Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm A

0
475

Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. – Ðáp.

2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. – Ðáp.

3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 3, 13-17

“Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”. Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

BIẾN ĐỔI NHỜ MẪU GƯƠNG CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Sự khiêm nhường và hạ mình là điều quan trọng để xây dựng cuộc sống tốt đẹp; đặc biệt đối với người Kitô hữu thì điều đó lại cần thiết hơn nữa. Vì qua sự khiêm nhường và hạ mình, ta không những góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp, mà còn giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người. Một Đức Giêsu đầy quyền năng nhưng giàu lòng xót thương, đầy sự khiêm nhường và luôn hạ mình. Ngài chính là tấm gương sáng để mỗi người chúng ta học đòi bắt chước.

Có lẽ mỗi người trong chúng ta ai cũng muốn bản thân luôn có đủ sự khiêm nhường, hạ mình và cũng luôn mong điều đó nơi những người xung quanh mình. Đặc biệt trong đời sống xã hội hôm nay, khi mà những giá trị cuộc sống bị đảo lộn, các mối quan hệ của con người bị vật chất hoá, mục đích sống chỉ là danh vọng và quyền lực. Hệ quả kéo theo của lối sống đó là một xã hội đầy sự bất công, đố kỵ và bạo lực. Người ta sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích của mình. Sống trong một xã hội như vậy thì những giá trị của cuộc sống đã trở nên quá xa lạ. Sự khiêm nhường và hạ mình của con người trở nên quá khan hiếm. Con người không biết bấu víu vào đâu để định hướng cho lý tưởng của mình. Thật là may mắn và diễm phúc cho chúng ta, là những người Kitô hữu, vì chúng ta có Chúa, có Đức Giêsu làm nền tảng và là chỗ dựa vững chắc để ta định hướng cho cuộc đời mình. Ngài là tấm gương về sự khiêm nhường và hạ mình. Chỉ nơi Đức Giêsu, chúng ta mới có thể tìm thấy những giá trị thiêng liêng để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài Tin Mừng hôm nay, qua trình thuật của thánh Mátthêu, một lần nữa giúp chúng ta khám phá ra dung mạo về sự khiêm nhường và hạ mình của Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa toàn năng nhưng đã khiêm nhường và hạ mình để chịu phép rửa của thánh Gioan. Ngài chấp nhận hạ mình để tự đồng hóa và hòa mình vào cuộc sống của con người là những kẻ tội lỗi. Với Đức Giêsu thì không có sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và tội nhân, không có sự phân biệt sang – hèn, công chính – tội lỗi… duy nhất nơi Ngài chính là tình yêu và mong muốn con người biết biến đổi để được sống hạnh phúc.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa như một lời nhắc nhở chúng ta nhìn lại thân phận của mình, một thân phận yếu đuối và nhiều bất toàn. Nhận ra điều đó để chúng ta luôn phải không ngừng cố gắng học hỏi và hoàn thiện mình mỗi ngày. Cố gắng loại bỏ những thói hư tật xấu, những đam mê, mà hàng ngày hàng giờ đang cản trở chúng ta sửa mình và biến đổi. Bước theo Đức Giêsu là bước đi trên con đường hẹp. Trên con đường đó, ắt hẳn sẽ có sỏi đá và những gập ghềnh, mà chắc chắn mỗi người chúng ta phải đối diện và phải vượt qua. Sỏi đá và gập ghềnh đó chính là những đam mê và tính xác thịt của phận người. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những điều đó, nhưng để sống và sửa mình thật sự thì quả là không dễ dàng. Với sức của con người thì nhiều lúc chúng ta cảm thấy không thể vượt qua được. Nhưng với ơn Chúa và sự nâng đỡ của Ngài, chúng ta như có thêm nguồn động lực và sức mạnh để có thể vượt qua và mỗi ngày hoàn thiện mình hơn. Bài Tin Mừng hôm nay như một chỉ dẫn của Chúa Giêsu cho mỗi người để giúp chúng ta sửa mình mỗi ngày, đó chính là sự khiêm nhường và hạ mình, mà Chúa Giêsu đã đi bước trước để noi gương cho chúng ta, khi Ngài chịu phép rửa của thánh Gioan.

Sự khiêm nhường và hạ mình đồng nghĩa với thái độ biết lắng nghe và hạn chế cái tôi của mình. Lắng nghe giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết, giúp ta suy nghĩ chín chắn hơn. Hạn chế cái tôi của mình giúp chúng ta biết đón nhận, biết mở rộng cõi lòng mình. Có lẽ, khi đứng trước thân phận yếu đuối và cố chấp của phận người, thì chỉ có sự khiêm nhường và hạ mình, mới giúp chúng ta nhận ra những thiếu xót và giới hạn của mình, để có thể sửa mình và thay đổi ngày thêm hoàn thiện hơn. Nhờ biết sống khiêm nhường, mỗi người chúng ta trở nên con người mới hoàn thiện hơn, là môn đệ đích thực của Đức Giêsu và xứng đáng là con cái Thiên Chúa, như Ngài đã nói: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Chính qua biến cố chịu phép rửa của thánh Gioan, mà Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha và được Chúa Cha tuyên xưng là “Con yêu dấu” (x. Mt 3,17). Đây cũng chính là điều mà Thiên Chúa muốn nhắn nhủ đến mỗi người chúng ta, một khi chúng ta biết khiêm nhường và tự hạ để sửa mình và biến đổi đời sống theo lời Chúa. Một khi chúng ta biết sửa đổi mình trong tình yêu Chúa với thái độ ăn năn, chúng ta sẽ biết tránh xa các dịp tội, để quyết tâm trở thành con người mới, với sức sống mới trong Chúa. Có như vậy thì đời sống thiêng liêng của chúng ta mới thật sự triển nở và kết sinh hoa trái. Và phần thưởng cho ta đó chính là trở thành những người con yêu dấu và đẹp lòng Thiên Chúa. Còn gì tốt đẹp và hạnh phúc cho bằng khi chúng ta đạt được những điều đó.

Trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, xin cho mỗi người chúng ta biết xác quyết và nỗ lực nhiều hơn nữa, để xây dựng đời mình theo gương Chúa Giêsu. Xin cho chúng taluôn biết đặt Đức Giêsu làm trung tâm cho mọi hoạt động, đặc biệt luôn biết khiêm nhường và tự hạ để biến đổi mình mỗi ngày, để trở thành một con người mới, hầu làm đẹp lòng Chúa và xứng đáng với những hồng ân mà Ngài đã ban cho.

 

Bài trướcAudio Lời Chúa + Suy niệm Lễ Hiển Linh
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây