lắng nghe và phân định trước khi đưa ra kết luận hay đánh giá về một người nào đó. Trước lời giảng dạy của Đức Giêsu, kẻ lắng nghe với lòng khiêm nhường thì nhìn nhận Người là vị ngôn sứ, là Đấng Kitô; kẻ khác tự hào cho mình là biết Lề Luật và Kinh Thánh lại từ chối Người.

Lắng nghe để thấu hiểu người khác không phải là chuyện dễ dàng. Đôi khi thay vì lắng nghe người khác, học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, chúng ta lại cố tình lèo lái câu chuyện qua một hướng khác, hoặc đơn giản là không thích lắng nghe vì cho mình đã biết đủ. Vì thế, chúng ta dễ có cái nhìn không đúng về người khác, hay có thái độ khinh thường người khác giống như các thượng tế và những người Pharisêu xem các vệ binh đền thờ là “bọn dân đen, thứ không biết lề luật”.

Để nhìn nhận đúng sự việc hay một ai đó, điều quan trọng là chúng ta phải lắng nghe cách chân thành với một tâm hồn quảng đại. Biết bao lần chúng ta đã không nhận ra Chúa nơi thiên nhiên, nơi những biến cố trên thế giới, nơi tha nhân, đặc biệt là nơi những người bé nhỏ, đơn sơ, nghèo hèn vì thiếu sự chân thành và tinh thần lắng nghe đích thực? Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng tâm hồn và cuộc đời chúng ta, để chúng ta biết khao khát lắng nghe tiếng Chúa và tiếng của tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con đã để cho cho sự kiêu ngạo làm chủ cuộc đời, khiến chúng con không nhận ra Chúa, cũng chẳng nhận ra anh em đồng loại.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Mùa Chay – Năm C
Bài tiếp theoGóc suy tư: Linh Đạo – một chút suy tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.