Lời Chúa + Bài giảng Lễ Đức Mẹ Mân Côi

0
1993

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại:”Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa:”Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. – Ðáp.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. – Ðáp.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. – Ðáp.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19

“Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! – Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

LỜI KINH CA TỤNG ÂN PHÚC (Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD)

Vào thế kỷ XVI, quân Hồi Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ rất hùng mạnh và muốn xâm chiếm toàn vùng miền đất Công Giáo ở Âu Châu. Trước tình hình đó, thánh Giáo Hoàng Piô V đã mời gọi các giáo phận tổ chức buổi cầu nguyện gọi là “cầu nguyện 40 giờ”. Nghi thức cầu nguyện bao gồm cuộc cung nghinh Đức Mẹ và đọc kinh Mân Côi. Khi người Hồi Giáo hùng mạnh xuống vịnh Lé-pan-te để đánh chiếm Âu Châu, quân đội Công Giáo đã anh dũng chiến đấu, cùng lúc đó thánh Giáo Hoàng Pi-ô V cùng với toàn thể giáo dân rước kiệu Mẹ Ma-ri-a và đọc kinh Mân Côi cầu cho các chiến sĩ Công Giáo. Bỗng nhiên, tại vịnh Lé-pan-te gió đổi chiều tạo thuận lợi cho các chiến hạm Công Giáo đánh chìm các chiến hạm Hồi Giáo vào ngày Chúa Nhật 7-10-1571, và kể từ đó Đức Giáo Hoàng Pi-ô V cho thành lập lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Nhưng việc thành lập lễ Đức Mẹ Mân Côi, Giáo Hội không phải mời gọi con cái của mình ăn mừng biến cố chiến thắng quân sự, nhưng là cơ hội để chúng ta khám phá vị trí cao trọng của Đức Ma-ri-a trong công trình cứu độ, qua đó mời gọi chúng ta bắt chước gương sống của Mẹ Ma-ri-a.

  1. Sự cộng tác có tính quyết định của Mẹ Ma-ri-a trong công trình cứu độ.

Nơi Đức Ma-ri-a, mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa được khai mở, Mẹ được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ trong vai trò làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể. “Vui lên” là lời đầu tiên sứ thần chào Đức Ma-ri-a. Đây là sứ điệp tình thương, là tin vui cho toàn thể nhân loại qua biến cố thụ thai và sinh hạ của Đấng Cứu Thế. Qua lời sứ thần, Thiên Chúa đã gọi Đức Mẹ là Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa đã chủ động đổ tràn ân phúc trên Đức Ma-ri-a không phải là một ưu đãi cá nhân, nhưng Thiên Chúa muốn Mẹ trở nên như máng chuyển thông ơn cho nhân loại. Mẹ được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ trong vai trò làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể. Đây là một ơn ban của Thiên Chúa trên Mẹ Ma-ri-a, và qua Mẹ, Thiên Chúa cũng đổ tràn ân phúc trên toàn thể nhân loại trong Người Con mà Mẹ cưu mang trong lòng.

Trong lời chúc, sứ thần còn nói: “Đức Chúa ở cùng Bà”, đây quả là sự bảo đảm cho Mẹ Ma-ri-a trước một công cuộc vĩ đại mà Mẹ sắp bước vào. Chính lời hứa Chúa luôn ở cùng Mẹ đã giúp Mẹ can đảm thưa lên lời xin vâng, cùng Mẹ vững tâm vượt qua bao khó khăn trở ngại. Có Chúa ở cùng, Mẹ can đảm bước tới, trở nên một cộng sự viên trọn hảo của công cuộc cứu độ.

  1. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo về tinh thần cầu nguyện

Mẹ Ma-ri-a luôn cầu nguyện cách khiêm nhường và mở lòng mình ra với những điều Thiên Chúa hướng dẫn Mẹ. Mẹ đã đồng hành và yêu mến Chúa Giê-su bằng lời cầu nguyện cho đến khi Người chết và phục sinh. Cuối cùng, Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành với những bước đầu tiên của Giáo Hội sơ khai. Mẹ Ma-ri-a cầu nguyện với các môn đệ, những người đã trải qua cuộc khủng hoảng Chúa chịu đóng đinh. Mẹ Ma-ri-a ở đó, cùng với các môn đệ, ở giữa những người môn đệ mà Con của Mẹ đã kêu gọi để thành lập Cộng đoàn của Người.

Mẹ Ma-ri-a đã hiện diện một cách thinh lặng bên cạnh Chúa Giê-su trong tâm thế của người mẹ và của một người nữ môn đệ vì chính Mẹ là người môn đệ đầu tiên, là người đã học và sống một cách hoàn hảo những điều của Chúa Giê-su đã dạy. Tại tiệc cưới Ca-na, khi Mẹ nói: “Người bảo gì thì hãy làm theo nói với con”, điều đó có nghĩa là Mẹ luôn hướng về Chúa Giê-su.

Đời sống cầu nguyện được thể hiện qua việc Mẹ mang Chúa đến với người khác. Khi viếng thăm bà Ê-li-za-bét, Mẹ Ma-ri-a không những chỉ mang đến một sự giúp đỡ vật chất nào đó, nhưng qua sự thăm viếng đó, Mẹ còn mang Chúa Giê-su, Đấng đang sống trong cung lòng Mẹ, đến cho gia đình ông Da-ca-ri-a. Mang Chúa Giê-su đến cho gia đình có nghĩa là mang niềm vui, một niềm vui trọn vẹn đến cho mọi người mà Mẹ gặp gỡ. Chắc chắn bà Ê-li-za-bét và ông Da-ca-ri-a rất vui mừng vì bà có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính Mẹ đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui vì có Chúa Giê-su.

  1. Thông điệp ngày lễ Mẹ Mân Côi cho chúng ta

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, Giáo Hội mời gọi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta hướng nhìn lên Mẹ Ma-ri-a, để noi theo Mẹ, vì Mẹ là mẫu gương để chúng ta biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Để như Mẹ, chúng ta vượt qua được những gian nan, thách đố, những lo âu, khắc khoải của dòng đời, để sống và trở nên một con người tốt lành thánh thiện, sống tươi vui và tử tế với nhau hơn.

Trong các sứ điệp của mình, Mẹ luôn mời con cái mình hãy đến với Mẹ, hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi vì đó như là phương thế hữu hiệu để chúng ta cải thiện đời sống và xây dựng Nước Trời. Vì thế, lễ Đức Mẹ Mân Côi không phải là chúng ta ăn mừng về một chiến thắng quân sự nào, nhưng đây là cơ hội để chúng ta mừng về một chiến thắng lớn lao hơn: đó là chiến thắng của ơn thánh trên tội lỗi, chiến thắng của thế lực sự dữ, chiến thắng thế lực ma quỷ. Muốn có chiến thắng thì không thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi. Nếu yêu mến lần hạt Mân Côi, chúng ta tin rằng sẽ có ngày chúng ta bước vào chiến thắng mọi thế lực của tội lỗi, sự dữ và sự chết. Cho nên, ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dìu dắt về ân sủng; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra lối đi và vững vàng vươn lên; ai khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh. Chuỗi Mân Côi mà Ki-tô hữu dùng để cầu nguyện mỗi ngày là những lời kinh đơn giản và hữu hiệu. Chuỗi Mân Côi giúp người Ki-tô hữu nhờ Mẹ đến với Chúa Giê-su. Chuỗi Mân Côi giúp chúng ta khám phá công cuộc cứu chuộc nhiệm mầu của Thiên Chúa, khám phá tình thương bao la mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta

Ước gì mỗi người chúng ta hãy khám phá và yêu mến việc cầu nguyện qua kinh Mân Côi để nhận ra được giá trị, sức mạnh của lời kinh Mân Côi, để mỗi khi gặp những khúc quanh, gánh nặng, khổ đau, những lúc mây mù của cuộc đời, chúng ta biết chạy đến và kêu xin Mẹ: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen.


 

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ (Tu sĩ Gioan Baotixita Trần Vui, SVD)

