Mùa Chay – Tuần III – Năm B

0
343

Chúa Nhật- Ngày 04 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc 1 : Xh 20,1-17

Bài đọc 2 : 1 Cr 1,22-25

Tin Mừng : Ga 2,13-25

Lễ Vượt Qua của dân Do Thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”. Bấy giờ người Do Thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do Thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói…

ĐỀN THỜ

Đền Thờ là nơi thánh, dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa; đó là nhà của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Các thầy tư tế là những người có bổn phận trông coi và bảo vệ sự thánh thiêng của đền thờ. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng một khu vực Đền Thờ đã thành nơi buốn bán, biến nhà Thiên Chúa thành ra như cái chợ. Trước thực tế đau lòng, Đức Giêsu đã nổi giận, lật đổ bàn ghế, xua đuổi người buôn bán và ra lệnh “đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16).

Khi để cho một khi vực của Đền Thờ thành nơi buôn bán, con người đã không còn đặt Thiên Chúa vào vị trí trung tâm và cao nhất trong đời sống tôn giáo của họ nữa. Khi Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ, Ngài không những muốn trả lại sự thánh thiêng của Đền Thờ, mà còn muốn người ta đặt Thiên Chúa vào vị trí trung tâm của cuộc đời chứ không phải tiền bạc hay danh vọng thế gian.

Dành vị trí ưu tiên cho Thiên Chúa trong cuộc đời mình không có nghĩa là đặt Người lên ngai rồi tôi cứ đi và sống theo cách của tôi. Đặt Chúa làm tâm điểm cuộc đời là sống một cuộc sống mà trong lối suy, lối hành động, lối tương giao phải có Chúa trong đó, nghĩa là nhằm làm rạng danh sự công chính và thánh thiện của Người. Muốn vậy, tôi phải tập từ bỏ nhiều thứ, và kiểm soát các đam mê, để tiếng Chúa có thể được cất lên và tôi có thể nghe được tiếng ấy trong cuộc đời mình.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con không ngừng canh tân chính mình để ngày càng xứng đáng là nơi Chúa ngự. Amen.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Hai – Ngày 05 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : 2 V 5,1-15a

Tin Mừng : Lc 4,24-30

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): Quả thật: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta

miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi.” Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG

Tôi phần nào bị sốc khi ngay đầu trích đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật lại lời Đức Giêsu nói với dân chúng khi Người trở lại Nadarét, làng quê của Người: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Thái độ khước từ Chúa Giêsu của dân làng Nadarét phần nào đó giống một câu tục ngữ của người Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng”.

Thái độ dửng dưng, khước từ này như cảnh báo chính chúng ta hôm nay. Là những người Kitô hữu nhưng nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ không tin, hay thiếu lòng tin vào chính điều mà chúng ta hằng tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, tôi tin kính một Thiên Chúa…” Đây cũng là căn bệnh của người Kitô hữu, căn bệnh thờ ngẫu tượng, đứng núi này trông núi nọ, căn bệnh mê tín dị đoan.

Điều này cũng được Đức Giêsu giải thích thêm khi đưa ra những ví dụ cụ thể đã được trưng dẫn trong Kinh Thánh Cựu Ước, để muốn nói rằng dân Ítraen là dân được Chúa tuyển chọn thế mà trong những hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn thì chẳng ai được cứu, lý do vì họ thiếu lòng tin vào Thiên Chúa của mình. Sự ưu ái đó lại được dành cho dân ngoại, những người chưa tin, chưa biết đến Thiên Chúa. Ông Naaman người Xiry – trong bài đọc I là một ví dụ. Ý tưởng này cũng được tác giả Tin Mừng Gioan thuật lại như sau khi nói về Ngôi Lời là chính Thiên Chúa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai không tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa” (Ga 1,11-12).

Lạy Chúa Giêsu, xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con; xin cho chúng con biết cậy nhờ vào chính Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống để xứng đáng làm người môn đệ Chúa.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Ba- Ngày 06 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Đn 3,25.34-43

Tin Mừng : Mt 18,21-35

Khi ấy, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu

 mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ […]

YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LUẬT CHÚA

Giữa thế giới hôm nay, con người đang đối diện và bị đe dọa bởi văn hóa sự chết, và một trong những yếu tố tạo nên văn hóa của sự chết đó là nhân loại đang vắng bóng của tình yêu thương và tha thứ cho nhau.

Hai từ “yêu thương” có lẽ ai cũng có thể nói, nhưng để sống tình yêu thương đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có sự hy sinh thật lòng mới có thể thực hiện được. Yêu thương luôn đi cùng tha thứ, bởi có tha thứ yêu thương mới tròn đầy trong tương quan giữa người với người.

Lời Chúa hôm nay như là ngọn đèn soi vào lòng mỗi người, soi vào sự hận thù, ghen ghét và đố kỵ có thể đang chất chứa trong lòng con người. Trong yêu thương và tha thứ, Chúa Giêsu không bảo là tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Điều này đòi hỏi một sự tha thứ rất lớn, bởi bao lâu con người còn sống bấy lâu con người vẫn còn yếu đuối bất toàn và cần sự tha thứ của người khác. Chẳng ai có thể vỗ ngực tự hào mình hoàn hảo mà không cần đến sự thứ tha của người khác hay là sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách vô điều kiện và chính trên cây thánh giá đau đớn tột cùng, Thiên Chúa đã ôm lấy lỗi lầm và những bất toàn của con người bằng một tình yêu thương vô bờ và một sự tha thứ hoàn toàn nhưng không.

Hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha, hãy gạt bỏ những nhỏ nhen ích kỷ trong lòng để Thiên Chúa được lớn lên trong tâm hồn ta. Yêu thương chính là chu toàn luật Chúa.

Lạy Chúa xin cho con biết học gương yêu thương và tha thứ của Chúa, bởi như thế con mới biết “mang yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Thứ Tư – Ngày 07 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Thánh nứ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita, tử đạo.

Bài đọc : Đnl 4,1.5-9

Tin Mừng : Mt 5,17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG

Thường thì luật lệ gây cho con người cảm giác bị ép buộc, nhất là khi áp dụng cách cứng nhắc, máy móc. Luật của Chúa cũng không tránh khỏi gây cho ta cảm giác đó. Vì sao luật Thiên Chúa vốn là Đấng yêu thương và khoan dung lại muốn ép buộc con người?

Sau bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, dân Ítraen đã nghiệm ra được giá trị của việc trung thành với lề luật Chúa ban cho tổ tiên họ. Với họ, luật là sự sống và là ân huệ. Tuy nhiên, dưới thời bình, các kinh sư và biệt phái đã khoác cho lề luật một bộ khung nặng nề của những hình phạt và các chế tài. Thế nên, tầng lớp bình dân chiếm đa số lại chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng còn đâu giá trị ân sủng của lề luật vì luật chỉ còn là thứ thủ tục pháp lý của cơ chế xã hội trần gian, mất hết mối dây liên kết với Thiên Chúa. Theo đó, dần dần, người ta đã không còn nhận ra Thiên Chúa làm chủ lề luật.

Thiên Chúa đã kiện toàn lề luật qua Đức Giêsu. Việc kiện toàn ấy một mặt hướng việc thực hành luật quay về với Thiên Chúa là Đấng làm chủ và là cùng đích của đời sống con người. Thiên Chúa sẽ thưởng phúc lành cho những ai tuân giữ huấn lệnh Ngài ban. Mặt khác, Đức Giêsu đã làm gương cho người ta thấy về cốt lõi của lề luật là tôn thờ Thiên Chúa, yêu thương con người đến quên mình, chứ không phải giữ luật để vinh danh bản thân. Có thể hiểu đây là giá trị cốt lõi mà Đức Giêsu khẳng định: “Cho dù trời đất này qua đi, thì một chấm một phết trong lễ luật cũng sẽ không qua đi”. Nơi lề luật này, Ítraen và cũng là nhân loại thấy rõ nhất phận vị con người được Thiên Chúa hướng dẫn cho tới viên mãn. Chính Người không đến để bãi bỏ lề luật, và vì thế, con người cũng không thể xem thường những gì thuộc về chân lý Kinh Thánh.

Chắc chắn với Thiên Chúa, tình yêu dành cho con người và cho mọi thụ tạo vẫn lớn lao hơn là hình phạt huỷ diệt. Tiếc rằng, mỗi lần sa ngã, tôi xa Chúa thêm một khoảng, và nhiều lần như vậy, dấu ấn của Chúa nơi tôi là nỗi sợ hãi hơn là tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa, rất nhiều lần con không sống theo luật Chúa, xin cho con không ngừng hoán cải và luôn tin tưởng rằng, tuân giữ luật Chúa là con đường hạnh phúc.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Thứ Năm – Ngày 08 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ.

Bài đọc : Gr 7,23-28

Tin Mừng : Lc 11,14-23

[…] Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

SỰ GHEN TƯƠNG ĐỐ KỴ

Có lẽ sự ghen tương, đố kỵ luôn tồn tại âm ỷ trong lòng mỗi con người, và nó sẽ nhanh chóng bộc lộ khi có cơ hội.

Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Khi thấy phép lạ Chúa Giêsu làm để trừ quỷ, giúp một người câm nói được, thì một số người lại tỏ thái độ ghen ghét, đố kỵ. Họ chất vấn Đức Giêsu và còn đòi Người làm cho họ một phép lạ khác nữa. Lòng của họ đã trở nên chai cứng, luôn nghĩ đến những điều xấu xa. Đáng lẽ, khi thấy việc tốt đẹp mà Chúa Giêsu làm thì họ phải vui mừng và cảm phục, nhưng họ lại lấy đó làm cái cớ để chất vấn và vùi dập Người. Tất cả cũng chỉ bởi sự ghen ghét và đố kỵ, không muốn cho người khác hơn mình.

Phải chăng đó cũng chính là tâm trạng của mỗi người chúng ta. Khi thấy một ai đó tài giỏi, được mọi người kính phục, thì ta lại đem lòng ghen ghét, và tìm mọi cách để hạ bệ người đó? Bài Tin Mừng hôm nay như một lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lại tâm hồn và đối diện với chính lương tâm mình: Biết bao lần chúng ta đã ghen ghét và đố kỵ với người khác; biết bao lần ta đã tìm cách này hay cách khác chỉ để hạ bệ một ai đó… Tất cả cũng chỉ để thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình.

