Lời Chúa + Bài giảng LỄ TRUYỀN TIN (ngày 25 tháng 3)

0
1191

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Ðáp.

2) Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Ðáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Ðáp.

4) Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 10, 4-10

“Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia hoặc Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 1, 14ab

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TRUYỀN TIN

Lm. Giuse Trần Minh Hùng, SVD

Trong thời đại ‘kỹ thuật số’, việc truyền thông hay truyền tin chẳng còn xa lạ gì đối với chúng ta. Người ta có thể gửi và nhận thông tin hằng ngày một cách đơn giản và dễ dàng qua các phương tiện truyền thông cá nhân và đại chúng. Nội dung hay ‘sứ điệp’ chuyển tải cũng thật sự đa dạng bao gồm cả tốt lẫn xấu, vui hay buồn tuỳ theo mục đích và sự chọn lựa của người sử dụng. Do vậy, khi mừng lễ Truyền Tin, ta thử nhìn lại biến cố này có ý nghĩa gì trong đời sống đức tin của chúng ta, đặc biệt đối với Dòng Ngôi Lời chúng ta.

Biến cố truyền tin đánh dấu một sự khởi đầu chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đây là sáng kiến của Thiên Chúa khởi đi từ tình yêu và lòng thương xót của Người. “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ngang qua biến cố này, Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Trong một ý nghĩa nào đó, biến cố này cũng đánh dấu sự bắt đầu của Hội dòng chúng ta, vì việc nhập thể của Ngôi Lời (Divine Word) cho phép chúng ta trở nên những “người anh em đồng hành của Ngôi Lời”, ngang qua danh xưng Dòng Ngôi Lời (a Society of the Divine Word).

Chúng ta thường nghĩ rằng Truyền Tin là loan báo một tin vui. Nhưng nếu ta suy niệm và chiêm ngắm sâu biến cố này ta mới cảm nhận rằng điều trở thành một tin vui được bắt đầu từ một tin buồn. Không khó khăn để ta hình dung rằng Đức Maria hẳn đã có những ước mơ riêng, những kế hoạch riêng – một đời sống yên bình với thánh cả Giuse trong một thị trấn nhỏ tại Nadarét, xa cách thành phố lớn Giêrusalem nơi đầy tranh luận tôn giáo và thủ đoạn chính trị. Nhưng rồi Lời Chúa đến với Mẹ Maria đã đảo lộn những ước mơ và phá đổ tận căn kế hoạch riêng của Mẹ. Mẹ được mời gọi đóng một vai trò cụ thể trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: trở nên Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Cứu Thế như lời đã hứa. Thay vì có một đời sống yên bình với thánh Giuse, giờ đây Mẹ phải sống một đời chia sẻ với sứ vụ của Đức Giêsu, người Con của Mẹ, một đời sống liên quan với âm mưu và tranh cãi xoay quanh Đấng Cứu Thế.

Ta có thể thắc mắc và hỏi rằng điều gì trở thành một tin vui được bắt đầu từ một tin buồn. Làm thế nào Mẹ Maria đã biến đổi từ tin buồn đó trở thành tin vui? Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy ba khoảnh khắc trong lời đáp trả của Mẹ Maria đối với Lời Thiên Chúa.

Đầu tiên, đó là khoảnh khắc sợ hãi, bối rối và thậm chí có vẻ chống đối. Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biết Mẹ Maria ngạc nhiên trước lời chào của sứ thần Chúa. Mẹ sợ hãi và không biết lời chào của sứ thần có nghĩa gì. Vì thế Mẹ phản kháng: “Điều ấy xảy ra như thế nào? Vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Sau khoảnh khắc đầu tiên là khoảnh khắc tiếp theo. Một khoảnh khắc của thinh lặng, cầu nguyện, phản tỉnh, biện phân và chiêm niệm. Mẹ đã suy nghĩ cân nhắc trong tâm hồn khi Lời Chúa đến với mình ngang qua lời sứ thần.

Thỉnh thoảng chúng ta nghĩ việc Truyền Tin diễn ra trong một giờ hoặc một ngày. Nhưng trong thực tế, nó có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Hẳn là Mẹ Maria đã dành nhiều thời gian để biện phân lời mời của Thiên Chúa. Trong tinh thần cởi mở và trong bầu khí tĩnh lặng, Mẹ lắng nghe lời giải thích của sứ thần. Mẹ biện phân những cách thức mà Thiên Chúa đã mạc khải nơi người khác, như bà Êlisabét, người họ hàng của Mẹ. Sau cùng dẫn đến khoảnh khắc thứ ba, khoảnh khắc của việc đón nhận trong hân hoan Lời của Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói” (Lc 1,38).

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, thoạt tiên Lời Chúa đến với chúng ta như thể một tin buồn. Lời Chúa có thể làm đảo lộn mọi ước mơ hay phá đổ những kế hoạch cá nhân của ta. Điều này có thể là trường hợp trong anh em chúng ta, những người được mời gọi đảm trách những công việc và chức vụ leadership trong Tỉnh Dòng hay trong cộng đoàn. Nó cũng thách đố chúng ta trong khi đón nhận bài sai để thi hành sứ vụ. Và nó cũng có thể xảy ra đối với anh em trong mọi tình huống vào lúc này hoặc lúc khác. Nhưng, như gương Mẹ Maria, chúng ta cũng có thể biến đổi từ tin buồn đó thành tin vui. Để được như thế, chúng ta cũng tuần tự theo ba khoảnh khắc trong lời phúc đáp của Mẹ Maria đối với Lời Chúa: một khoảnh khắc của sợ hãi, bối rối và miễn cưỡng; một khoảnh khắc của biện phân, cầu nguyện và suy niệm; một khoảnh khắc của việc đáp trả vui tươi và đón nhận Lời Chúa.

“Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lời của Thiên Chúa đã “đâm rễ sâu” trong tâm hồn Mẹ và đã hoá thành nhục thể. Nói như thánh Âu Tinh, trước khi Lời được cưu mang trong dạ Mẹ, Lời đã đâm rễ sâu trong tâm hồn Mẹ. Hiến pháp Dòng cũng mời gọi chúng ta noi gương Đức Maria trong việc chú tâm lắng nghe và quảng đại đáp lại Lời Thiên Chúa (HP số 406). Trở về với Lời Chúa, hay nói khác đi “Đâm rễ sâu vào Lời – Dấn thân cho sứ vụ” là căn nguyên và động lực để chúng ta làm mới con người và sứ vụ hôm nay như Tổng Tu Nghị XVIII vừa qua đã trình bày.

Với danh xưng là Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, chúng ta không chỉ loan báo Tin Mừng hay tin vui mà thôi, nhưng còn có nhiệm vụ biến đổi nhiều tin buồn trong thế giới hôm nay thành tin vui nữa. Chúng ta có thể làm được điều này, nếu chúng ta biết noi gương Mẹ Maria trong việc lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời Chúa “đâm rễ sâu” trong tâm hồn chúng ta, mãi cho đến khoảnh khắc mà chúng ta dám công bố: “Tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi Lời Thiên Chúa phán dạy”.

 

Bài trướcGp. Hà Nội: Thông Báo – Đại Hội Giới Trẻ Mùa Chay 2019
Bài tiếp theoGóc Suy Tư: Nhìn Lại…..!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.