Lời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Năm A

0
549

Bài Ðọc I: Ðnl 7, 6-11

“Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập. Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn, nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi hành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 10

Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Ðáp.

3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. – Ðáp.

4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 7-16

“Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Ðấng Cứu Thế.

Ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 11, 29ab

Alleluia, alleluia! – Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

“Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TÌNH YÊU PHI LÝ (Tu sĩ Luy Nguyễn Tuấn Lâm, SVD)

Sống trên đời, ai cũng hiểu và biết thế nào là yêu, dù cho không thể định nghĩa được nó. Thực ra, tình yêu không cần phải định nghĩa, nhưng chỉ cần cảm nhận. Tình yêu được khởi sự từ con tim chứ không từ lý trí. Nó đòi hỏi sự đón nhận và đáp trả của trái tim chứ không do tính toán. Thế nhưng, con người ngày nay lại thường tính toán khi yêu, khiến cho tình yêu không còn thuần tuý, không còn chân thật nữa. Nó đã bị bóp méo bởi những “cân đo đong đếm” của con người. Vậy chúng ta cần hiểu: Thế nào là tình yêu chân thật? Và tình yêu đó có những tố chất nào?

Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su là dịp để ta dừng lại suy ngẫm, và chiêm ngắm trái tim rất thánh của Người. Một trái tim của Ngôi Hai Thiên Chúa đã bị đâm thâu vì con người. Điều này không phải là một lý thuyết suông nhưng là điều đã được Kinh Thánh, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói đến, và mọi Ki-tô hữu đều đã biết. Thế nhưng, ta thường chủ quan và lướt nhanh khi được nói đến vấn đề này. Hôm nay là lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta hãy đi chậm lại qua từng giai đoạn của lịch sử, để cảm nhận và nhìn thấy rõ một tình yêu phi lý của Thiên Chúa.

Thứ nhất là phi lý trong việc chọn gọi

Trong bài đọc thứ nhất, ông Mô-sê đã nói với dân Ít-ra-en rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm thành một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Người đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân tộc khác, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em và để giữ lời thề đã hứa với cha ông anh em…” (Đnl 7,6-8). Điều này, chúng ta thấy sự phi lý trong cách Thiên Chúa yêu. Theo bản tính con người, ta thường thích chọn những gì là tốt đẹp, mạnh sức, đông số, và mang lại nhiều ích lợi cho ta, thì ta mới yêu. Còn những gì không được sáng giá giữa số đông, không được hoàn hảo và tốt đẹp, thì ta loại ra ngoài. Nhưng Thiên Chúa thì làm ngược lại. Ngài chọn dân Ít-ra-en không phải vì dân đông đảo, hay ngoan hiền. Ngài cũng không tính toán lợi lộc trong việc chọn dân Ít-ra-en làm dân riêng của mình. Nhưng vì tình yêu, Thiên Chúa đã chọn gọi và dẫn dắt dân Ít-ra-en. Dân Ít-ra-en ở đây không chỉ nói đến một dân tộc thuộc về địa lý, nhưng nó hàm ý chính mỗi người nhỏ bé trong chúng ta. Xét về toàn thể vũ trụ, thì con người chẳng là gì so với tạo thành, chỉ là một sinh vật nhỏ bé, như Thánh Vịnh 8 diễn tả:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

Muôn trăng sao Chúa đã an bài,

Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến

Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8)

Xét cho cùng, con người chỉ là loài thụ tạo yếu đuối nhất, nhưng được Thiên Chúa ban cho có linh hồn, trí khôn, tình yêu và tự do, từ đó con người được nâng lên ngang hàng với thần linh. Tuy nhiên, từ thời A-đam cho đến bây giờ, con người vẫn luôn phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Thế nhưng, cho đến bây giờ, Thiên Chúa vẫn yêu theo cách Ngài đã yêu. Ngài vẫn luôn quan tâm, chọn gọi và mạc khải cho những người bé mọn, những người nghèo khổ, những người bị xã hội bỏ rơi. Để rồi, chính Chúa Giê-su đã đại diện cho những người bé mọn này, dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

Thứ hai là phi lý trong cách dưỡng nuôi

Là một thụ tạo bất toàn, con người luôn mắc những tội lỗi. Xưa nay, tội của A-đam, E-va, hay tội của Ca-in giết A-ben vẫn cứ nhởn nhơ. Điều này cho thấy bản tính yếu đuối của con người, cứ sa đi ngã lại những tội từ thuở cha ông. Chính vì tội, mà con người không thể lên cùng Thiên Chúa. Cho nên, Thiên Chúa đã phải hạ mình xuống để sống cùng, sống với và sống cho con người, để ngày sau đưa con người trở về lại với Thiên Chúa. Để có thể sống cùng với con người, Thiên Chúa đã phải vào trong thời gian, vào trong một thân xác phải chết. Một Thiên Chúa bất tử nay phải chết cho con người; một Thiên Chúa đầy vinh quang nay lại trở nên người nghèo nhất trong những người nghèo; một Thiên Chúa quyền năng nay bị đóng đinh cách nhục nhã bởi con người, đây chính là sự phi lý của một Thiên Chúa làm người. Mà Thiên Chúa phải làm người đã là một phi lý rồi.

Với nhân tính, Chúa Giê-su biết rõ những khó khăn và vất vả, những đau khổ và tủi nhục, những yếu đuối và lầm lỗi mà con người phải mang. Cùng với sự yếu đuối và mỏng giòn nhỏ bé, Thiên Chúa đã chỉ cho con người cách thức để vững lòng trông cậy và được dưỡng nuôi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Vậy, chúng ta hãy đến với Chúa, tựa nương nơi Ngài để tìm lại chút bình yên giữa trần đời, để được trút nhẹ những nỗi lo của “cơm áo gạo tiền”, của kế sinh nhai, của bệnh tật,… Tuy nhiên, chúng ta muốn được nghỉ ngơi bên Chúa cách trọn vẹn, không có cách nào khác là hãy học nơi Chúa, một Thiên Chúa khiêm nhường và hiền lành trong lòng. Chính vì con người luôn tham vọng, kiêu ngạo, luôn muốn thể hiện bản thân, cho nên họ luôn mang trong mình những nặng nề bất an. Thử hỏi Thiên Chúa quyền năng và khôn ngoan tột cùng như vậy mà lại khiêm nhường và hiền lành, thì con người là gì mà dám kiêu ngạo và gian ác.

Thứ ba là phi lý trong chương trình cứu chuộc

Thời đại ngày này, con người đang tìm cách giết Thiên Chúa, nghĩa là loại Người ra khỏi đời sống của con người, để tôn vinh con người lên làm Chúa. Có lẽ, sự hống hách và kiêu ngạo này của con người ngày càng tăng lên, khi họ tự thấy mình có thể làm được điều này điều kia, “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Hơn nữa, Thiên Chúa đã ban cho con người mọi ân huệ, tài năng và trí thông minh, đã nâng con người lên thành người con yêu dấu của Chúa. Thế nhưng, họ lại “vỗ ngực xưng danh” chính mình là người tài giỏi, chính mình tự tạo cho hiện hữu của mình, chứ chẳng có Thiên Chúa nào ban ơn cả. Họ quên mất rằng, Thiên Chúa chính là tác nhân chính của mọi sự hiện hữu, và Ngài đã ban mọi ơn lành để con người được sống và tồn tại. Nếu Ngài cất đi hơi thở nơi họ, thì họ cũng chỉ thành tàn tro.

“Làn gió nào nhấc tôi lên mây trời thành sao”. Thiên Chúa đã yêu thương chọn gọi, đã đưa chúng ta lên thành “ngôi sao” trong vũ trụ. Thành sao rồi, thành con yêu dấu rồi, chúng ta đâm ra phản bội lại tình yêu của Thiên Chúa. Thử hỏi, ai có thể yêu thương được người đã phản bội lại mình? Nhưng Thiên Chúa không những yêu thương, mà còn hy sinh mạng sống vì tội lỗi của con người chúng ta. Trong khi nhân loại chúng ta đang tìm cách “giết” Thiên Chúa, thì Thiên Chúa hiến mạng sống vì con người chúng ta; trong khi con người chúng ta phản bội, thì Thiên Chúa lại càng yêu thương.

Tạm kết

Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su hôm nay, mời gọi ta hãy gội sạch tâm hồn, trở về trong tĩnh lặng để nhìn ngắm Tình Yêu Thánh của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su. Ta hãy thưa lên cùng với Vịnh Ca 117 rằng: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương”. Quả thật, từ ngàn đời, Chúa vẫn luôn yêu thương con người. Tuy nhiên, với bản tính yếu đuối, đôi khi ta lỡ trót phạm đến Ngài, giờ đây ta hãy quay trở về với tình yêu ấy, với sự khiêm nhường của phận làm con, với sự hiền lành của một trẻ thơ, để ta được ơn tha thứ. Vì chính Trái Tim Thánh của Chúa Giê-su đã bị đâm thâu để yêu thương, cứu chuộc và tha thứ cho con người.

Xin cho mỗi người chúng ta biết thật tâm trở về với Thiên Chúa, học sống khiêm nhường, hiền lành để có thể nhận ra tình yêu của Chúa. Và như thế, chúng ta sẽ yêu Chúa ngày càng sâu đậm hơn. Amen.


 

TRÁI TIM CHÚA GIÊSU NGAI TÒA TÌNH YÊU NGỰ TRỊ (Tu sĩ Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD)

Trái tim là biểu tượng của yêu thương. Nơi Đức Giêsu, trái tim Thiên Chúa luôn đập để đem lại ơn sủng và sức sống cho nhân loại. Thiên Chúa đã muốn cho Con Một Ngài bị treo trên thập giá, bị lưỡi đồng đâm thâu qua trái tim, để nhờ đó tình thương và ân sủng tuôn tràn cho chúng ta, đem lại sự ngơi nghỉ cho những tâm hồn mỏi mệt và sự tha thứ cho kẻ sám hối.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Hãy để tâm trí tĩnh lặng hướng về khung cảnh xưa khi lời này của Đức Giêsu vang lên, chúng ta sẽ có được lời giải thích thỏa đáng. Chúa Giêsu đang nói lời này cho ai? Những người đang trực tiếp nghe Đức Giêsu là những người Do Thái. Họ phải mệt nhọc tuân giữ vô số những điều luật, không những luật căn bản và quan trọng của đạo Do Thái, mà còn rất nhiều điều chi tiết, và tập tục mà các thầy dạy đạo đã thêm thắt vào, đến nỗi nhiều khi khó phân biệt cái chính với cái phụ.

Xưa cũng như nay, đôi khi chúng ta chất lên vai nhau những gánh nặng vô tình hay hữu ý. Những gánh nặng do ta chất lên vai người khác, người khác chất lên ta, đó là những gánh nặng trong cuộc sống chung. Có thể ta không ý thức được điều mình làm khiến người khác đang phải nín lặng chịu đựng. Có bao giờ ta tự hỏi mình: ta đã làm những gì khiến những người chung quanh ta phải buồn lòng?  Khi biết hỏi như vậy, ta đặt mình trước một chất vấn rất nhân bản.

Vậy, gánh nặng nề của chúng ta gồm những gì? Trước nhất, đó là ơn gọi đi theo Đức Kitô trong đời sống Kitô hữu. Ơn gọi là một ơn ban đặc biệt, nhưng để sống ơn gọi từng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố; và đôi khi, chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Hơn nữa trong đời sống, ai cũng có trách nhiệm, cũng có phận vụ, mà trách nhiệm và phận vụ có thể là một gánh nặng. Gánh nặng nề còn là tội lỗi, và nhất là những thói tục xấu chi phối nội tâm chúng ta và chúng ta cảm thấy bất lực. Gánh nặng này vừa làm ô nhiễm tâm hồn, vừa làm xáo trộn tương quan của chúng ta với mình, với Chúa và với nhau. Gánh nặng nề còn là những vết thương, những khó khăn, những ngang trái, những thử thách riêng tư của chúng ta mà chỉ có Chúa và chúng ta biết mà thôi. Khi ý thức được những gánh nặng mình chất lên vai người khác và những gánh nặng mình đang mang, đời sống của ta sẽ trưởng thành hơn. Nhận ra sự thật về mình như thế, chúng ta sẽ thấy mình cần được giải thoát. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra rằng không có điều gì và cũng không có ai ở trên đời này có thể mang lại cho chúng ta sự giải thoát, mang lại cho chúng ta sự nghỉ ngời và tự do đích thực ngoài Đức Giêsu. Từ đó chúng ta khát mong được ngơi nghỉ trong trái tim yêu thương của Người.

Chúng ta khát khao ơn giải thoát đến từ chính Chúa Giêsu, vì chính Người đã sống, đã nếm trải nỗi thống khổ và niềm vui, nỗi bi đát và sự cao cả của phận người, nên Người sẽ hiểu chúng ta và lời Người “hãy đến cùng tôi” vang vọng thật sâu trong hồn ta, đụng chạm mạnh mẽ nơi tim ta, cho ta niềm an ủi.  Gánh nặng đời ta sẽ vơi khi ta biết tìm đến với Trái Tim Chúa, nơi ấy ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì Đức Giêsu đến để cảm thông và mang vác cho chúng ta, để chúng ta được bình an, nghỉ ngơi, được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Chỉ khi náu ẩn nơi trái tim Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu được lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, để náu ẩn nơi trái tim Chúa, chúng ta phải thực sự trở nên “những kẻ bé mọn”. Vì chỉ những kẻ bé mọn mới có khả năng tiếp nhận chân lý vĩnh cữu mà Thiên Chúa mạc khải cho. Nhưng dựa trên tiêu chí nào để biết ai là “những kẻ bé mọn”? Quả thực, là phận người, tất cả chúng ta đều mong manh trước thời gian, không gian, vũ trụ và Thiên Chúa. Trở về với chính mình, chúng ta thấy mình thật nhỏ bé. Nếu ở bình diện này bình diện kia chúng ta cao cả, chúng ta khôn ngoan thông thái, thì đó chỉ là chúng ta được tham dự vào sự thông minh thượng trí của Thiên Chúa mà thôi. Một khi không ý thức được điều này là chúng ta rơi vào ảo tưởng, rồi tự đặt mình lên vị trí độc tôn mà quên rằng chúng ta được Thiên Chúa dựng nên. Chúng ta tự mãn cho rằng mình “lớn” trước Thiên Chúa, và như thế làm sao chúng ta có cơ may đón nhận những mạc khải của Thiên Chúa? Chúng ta quên rằng chúng ta thực sự là thụ tạo, chúng ta “đang vất vả mang gánh nặng nề”. Thân phận con người chúng ta tự nó là một gánh nặng và chúng ta được mời gọi đến với Đức Giêsu và học với Người để nhận được sự nghỉ ngơi. Bởi chính Đức Giêsu đã trở nên “người bé mọn” trong mầu nhiệm Nhập Thể và Người là khuôn mẫu để chúng ta mặc lấy tâm tình hiền hậu và khiêm nhường trong Thánh Tâm Ngài.

Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết nỗ lực trở nên “người bé mọn” trước mặt Chúa, để có thể nghe lời Chúa và đón nhận được những chân lý mạc khải.  Như thế, chúng ta sẽ thực sự tìm được sự ngơi nghỉ và sự bình an sâu thẳm mà phận người chúng ta khát vọng.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 10 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ trọng, năm A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.