Ước mong mỗi người chúng ta luôn biết chân thành nhìn lại những hành vi và lời nói chưa hay chưa đúng, để qua đó ta biết quyết tâm và nỗ lực sửa mình mỗi ngày, hầu xứng đáng với tình thương mà Chúa đã dành cho ta.

Lạy Chúa, xin Ngài ban thêm sức mạnh và luôn đồng hành cùng con, để mỗi bước con đi, để những lời con nói và hành động của con luôn chiếu tỏa Lời của Ngài.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Sáu – Ngày 09 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Thánh Phanxica Rôma, nữ tu.

Bài đọc : Hs 14,2-10

Tin Mừng : Mc 12,28b-34

Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu

đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI

Tìm hiểu kỹ càng chân lý đức tin, cũng như đạo lý mà mình đang theo là một việc làm cần thiết của mỗi tín đồ ở bất kỳ tôn giáo nào. Vị kinh sư trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe có lẽ cũng băn khoăn về những khoản luật, những giới răn, những đạo lý mà ông đã theo bao năm nay, nên ông đã đến hỏi Đức Giêsu: Thưa thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? (Mc 12,28).

Lời dạy của Đức Giêsu không chỉ là kim chỉ nam, là thước đo giá trị đời sống đạo cho dân Ítraen xưa, nhưng còn có giá trị trường tồn qua mọi thời. Vì một thực tế rằng, nhiều Kitô hữu làm rất nhiều điều hay, giữ rất nhiều luật lệ nhưng nhiều khi lại quên đi điều căn cốt nhất theo như Tin Mừng đòi hỏi: yêu Chúa, yêu người.

Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực có nghĩa là để cho Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình. Và nếu yêu Chúa, tìm kiếm Chúa và chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa được xem là tình yêu hướng thượng, thì tình yêu dành cho anh em mình được coi là tình yêu liên đới, vì ta không thể hiểu và giữ điều răn này một cách trọn vẹn nếu không thực thi điều răn thứ nhất cách chân tâm. Vỏn vẹn luật Chúa chỉ tóm gọn trong hai giới răn: yêu Chúa, yêu người. Thế nhưng, liệu có ai trong chúng ta dám khẳng định rằng: tôi đã thực thi điều Chúa dạy một cách vẹn toàn, đầy đủ?

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin soi dẫn lòng con để mỗi ngày con được thăng tiến hơn trong đời sống, đời tu; để mỗi ngày con học và hành những điều Chúa dạy bảo; để mỗi giây phút của cuộc đời con nghiệm ra tình yêu và đáp trả tình yêu của Chúa và cảm nghiệm được tình anh em trong chiều hướng tích cực hơn. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Bảy – Ngày 10 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Hs 6,1-6

Tin Mừng : Lc 18,9-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

NÊN CÔNG CHÍNH

Thuế vụ là nghề thường bị người đời khinh ghét, nhất là trong xã hội Do Thái ngày xưa, vì người thu thuế là tay sai của ngoại bang để bóc lột dân tộc mình. Người thu thuế thường bị xem là hạng tồi tệ xấu xa, là tội đồ của dân tộc, bị người đời ghét cay ghét đắng. Ấy vậy mà người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay lại được Đức Giêsu coi là công chính.

Để làm giàu cho mình, người thu thuế có khi vẽ ra hoặc cưỡng ép người khác phải nộp thêm vượt quá mức ấn định. Điều chắc chắn là Chúa không tán thành với những việc xấu mà người thu thuế đã làm. Chúa coi anh ta là công chính vì thái độ khiêm hạ, tinh thần sám hối thực tâm và nhất là lòng tin mạnh mẽ. Anh nhận thấy tội lỗi của mình nên xấu hổ đứng đằng xa không dám ngước mắt lên để nhìn Chúa và nhìn người khác, nhưng sấp mình xuống để nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Biết mình tội lỗi nhưng không thất vọng, anh vẫn vững tin vào tình thương của Chúa, để rồi anh bộc lộ tất cả tâm can của mình qua lời cầu nguyện thống thiết: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi nên anh không thể kể lể công trạng với Chúa, nhưng anh tin tưởng và khiêm tốn nài van. Nhờ thái độ này mà anh được nên công chính. Như thế, công chính hóa không hệ tại ở thành tích công kia việc nọ ta làm, nhưng là nhờ lòng tin mà ta đặt nơi Chúa và ân sủng mà Chúa ban cho ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng trước mặt Chúa, chúng con chẳng có gì để kể lể hay đòi hỏi Chúa thưởng công, nhưng xin cho chúng con biết khiêm tốn và vững tin vào tình thương của Chúa để không buông xuôi thất vọng khi yếu đuối sa ngã. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Bài trướcTrùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Tọa đàm cuối năm Đinh Dậu
Bài tiếp theoCác Giám Mục Việt Nam dâng lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.