Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 24 Thường Niên – Năm A

0
436

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 – 28, 9

“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Ðáp.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ðó là lời Chúa.


 

Chia sẻ chủ đề:

HỌC THA THỨ (Giuse Nguyễn Đình Khiêm)

Là người và làm người không ai hoàn hảo cả. Đã không hoàn hảo hẳn nhiên ai cũng có thể mắc sai lầm và lỗi phạm đối với với Chúa, với tha nhân và cả chính bản thân mình. Do đó, trong tương quan đời sống, con người cần học cách tha thứ và cần được thứ tha để đem lại bình an cho bản thân và tha nhân. Bởi khi biết tha thứ là ta được thứ tha. Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật XXIV thường niên hôm nay, Chúa Giê-su dạy về bài học tha thứ và tiên vàn mời gọi tất cả mọi người chúng ta có một tấm lòng bao dung, quảng đại để biết tha thứ. Vậy chúng ta phải học tha thứ như thế nào?

  1. Học tha thứ từ Thiên Chúa

Khởi đi từ câu hỏi giả định của thánh Phê-rô: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21). Nói đến tinh thần tha thứ, thành ngữ Việt Nam có một câu nói khá quen thuộc: “Quá tam ba bận”. Có thể hiểu câu thành ngữ này một cách đơn giản như sau: nếu một khi cần phải nhường nhịn, bỏ qua hay tha thứ trước những lỗi lầm, xúc phạm của người khác đối với mình thì quá lắm là ba lần. Còn hơn ba lần thì không thể chấp nhận. Còn học thuyết Do Thái Giáo của các giáo sĩ đề cập đến việc anh em phải tha thứ cho nhau, nhưng trong một hệ thống duy luật; và con số bốn được xem là con số tối đa. Còn Phê-rô thì đã đưa ra con số bảy. Số bảy trong Kinh Thánh là con số tượng trưng cho sự hoàn hảo và trọn vẹn. Một con số tròn đầy như thế, vậy mà Đức Giê-su cũng không đồng thuận. Ngài đưa ra một chuẩn mực tha thứ không chỉ dừng lại ở từng con số, hay trong một mức độ giới hạn nào đó theo lối suy của con người hay theo cách thế trần tục. Đức Giê-su đòi hỏi tha thứ không phải bảy lần mà “bảy mươi lần bảy”. Ngụ ý muốn nói là phải tha thứ luôn luôn, tha thứ không có cùng đích, không có giới hạn.

Câu trả lời của Chúa Giê-su muốn hướng Phê-rô và tất cả chúng ta đến lòng hoan dung vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người. Dù chúng ta có lỗi phạm đến Ngài thế nào, bao nhiêu lần nhưng khi biết khấu đầu nhận lỗi, biết sám hối, van xin thì vẫn luôn được Ngài rộng tình tha thứ và khoan hồng. Dụ ngôn về ông vua và kẻ mắc nợ vua trong Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện cụ thể nói lên lòng khoan dung độ lượng đó của Thiên Chúa đối với chúng ta là những tội nhân. Trong Tin Mừng, lòng nhân từ đã được chính nhà vua thi thố và lẽ ra phải được nêu gương cho kẻ bầy tôi đã van xin, thỉnh cầu Ngài. Lối trình bày của câu chuyện cho thấy kẻ mắc nợ không có khả năng để trả món nợ khổng lồ ấy và nếu muốn thì phải bán chính bản thân, vợ con và toàn bộ tài sản (x. Mt 18,25).

Đối với người Do Thái, khi lâm vào tình cảnh phải bán mình, bán vợ con, toàn bộ tài sản là một nỗi đau và ô nhục không thể tả xiết. Do đó, ông đã van xin nhà vua dủ lòng thương xót cho khất món nợ. Tên đầy tớ mắc nợ không phải xin xoá nợ mà chỉ xin khất nợ. Lòng van xin thành khẩn và đau khổ đã chạm đến trái tim của vị vua nhân từ. Và vua đã chạnh lòng thương xót trước nỗi đau và sự van xin của kẻ mắc nợ nên cho y về và tha luôn món nợ. Nhà vua thi ân cho người tôi tớ gấp bội điều mà anh ta van xin. Đó là một hồng ân cao quí. Bởi thế, người đầy tớ sẽ không thể viện vào bất kỳ lý do nào để đối xử tàn nhẫn và bạc nhược với người anh em của mình khi họ khẩn cầu tha thứ. Do đó, tha thứ không chỉ là bằng lời nói suông, hay bằng một sự bỏ qua chỉ bằng mặt mà không bằng lòng mà phải được khởi đi từ con tim biết rung cảm, biết mũi lòng trước nổi đau và tình cảnh đáng thương của anh chị em mình. Một sự tha thứ được phát xuất từ lòng thương xót và bao dung đối anh chị em mới là cách thế tha thứ xứng hợp mà Đức Giê-su mời gọi.

  1. Tại Sao Chúng Ta Phải Tha Thứ Cho Nhau?

Một nhà tâm lý người Mỹ nhận định như sau: trên bình diện nhân bản, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho cả người tha thứ và kẻ được thứ tha, vì sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh, hạnh phúc và vui tươi hơn. Sách Huấn Ca trong bài đọc thứ nhất cũng muốn mách bảo chúng ta về một đạo lý căn bản không thể thiếu trong đời sống. Đó là biết tha thứ cho nhau. Bởi lẽ “nhân bất thập toàn”, là người và làm người không ai hoàn hảo. Sự bất toàn tiềm ẩn trong mỗi con người sẽ gây nên những bất đồng, xích mích, va chạm có khi làm tổn thương, xúc phạm và mất lòng nhau trong tương quan cuộc sống giữa người với người. Do đó, chúng ta cần phải luôn biết tha thứ cho nhau. Tác giả còn cho thấy sự chối từ tha thứ là một hành vi điên rồ đối với chúng ta mang kiếp phàm trần. Bởi không có khả năng tha thứ sẽ dẫn tới hành động báo thù và như thế sẽ không được thứ tha. Sách Huấn Ca đã lên án thái độ không tha thứ đó rất nặng: “kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa” – “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha thứ” (Hc 27,1-2). Không biết tha thứ thì cũng đồng nghĩa không có lòng thương xót và như thế khó nhận được lòng xót thương từ Thiên Chúa và nơi anh chị em đồng loại: “Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình!” (Hc 27,4).

Và không có lòng khoan dung tha thứ thì ta tự chuốc lấy cho mình cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Tên đầy tớ dại dột vì độc ác, tàn nhẫn, bủn xỉn và vô ơn đã đánh mất cơ hội để nhận được sự tha bổng món nợ khổng lồ vì không biết tha thứ cho người đồng bạn của mình. Và hậu quả của hành động không biết tha thứ và thương xót là: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18,34). Từ chối tha thứ cho anh chị em mình là ngăn chặn ơn tha thứ đang dạt dào tuôn chảy vào tâm hồn mình vậy và cũng tự đánh mất ơn tha thứ từ chính Thiên Chúa (x. Mt 18,35).

Nhìn lại môi trường sống thực tế của chúng ta, chắc hẳn không thiếu những sự bất đồng, xích mích, va chạm và hiểu lầm. Những điều đáng tiếc đó xảy ra có khi đến từ những lời nói thiếu kiềm chế trong những lúc bốc đồng, nóng giận; cũng có khi bắt nguồn từ những cử chỉ, hành động bựcc tức thiếu kiềm chế và thiếu tôn trọng; và cũng có lúc khởi đi từ ánh mắt thiếu thiện cảm, từ thái độ coi thường và khinh miệt. Những điều đó có thể là vô tình hay chủ ý làm tổn hại đến thanh danh, phẩm giá và lòng tự trọng của nhau, gây nên những đổ vỡ thật đáng tiếc hằn sâu vào trong đời sống, làm tổn thương và xúc phạm đến cái tôi, lòng tự trọng của anh chị em mình. Những tổn thương và xúc phạm đó có khi trở nên những vết thương hằn sâu vào trong tâm khảm của nhau mà khó có thể bỏ qua và không dễ gì tha thứ. Tuy nhiên, ơn gọi của người Ki-tô hữu chúng ta là hoạ lại khuôn mẫu của Thầy Chí Thánh Giê-su là luôn luôn sẵn sàng tha thứ vô điều kiện cho những kẻ đã xúc phạm đến mình. Ngài tha thứ không phải là bao nhiêu lần mà là tha thứ luôn luôn, tha thứ mãi mãi, tha thứ không có giới hạn. Thử hỏi khi biết tha thứ cho anh chị em của mình thì ta được gì? Và khi không biết tha thứ cho anh chị em mình thì ta mất gì? Quả thật, khi biết sẵn lòng tha thứ thì ta được rất nhiều: Được thêm một người anh chị em, một người bạn; tình anh chị em thắm thiết, tình bạn được giao hoà, tình người được nối kết và đời sống gia đình, cộng đoàn được an vui, hạnh phúc; và được Chúa tha thứ. Còn khi ta không thể tha thứ, ta mất rất nhiều: Mất bạn, mất anh chị em, mất tình nghĩa đối với nhau, mất niềm vui trong cuộc sống và mất sự bình an trong tâm hồn, hơn hết ta mất ơn tha thứ từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con biết lấy Chúa làm mẫu mực cho cung cách hành xử của chúng con; và xin cho chúng con khắc ghi rằng: Thiên Chúa đã tha thứ cho mỗi người chúng con và Ngài “đã không xử với ta như ta đáng tội”. A-men.

 


 

THA THỨ (Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD)

Ai cũng biết cuộc sống rất cần sự tha thứ. Nhưng làm thế nào để tha thứ? Đâu là những thách đố của việc tha thứ? Có phải tha thứ là một sứ vụ của người Kitô hữu? Đâu là những dấu chỉ của ơn tha thứ?

  1. Tha Thứ Như Là Sứ Vụ Của Người Kitô Hữu

Sự tha thứ là trọng tâm các giáo huấn của Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta nhận thấy sự tha thứ chạm đến điểm tận cùng khi Người đã đổ máu mình ra, chịu treo thân trên thập tự để cứu chuộc con người chai đá, cứng lòng khỏi hư mất vì tội. Tha thứ đến cùng là biểu hiện của đức ái hoàn hảo. Thực tế cuộc sống cho tôi thấy, thật không dễ dàng gì để có thể tha thứ cho người xúc phạm đến tôi, chưa nói đến sự tha thứ hoàn toàn như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Dù vậy, đức bác ái vẫn ngọt ngào, sự tha thứ vẫn chứa đựng sức mạnh như dấu ấn của Thiên Chúa vang vọng trong sâu thẳm tâm hồn con người, nhất là với những ai khao khát tìm kiếm sự bình an và ơn tha thứ.

Chúa bảo thánh Phêrô phải tha thứ “bảy mươi lần bảy”. Trong đời sống, người có thể tha thứ được tới con số này có thể gọi là thật sự hiếm hoi. Người ta thường bảo, “quá tam ba bận”. Ít người có thể tha thứ cho tôi nếu tôi cứ xúc phạm tới họ hết lần này đến lần khác. Chúa Giêsu đưa ra một con số, mặc dù nó có giới hạn, nhưng lời dạy của Người không dừng lại ở giá trị của phép tính đó; Người muốn con cái của Người phải luôn tha thứ, tha thứ cho đến tận cùng. Tha thứ phải là đặc điểm của con cái Thiên Chúa. Vì sao Đức Giêsu lại đòi hỏi con cái mình phải tha thứ đến mức tuyệt đối như vậy? Chắc chắn một điều, Con Thiên Chúa biết con người yếu đuối, họ chẳng làm được gì nếu không có sự trợ giúp của Người. Tha thứ là con đường đem lại bình an, và Chúa Giêsu muốn con cái mình tìm được sự bình an đó.

Người Kitô hữu bước theo con đường Chúa Giêsu dạy, để qua Người mà tiến về Nước Trời, nơi của sự sống vĩnh hằng. Cùng đồng hành trên con đường ấy, sự tha thứ bảo đảm cho con người có thể bước đi cùng với nhau như một cộng đoàn hướng đến cuộc sống mai sau, bình an và viên mãn. Giá trị của sự tha thứ đối với người Kitô hữu thật sự là nguồn động lực và điều kiện để họ có thể cảm nghiệm được sự bình an. Tha thứ là một thách đố trong đời sống. Tuy nhiên, là con cái Thiên Chúa, tôi phải ý thức mình thuộc về sự thiện, tôi được Thiên Chúa yêu thương, được Ngài tha thứ và cứu chuộc. Tôi cũng phải ý thức mình là một phần trong cộng đoàn Hội Thánh đông đảo. Trong lòng cộng đoàn ấy, sự yêu thương che chở lẫn nhau, cùng tương trợ nhau, cùng sống trong đức ái, là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Người là Đầu vẫn không ngừng hướng dẫn các chi thể Hội Thánh tại thế. Kết hiệp với ơn thiêng từ Thiên Chúa, tôi mới ý thức được lý do vì sao tôi phải tha thứ.

Tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi đủ yêu thương. Mà tôi chỉ có thể nhận được tình thương khi giữ được mối dây gắn kết với Thiên Chúa và với cộng đoàn dân thánh. Điều đáng buồn là với bản tính con người ích kỷ, nhất là sự hâm hẩm về đời sống tâm linh, tôi ít khi ý thức rằng tôi đã được Chúa tha thứ các tội lỗi; và đến lượt tôi, tôi cũng phải tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến tôi. Những khi tôi không có đức ái, khi tôi không tha thứ, tôi không ý thức mình là thành phần của cộng đoàn dân Chúa. Đến đây, tôi nhớ tới lời thánh Phaolô:“Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

  1. Tha Thứ – Một Sứ Vụ

Người ta có câu, “một sự nhịn, chín sự lành”. Nhịn thôi thì dĩ nhiên chưa phải là tha thứ. Thường người ta “nhịn” cho đỡ rắc rối thêm, chứ cái đói của thù hằn vẫn còn ở đâu đó. “Những cảm xúc bực dọc, khó chịu đó làm chúng ta nhức nhối và bị hao mòn trong tận thâm sâu của bản thân. Và một khi đã vấn vương với những cảm xúc đó, chúng ta khó có thể tha thứ cho ai được. Càng không muốn tha thứ, chúng ta càng làm cho những hờn giận và cả những mưu toan trả đũa lại người khác thêm sôi sục hơn, mãnh liệt hơn”.[1] Dù sao thì “nhịn” cũng giúp ta an thân, như thế là điều tôi mong đợi rồi. Nhưng như đã nói, nếu chưa thực thi sự tha thứ, tôi cũng sẽ không được thứ tha, tôi sẽ không có bình an.

Hằng ngày chúng ta đọc Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Theo quan điểm của người Do Thái thời đó, “nợ” ám chỉ tội lỗi. Mỗi khi tôi xúc phạm đến Thiên Chúa, xúc phạm đến tha nhân là tôi đã mắc một món nợ.[2]Xem ra điều kiện để tôi được Chúa tha thứ những tội lỗi của tôi là tôi cũng hãy biết tha thứ cho người khác. Thánh Phaolô nhắn nhủ cộng đoàn Côlôsê rằng: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Tha thứ còn là dấu chứng của tình yêu, của sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn con cái Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Đòi hỏi triệt để của Đức Giêsu đối với các môn đệ của Người là sứ vụ trong đời sống chứng tá tông đồ. Cách riêng đối với người môn đệ, tha thứ là một sứ vụ.

  1. Các Bí Tích, Dấu Chỉ Của Ơn Tha Thứ

“Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá là chính lúc Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào hồng ân của Người xuống trên nhân loại tội lỗi. Một trong những hồng ân lớn nhất trong công trình cứu độ là ơn tha thứ trọn vẹn tội lỗi của toàn thể nhân loại. Điều này đưa chúng ta đến một điểm cơ bản là việc Chúa luôn luôn tha thứ cho tôi, là động cơ duy nhất thôi thúc tôi thể hiện những hành vi tha thứ đối với tha nhân”.[3] Bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể là những dấu chỉ biểu lộ ơn tha thứ và tình yêu thương Thiên Chúa trao ban cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô. Sự tha thứ của Thiên Chúa qua Con của Ngài vẫn luôn luôn được tuôn đổ cho con cái trên trần gian. Đó là sự đồng hành và là nguồn lương thực nuôi nấng, thêm sức lực nâng bước người tín hữu Kitô trong suốt cuộc hành trình. Mỗi lần được hòa giải với Chúa nơi tòa giải tội, mỗi lần tôi đón rước Thánh Thể vào lòng, tôi ý thức về sự hiện diện của Người. Mỗi lần lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, tôi ý thức mình được tha thứ, được mời gọi để tiếp tục yêu thương và sống sao cho vẹn dấu chỉ của bình an, và của tình yêu thương khi tôi ra khỏi nhà nguyện, bước vào cuộc sống xã hội. Vậy, để ý thức về sứ vụ tha thứ của người môn đệ, tôi phải xuất phát từ sự thấu hiểu, một sự cảm thông trong mối liên kết với Đấng dạy tôi phải sống nhân từ và trở nên hoàn thiện. “Đức Kitô không cứu chuộc bằng đau khổ, nhưng bởi tình yêu. Máu đổ ra đến giọt cuối cùng trên thập giá không phải là giá trả cho một Thiên Chúa bạo tàn, nhưng là dấu chỉ của một tình yêu đi đến tận cùng mạng sống”.[4]

  1. Những Thách Đố Để Sống Tha Thứ

“Thế gian này chắc chắn không phải là kiểu mẫu cho ta học hỏi”.[5] Ta có thể nhận ra điều này khi nhìn vào cách đánh giá các giá trị của con người thời nay. Sự tha thứ tuyệt đối trong đời sống xã hội hiện nay dường như thật hiếm hoi, báo chí và thông tin hàng giờ nhan nhản tin về tội phạm và những điều xấu, tỷ lệ nghịch với đó là thật ít ỏi những tin tốt lành, những tấm gương tha thứ. Ở một tầm mức rộng lớn hơn là mâu thuẫn dường như không thể giải quyết giữa các quốc gia, các bè nhóm chính trị. Sở dĩ như vậy là vì người ta thường quen với việc nhận cho mình hơn là cho đi. Thực sự phải chịu thiệt đi để có thể tha thứ là điều rất khó khăn khi xã hội thời nay đặt nặng tiêu chí phải có lời. Có được Thiên Chúa là một mối lợi tuyệt vời, thế nhưng tôi chẳng mấy nhìn nhận được điều này, nên tôi cứ tham sân si mãi với cõi đời. Vì tôi đã được đón nhận rất nhiều, nên tôi phải trở thành chủ thể thực thi sự tha thứ. Gian ác tràn lan xung quanh tôi, chính vì thế, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở tôi phải biết cân nhắc để tìm kiếm được giá trị cốt lõi của đời sống. Chính khi nhìn vào sự bấp bênh của thế gian, tôi ý thức hơn dấu chỉ tha thứ mà Thiên Chúa thực hiện nơi Con của Ngài. Tôi ý thức sự tha thứ và yêu thương và sự nối kết với Đấng Tối Cao, rằng “anh em không thuộc về thế gian” (Ga 15,19).

Có lẽ không lời nào giá trị hơn lời thánh Phaolô khuyên nhủ người Kitô hữu ý thức thân phận của mình: “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em? Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toàn Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: Đức Chúa phán: Ta lấy sự sống ta mà thề: mọi người sẽ quỳ gối lạy Ta, và mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Thiên Chúa. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa”. (Rm 14,9-12)

Sau cùng, để được tha thứ, tôi phải ý thức mình là kẻ mắc nợ; tôi là kẻ có tội. Người thu thuế ý thức mình tội lỗi, lên đền thờ, quỳ đàng xa mà đấm ngực ăn năn, tội của ông được Chúa thứ tha. Chính khi ý thức mình tội lỗi, tôi mới biết thông cảm cho người khác nếu họ có mắc nợ tôi, khi họ có lỗi với tôi. Thiên Chúa là Cha luôn tha thứ cho tôi, đó là lý do và động lực để tôi phải yêu thương và tha thứ cho người khác khi họ có lỗi.

Lạy Thiên Chúa là Đấng từ nhân, xin tha thứ lỗi lầm con đã phạm, xin cho con biết ý thức mình là tội nhân để biết sống khiêm nhường hơn, bác ái hơn với mọi người.

 

[1]Suy niệm Tin Mừng theo Thánh Mátthêu. Tủ sách Tu Đức. (Nơi, năm XB không rõ), tr. 132.

[2] x. Ibid. Trg 135.

[3] Phạm Văn Phượng, OP., Chia sẻ Tin Mừng CN Năm A – Bộ ba. (Nơi xb không rõ: 2008), tr. 226.

[4] Phạm Văn Phượng, OP., Sđd,tr. 225.

[5] Jude Siciliano, OP., Hạt mầm Đức tin – Bài giảng CN năm A, HVĐM 2013, tr. 243.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên, Năm A (Mt 18,21-35)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 24 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.