Lễ Đức Mẹ Mân Côi được thiết lập vào năm 1573 để tạ ơn chiến thắng quân Hồi Giáo ở vịnh Lêpantê; lúc đầu lễ này được mừng trong dòng Đaminh và tại những nhà thờ có thiết lập Hội Mân Côi. Mãi đến năm 1761, để ghi nhớ một cuộc chiến thắng khác (lực lượng Công Giáo đã đẩy lui quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Peterwarođiô, gần Vienne), đức Clêmentê XI cho mừng lễ này vào Chủ Nhật đầu tháng 10 trong toàn Hội Thánh. Năm 1913 ngày lễ được ấn định vào ngày 17 tháng 10.[1] Phụng vụ Lễ Đức Mẹ Mân Côi cho chúng ta sống lại biến cố Truyền Tin và nhắc nhở chúng ta về Mầu Nhiệm Nhập Thể, qua đó, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết nguồn gốc xuất thân của Chúa Giêsu để từ đó chúng ta vui mừng chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua Con Một của Ngài; và chúng ta cũng học được nơi Đức Giêsu sự vâng phục trong khiêm nhường. Mẹ Maria cũng là một mẫu gương về sự vâng phục và khiêm nhường để cho chúng ta noi theo trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Trước hết, chúng ta tưởng nhớ Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu. Đó là việc Con Thiên Chúa làm người và ở giữa loài người chúng ta. Văn hóa Việt Nam cho thấy khi tiếp xúc với một người nào đó người ta thường phải tìm hiểu về nguồn gốc đối tác của mình. Chẳng hạn khi cưới vợ hoặc gả chồng thì phải xem gia thế của bạn đời mình thế nào: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”; khi xin việc trong một công ty hay một cơ sở nào, người tuyển dụng yêu cầu nhân viên phải có sơ yếu lý lịch. Đối với Chúa Giêsu, Người có hai gia phả về nhân tính và thiên tính. Trong khi tác giả Tin Mừng Mátthêu và Luca nói đến gia phải nhân tính của Đức Giêsu là con ông Giuse thuộc dòng dõi Đavít như các ngôn sứ đã loan báo, thì tác giả Tin Mừng Gioan lại nói đến gia phả thiên tính của Người. Lời tựa Tin Mừng Gioan khẳng định Ngôi Lời đã có từ trước muôn đời và “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã khước từ địa vị của mình để đến với nhân loại như thánh Phaolô xác quyết trong thư gửi tín hữu Philípphê: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Và tường thuật gia phả trong Tin Mừng Gioan đi đến khẳng định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Việc nhận biết nguồn gốc Chúa Giêsu sẽ giúp ta có tâm tình tín thác và hy vọng hơn vào Người; đồng thời cũng cho chúng ta một niềm vui lớn lao vì được ở với Người.

Biến cố nhập thể mời gọi vui lên vì Thiên Chúa đã đến với con người, trở nên một con người và ở giữa con người. Đây cũng là lý do mà sứ thần Gabrien đã ngỏ với Đức Maria: “Hãy vui lên” (Lc 1,28). Trong Kinh Thánh, “hãy vui lên” là một lời mời hãy vui mừng vào thời vị cứu tinh đến giải thoát Israel. Ngôn sứ Xôphônia đã cho thấy lý do mà dân Israel “hãy vui mừng” là vì Thiên Chúa đang ngự giữa họ, Ngài là Vị Cứu Tinh: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng khấn khởi” (Xp 3,14). Ngôn sứ Dacaria cũng lặp lại: “Hỡi thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi” (Dc 9,9). Và ngôn sứ Giôen cũng mời gọi các tạo vật hãy vui lên vì Đức Chúa đã làm những việc lớn lao như mưa rào đem lại sự tốt tươi cho muôn loài (Ge 2,21-23).

Người Công Giáo chúng ta thường dùng câu: “God be with you” (Chúa ở cùng bạn), viết tắt là godbwye, để nói lên ước nguyện tốt đẹp khi tạm biệt ai đó. Đó cũng là nguồn gốc của từ Godbye (chào tàm biệt). Có Chúa ở với mình thì sẽ không còn sợ hãi, vì Ngài là nguồn bình an; sẽ không còn lo lắng hay buồn sầu, vì Ngài là nguồn hạnh phúc và niềm vui; sẽ không còn thất vọng, vì Ngài là nguồn hy vọng; sẽ không phải chết, vì Ngài là nguồn ơn cứu độ.  Khi rước hòm bia về thành của mình, vua Đavít đã hớn hở và nhảy múa. Dù bà Mikhan, con gái vua Saun, khinh bỉ và coi ông như là một đứa vô danh tiểu tốt, vua Đavít vẫn bình thản: “Trước nhan Đức Chúa tôi sẽ vui đùa” (x. 2 Sm 6,12-21). Tin Mừng Luca cho biết khi được Đức Maria đến thăm thì Gioan Tẩy Giả đã nhảy lên trong bụng vì vui sướng, vì được Chúa ở gần (Lc 1,41-44). Như vậy, sự vui mừng gắn với việc Thiên Chúa đến ngự giữa dân của Ngài. Lời chào của sứ thần loan báo một tin vui, đó là thời cứu tinh đã đến, thời mà Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài.

Mầu Nhiệm Nhập Thể đánh dấu một thời kỳ mới: trời đất giao hòa, Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa đã trở đã trở thành xác phàm, trở nên một con người cụ thể để cho con người có thể thấy được, nghe được, đụng chạm được và cảm nghiệm được. Thật vậy, giữa Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo không còn khoảng cách; bức màn ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người đã được xé ra khi Đức Kitô phục sinh. Do đó, tất cả mọi người có lý do để vui mừng; cách riêng Kitô hữu là những người nhận ra có Chúa hiện diện nơi mình, những người biết mình được Thiên Chúa yêu thương, biết mình được Thiên Chúa giải thoát khỏi sự chết qua Đức Kitô. Chúng ta biết chắc được như thế là vì Ngài đã mạc khải cho chúng ta như thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16);thánh Phaolô cũng xác quyết điều này rằng Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗiphó nộp Con của Người cho chúng ta, thì Người không còn tiếc với chúng ta điều gì(x. Rm 8,32). Ý thức được điều này, người Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân cho mầu nhiệm này bằng một cuộc sống vui tươi, quảng đại và vị tha với hết mọi người.

Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, người Kitô hữu cũng được mời gọi sống khiêm nhường và vâng phục theo gương Con Thiên Chúa và Thánh Mẫu Maria.

Đức Giêsu là mẫu mực về đức vâng phục; Người đến thế gian là để thi hành thánh ý Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài, như trong cuốn sách đã chép về con” (Hr 10,5-7) và “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Bằng sự vâng phục Chúa Cha, Đức Giêsu đã toàn tất chương trình cứu độ nhân loại. Với sự khiêm nhường và chấp nhận tự hủy mình ra không, Người trở nên một người phàm, được cưu mang và sinh hạ bởi một trinh nữ.Người đã vâng lời đến tận cùng vì yêu thương mà trong thư gửi tín hữu Philípphê thánh Phaolô đã xác quyết: “Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết, mà chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Là Thiên Chúa nhưng Đức Giêsu cũng mang thân phận con người nên chắc rằng Người cũng lo sợ khi đối diện với những khổ hình, với cái chết; tuy nhiên, vì nhân loại Người đã vâng lời cách tuyệt đối như trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Đó là sự vâng phục trọn hảo, một hy lễ đẹp lòng Chúa Cha.

Mẹ Maria đã sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ qua tiếng “xin vâng”. Mặc dù Mẹ đã không hiểu hết những gì thiên sứ loan báo về Mầu Nhiệm Nhập Thể nhưng với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa cùng với tâm hồn khiêm nhường, Mẹ đã chấp nhận để cho công trình cứu chuộc nhân loại được hoàn tất. Và một khi nhận lời cộng tác vào chương trình đó, Mẹ Maria cũng chấp nhận những đau khổ cùng với Con của Mẹ, trước hết là sự sinh hạ Chúa Giêsu nơi máng cỏ nghèo hèn, việc đem hài nhi Giêsu trốn sang Ai Cập, rồi đến việc lạc mất con trong đền thánh, nhất là cuộc thương khó và tử nạn. Lời của ông Simêôn cho thấy điều đó: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâu thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Với lòng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, Mẹ đã vượt qua được những thử thách và để cho thánh ý Chúa được thực hiện.

Ngày nay Thiên Chúa cũng kêu gọi người tín hữu cộng tác vào chương trình cứu độ qua việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa bao gồm lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Mặc dù chúng ta chưa hiểu hết được những lời đó cũng như các mầu nhiệm, nhưng với lòng đơn sơ và khiêm nhường chúng ta hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Chúa như trẻ thơ hoàn toàn phó thác và tin tưởng nơi người mẹ: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Việc cộng tác vào công trình cứu độ cũng đòi hỏi người tín hữu hy sinh và chịu vất vả trong cuộc sống. Theo Đức Kitô là bước theo Người trên con đường thập giá; và để đến được với Người chúng ta phải đi qua cửa hẹp, vì nó đưa đến sự sống, còn cửa rộng thì dẫn đến diệt vong. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm lên Giêrusalem với Đức Giêsu, quyết tâm đi qua cửa hẹp với Người thì những hy sinh, những gian khổ đó sẽ được kết hợp với cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô và trở thành hy lễ tốt đẹp dâng lên Chúa Cha và từ đó sinh ơn cứu độ cho chính mình và cho người khác nữa.

[1] Phan Tấn Thành, Magnificat, Học viện Đa Minh-2016, tr.222.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 26 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (7/10, Đức Mẹ Mân Côi – Lễ Nhớ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.