Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm C

0
453

Bài Ðọc I: Am 6, 1a. 4-7

Trích sách Tiên tri Amos.

Ðây Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”.

Bài Ðọc II: 1 Tm 6, 11-16

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

Phúc Âm: Lc 16, 19-31

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.

Người đó lại nói: ‘Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'”.

Bài giảng chủ đề: TRÁI TIM VÔ CẢM 

Tu sĩ P.X. Trần Thiện Trí,SVD

Lời kinh Magnificat của Đức Maria có câu: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,53). Lời kinh này đã được Chúa Giêsu làm rõ nét qua dụ ngôn “người Phú hộ và anh Ladarô”. Dụ ngôn cho chúng ta thấy hai con người rất gần nhau trong không gian, nhưng rất xa nhau ở trong cách sống. Thế giới của hai người chỉ cách nhau bằng một chiếc cổng, ấy thế mà vẫn cách xa nhau vô cùng.

Với ngòi bút thật sắc sảo, linh hoạt và đầy thương cảm,thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nói lên một nghịch lý của cuộc đời mà khi đọc dụ ngôn thì ai trong chúng ta cũng cảm thấy xót xa, chua chát. Xót xa cho người giàu và chua chát cho người nghèo vì khoảng cách giữa hai người thật xa vời vợi trong một lối so sánh đầy ấn tượng. Người Phú hộ sống trong nhung lụa, hưởng thụ mê say. Đang khi đó, kẻ bất hạnh nằm chờ chút bánh rơi xuống từ bàn ăn mà chẳng có và chỉ có mấy con chó tới liếm ghẻ chốc mà thôi. Người phú hộ giàu có của cải, nhưng lại nghèo nàn tình người. Anh Ladarô nghèo khổ mà chẳng được xót thương. Cả hai đều nghèo tình thương. Kẻ thì không ai thương, Người thì không thương ai.

Qua đây, chúng ta nhận thấy, con người đi tới chỗ vong thân khi sống thiếu tình thương và sống thiếu tình người. Con người sống vong thân khi họ khép lòng mình lại với Thiên Chúa và chỉ bằng lòng với của cải trần gian, mà quên mất đi cuộc sống vĩnh cửu. Con người vong thân khi họ khép kín lòng mình với tha nhân. Mắt không xót thương,lòng không xúc động trước các nghịch cảnh, thì chính họ ngày càng nghèo tình thương. Vì thế, dụ ngôn ngườiphú hộ và anh Ladarô nghèo màchúng ta vừa nghe là một lời cảnh báo cho những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, chỉ biết hưởng thụ trần gian mà quên mất đi tình Chúa, quên mất đi tình người. Dụ ngôn này còn là một lời kêu gọi mỗi người chúng ta cần phải ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân và nhất là những người nghèo khổ.

Cũng vậy, trong bài đọc 1, ngôn sứ Amốt, với một lối nói lên án mạnh mẽ, chua chát, cũng đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những ai đang hưởng thụ, xa hoa mà không biết xót thương những người khốn khổ. Bởi vì đối với những người này, của cải vật chất đã trở thành một bức tường khép kín; họ chỉ sống an toàn, mãn nguyện ở trong không gian riêng của mình mà thôi. Cho nên chính họ đã tạo ra một khoảng cách, một vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa, cũng chẳng cần biết đến tha nhân. Khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do chính con người đã tạo ra ở đời này. Bởi vì, sau khi chết con người không thể thay đổi được số phận nữa. Do đó, điều quan trọng nhất là phải biết thay đổi ngay từ cuộc sống tại thế này.

Chúng ta cũng hãy nhìn lại xã hội chúng ta đang sống,một xã hội chi phối bởi quy luật “mạnh được yếu thua”,một xã hội in đậm cá nhân chủ nghĩa. Người giàu thì càng giàu lên. Ngày hôm nay người ta cũng đang báo động đỏ về tình trạng vô cảm, một tình trạng đang trở thành căn bệnh trầm kha, một căn bệnh làm cho cả xã hội nhức nhối. Chuyện người ta dửng dưng, thờ ơ với những tai nạn trên đường phố. Người ta thờ ơ với những người bị cướp bóc ngay giữa phố phường. Người ta thờ ơ với chuyện dùng những thực phẩm bị nhiễm chất hóa học hại độc. Người ta thờ ơ trước những mảnh đời kém may mắn. Những hình ảnh như vậy ta bắt gặp đầy rẫy trên báo chí. Ngoài ra, người ta còn đặt ra một vấn nạn tại sao người Việt ngày hôm nay quá hung dữ? Người ta dễ dàng chém giết nhau chỉ vì không giành được khách, gây ra án mạng chỉ vì một cái nhìn đểu… Tất cả chỉ vì những lý do thật lãng xẹt. Phải chăng đó là những di chứng dẫn đến sự vô cảm của con người?

Mỗi người chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi sống đúng với Tin Mừng. Cho dù xã hội hôm nay coi Tin Mừng là lạc lõng, nhưng chúng ta còn là môn đệ Đức Kitô, thì chúng ta phải làm khác và nghĩ khác hơn. Cũng vậy, là một người Kitô hữu chân chính, thì chúng ta phải thể hiện đức ái trong đời sống hằng ngày của mình. Dù giàu hay nghèo, thì mỗi người chúng ta đều phải biết sống vì người khác và cho người khác. Dù sang hay hèn, thì chúng ta vẫn tỏa lan đức ái trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đức ái mà thánh Phaolô đã nói với chúng ta: Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc. Đức ái thì tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1 Cr 13,4-7).Đức ái như thế sẽ giúp chúng ta sống tốt với anh  chị em và đảm bảo hạnh phúc Nước Trời mai sau.

Mẹ Têrêxa Calcuttađã từng nói: “Ngay trong giờ phút lâm chung, bất kể chúng ta là ai, đã từng sinh sống thế nào, là Kitô hữu hay là lương dân, tất cả chúng ta cần phải ý thức là chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa bằng bàn tay yêu thương của Ngài. Vậy thì chúng ta phải đứng trước nhan Giavê và được xét xử theo những gì chúng ta đã sống và làm cho người nghèo. Chính lúc này thì các cân lượng mẫu mực cho việc phán xét sẽ được đưa ra.”Lời của mẹ Têrêxa Calcutta giúp mỗi người chúng ta suy nghĩ về ngày chúng ta phải ra trước tòa Thiên Chúa, thì cân lượng sẽ được đặt bởi những công việc mà chúng ta đã làm ở thế gian này. Xin cho mỗi người chúng ta biết ý thức hơn nữa để biết đem khả năng, của cải Chúa đã ban để chia sẻ, phục vụ. Đó là nền tảng đức ái mà Tin Mừng ngày hôm nay mời gọi chúng ta. Amen.

 

Bài trướcThư Mục Vụ mừng Ngọc Khánh Giáo phận của Đức Giám Mục Nha Trang
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây