Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm A

0
496

Bài Ðọc I: Gr 20, 7-9

“Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa (c. 2b).

Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước! – Ðáp.

2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. – Ðáp.

3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. – Ðáp.

4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 12, 1-2

“Anh em hãy tiến thân làm của lễ sống động”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.

Ðó là lời Chúa.

* * *

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 21-27

“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng /  chia sẻ chủ đề:

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH (Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD)

Tự do chọn lựa cuộc sống cho riêng mình là yếu tố căn bản của con người. Một ai đó đã nói rằng: “Cuộc sống là một cuộc hành trình”. Đó là hành trình bước theo một lý tưởng và mục đích sống của mỗi con người. Khi đã có đích đến, họ thường tìm cho mình con đường thuận tiện nhất để đi đến đích điểm ấy. Những người Ki-tô hữu cũng vậy. Trong hành trình hướng về quê trời, họ được mời gọi bước đi trên con đường “chẳng mấy ai đi”: con đường từ bỏ chính mình.

  1. Từ bỏ chính mình để công bố Lời Thiên Chúa

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy hình ảnh ngôn sứ Giê-rê-mi-a tâm sự riêng với Thiên Chúa. Đây không phải lần đầu ông bộc bạch tâm tư với Ngài (x. Gr 15,10-21). Ông đã loan báo tai hoạ sắp giáng xuống mà không được ai quan tâm đến, kêu gọi hoán cải để được thứ tha mà không được ai lắng nghe. Ông trở nên trò đùa, bị nhạo báng, bị xem như kẻ phản quốc và bị tống giam. Ông bị người ta từ chối, bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày vì ông đã phát ngôn Lời của Thiên Chúa. Do vậy, ông đâm ra chán nản và dường như ông muốn từ chối ơn gọi của mình: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa” (Gr 15,9a). Thế nhưng ông nhận ra rằng: Chúa mạnh hơn ông và Lời Chúa cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim và âm ỉ trong xương cốt ông. Vì thế, ông không thể trốn tránh trách nhiệm nói Lời Chúa cho dân. Ông ôm lấy sứ mạng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, sẵn sàng đấu tranh cho sự thật dù bị người ta vây quanh chúc dữ và tìm cách hãm hại. Ông đã từ bỏ mình để cho Lời Thiên Chúa được đến với dân và tác động lên tâm hồn họ. Qua cuộc đời của ông, chúng ta phần nào hiểu được sứ mạng của vị ngôn sứ và cái giá phải trả để cho Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn mọi người.

  1. Từ bỏ chính mình để thờ phượng Chúa cách xứng hợp

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khuyên nhủ các tín hữu Rô-ma hãy hiến dâng thân mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa và cải biến tâm thần để nhận ra thánh ý của Người trong đời sống hàng ngày. Như vậy, thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng: việc hiến dâng thân mình và đổi mới tinh thần là việc rất đẹp lòng Chúa. Đó chính là việc phụng thờ hợp lý và đáng trân trọng nhất.

Sống trong một xã hội hiện đại, chúng ta đang bị choáng ngợp với sức mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông. Thông qua các thiết bị tiện lợi như laptop, điện thoại thông minh, Ipad, những kiểu quảng cáo về thời trang, về thực phẩm và về giải trí tiếp cận chúng ta không ngừng. Những thứ đó quấn lấy chúng ta và hình thành nơi chúng ta thói quen khó bỏ. Chúng ta bám vào những thứ ấy và để cho con tim mình xa rời Chúa. Chúng ta cứ rập theo đời này, tạo thành một thói quen lệ thuộc nếu không muốn nói là nô lệ cho những thứ phù phiếm chóng qua. Chúng ta đến nhà thờ, tham dự Thánh Lễ và các giờ kinh nguyện một cách máy móc và khô khan để chỉ chu toàn bổn phận. Chúng ta thờ phượng Chúa bằng môi miệng chứ không phải bằng con tim hay bằng tinh thần yêu mến. Chúng ta có thể dành hàng giờ để xem tivi, để bấm điện thoại hay để đi vào những khu vui chơi giải trí nhưng chúng ta lại không thể ngồi một giờ trước Thánh Thể. Chúng ta có thể ngồi cà phê tám chuyện hàng giờ để nghe những chuyện phù phiếm nhưng chúng ta không thể tập trung nổi để nghe giảng trong vòng 15 phút hay nghe một bài đọc Kinh Thánh ngắn ngủi. Vậy chúng ta đã thờ phượng Chúa một cách xứng hợp hay chưa? Liệu chúng ta có sẵn sàng từ bỏ chính mình, từ bỏ những thói quen rập khuôn để cho tâm hồn mình được lắng đọng và cải biến?

  1. Từ bỏ chính mình để vác thập giá mà theo Chúa Giê-su

Sự chọn lựa của người Ki-tô hữu được đưa lên đến đỉnh điểm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là một sự chọn lựa trọng đại có tự do của mỗi con người và được đặt trong một điều kiện nghe có vẻ “chói tai” với con người thời nay: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24b). Thế nhưng, đây là điều kiện chính yếu để chúng ta có thể tận hiến đời mình mà phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân cách trọn vẹn. Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy hình ảnh các nhân vật nổi bật về việc từ bỏ chính mình: Ông Áp-ra-ham tuổi đã già mà vẫn đi đến một miền đất xa lạ; Ông Mô-sê chấp nhận gánh vác một đám dân thiếu trách nhiệm; Các ngôn sứ, như là ngôn sứ Giê-rê-mi-a được diễn tả trong bài đọc thứ nhất, đã bị chính dân tộc mình đối xử tệ bạc; Mẹ Ma-ri-a đã thưa xin vâng và bước vào hành trình thực thi ý muốn của Thiên Chúa suốt cả cuộc đời,… Họ đã sẵn sàng từ bỏ đời sống tạm bợ nơi trần gian này để được tái sinh bởi Thiên Chúa. Nơi họ, ý muốn của Thiên Chúa đã được thực hiện.

Còn chúng ta, những người Ki-tô hữu, sẽ đáp lại lời mời gọi ấy như thế nào?

Chúng ta, những người Ki-tô hữu, được mời gọi từ bỏ mình để vác thập giá hàng ngày mà đi theo Chúa Giê-su. Nghĩa là chúng ta được mời gọi tự nguyện chấp nhận từ bỏ ý riêng mình để ý Chúa được thực thi. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ những đam mê, những ước muốn thuộc về xác thịt và những thói quen rập khuôn để dành thêm thời gian mà phụng thờ Chúa qua các hành vi phụng tự cũng như qua những công việc bác ái. Chúng ta tự nguyện trở thành môn đệ Chúa ngang qua con đường thập giá tức là chấp nhận những hy sinh, những đau khổ và những thử thách mà Thiên Chúa gửi đến cho mình qua các dấu chỉ và sự kiện trong đời sống hàng ngày. Chúng ta chấp nhận vác thập giá với sự kiên nhẫn, với tình yêu và lòng tin vào ân sủng của Chúa chứ không phải vì miễn cưỡng, bởi những điều mà chúng ta nhận được thì nhiều hơn những điều chúng ta hy sinh. Chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống Đức Tin bằng việc lựa chọn một lối sống yêu thương vượt trên chính mình trong sự tự do nội tâm và hạnh phúc đích thực. Đây là khía cạnh tích cực của việc theo Chúa. Quả vậy, theo Chúa thì phải nỗ lực, phải cố gắng trong việc sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng trong sự chịu đựng và kiên trì. Chúng ta từ bỏ chính mình, từ bỏ những thứ xa hoa phù phiếm đời này để đi theo Chúa Giê-su, để nhận được phần thưởng lớn lao hơn, đó là Nước Trời mai sau.

Tóm lại, các bài đọc Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình, từ bỏ những cái tôi ích kỷ, những thành kiến, những ham mê trần tục,… để bước theo Chúa cách triệt để qua đời sống Đức Tin của mình. Chúng ta cũng sẵn sàng đáp lại lời mời gọi ấy để qua đời sống chứng tá của mình, mang Lời đến cho người khác nhằm giúp họ cũng được lãnh nhận Nước Trời làm gia nghiệp.

Lạy Chúa Giê-su, đi theo Chúa quả thật khó khăn, sống với Chúa thật là khổ bởi chúng con phải vác thập giá mỗi ngày. Thế nhưng, ơn Chúa ban luôn đủ cho chúng con, tình yêu Chúa dành cho chúng con luôn dồi dào. Xin Chúa giúp chúng con biết đi ra khỏi con người mình và biết cải biến tâm hồn để nhận ra những ân sủng đó mà luôn sẵn sàng hy sinh, chấp nhận mọi gian nguy thử thách và vâng phục thánh ý Chúa cho đến trọn đời. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ Đức Tin của chúng con qua ân sủng không ngơi của Chúa. Amen.

 


 

TỪ BỎ LÀ TÌM LẠI CHÍNH MÌNH  (Lm. Micae Trần Phúc Ca, SVD)

Hy sinh, thập giá, đau khổ, từ bỏ và thử thách là những từ ngữ gợi lên trong suy nghĩ của chúng ta những ý niệm như là: thiệt thòi, thua lỗ, mất mát… Tất cả những điều đó đều là những ý niệm hết sức “phản cảm” với con người, nhất là với giới trẻ trong thời đại của chúng ta. Vì thế, con người ngày hôm nay đang muốn loại trừ, muốn vứt bỏ những ý niệm ấy ra khỏi ký ức của mình, vì nó dường như chỉ đem lại sự mất mát và thua thiệt cho họ.

 Như thế, phải chăng là một nghịch lý khi Ðức Giêsu bảo từng người chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt16,24)?. Vì xem ra từ bỏ chính mình nghĩa là tha hóa, vong thân, mình không còn là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt: tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitôthì thật là tuyệt vời. Đây là lý tưởng mà thánh Phaolô nhắm tới: “trở nên đồng hình đồng dạng” (Rm 8,29) với Đức Giêsu. Hơn nữa, đây không phải là tha hóa mà là tìm lại chính mình, bởi vì ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người “giống hình ảnh Ngài” (St 1,26). Nhưng do tội lỗi nên con người bị “tha hóa”. Nay chúng ta cố gắng từ bỏ chính mình để trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu của chúng ta. (x. Lm. Carôlô, Sợi Chỉ Đỏ, tr. 426)

 Như vậy, con đường mà Chúa Giêsu đã đi là con đường hẹp. Con đường từ bỏ hằng ngày. Từ bỏ lòng tự cao tự đại để sống hòa đồng với anh em. Từ bỏ lòng tham bất chính để sống thanh khiết và công bình bác ái hơn với tha nhân. Từ bỏ đòi hỏi hy sinh. Hy sinh bản thân để đem lại niềm vui cho gia đình và tha nhân. Từ bỏ và hy sinh không làm cho chúng ta bé nhỏ đi nhưng giúp chúng ta lớn lên và trưởng thành hơn. Vì thế, từ bỏ là một điều rất cần thiết cho con người, nhất là những con người của thời đại hôm nay. Do vậy, chúng ta có thể khẳng định với nhau rằng: “từ bỏ” là một định luật tất yếu để con người được phát triển.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia đã thú nhận là ông không thể từ bỏ sứ mạng của Thiên Chúa được, vì Chúa đã quyến rủ ông; Chúa hùng mạnh hơn ông và Người đã thắng (x. Gr 20,7). Ngôn sứ Giêrêmia đã chấp nhận từ bỏ những mong muốn, hoài bão, khát vọng của cá nhân, để phục vụ cho sứ mạng mà Chúa trao cho ông, vì ông cảm nhận rằng sức mạnh thật sự của ông ở nơi Chúa. Chỉ khi ông sống tinh thần từ bỏ, thì sức mạnh của Chúa mới thể hiện nơi cuộc đời và sứ mạng của ông. Còn ở bài đọc II, Thánh Phaolô cũng kêu gọi các tín hữu hãy dâng bản thân mình cho Thiên Chúa, vì đó chính là việc phụng thờ Ngài hợp lý nhất, đáng làm nhất của con người (x. Rm 12,1). Từ bỏ ý riêng và dâng hiến đời mình cho Chúa chính là của lễ cao quý để tôn thờ Chúa, và để phục vụ cho tha nhân.

Chuyện kể rằng: Có hai vị ẩn sĩ lên đường hành hương. Một vị chủ trương cần phải có tiền bạc và những phương tiện vật chất đầy đủ, thì mới bảo đảm được cho đời sống tu trì. Còn vị kia thì luôn tin tưởng vào tinh thần từ bỏ và sự quan phòng của Chúa.

Vừa đi hai vị vừa tranh luận với nhau mà chẳng ai thuyết phục được ai. Khi họ đến bên bờ một dòng sông thì trời bắt đầu tối. Vị có tinh thần từ bỏ liền đề nghị: Vì không có tiền, chúng ta không thể thuê được đò. Nhưng thôi, tại sao chúng ta lại lo lắng quá nhiều đến thế. Chúng ta hãy nghỉ đêm ở bên này và dâng lời chúc tụng Chúa. Sáng mai thế nào chúng ta cũng tìm ra người giúp chúng ta qua sông một cách an toàn.

Thế nhưng, vị tin tưởng vào sức mạnh của tiền bạc và những phương tiện vật chất liền quả quyết như sau: Ở bên này sông thì không có làng mạc và thú dữ sẽ tấn công chúng ta bất kỳ lúc nào. Hơn thế nữa, làm sao chúng ta chịu đựng nổi cái lạnh của đêm nay? Bên kia sông, chúng ta sẽ nghỉ đêm an toàn trong một quán trọ. Tôi có mang theo tiền và chúng ta hãy thuê người chèo đò qua sông. Khi hai người đã qua sông, vị tu sĩ trả tiền cho người lái đò và nói với người bạn của mình như sau: Anh đã thấy được ích lợi của việc giữ tiền trong túi chưa? Điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi cũng sống tinh thần từ bỏ như anh?

Nghe thế, vị tu sĩ luôn sống tinh thần từ bỏ liền mỉm cười và nói : Chính tinh thần từ bỏ của anh đã cứu sống chúng ta. Anh đã không tiếc tiền để thuê người lái đò là gì? Hơn thế nữa, mặc dù không có một đồng xu dính túi, nhưng tôi cũng vẫn được qua sông, vì Chúa lo liệu cho tôi.

 Là người kitô hữu, là con cái của Cha trên trời, chúng ta càng bỏ cái phần “tôi” bao nhiêu, thì cái phần “Chúa” sẽ lớn mạnh trong chúng ta bấy nhiêu. Vì thế, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận và trách nhiệm trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. Người làm chồng và người làm vợ có bổn phận và trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho gia đình của mình. Các bậc làm cha mẹ có bổn phận và trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Con cái có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, đồng thời cũng biết chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng của mình. Bởi vì “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (x. Lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi).

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 21 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 22 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây