Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Hiển Dung – Năm A

0
744

Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14

“Áo Người trắng như tuyết”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 9

Ðáp: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Ðáp.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Pr 1, 16-19

“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 17, 5c

Alleluia, alleluia! – Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 1-9

“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng hoặc chia sẻ chủ đề:

CHÚA HIỂN DUNG (Tu sĩ Giuse Trần Văn Hiếu, SVD)

Trong Cựu Ước, con người đã phạm tội và cắt đứt mối dây liên kết với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người mà hứa sẽ ban một Vị Cứu Tinh để giải thoát họ khỏi tội lỗi và cái chết. Thật vậy, Đức Giê-su, Đấng vốn là Thiên Chúa, đã từ bỏ ngai tòa cao sang nhập thể để đến với nhân loại. Thế nhưng ta thử hỏi, thời điểm Chúa xuống thế và ở với loài người thì có mấy ai nhận ra Chúa là Con Thiên Chúa? Có mấy ai cảm nhận được tình thương Chúa qua những lời rao giảng của Người? Thậm chí qua những phép lạ Chúa làm, có mấy ai thực sự tin Chúa là Đấng phải đến để cứu độ nhân loại? Đúng là “Người đã đến nhà mình những người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,11). Quả vậy, rất ít người nhận ra Chúa khi Người ở với họ, khi Người đi đó đây rao giảng Tin Mừng; và cũng rất ít người tin vào Chúa là Đấng cứu chuộc nhân loại khi Người làm những dấu lạ. Ngày lễ Hiển Dung hôm nay, Giáo Hội mừng biến cố Chúa biến hình trên núi. Ba môn đệ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê thật diễm phúc khi được Chúa cho nhìn thấy. Qua cuộc hiển dung này, Chúa Giê-su muốn mặc khải điều gì cho con người?

  1. Chúa hiển dung, Người muốn mặc khải điều gì?

Chúa hiển dung có nghĩa là Thiên Chúa mặc khải hay tỏ lộ hình ảnh về Người. Trong Cựu Ước, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng vẫn tỏ lộ cho con người biết Người là tình yêu bằng cách đồng hành và nâng đỡ họ. Cụ thể, qua những gì dân Ít-ra-en được Thiên Chúa tỏ lộ, họ đã có một niềm xác tin về Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Trong bài đọc một, tác giả sách Đệ Nhị Luật viết lại lời ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en về Thiên Chúa, nói về sự hiểu biết Thiên Chúa và niềm tin vào Đấng mà họ tôn thờ. Ông Mô-sê xác tín rằng: “Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa” (Đnl 7,9), làm Chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó” (Đnl 10,14). Đây là một lời xác tín thật mãnh liệt của dân Ít-ra-en về niềm tin của họ về Thiên Chúa. Họ tin có một Thiên Chúa là căn nguyên của vạn vật, Người có quyền năng trên mọi sự. Qua đó, họ chỉ tin vào Thiên Chúa, ngoài Người ra chẳng có Thiên Chúa nào khác. Thêm nữa, ông còn nói thêm cho dân biết: “Thiên Chúa của anh em còn là một Thiên Chúa trung thành, cho đến ngàn thế hệ” (Đnl 7,9) và nếu ai “giữ các mệnh lệnh của người thì sẽ được hạnh phúc” (Đnl 10,13). Dân Ít-ra-en là dân được Chúa chọn nhưng thường bất trung với Chúa và đi ngược lại với những huấn lệnh của Người. Nhưng Thiên Chúa thì không, Người luôn giữ giao ước và là Đấng đi bước trước để hàn gắn những đổ vỡ mà họ đã gây ra.

Đến thời Tân Ước, Thiên Chúa tiếp tục tỏ lộ tình thương và thực hiện lời hứa từ ngàn xưa cho con người qua Con Một duy nhất của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Trong bài Tin Mừng, thánh Lu-ca thuật lại việc Đức Giê-su dẫn ba môn đệ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê lên núi cầu nguyện. Nơi đây, trong lúc cầu nguyện, Đức Giê-su cho các ông thấy sự hiển dung của Người, “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (Lc 9,29). Từ lúc thu nạp các môn đệ đến trước khi hiển dung, Đức Giê-su nhận thấy tâm trí các môn đệ vẫn còn u tối và niềm tin vào Người chưa vững chắc. Não trạng các ông theo Chúa cũng chỉ để mong cho mình có một chỗ đứng và địa vị cao sang. Không một ai trong các ông nhận ra Thầy mình đang ở cùng, sống với họ là ai? Qua cuộc hiển dung, Đức Giê-su cho các ông nhận ra Người là Thiên Chúa thật, là Đấng mà nhiều ngôn sứ đã loan báo và muôn người đang chờ mong. Hơn nữa, Chúa còn cho các ông được diễm phúc nhìn thấy hai vị chứng nhân thời Cựu Ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a, hai vị hiện ra “rạng ngời vinh hiển và nói về cuộc xuất hành” (Lc 9,31). Cuộc xuất hành là dấu chỉ báo trước cuộc thương khó mà Chúa phải trải qua. Qua cuộc thương khó, Đức Giê-su sẽ lập lại giao ước mới với con người hầu cứu thoát con người khỏi sự chết. Ắt hẳn, cuộc thương khó nào cũng đều mang những đau đớn và sự hy sinh rất lớn. Qua đó, Đức Giê-su cho các ông nhận ra rằng, tuy là Con Thiên Chúa, là Đấng toàn năng, nhưng vì yêu thương nhân loại, Đức Giê-su chẳng nề sự đau đớn cùng cực nào hầu cứu con người khỏi chết. Như thế, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với lời Người đã hứa từ ngàn xưa, và lời hứa ấy đã được thực hiện nơi Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô để cho con người được hạnh phúc.

  1. Chúa hiển dung, củng cố niềm tin nơi các môn đệ

Ba môn đệ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê diễm phúc được Chúa cho thấy sự hiển dung của Người. Các ông được thấy một chút vinh quang Thiên Chúa mà họ đã từng được nghe từ Thầy mình. Sau khi chứng kiến những điều ấy, các ông “nín thinh và không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9,36). Các ông nín thinh là để dành thời gian ngẫm nghĩ lại những gì đã trải qua. Đối với các ông, đây quả là một kinh nghiệm quý báu và lời chứng có tính quyết định và sẽ giúp các ông vững tin hơn trên con đường theo chân Chúa. Như vậy, ba môn đệ lên núi với Chúa hôm nay đại diện cho niềm tin của những người đi theo Chúa. Sau khi Chúa chịu khổ nạn và phục sinh, họ đã không nản chí nhưng vẫn tin tưởng vào Người. Thậm chí, sau những bách hại vì Chúa, niềm tin của họ càng được củng cố hơn. Bởi lẽ, họ tin Đức Giê-su là Thiên Chúa thật, Đấng cứu tinh của nhân loại.

  1. Chúa hiển dung có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay

Ngày nay, con người bị vây quanh bởi nhiều thứ bên ngoài như tình cảm, công danh, sự nghiệp… Họ bận tâm nhiều những thứ đó mà không có thời gian chăm sóc con người bên trong, tức tâm hồn của mình. Bên cạnh đó, hầu như ai ai cũng muốn phần tốt về cho mình mà không muốn cái thiệt. Một khi không đạt được điều mình muốn, cuộc sống của họ thường bị đảo lộn và bất ổn. Quả vậy, với lối sống ấy, nhiều chuyện không hay đã xảy ra như xung đột giữa các thành viên trong gia đình cho đến chiến tranh giữa các quốc gia với nhau… Nguyên nhân xảy ra như thế, một phần là do con người sống ích kỉ, nhưng phần lớn là do con người gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Họ không tin Chúa là “thành luỹ cho họ nương ẩn” (x. Tv 16).

Là Ki-tô hữu, chúng ta được Đức Giê-su, Con Thiên Chúa mời gọi hãy tạm gác những thứ bên ngoài, lên núi với Chúa để đi vào cuộc sống thần linh với Người. Trong không gian tĩnh lặng của núi đồi, chúng ta được Chúa hiển dung cho nghỉ ngơi và nhận ra được chân lý đích thực. Như các môn đệ xưa, nhờ cuộc hiển dung, chúng ta nhận ra cuộc sống đích thực không phải ở đời này mà là đời sau, nhờ đó ta thêm lòng mộ mến những sự trên trời. Bên cạnh đó, nhờ cuộc hiển dung, chúng ta tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai cứu độ muôn người. Nếu xác tín điều đó, niềm tin của chúng ta sẽ không bị lung lay dù phải đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Hơn nữa, nhờ Chúa hiển dung, chúng ta dễ dàng đón nhận những giáo huấn từ Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ không bị lạc lối. Hơn nữa, nhờ Chúa hiển dung, chúng ta đủ sức để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, bằng cách sống hy sinh và đem tình yêu đến với tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu thương, đồng hành và nâng đỡ chúng con trong mọi biến cố cuộc sống. Nhưng nhiều khi chúng con với thân phận yếu đuối, đã phạm tội và xa lìa Chúa, xin Chúa đoái thương và tha thứ. Xin Chúa cũng ban thêm niềm tin, để khi đứng trước những khó khăn cuộc đời, chúng con vẫn tin cậy vào Chúa, là Thiên Chúa thật, Đấng đến làm cho cuộc đời chúng con được hạnh phúc. Amen.

 


 

CẢM MẾN CHÚA (Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín “đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”, và rồi đột nhiên “biến đổi hình dạng trước mặt các ông”. Sự kiện Đức Giêsu biến hình trên núi cho các môn đệ một cái nhìn rất khác về Người. Một Đức Giêsu thường ngày rất người nay bỗng biến đổi, mặc lấy sự sáng láng, uy quyền của thần linh. Tại sao Đức Giêsu lại dẫn các môn đệ lên núi? Cuộc biến hình có ý nghĩa gì đối với các môn đệ? Sứ mạng của các môn đệ sau cuộc biến hình là gì?

  1. Lên núi để được thật sự gặp Chúa cách riêng tư

Trong Cựu Ước, núi là nơi Chúa gặp gỡ ông Môsê như là vị trung gian giữa Chúa và dân (x. Xh 24,12-18). Núi cao cũng là nơi ưa thích của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, giảng dạy, và gặp riêng các môn đệ (x. Mt 5,1; 14,23; 24,3; 28,16; Lc 6,12). Khi ở trên núi cao, các môn đệ rời xa những gì phàm tục, thấp hèn của con người, để tâm hồn các ông hướng về những gì thanh cao, linh thánh; chính nơi đó, các ông khám phá ra một dung mạo khác của Đức Giêsu, dung mạo uy linh, sáng láng của vinh quang Thiên Chúa. Tuy vậy, sự uy nghi, sáng láng của Chúa chỉ có thể được các môn đệ cảm nhận sâu sắc khi lòng các thật sự hướng lên cao, lên những giá trị của “thượng giới” (x. Ga 8,23), như lời thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côlôsê: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2).

Quả thế, các môn đệ nhận thấy một dung mạo khác của Chúa Giêsu khi các ông được ở trong một khung cảnh khác với thường ngày, riêng tư hơn, gần Chúa hơn, tĩnh lặng hơn. Khi những xô bồ, bận rộn, lo toan hàng ngày không vây lấy các môn đệ, các ông mới chợt khám phá ra một dung mạo mới của Chúa Giêsu, dung mạo mà lâu nay các ông chưa từng nhận thấy. Hơn nữa, lên núi cao với Chúa, ở riêng với Ngài trong tĩnh lặng của tâm hồn đòi buộc người môn đệ chấp nhận học sống buông bỏ những gì là ồn ào, xô bồ, tranh giành, ghen tị, so đo, tính toán. Bao lâu những thấp hèn, nhỏ nhoi của con người còn đè nặng tâm hồn các môn đệ, các ông khó có thể hướng lòng trí lên những gì thánh thiện, thanh cao, linh thánh. Một khi lòng các môn đệ nhẹ nhàng, thanh thoát thì tâm hồn các ông mới có thể vươn cao để cảm nghiệm và chiêm ngắm một Đức Giêsu vinh quang và uy quyền.

  1. Cảm nếm vinh quang để biết chấp nhận thập giá

Đức Giêsu biến hình vinh quang, sáng láng trên núi có ý nghĩa gì với các môn đệ?

Trước hết, được chiêm ngắm một dung mạo khác của Đức Giêsu là một sự ủi an và khích lệ cho các môn đệ khi mà liền ngay trước cuộc biến hình, các ông vừa nghe Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó (x. Mt 16,21-23), và điều kiện để làm môn đệ là “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đức Giêsu vinh quang là đích điểm mà người môn đệ hướng tới, là ánh sáng soi đường giúp các ông vượt qua những khó khăn, trở ngại, và là sức mạnh giúp các ông can đảm đón nhận những “thánh giá” của trách nhiệm và sứ vụ.

Thêm vào đó, uy quyền thần linh của Đức Giêsu đã được hai chứng nhân của Cựu Ước chứng thực.[1] Như thế, tất cả Cựu Ước hiện diện để làm chứng về vinh quang của Chúa Giêsu. Tác giả Luca còn đi xa hơn khi cho biết thêm rằng hai chứng nhân Cựu Ước “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Vinh quang mà Đức Giêsu tỏ lộ phần nào trên núi chỉ đạt tới sự trọn vẹn thông qua “cuộc xuất hành”, nghĩa là chỉ qua thập giá và cái chết, khuôn mặt vinh quang của Đức Giêsu mới được thể hiện cách đầy đủ và viên mãn nơi mầu nhiệm phục sinh. Để đạt đến vinh quang, người môn đệ Đức Giêsu không thể đi con đường nào khác hơn là “xuất hành” cùng với Đức Giêsu; một khi chịu chết đi cho những mọn hèn, ích kỷ, nhỏ nhen, người môn đệ mới có thể vươn cao và được chia sẻ phần nào vinh quang của Đức Giêsu.

Sau cùng, đối với tác giả thư thứ nhất Phêrô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I thì hình ảnh một Đức Giêsu đầy vinh quang và quyền năng trong cuộc biến hình trên núi là dấu chứng bảo đảm rằng Người sẽ trở lại trong ngày quang lâm, ngày mà con người được mạc khải cho biết trọn vẹn quyền năng và vinh quang của Đức Giêsu. Và tất cả những ai đang cảm thấy yếu đuối, thất vọng, chán nản vì những bất toàn, khiếm khuyết, nhiễu nhương trong trần gian này, hãy vững tin vào Đấng sẽ đến trong vinh quang sáng láng để ân thưởng cho những ai sống tín trung với Người cho đến cùng.

  1. Xuống núi với những dấn thân mới cho sứ vụ

Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ với Đức Giêsu quyền năng sáng láng làm cho các ông cảm thấy ngất ngây, vui sướng, và muốn giây phút đó kéo dài mãi: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay!” (Mt 16,). Tuy vậy, đối với Chúa Giêsu, mục đích của cuộc biến hình không phải để giữ chân các môn đệ ở trên núi mà tận hưởng vinh quang của Con Thiên Chúa. Các ngài phải trở lại cuộc sống và nhận lấy sứ vụ của người môn đệ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu vinh quang sẽ mất đi giá trị thật sự nếu các môn đệ không xuống núi để đối diện với những thực tại của sứ vụ mà các ông được giao phó. Sứ vụ đó là gì?

Trước sự chứng kiến của các môn đệ, Chúa Cha chứng thực về Chúa Giêsu “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Đây không chỉ là lời chứng thực về bản tính thần linh của Đức Giêsu, mà còn là lời mời gọi “vâng nghe lời Người”; và đó cũng chính là sứ vụ của các môn đệ. Như thế, một khi được cảm nếm vinh quang của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa, các môn đệ cũng được Thiên Chúa trao cho sứ vụ “vâng nghe lời Người”. Vâng nghe lời Đức Giêsu chính là lẽ sống của người môn đệ.

Hơn nữa, khi đứng trước vinh quang rạng ngời của Đức Giêsu, các môn đệ “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”. Các ông cảm thấy sợ hãi vì chợt nhận ra thân phận thấp hèn, tội lỗi và bất toàn của mình. Lời an ủi và động viên của Đức Giêsu “trỗi dậy đi, đừng sợ!” vừa cho các ông thấy rằng Người vẫn ở bên các ông trong những lúc hoang mang sợ, hãi, vừa cho các ông có thêm can đảm để nhận lấy sứ vụ. Dù phải đối diện với những tầm thường và thấp hèn của phận người, các môn đệ vẫn mang sứ vụ cao cả là làm chứng về uy quyền và vinh quang của Đức Giêsu.

Trong cuộc sống với những bộn bề lo toan, xin cho chúng ta có những giây phút ở riêng với Chúa trên núi, để cảm nếm vinh quang và uy quyền của Đức Giêsu mà biết đón nhận những thập giá trong đời thường, để biết vâng nghe lời Người và trở nên những chứng nhân nhiệt thành cho Người.

[1]Môsê đại diện cho Lề Luật và Êlia đại diện cho Ngôn Sứ. ĐạidiệnchoLềLuậtvàNgônSứcũngcónghĩalàchotoànthểCựuƯớc.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 17 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Ngày 6/8, Chúa Hiển Dung)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây