Lời Chúa + Bài giảng Lễ Hiển Linh

0
404

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Ðáp.
2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. – Ðáp.
3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Ðáp.
4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 2, 2
Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

ĐỂ GẶP ĐƯỢC ĐẤNG CỨU THẾ (Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD)

 

Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, ngày hôm nay mỗi người chúng ta cũng hân hoan mừng lễ Chúa Hiển Linh. Khởi đi từ Cựu Ước, chúng ta thấy dân Do Thái thường dùng từ này để diễn tả việc Thiên Chúa xuất hiện. Và mỗi lần Thiên Chúa xuất hiện thì sẽ có những biến cố trọng đại đi theo, đó có thể là việc Thiên Chúa tỏ quyền năng cho dân Người hoặc là để thể hiện tình yêu thương, sự chăm sóc và để cứu họ khỏi những tai ương hoạn nạn (x. St 12,7; St 17,1; Xh 3,2-16; Gr 31,3…).

Bài đọc I trích từ sách ngôn sứ Isaia cũng cho chúng ta thấy một khung cảnh rực rỡ hào hùng và tráng lệ khi Thiên Chúa xuất hiện. Nó trái ngược hoàn toàn với khung cảnh tối tăm và ảm đảm của Dân Chúa trước đó: “…Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi…” (x. Is 60,1-6).

Lễ Hiển Linh ngày hôm nay có ý nghĩa Thiên Chúa muốn mặc khải cho chúng ta biết, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, là Vua của muôn vua và là Đấng Mêsia muôn dân hằng mong đợi. Người đến để cứu chuộc họ khỏi ách thống trị của tội lỗi và cho họ thông phần vào ân sủng mà Thiên Chúa hứa ban cho muôn dân như lời thánh Phaolô trong bài đọc II trích từ thư gửi tín hữu Êphêsô đã xác quyết với họ: “Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Ep 3,6).

Trình Thuật Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta thấy, khi Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuất hiện cũng đã có rất nhiều biến cố, những điều kỳ lạ đi theo, đó là những điều tương phản nhau trong một trật tự vốn có của tạo hoá và xã hội con người.

Điều tương phản thứ nhất là sự tương phản giữa Giêrusalem và Bếtlehem: Giêrusalem chính là thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do Thái. Họ luôn tự hào là trung tâm thờ phượng Thiên Chúa, là nơi mọi người đến hẹn lại lên để hành hương, dâng lễ vật lên Thiên Chúa… Nhưng thật trớ trêu thay, chính họ lại là những người khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu Thế và chính những con người ở đó sau này lại là người kết án và giết chết Người. Trong khi đó, Bếtlehem, một vùng quê nhỏ bé, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp và vô cùng vinh dự khi được Đấng Cứu Thế chọn làm nơi hạ sinh.

Điều tương phản thứ hai chính là sự tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo. Các bậc chức sắc thông thạo Kinh Thánh, nhưng sự hiểu biết của họ chỉ trên môi miệng chứ không có hành động. Ngôi sao đã báo hiệu Đấng Cứu Thế đã xuất hiện nhưng họ chỉ ngồi im, không chịu lên đường tìm kiếm Người. Một thái độ hời hợt, khác với những gì họ rao giảng. Chính vì thế mà họ không bao giờ gặp được Đấng Cứu Thế đích thực. Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, họ không am tường Kinh Thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, họ có một tấm lòng thành đáng trân trọng. Chính vì thế nên họ đã gặp được Đấng Cứu Thế.

Điều tương phản thứ ba chính là sự tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là vua, nhưng ông là một vị vua của cõi tạm với những bất toàn của con người. Ông luôn nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác với những âm mưu đầy nham hiểm mang đầy dã tâm của ma quỷ. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua của muôn Vua, Chúa của các chúa lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần, đặc biệt những con người đơn sơ, bé nhỏ và nghèo hèn, những con người bên lề xã hội.

Và còn rất nhiều điều tương phản khác nữa xảy ra trong ngày Chúa Hiển Dung. Tất cả những tương phản ấy đáng cho mỗi người chúng ta suy nghĩ. Đấng Cứu Thế không đến theo suy nghĩ và sự sắp xếp của con người, nhưng hoàn toàn bất ngờ. Chúa Cứu Thế cũng không đến trong những cung điện nguy nga sang trọng với kẻ hầu người hạ, chăn ấm nệm êm nhưng đến trong một nơi hết sức đơn sơ nghèo nàn, nếu không muốn nói là tối tăm và đầy dơ bẩn là chuồng bò. Chúa Cứu Thế cũng không đến để mưu cầu quyền lực của thế gian nhưng là trong sự thấp hèn, khiêm nhu và vâng phục.

Ngày lễ Chúa Hiển Linh hôm nay cũng nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta, những Kitô hữu đang trên hành trình lữ thứ trần gian biết rằng, để gặp được Đấng Cứu Thế và được sống vinh hiển với Người trong ngày sau hết, chúng ta cũng phải có thái độ đơn sơ bé nhỏ, lòng khát khao và sẵn sàng lên đường tìm kiếm Người như các Đạo Sĩ và Mục Đồng xưa kia.

Họ là những người đã gặp được Chúa bởi vì họ đã sẵn sàng lên đường. Dù không biết lời ngôn sứ loan báo, không biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ ngoan ngoãn tuân theo ơn Chúa soi sáng. Lên đường nói lên thái độ dấn thân. Lên đường nói lên lòng cương quyết đi tìm. Lên đường là chấp nhận gian khổ để đạt được điều mơ ước.

Họ là những người gặp được Chúa bởi vì lòng họ luôn khao khát và hy vọng. Khao khát chân lý nên đêm đêm họ không ngừng quan sát bầu trời tìm kiếm ánh sao, vì thế cả một bầu trời bao la, chỉ một ánh sao lạ xuất hiện, họ đã nhận biết. Khao khát chân lý nên khi Chúa vừa tỏ mình qua dấu hiệu ngôi sao, họ đã vội vã theo sát dấu ánh sao đi tìm. Khao khát gặp Chúa nên khi ánh sao vụt biến mất, họ đã không nản lòng, quyết tâm dò hỏi cho ra.

Họ là những người đã gặp Chúa bởi vì tâm hồn họ đơn sơ thành thực. Đi tìm Chúa chứ không tìm bản thân. Đi tìm Chúa để thỏa lòng khao khát chân lý chứ không để thỏa mãn những tham vọng đen tối. Đi tìm Chúa để thờ lạy Chúa chứ không vì lợi lộc cá nhân. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra ý Chúa, dù ý Chúa chỉ nhẹ nhàng qua một ánh sao. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra chính Chúa, dù Chúa có ẩn thân dưới hình dáng một hài nhi yếu ớt nghèo nàn, trong khung cảnh rất tồi tàn của chuồng bò hôi hám.

Lạy Đức Giêsu, xin cho mỗi người chúng con cũng luôn có lòng khát khao tìm kiếm Chúa trong tinh thần vui mừng và hy vọng, sẵn sàng dấn thân lên đường và khiêm nhường bằng chính đời sống chứng nhân của chúng con. Amen.


 

ĐÓN NHẬN HAY TỪ CHỐI (Lm. Phê-rô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)

Mừng lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã mạc khải cho chúng ta biết về chính Người qua Đức Giê-su Ki-tô. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1 dạy rằng: “Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc. Do đó, Người đã đến với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Người, … Người đã cử Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Ngài”.

Thiên Chúa đã đến với con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đón nhận Người vào trong cuộc đời của mình. Bài Tin Mừng hôm nay đã minh chứng cho chúng ta thấy con người dùng sự tự do của mình để đón nhận hay từ chối Thiên Chúa. Mẫu người nào đã đón nhận và mẫu người nào đã từ chối? Hai mẫu người này đã có sự khác biệt rất lớn trong tình yêu thương.

Người thành tâm sẽ tìm gặp được Thiên Chúa. Ngôi sao là vật thể mà mọi người có thể thấy. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem đã nhận ra dấu lạ của ngôi sao chỉ cho họ biết Đấng Ki-tô được sinh ra cho con người và họ đã tìm đến để thờ lạy. Con mắt của các nhà chiêm tinh cũng giống như con mắt của vua Hê-rô-đê và những người thân cận của vua, nhưng các nhà chiêm tinh nhìn sự vật dưới ánh mắt đức tin, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, tin và đón nhận Người. Tính thành tâm hay không thành tâm sẽ đưa con người đến một thái độ sống khác nhau. Người thành tâm có sự quảng đại và tìm được an vui trong đời sống vì họ gặp gỡ được Thiên Chúa là gặp gỡ được chính mình.

Người khao khát gặp gỡ Thiên Chúa sẽ đi trong đường lối của Người. Đoạn kết của bài Tin Mừng nói lên niềm hạnh phúc cho người có lòng thành “họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa” (Mt 2,12), đồng nghĩa là Thiên Chúa đã dẫn dắt họ không gặp điều ác hại, đưa họ “đi lối khác mà về xứ mình” (x. Mt 2,12), về lại với lòng chân thành của mình.

Kẻ mưu mô và cao ngạo sẽ không có được Thiên Chúa làm lẽ sống cho cuộc đời. Các nhà chiêm tinh đại diện cho những người thành tâm thiện chí đón nhận chân lý. Họ thuộc về những con người đơn sơ nhận ra giới hạn của mình và khát vọng tìm kiếm sự thật. Ngược lại, vua Hê-rô-đê đại diện cho những con người khát vọng quyền lực và tham vọng bất chính, tâm họ không an vì sợ, nên đã sống hai mặt “để tôi cũng bái lạy Người” (Mt 2,8), nhưng kỳ thực để giết hại Người. Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận nói trong cuốn sách Đường Hy vọng, số 511: “Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con”. Thiết nghĩ, người tâm tà thì làm sao có thể trở thành mưu ích cho anh chị em đồng loại được?

Kẻ từ chối Thiên Chúa sẽ sống trong tham vọng bất chính. Rõ ràng vua Hê-rô-đê đã có tất cả theo chiều kích trần thế, nhưng không có được một trái tim an, một tâm hồn thiện lành, nên ông không thể nhận ra được sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng Cứu Thế, Người mà nhân loại trông chờ qua bao thế hệ. Chính sự tự mãn và an nghỉ trên quyền lực của con người, nên mắt vua đã nhìn thấy mà không thấy về sự khác lạ của ngôi sao. Thật chí lý khi nói: “Nắm vững đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian” (Đường Hy Vọng, số 273). Quả thực, vua Hê-rô-đê đã lầm lạc và cuồng điên khi phủ nhận chân lý, ông đã không được các nhà chiêm tinh trở lại và báo cho biết về Đấng Cứu Thế. Sự vô vọng của kẻ cuồng vọng đưa đến tội ác phản nghịch với Thiên Chúa. Câu chuyện về kẻ chối từ Thiên Chúa kết thúc thật buồn: “Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 1,16).

Gẫm mà xem! Xã hội loài người tự cổ chí kim, con người luôn phải đau khổ với hạng người sống ngoài ánh sáng chân lý bởi tính cuồng vọng và tham lam của họ. Tâm hồn họ không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ đã gây ra bao tội ác cho nhân loại. Chúng ta không cần phải liệt kê danh sách về những con người đó, nhưng nhẩm tính mười ngón tay không đủ để làm phép tính cộng.

Quay trở lại với một thực tại, nhìn vào đoàn thể và trong gia đình vẫn còn đó những “vua Hê-rô-đê” gây nên bao đau thương cho anh chị em của mình, mà lắm lúc họ không hề hay biết vì họ xa vào cám dỗ chệch hướng. Loại cám dỗ này có khi mang sắc màu tươi đẹp của một công việc tốt lành và cho là một lý tưởng cao quý, nhưng mục đích cuối cùng không phải thuộc chân lý. Người phạm tội này vẫn không thể nhận ra tội lỗi của mình bởi tính tự phụ và tư lợi đã xâm chiếm tâm hồn họ.

Đi vào một thực tại là chính tôi. Tự hỏi tôi có an nhiên thực sự trong ơn gọi của tôi không? An nhiên đích thực của một người tin nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ là an nhiên của người tự do làm con cái Thiên Chúa. An nhiên thực là tâm hồn không bị lay động trước những thực tại của xã hội đầy danh và lợi. An nhiên thực là tôi không làm mục vụ cầm chừng và an trú trong chức vụ để bảo toàn khát vọng riêng của mình. An nhiên thực là tôi không chối bỏ bản chất ơn gọi của một Ki-tô hữu hay một tu sĩ nhưng sống trọn chức phận của mình trong lời mời gọi của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con có được một tâm hồn chân thành và khao khát tìm Chúa trong cuộc đời chúng con, để chúng con có thể sống trong đường lối của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa xuống trên mỗi người chúng con, dẫn chúng con đến bên Chúa Giê-su để chúng con thờ lạy Người như khi xưa Chúa đã dẫn các nhà chiêm tinh đến bên Chúa Hài Đồng để các ông thờ lạy bằng một tâm hồn tin yêu và chân thành. Amen.


 

THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI TRÊN CON ĐƯỜNG TÌM KIẾM CHÚA (Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thuật, SVD)

Chúng ta vừa mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh, một ân sủng tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngày hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh, mà chúng ta thường gọi là lễ Ba Vua. Lễ Hiển Linh là ngày lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho Dân riêng của Ngài mà còn cho muôn dân.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cho thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ của Ngài như vinh quang cho Giêrusalem và như ánh sáng cho muôn dân. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu của ngài về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Theo mầu nhiệm này, Thiên Chúa chọn dân Do Thái như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời; nhưng khi Ngài đến, Ngài sẽ ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người qua niềm tin của họ vào Đức Kitô.Qua bài Tin Mừng của Thánh Mátthêu, chúng ta thấy hình ảnh ba nhà đạo sĩ lên đường tìm kiếm Hài Nhi nhờ ngôi sao lạ dẫn đường. Xen kẽ vào đó là thái độ thờ ơ lạnh nhạt của dân Do Thái và sự gian xảo, độc ác, bày mưu lập kế của vua Hêrôđê. Cho nên, trong bài chia sẻ ngày hôm nay, tôi muốn đưa ra hai thái độ để chúng ta cùng nhau chiêm ngắm, một làthái độ khao khát tìm kiếm Chúa của các nhà chiêm tinh và hai làthái độ bày mưu lập kế để giết Chúa Hài Đồng của vua Hêrôđê.

  1. Các nhà chiêm tinh khao khát tìm kiếm Chúa

Tin Mừng Mátthêu thuật lại câu chuyện ba nhà chiêm tinh hăng hái lên đường tìm kiếm Chúa Hài Đồng để bái lạy. Hành trình của các nhà chiêm tinh trái ngược với hình ảnh thờ ơ lạnh nhạt của dân Do Thái thời bấy giờ, cách riêng các thượng tế và kinh sư. Người Do Thái trông chờ từng ngày, từng giờ, từng phút và chuẩn bị cho việc đón Đấng Cứu Thế ra đời. Họ trông chờ nhưng họ không tìm kiếm. Ngay thời điểm đó, họ bằng lòng với cuộc sống thực tại, xa hoa, phú quý và không nhất thiết cần đến ánh sáng của sự sống, ánh sáng của sự thật và chân lý. Hình ảnh các nhà chiêm tinh tìm kiếm Chúa cho thấy nỗi lòng của những ai khao khát tìm kiếm ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Mátthêu thuật lại một cách cặn kẽ: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđa, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,1-2). Họ không sợ đường xa, trời tối, nguy hiểm, gió lạnh mùa đông, và nhất là theo dấu một vì sao mong manh. Họ không nản lòng khi mất dấu ngôi sao; họ vào Thành Giêrusalem với hy vọng sẽ tìm được Ngài trong lịch sử. Và khi được hướng dẫn của Kinh Thánh (Mk 5:1), họ lại tiếp tục lên đường. Họ mừng vui khi thấy ngôi sao tái xuất hiện, và họ đã thấy Hài Nhi. Lòng khao khát, sự hy sinh, mong chờ của họ đã được đền đáp bằng việc diện kiến thánh nhan của Ngôi Lời Nhập Thể.

Hành trình tìm kiếm Ngôi Lời Nhập Thể cũng giống như hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ngày xưa, nhờ ngôi sao lạ mà các nhà chiêm tinh tìm được Chúa. Ngày hôm nay, ngôi sao dẫn đường cho chúng ta chính là Tin Mừng của Chúa. Chúng ta phải hăng hái nhiệt thành tìm hiểu lời Chúa,bởi vì lời Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta tới cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật, là sự sống đời đời. Cho nên, trách nhiệm của mỗi người chúng ta là phải trở thành ngọn đèn chiếu sáng, là cầu nối tình yêu, là ngôi sao lạ dẫn đưa mọi người chạy đến với Ngôi Lời Nhập Thể. Chúng ta phải siêng năng đọc lời Chúa, tìm hiểu cặn kẽ Lời của Ngài để hiểu được thánh ý của Ngài muốn nói với chúng ta những gì để chúng ta sống và đem ra thực hành.

  1. Vua Hêrôđê bày mưu lập kế để giết Chúa Hài Đồng

Khi nghe tin Đức Giêsu chào đời, vua Hêrôđê cảm thấy bối rối và lo sợ. Ông lo sợ cho quyền lợi của mình bị đánh mất, lo sợ cho chiếc ghế của mình bị lung lay. Cho nên, ông đã bày mưu lập kế để tiêu diệt vị vua sắp sinh này. “Bấy giờ Vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng:Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2,7-8). Bản chất của một con người ích kỷ, độc ác, vun vén cho tư lợi của bản thân lập tức trỗi dậy trong con người của vua Hêrôđê. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nếu không cẩn thận chúng ta cũng có thể trở thành một Hêrôđê đích thực. Chúng ta không bày mưu lập kế để giết Chúa Hài Đồng nhưng chúng ta đang hủy hoại đường hướng, lối sống và công trình của Ngài ở trần gian. Nếu chúng ta không có niềm tin xác tín, một lòng yêu mến Chúa tuyệt đối, chúng ta dễ rơi vào lối suy nghĩ của vua Hêrôđê năm xưa.

Thiết nghĩ, Ngôi Lời Nhập Thể không cần châu báu, vàng bạc, quyền hành để cai trị nhưng Ngài đến để cứu vớt nhân loại. Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra trong máng cỏ để cứu tội lỗi mà chúng ta trót phạm làm mất lòng Chúa. Cho nên, mỗi người chúng ta cần phải ý thức được nếp sống của mình, ý thức mình là con cái của Thiên Chúa, con cái của ánh sáng. Cũng giống thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêxô đã nói rằng: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc ấy ra mới đúng, vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã nhục rồi…. Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5,8-17).

Trong cuộc sống, không phải cứ có đạo là gặp được Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường. Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các ngài có tâm hồn thiện chí.

Ước gì mỗi người chúng ta qua ánh sáng lời Chúa ngày hôm nay cũng biết học hỏi gương của các nhà chiêm tinh, hăng hái lên đường để tìm kiếm Chúa, tìm kiếm ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại. Ước gì chúng ta đừng lặp lại lỗi lầm của người Do Thái, mơ ước một vị vua quyền thế và cao sang, một vị vua chỉ dành cho người Do Thái hay các Kitô hữu, mà chúng ta phải biết rằng Thiên Chúa là của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của kẻ lành cũng như người bất lương. Vì Con Thiên Chúa đến để cứu vớt chứ không phải để lên án hay loại bỏ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con là ngôi sao dẫn đường, là ngọn đèn của Chúa, là ánh sáng của sự thật, là men là muối ướp mặn cho người và cho đời, để mọi người nhìn vào đời sống của chúng con mà nhận biết được sự Nhập Thể của Con Ngài. Xin cho chúng con có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.


 

ÁNH SÁNG CỦA NGÔI SAO LẠ  (Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD)

Tin Mừng Mátthêu hôm nay diễn tả cảnh những nhà đạo sĩ đến từ Phương Đông theo ánh sáng của ngôi sao lạ để tìm gặp vị Vua mới là Đức Giêsu. Theo truyền thống Kinh Thánh và các Giáo Phụ, những đạo sĩ này đến từ vùng đất Babilon. Họ chuyên về thuật bói toán và chiêm tinh. Những vị này cũng có am hiểu ít nhiều về văn hoá Do Thái, đặc biệt là việc tiên báo một vị vua Israel sẽ xuất hiện. Những đạo sĩ này đi theo ánh sáng ngôi sao dẫn đường đến Giêrusalem. Sau khi gặp vua Hêrôđê, các luật sĩ và các thượng tế Do Thái, họ tiếp tục lên đường tới miền đất Bêlem. Sự xuất hiện của các đạo sĩ và những câu hỏi của họ về nơi sinh của vị vua Israel (Mt 2,2a) đã làm cho vua Hêrôđê và các vị lãnh đạo Do Thái Giáo bối rối, thậm chí cả dân thành Giêrusalem cũng hoang mang.

Sau lời cật vấn của những đạo sĩ đến từ Phương Đông, các tư tế và luật sĩ biết rằng theo Kinh Thánh thì Đấng Mêsia sẽ được sinh ra tại Bêlem, vùng đất cách Giêrusalem 7km về phía Nam; đây cũng là quê hương của vua Đavít: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (x. Mk 5,1-3). Mặc dù Kinh Thánh đã mặc khải về Đấng Mêsia cách minh nhiên thế nhưng các vị lãnh đạo Do Thái Giáo bấy giờ không tin. Điều này cũng tiếp tục xảy ra từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai cho đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Người Do Thái đương thời vẫn không tin, thậm chí tìm cách triệt hạ Đức Kitô và những kẻ theo Ngài.

Trái lại, khi biết được chi tiết nơi sinh của vị Vua mới, các đạo sĩ đã lên đường tìm kiếm. Bất chấp thông điệp mơ hồ của vì sao, các đạo sĩ ngoại giáo đã không ngại khó nhọc để kiếm tìm. Họ đầy lòng nhiệt tâm và sự kiên trì trong cuộc tìm kiếm này; đồng thời, khi kiếm được họ cũng cho thấy niềm vui khôn tả (x. Mt 2,10). Họ vào nhà thấy Hài Nhi và Bà Maria, Mẹ Người – một khung cảnh bên ngoài chẳng có gợi lên sự lộng lẫy nơi cung vua phủ chúa. Họ không thắc mắc trẻ này là ai nhưng lại thờ lạy và dâng lên Người: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hành động “sấp mình thờ lạy” và “dâng” những lễ phẩm mang theo từ xứ sở mình thể hiện lòng tuân phục tuyệt đối với vị Vua mới ra đời. Theo thói quen của văn hóa Phương Đông, sau khi yết bái vua là dâng lễ vật gồm vàng, nhũ hương và mộc dược. Đây là những lễ vật thích hợp với một vị vua. Theo truyền thống Giáo Hội và các Giáo Phụ, những lễ vật đó có những ý nghĩa biểu tượng riêng: vàng biểu lộ cho vương quyền; nhũ hương cho thấy thần tính; và mộc dược biểu trưng cho việc mai táng của Chúa Giêsu. Sau khi được báo mộng là hãy theo đường khác mà trở về quê hương, các đạo sĩ không còn được Kinh Thánh nhắc thêm nữa.

Ngày xưa các đạo sĩ phải vất vả đi theo ánh sáng của ngôi sao lạ dẫn đường để đến được Bêlem. Ngày nay, qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Lời Chúa, chúng ta tìm gặp được Đức Kitô mà không cần bỏ quá nhiều sức lực, tốn kém thời gian. Tuy nhiên, để tìm gặp được Chúa và đón nhận Lời Ngài, chúng ta cần biết mở rộng tâm hồn với lòng kiêm tốn, tín thác vào Ngài; trông cậy và yêu mến Ngài bằng cả con tim của những người con thảo.

Khi sinh ra trong máng cỏ khó nghèo, Chúa đã mặc khải qua ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ đến từ phương Đông là những người dân ngoại. Thiên Chúa giáng thế làm người không dành riêng cho một ai nhưng để chuộc tội cho hết mọi người. Ngài sinh ra là một Tin Mừng cho hết mọi hạng người. Là những chứng nhân cho Tin Mừng trong Dòng Truyền Giáo, chúng ta biết rằng sứ vụ tông đồ cũng không có ranh giới phân cách, không có kỳ thị. Quả vậy, việc truyền bá Tin Mừng cho dân ngoại đã được ngôn sứ Isaia tiên báo từ thuở xưa như bài đọc thứ nhất:“Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi” (Is 60,3). Điều này càng rõ ràng hơn ở bài đọc 2 khi thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 3,6).

Các đạo sĩ nhìn lên ngôi sao dẫn đường để đến nơi Đấng Cứu Thế đã sinh ra, họ gặp Hài Nhi bé bỏng được đặt trong máng cỏ. Ngày hôm nay, cuộc sống của chúng ta cũng được “ngôi sao lạ” dẫn đường bằng các dấu chỉ của thời đại, tiếng nói lương tâm, những luật tự nhiên và huấn quyền để chúng ta đi tìm chân lý là chính Đức Kitô. Đôi khi chính chúng ta cũng là những ngôi sao dẫn đường cho những người anh em chưa nhận biết được Tin Mừng. Điều đó thể hiện qua đời sống hy sinh, cầu nguyện và những việc làm hàng ngày nơi chúng ta đang sống, học tập và làm việc. Cha ông ta từng dạy rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, chính những việc làm tốt lành đó như ánh sáng chiếu tỏa, thu hút những anh em khác đang còn tìm kiếm chân lý Chúa.

Tuy nhiên, nếu để tâm hồn nhuốm màu tham, sân, si, người ta khó nhận ra ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa. Điều đó cũng giống như vua Hêrôđê, những lãnh đạo Do Thái Giáo và cả thành Giêrusalem xưa; họ đã nghe, hiểu Lời Chúa nhưng họ không làm theo vì ý riêng của họ đã che lấp hết thánh ý mà Thiên Chúa soi sáng cho họ.

Khi các đạo sĩ gặp một Hài Nhi trong cảnh nghèo hèn, các ông đã nhận ra đó là Đấng Cứu Thế và đã dâng tiến lễ vật quý. Trong thế giới hôm nay, chúng ta vẫn còn đối diện với sự phân biệt giàu nghèo; sự vô cảm giữa con người với nhau ngày càng lớn. Do vậy, người Kitô hữu phải mặc lấy tinh thần của Chúa Kitô là biết sống tinh thần nghèo khó và biết chia sẻ cùng tha nhân. Qua những con người nghèo khó, đáng thương, chúng ta có thể tìm và gặp được Chúa Giêsu vì “khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát, các người đã cho Ta uống…” (Mt 25,35).

Qua lời báo mộng “đừng trở lại với Hêrôđê”, các đạo sĩ đã qua đường khác mà trở về xứ mình. Mỗi lần tìm gặp được Chúa, chúng ta cũng cần để Chúa soi dẫn và biết lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn để từ bỏ lối sống cũ tham, sân, si, đam mê xác thịt, thế gian và ma quỷ để mặc lấy con người mới trong Đức Giêsu Kitô.

Chúa đã mặc khải ánh sáng của ngôi sao lạ để dọi chiếu cho những vị đạo sĩ tìm đúng nơi Ngài đã sinh hạ. Xin Chúa giúp chúng ta biết cởi mở tâm hồn để đón nhận thánh ý Chúa và xin cũng cho chúng ta nhận ra Đức Kitô nơi mỗi người, trong những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Ngày 6/1, trước Lễ Hiển Linh)
Bài tiếp theoTuần Cửu Nhật Mừng Lễ Thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (ngày 15/1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây